kết quả từ 1 tới 6 trên 6

Ðề tài: GS. Trần Quốc Vượng - "mõ làng" của Hà Nội

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định GS. Trần Quốc Vượng - "mõ làng" của Hà Nội

    GS. Trần Quốc Vượng - "mõ làng" của Hà Nội
    16:40' 07/06/2004 (GMT+7)


    Nhắc đến hội hoạ cận đại, dân chơi tranh thường nhớ đến bốn danh hoạ là “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”. Còn nhắc đến giới sử gia đương đại, người ta thường nói đến “tứ trụ” là “Lâm, Lê, Tấn, Vượng”. Trong “tứ trụ” này, Giáo sư Trần Quốc Vượng được coi là người “khởi nguồn” của lịch sử khảo cổ học Việt Nam. Từ cái “gốc” là khảo cổ, ông trở thành cây đại thụ nghiên cứu về văn hoá dân gian… Nhưng hỏi “ông đích thực là nhà gì?”, ông bảo “Tay “mõ làng” của Hà Nội”…


    Một trong “Tứ trụ”


    GS. Trần Quốc Vượng.

    - Thưa ông, nghe nói thủa nhỏ ông học toán rất giỏi, tại sao ông lại trở thành một sử gia?

    - Đúng là thủa nhỏ tôi học rất giỏi Toán - Lý. Tự đọc sách Tây hết chương trình toán học đại cương, sau đó xin thi vào trường dự bị Đại học, ngành Toán - Lý. Tuy nhiên ngồi chưa ấm chỗ, đùng một cái nhận được điện của cha, chuẩn bị đi học nước ngoài (Năm 1950, cán bộ cao cấp đều có tiêu chuẩn cho con đi học nước ngoài). Nhận điện tôi suy nghĩ rất nhiều, thời bấy giờ gọi là “đấu tranh tư tưởng”, rồi quyết định không đi. Mấy thằng bạn hỏi vì sao ở đây khổ thế mà không đi, tôi bảo: “Tao học giỏi, công tác xã hội tốt, lúc nào cũng giữ chức thường vụ hiệu đoàn. Thế sao không cử chính tao đi, mà lại cử “con của bố tao đi”. Cử tao đi tao đi liền, nhưng cử con của bố tao đi thì tao không đi. Tao không nhờ bố…”. Chuyện đến tai GS. Trần Văn Giàu, cụ gọi lên gật gù: “Chú khá đấy!. Nhưng như thế Đảng cử chú sang học Văn khoa, vừa học vừa tham gia thường vụ hiệu đoàn”. Vừa quý ông, vừa sợ ông, tôi đành cúi đầu không nói lại nửa câu, ra về tự bảo: “Thì học Văn khoa, cần quái gì”.

    - Và thế là ông trở thành một trong “tứ trụ” của làng sử đương đại Việt Nam?

    - Đó là loại chuyện huyền thoại ấy mà.

    - Nhưng huyền thoại ấy do đâu mà có?

    - Có lần trong một cuộc hội thảo quốc tế, do GS. Chu (Hàn Quốc) chủ trì, trước khi các đại biểu đọc tham luận, ông Chu đều có giới thiệu trích ngang, riêng tôi thì ông ấy chỉ giới thiệu Giáo sư Trần Quốc Vượng, vì ông Vượng là một trong “tứ trụ” nổi tiếng, cả thế giới biết rồi. Kết thúc hội thảo, tôi gặp ông Chu hỏi “vì sao biết tứ trụ”?, ông ấy trả lời “Tôi đã sống ở Việt Nam bảy năm rồi ông Vượng ơi!”. Đấy, nó cứ lan truyền từ người này qua người khác như vậy. Thực tình tôi cũng không biết nó có từ bao giờ. Hỏi GS. Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê nhưng cả ba, cũng giống như tôi, đều không biết.

    - Ông không biết vì sao, nhưng chắc là ông biết “huyền thoại’ này có từ bao giờ?

    - Có lẽ nó hình thành vào cuối thập kỷ 60, khi cả bốn chúng tôi đều nổi tiếng học giỏi. Ra trường vào giữa thập kỷ 50, ba chúng tôi “Lâm, Lê, Vượng” học cùng khoá, còn Tấn học sau. Tôi đỗ thủ khoa năm1956, Tấn đỗ thủ khoa năm 1957. Sau đó, theo lệnh của khoa, tôi và Tấn góp sức xây dựng ngành Khảo cổ học của khoa Sử… Vì năm 1954, khi Pháp rút khỏi Việt Nam thì ngành Khảo cổ Việt Nam chỉ còn là con số 0, không để lại một nhà khảo cổ học nào. Tôi rất tự hào là đã lên lớp đầu tiên về Khảo cổ học Việt Nam niên khoá 1959 -1960, cùng với sự giúp đỡ tư liệu của giáo sư Hà Văn Tấn…

    - Nhưng người ta nói, trong “tứ trụ” nay chỉ còn mình ông là có ý kiến mới và sắc sảo?

    - Có lần tay Đặng Việt Bích (con trai cố Tổng Bí thư Trường Chinh) viết: “Trong “tứ trụ” chỉ còn có GS. Vượng đưa ra được ý kiến mới và sắc sảo”. Tôi gặp “thằng” Bích (chúng tôi vẫn gọi nhau như thế) bảo, “mày ăn nói thế chết tao. Mày cứ cậy là con ông nhớn…”, Bích bảo, “tôi nói chứ anh có nói đâu mà sợ!?”. Tôi bảo “đúng là mày nói, nhưng mày không biết tác dụng khách quan là mày giết tao, mày viết thế sẽ đẻ ra bao nhiêu sự đố kỵ. Mày không biết được hậu hoạ của nó đâu. Bốn thằng, bây giờ mày “chặt” ba, chỉ còn một”. Tao thì tao nói ngược lại kia...

    - Xin hỏi thật, ông đánh giá thế nào về “Tứ trụ”: Lâm - Lê - Tấn - Vượng?

    - Có lần GS. Phan Huy Lê viết thế này: “Cả bốn chúng tôi: Lâm - Lê - Tấn - Vượng, tính cách rất khác nhau, có những mặt tưởng chừng đối lập nhau. Nhưng cũng có môt sự thật mà không ai có thể phủ nhận là tôi và anh Vượng cũng như bốn chúng tôi rất hiểu nhau. Hiểu cả sở trường, sở đoản, cả cái hay cái dở của nhau. Hiểu hết cả quá trình học tập cùng nhau, nghiên cứu giảng dạy, trong cuộc sống và bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp. Và chính trên cơ sở hiểu biết sâu sắc đó, chúng tôi thân thiết với nhau trên đa dạng, bổ sung cho nhau, và chấp nhận sự khác biệt. Tôn trọng cá tính từng người”.

    Nhà tiên tri

    - Thưa ông, người ta đồn rằng năm 1982, ông đi Liên Xô thuyết trình khoa học, về nước, gặp bạn bè ở quán cà phê Sinh, ông rỉ tai: “Chế độ Xô Viết không thể nào Viable (ý nói không thọ) được!”. Ông là nhà tiên tri?

    - Nhiều người qua Liên Xô thời ấy về đều có linh cảm như vậy chứ không phải chỉ riêng tôi đâu. Một xã hội lành mạnh, dân chủ không thể được xây trên một nền tảng dối trá.

    - Có bao giờ chính những lời tiên tri của ông làm hại ông không?


    - Đầu năm 1983, GS. Phạm Huy Thông cho đăng bài viết của tôi ở trang đầu Tập san khảo cổ học. Sau đó tôi bị “quy” mấy tội: chống Chủ nghĩa Mác, vì tôi dám bảo “công hữu hoá là bóc lột”; chống công nghiệp hoá, vì tôi bảo “nông nghiệp vẫn phải là mặt trận hàng đầu”; chống chính quyền vô sản, vì tôi bảo “chuyên quyền đẻ ra tham nhũng”. Vụ án “văn tự” này kéo dài chừng ba năm, không có kết luận. Cuối năm 1986, khi Đại hội Đảng VI kết luận lại trong nghị quyết “Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”, GS. Thông đã mỉa mai trong một cuộc hội thảo lớn: “Thế bây giờ anh Vượng đúng hay các anh đúng”…

    - Có lần GS. Phan Huy Lê nói rằng ông đã từng “xem tướng” cho Cựu Tổng thống Liên Xô M.X. Goocbachov?

    - Năm 1990, Goocbachov được trao giải thưởng Nobel hoà bình. Trước mặt mấy giáo sư của Mỹ, tôi tuyên bố: “Chuyện các ông cho Goocbachov giải Nobel đó là chuyện của các ông, nhưng tôi đoán chắc chắn sang năm “thằng cha” này mất chức”. Mấy ông kia vặn lại: “Ông dựa vào tình hình chính trị hay gì mà khẳng định vậy?”. Tôi bảo: “Chẳng có chính trị, chính em gì hết, nhìn là biết liền: “cha” này tuổi Mùi (sinh 1931), sang năm có hạn lớn”. Tôi chưa nhìn trực tiếp Goocbachov, nhưng qua tivi thì thấy “cha” này có cái bớt đỏ ở trán, cứ nhìn cái bớt ấy thì không quá một năm nữa là mất chức. Sau này Goocbachov mất chức thật. Mấy tay giáo sư Mỹ gặp tôi phát hoảng.

    - Ông căn cứ vào hình dạng có thể đoán được tướng số?

    - Tôi có hiểu biết về tử vi, tướng số…

    - Người ta bảo, người Mỹ đã nhờ giáo sư chọn đất làm đại sứ quán ở Hà Nội?

    - Đầu tiên là một tay ở hãng truyền thông của Đức, khi vào Việt Nam làm ăn, “tay” giám đốc đến gặp tôi hỏi xem ngày nào, giờ nào tốt để khai trương. Tôi cười bảo: “Ông là người Đức. Tôi tưởng người Đức thì rất duy lý”. “Nó” bảo: “Tôi thực tế hay duy lý thì ông không cần biết, mà tôi là giám đốc thì hôm khai trương tôi phải nói: “Hôm nay ngày lành, tháng tốt, tôi đã nhờ GS. Trần Quốc Vượng xem rồi. Nói được như thế thì dân ông rất tin. Mà như thế bán hàng sẽ rất chạy”. Còn chuyện của Đại sứ quán Mỹ là thế này: trước đây họ ở đường Hai Bà Trưng (Hà Nội), hôm gặp một “tay” cán bộ đại sứ quán Mỹ, tôi mới hỏi: nghe nói các ông sắp sửa đổi sứ quán, từ đường Láng đi nơi khác. Có phải các ông đang định mua lại nhà máy Trần Hưng Đạo không?. “Nó” bảo: đúng. Tôi bảo: đừng có đặt đại sứ quán ở đó. Vì đó là cái Đàn Nam giao thời Lê đấy. “Mày” mà làm sứ quán ở đấy thì "mày “chết ngay”(cười)...

    Bốn lần từ chối làm “quan”!

    - Rất tài hoa, nhưng gần 50 năm nay, ông vẫn chỉ là một giáo sư “trơn”. Nghe nói đã có lần ông khước từ “làm quan”?

    - Thực ra thì có tới 4 lần tôi đã từ chối “làm quan”. Vì tôi biết, tính khí tôi như thế không thể làm quản lý, lãnh đạo được.

    - Ông có thể kể cụ thể hơn không?

    - Lần thứ nhất cụ Trần Huy Liệu mời tôi sang làm Viện trưởng Viện khảo cổ Việt Nam, tôi bảo: “Tôi biết tôi không thể nào làm trưởng được vì tôi không phải là đảng viên, và tôi cũng không thích làm trưởng, không thích làm quản lý”. Một lần khác, ông Hà Huy Giáp cũng bảo: “Anh Vượng ơi, tôi muốn mời anh sang phụ trách Viện bảo tàng lịch sử quốc gia”. Tôi bảo: “Thầy Liệu thì mời sang Viện khảo cổ, còn anh lại mời sang đó. Tôi đã nói là tôi không làm”. Sau đó đến lượt ông Nguyễn Khánh Toàn (Chủ nhiệm Uỷ ban KHXH thời bấy giờ) mời tôi lên hỏi: “Anh không muốn làm hả?”. Tôi nói thẳng: “Trước hết là tôi không muốn làm. Hai là chưa chắc gì bên tôi đã cho đi”. Ông Toàn liền hỏi: “Bí thư Đảng đoàn bên anh là ai?”, “Dạ thưa chưa có ạ, vì Bộ trưởng Tạ Quang Bửu vừa là Bộ trưởng vừa kiêm Bí thư đảng đoàn”. Ông Toàn bảo: “Để tôi nói với Bửu một câu là xong”. Nhưng ông Bửu cũng “bướng” lắm, ông có một logic riêng “người tài thì phải để làm công tác đào tạo, mà tôi thì ông ấy xếp vào danh sách mười người rồi”.

    - Thế còn lần thứ 3 và thứ 4?

    - GS. Vũ Khiêu (khi đó là Vụ trưởng vụ Khoa học xã hội của Ban tuyên huấn TƯ), gặp tôi đi trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội), liền rủ tôi vào quán bia vỉa hè. Ông ấy bảo: “Vượng ơi, lần này không thoát được đâu Vượng ạ! Bên Bộ Văn hoá hoạt động bê bết quá, trên có ý định để tớ làm Bộ trưởng, Vượng làm Thứ trưởng. Mà tớ phân công trước là tớ phụ trách chung còn Vượng phụ trách các trường và viện nghiên cứu của Bộ…”. Tôi đến gặp PGS Bùi Đình Thanh, ông ấy lại bảo: “Sang làm gì. Vì mình từng làm phó mãi cho ông Khiêu ở Viện Xã hội học rồi, “bố” ấy chỉ chơi, đi họp quốc tế thôi. Còn ở nhà mình chỉ è cổ ra mà làm (sau này Giáo sư Vũ Khiêu làm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội)


    Lần thứ tư là ông Đào Văn Tập, người kế nhiệm ông Nguyễn Khánh Toàn, nhờ bà Hà (phu nhân Đại tướng Võ Nguyễn Giáp - NV), Bí thư chi bộ Viện Đông Nam Á, đến nói với tôi: “Anh Tập biết mình thân với Vượng, anh muốn mời Vượng về phụ trách một Viện. Nếu Vượng đồng ý thì anh ấy sẽ tiếp xúc với Vượng”. Tôi lại phải nói thẳng: “Chị cứ bảo với ông ấy là tôi không thích làm quan, đã ba lần tôi từ chối rồi”. Bà Hà bảo: “Ông ấy biết, nhưng vẫn muốn mời, nếu Vượng gật thì ông ấy gặp Vượng”. Tôi bảo: “Không bao giờ gật”.

    "Mõ làng" của Hà Nội!

    - Tại sao nhiều người lại gọi ông là tay “mõ làng” của Hà Nội?

    - Có lẽ là do tôi hay la làng chăng?

    - Bắt đầu từ bao giờ, thưa ông?

    - Năm 1987, trên báo Quân đội Nhân dân đăng bài “Bức thư ngỏ gửi Chủ tịch thành phố Hà Nội” của tôi, phản đối việc xây dựng một công trình phá vỡ di tích chùa Một Cột. Bài đăng hôm trước, hôm sau tôi được Chủ tịch thành phố Nguyễn Thanh Bình triệu lên giữa trưa. Tôi ngồi, còn ông Bình đứng. Ông ấy nói: “Anh Vượng ơi, tôi khuyên anh nên đổi cái giọng nói và viết ấy đi. Cái lối nói của anh thì công nhân nói được, còn anh là đại trí thức mà anh lại nói như thế à? Nói thế thì tôi nghe được chứ mọi người không nghe được đâu”. Nghe thế tôi đã cáu “mổ” lại ngay: “Đảng ta nói trí thức là của công nông. Thế mà anh lại nói “công nông nói được”, còn tôi là trí thức của công nông mà tôi lại không nói được. Còn anh nghe được thì mọi người cũng nghe được. Tôi thì tôi “đồ chừng anh không nghe được, chứ không phải công nhân không nghe được”. Kể từ đó, người ta cho tôi là thằng “gàn”. Một lần, có ông to lắm, nói với tôi: “Anh Vượng ơi, tôi nghe người ta nói suốt ngày anh đi ngoài đường?” (cái gì họ cũng bảo “nghe có người nói”), tôi bảo: “Cái thằng chó nào nói thế, nói suốt ngày tôi đi ngoài đường tức là suốt ngày nó cũng đi ngoài đường, phải thế thì nó mới biết tôi suốt ngày đi ngoài đường chứ”. Thà cứ nói như GS. Hà Văn Tấn “không biết ông Vượng ông ấy viết vào lúc nào?”, thế lại còn dễ nghe. Cái đồng hồ sinh học của mỗi người khác nhau, tôi hay viết về đêm, viết từ tối cho đến 4h sáng. Cứ ngồi nhâm nhi tí rượu là viết thôi.


    - Từ bức thư đó, cùng với những công trình nghiên cứu về văn hoá, lịch sử của Hà Nội, có người đã gọi ông là “nhà Hà Nội học đích thực”?

    - Có lần giáo sư Đinh Xuân Lâm nói với tôi: “Cái tay Phúc (nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc - NV) chẳng có “chức tước” gì, nên tôi phong cậu ấy là “nhà Hà Nội học”, nhưng chính anh mới là nhà Hà Nội học đích thực”. Thực tình, tôi nghiên cứu về Hà Nội từ bốn, năm mươi năm nay rồi. Nên sau này, có người viết “Trần Quốc Vượng, nhà Hà Nội học đích thực” là thế.

    - Thưa ông, có người cứ trách móc rằng: “Ông Vượng viết gì chẳng viết toàn bới móc chuyện của bạn bè, người thân ra để bêu riếu”...

    - Có lần người ta gọi tôi tới một hội nghị để phát biểu, tôi nói thẳng: “Tôi mà đã viết cái gì, nói cái gì thì nó chỉ có là sự thật trở lên, chứ không bao giờ là sự thật trở xuống nhé. Vì sự thật “trở xuống” là tôi không viết.

    - Một nhà nghiên cứu nước ngoài từng viết “ông Vượng là người hiểu dân tộc mình nhất, nhưng cũng là người cô đơn nhất?

    - Đúng thế! Tôi có một ông bạn rất thân là Trung tướng Hoàng Điền (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục hậu cần - NV) tặng tôi hai câu thơ: “Tương thức mãn thiên hạ/ Tri âm năng kỳ nhân” (quen biết thì đầy thiên hạ, tri âm được mấy người). Tôi cô đơn vì rất ít người chia sẻ với ý kiến của mình. Ông Lê, ông Tấn là con đại địa chủ, ông Lâm là con tiểu quan lại. Còn tôi là con của một ông đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương.

    Chuyện “ăn cắp bản quyền”

    - Thưa ông, ông có nhớ là cho tới nay ông đã viết được bao nhiêu công trình không?

    - Chừng trên 30 đầu sách. Sách của tôi gồm đủ các thể loại: từ giáo trình sử, khảo cổ học, sách nghiên cứu văn hoá, con người, thú vui… đủ cả. Tuy nhiên, chẳng có ở đâu như đất nước mình, sách mình viết ra, “nó” tự tiện in, chẳng hỏi lấy một câu, một đồng nhuận bút cũng không có. Mà bọn “ăn cắp” thì cũng đủ loại.

    - Đã có trường hợp nào bị ông phát hiện chưa?

    - Nhiều chứ! Một hôm tay Huỳnh, học trò của tôi, hiện là Giám đốc nhà xuất bản Chính trị Quốc gia gọi điện hỏi: “Thầy có nhà không, em đến biếu thầy cuốn sách”. Tôi cảm ơn, vì “nó” vẫn nhớ đến mình. Quá trưa, “nó” ra về, mình mới mở ra xem. Thì ra đó là cuốn “Thăng Long Hà Nội”, chủ biên là tiến sỹ Lưu Minh Trị (nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội). Đọc xong thì hoá ra là cuốn sách của mình. “Nó” chỉ thay cái đầu bài và thêm mấy trang cuối nói về Hà Nội tiến tới năm 2010”. Tôi mới gọi điện mắng cho “nó” một trận: “Tưởng chúng mày biếu tao cuốn sách, hoá ra cuốn này là của tao. Biếu gì mà biếu…”. “Nó” bảo: “Thế thì thầy kiện đi”. Tôi bảo: “Có mà con kiến kiện củ khoai! Làm sao đối đầu được với những cha ấy”.


    Lại nữa: một lần có chị bạn ở TP.HCM “phôn” ra bảo: “Anh ra bộ Ngàn xưa văn hiến mà chả tặng em cuốn nào, thế là em phải mua”. Mình ngớ người bảo: “Chị mua giúp tôi một bộ nhé”, hoá ra là Nhà xuất bản Thanh Niên nó “ăn cắp” bản quyền của mình… Toàn “thằng” nhà xuất bản lớn, thế mà cũng ăn cắp bản quyền. Rồi Nhà xuất bản Hà Nội, tự tiện in cuốn “Hà Nội ngàn xưa”, mình tức gọi điện đến, “nó” bảo thầy cứ đến đây. Đến nó sắp sẵn sách, tiền… Không “sờ” đến thì thôi, “sờ” đến nó biết là sai, thế là chuẩn bị sẵn tiền… Đấy là chỉ những vụ mình biết, chứ còn nhiều vụ “nó” cứ in làm sao mình biết được. Mình ngần này tuổi đầu (tay đưa vuốt mái đầu bạc, cười!), chẳng lẽ cứ đi theo kiện à.

    - Sao ông không làm như ông Sơn Nam ấy: “bán phéng” toàn bộ bản quyền cho một nhà xuất bản nào đó đi?

    - Nghe đồn ông Sơn Nam bán toàn bộ bản quyền tác phẩm cho Nhà xuất bản Phương Nam, tôi nói với ông bạn thân, GS. Cao Xuân Hạo: “Tôi đi bán bản quyền tất tật cho Phương Nam cho xong chuyện”. Lấy tiền lúc cho xong, như thế cũng có khoản để mua nhà. Nhưng sau lại bán được căn hộ cũ ở Kim Liên, vay thêm vào mấy trăm triệu mua được căn hộ mới này (ông vừa mua căn hộ cả tỷ bạc tại tầng 10, chung cư 18 tầng, đường Huỳnh Thúc Kháng, HN). Bà xã tôi cũng bảo như thế, chứ không thì làm sao mình theo kiện được.

    Trần Quốc Vượng tự bạch: “Tôi sinh vào 9 giờ kém 10 phút, ngày 12/12/1934, tức là vào giờ con chó (Tuất), ngày Sáu tháng Một năm Giáp Tuất tại Hải Dương, là dòng dõi con cháu nhà Trần. Theo khoa tử vi học phương Đông cổ truyền. Số phận của tôi là ngọn lửa đầu non và thân phận của tôi là dịch chuyển. Nay vào tuổi bảy mươi, diễn biến của đời tôi đúng là như vậy. Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng một năm tôi chỉ ở Hà Nội khoảng 100 ngày, những ngày còn lại là đi khắp chốn cùng quê, đào bới, phát hiện những “tầng” văn hoá…



    Lê Thọ Bình - Bá Kiên (Theo PL TP.HCM)
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Giáo sư Trần Quốc Vượng và mối tình qua hai thế kỷ

    Tên tuổi của ông là niềm tự hào không chỉ của giới sử học Việt Nam mà còn trên nhiều giảng đường quốc tế. Đang bước vào tuổi “cổ lai hy”, nhưng thiên tình sử tuyệt vời của ông đã khiến nhiều người cảm động. Hôm nay, ông lên xe hoa... lần thứ hai, đúng ngày kỷ niệm 10 năm hai người quen nhau.
    Giáo sư Trần Quốc Vượng và mối tình qua hai thế kỷ

    Giáo sư Trần Quốc Vượng.








    Nhiều người vẫn xếp ông là một trong “tứ trụ huyền thoại” của giới sử học hiện nay: Lâm - Lê - Tấn - Vượng, (Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng). Ông không chỉ là bậc học giả uyên bác trong nhiều lĩnh vực mà còn là một người chẳng giống ai: Đã Chơi thì phải chịu chơi chớ đừng chơi chịu. Và cố gắng chơi đẹp (fair play) - như ông từng viết.

    Ngày 22/9/1993, chuông điện thoại tại nhà riêng của giáo sư Trần Quốc Vượng reo vang. Từ đầu dây bên kia, giọng một cô gái trẻ vang lên:
    - Xin lỗi thày, em tên là Bẩy ở Viện Văn hóa. Em có việc rất cần muốn gặp và nhờ thày. Em đến nhà thày ngay bây giờ được không ạ?
    Vốn là người kỹ tính, ít khi tiếp khách mà không có chuẩn bị (thậm chí, mấy người con đẻ của ông đến thăm mà không điện thoại báo trước, ông cũng kêu “đang bận” và không chịu ra mở cửa; họ đứng ngoài mãi, mỏi chân đành quay về...); nhưng hôm đó, như một định mệnh, giáo sư Trần Quốc Vượng đồng ý ngay. Thậm chí, ông còn nhiệt tình hướng dẫn đường đi, địa chỉ cho cô gái lạ kia.
    Mười lăm phút sau, người đã gọi điện xuất hiện tại nhà ông với một túi cam trên tay. Cô trạc tuổi 30, trông không quá xinh, nhưng mặn mà và rất có duyên
    - Thưa thày, em muốn thắp hương cho cô...

    Không hiểu tại cô gái đã thành kính chắp tay trước bàn thờ người vợ quá cố của mình, hay còn vì một lý do nào đó, mà Trần Quốc Vượng thực sự xúc động. Ông hỏi giọng như lạc đi:

    - Cô đến với tôi có mục đích gì?
    - Em có một người anh trai ở bên Mỹ, rất muốn em sang đó lấy chồng và kinh doanh cùng anh ấy. Nhưng em chỉ quen làm nghiên cứu, công việc của em ở Hà Nội đã ổn định rồi. Thầy thử xem giúp em là có nên đi Mỹ không?

    - Tôi đồng ý giúp. Nhưng cô phải cho tôi biết họ tên và ngày sinh tháng đẻ đã chứ.

    Chị Nguyễn Thị Bẩy.


    - Dạ, Nguyễn Thị Bẩy, sinh vào đêm mồng 9 tháng 9 năm 1963.

    - Thế lá số tử vi của cô đâu?

    - Thưa, em chưa lập lá số, em muốn nhờ thầy...
    - Vậy thì cô phải về lấy lá số mang đến cho tôi đã.

    Hai ngày sau, cô gái lại đến với một lá số tử vi được in bằng vi tính trong tay. Chẳng cần chờ đợi lâu, sau phút trầm ngâm, lúc lắc cái đầu hói, vị giáo sư phán rằng:
    - Cuộc đời em sẽ có nhiều lần xuất ngoại. Em cứ đi Mỹ đi. Nếu mà em không đi Mỹ được, thì tôi sẽ chính thức... cầu hôn em!

    Nếu câu nói ấy từ miệng một người đàn ông bình thường nói ra, rất có thể sẽ làm cho cô gái bị “sốc”, vì lời tỏ tình quá đường đột. Nhưng Trần Quốc Vượng vốn nổi tiếng là người hay hài hước, nên cô cho rằng đó là một câu đùa, liền nói đế theo:

    - Tất nhiên! Nếu “bắn súng” không nên thì thầy phải “đền đạn” cho em thôi!

    Cứ ngỡ chuyện đến thế và sẽ qua đi... Nhưng không! Hình như khi đã yêu thì trái tim của một chàng trai 18 tuổi hay của một ông lão 80 cũng đều run rẩy và khát khao như nhau... cho nên một ngày mà không nhìn thấy mặt, không nghe được tiếng người mình yêu là không chịu nổi.

    Hồi ấy, nhà của cha mẹ đẻ của Nguyễn Thị Bẩy ở số 7 phố Đoàn Nhữ Hài (Hà Nội). Cả phố này mới có mỗi gia đình nhà văn Tô Hoài ở số nhà 21 là có thuê bao điện thoại. Trần Quốc Vượng thường gọi điện thoại nhờ qua máy của gia đình Tô Hoài để liên lạc với Bẩy. Mà oái oăm là ông toàn gọi điện vào lúc đêm khuya. Trần Quốc Vượng đã phịa ra đủ thứ lý do để gặp “cô Bẩy” bằng được: “có việc rất cần”, “cần trao đổi công việc gấp”; thậm chí là: “vừa bị cảm”, “mới bị... tai nạn giao thông”!... Khổ nhất là bà vợ của nhà văn Tô Hoài thường phải xách đèn, lọ mọ sang gõ cửa nhà của Bẩy gọi đi nghe điện thoại.

    Một ngày nọ, “chàng và nàng” gặp nhau. Đang lúc say chuyện, Trần Quốc Vượng tuyên bố một câu như “đinh đóng cột”:
    - Anh mà không lấy em, sẽ chẳng có một... “thằng chó” nào lấy em đâu!
    Bẩy tức lắm, chỉ vào mặt Trần Quốc Vượng nói như quát:
    - Này, anh nhớ nhé! Rồi sẽ có một “thằng chó” lấy em cho mà xem!

    Đêm ấy trở về nhà, Bẩy nằm khóc một mình. Để “trả thù hắn”, cô đã sàng lọc trong các bạn trai, và quyết định chọn lấy một người và lấy làm chồng cho... bõ tức.
    Mấy hôm sau, Bẩy đến hỏi Trần Quốc Vượng:

    - Một đứa bạn gái của em tuổi Quý Mão, muốn chọn ngày cưới trong năm nay. Theo anh, ngày tháng nào nó tổ chức là đẹp nhất?

    Trần Quốc Vượng không hề biết và không ngờ là Bẩy lại hỏi cho chính cô. Ông bấm đốt ngón tay, lẩm bẩm tính toán, rồi thủng thẳng bảo:

    - Chỉ có mỗi ngày mồng Bẩy tháng Bẩy là được! Nhưng tuổi Quý Mão à? Trai Đinh - Nhâm - Quý thì tài, gái Đinh - Nhâm - Quý... phải “hai lần đò” đấy!
    Mặc kệ những lời của vị giáo sư nổi tiếng về tử vi nói ra, Bẩy vẫn quyết định lấy chồng. Chàng là một họa sĩ, khá nổi tiếng. Gia đình khá giả, có nhà ở ngay mặt tiền phố Bà Triệu.

    Đúng ngày Nguyễn Thị Bẩy lên xe hoa, thì Trần Quốc Vượng đang đi giảng bài ở Huế. Một người bạn đã điện thoại báo tin cho ông biết. Lúc đầu, vị Giáo sư không tin, chỉ cho rằng người bạn kia đã đùa ác ý. Nhưng bán tín bán nghi, ông điện thoại ra Hà Nội xác minh... Đó thực sự là một tin “sét đánh ngang tai”. Mặc dù là người có thần kinh thép, nhưng “cú sốc” quá mạnh đã khiến cho Trần Quốc Vượng ngất xỉu. Người ta phải vội khênh ông vào bệnh viện cấp cứu... Nhưng không một vị bác sĩ tài giỏi nào chẩn đoán đúng bệnh của Trần Quốc Vượng. Người duy nhất trên thế gian này có thể cứu ông, đó là Nguyễn Thị Bẩy. Sau này, Bẩy đã được đọc lại những dòng chữ đầy đau khổ, bày tỏ nỗi thất vọng và cả tình yêu nồng nàn mà chính tay giáo sư Trần Quốc Vượng đã viết cho cô.

    Một đêm khuya sau ngày Nguyễn Thị Bẩy lên xe hoa không lâu, gia đình bố mẹ đẻ của cô ở phố Đoàn Nhữ Hài nhận được cú điện thoại của một người đàn ông lạ. Ông ta tự giới thiệu là người của Tòa án nhân dân Hà Nội, rồi tuyên bố rằng: Đám cưới của “cô Bẩy” vừa diễn ra là không... hợp pháp; rằng nhất định ông ta sẽ yêu cầu “cô Bẩy” phải... ly hôn!

    Người anh trai của Bẩy vừa từ Mỹ về nước, nhận điện thoại đã hết sức lo lắng. Bố mẹ của cô cũng rất ngạc nhiên, vì gia đình họ vừa lắp đặt điện thoại, không hiểu sao lại có “ông Tòa án” biết được số máy này? Chỉ có điều, giọng của người đàn ông kia cứ lè nhè, nói câu nọ, lẫn câu kia. Và họ kết luận: Đó có thể là một gã say rượu, hoặc một thằng điên!

    Rất may là khi đó, Nguyễn Thị Bẩy đã về nhà chồng và đang hưởng tuần trăng mật.

    Không bao lâu, đến lượt chuông điện thoại trong căn phòng hạnh phúc của Bẩy ở phố Bà Triệu réo lên vào mỗi đêm khuya. Người gọi cho cô không ai khác là giáo sư Trần Quốc Vượng... Lúc đầu, chồng của cô hơi ngạc nhiên, bởi không hiểu có ông nào lại cứ điện thoại cho vợ mình vào lúc nửa đêm và nói dai đến vậy! Sau biết đó là vị giáo sư khả kính, thì chàng họa sĩ đoán rằng hai người trao đổi với nhau về công việc, và một đề tài nghiên cứu khoa học gì đó. Chẳng là, ông Vượng có thói quen ngủ lúc chập tối và gần sáng, thức dậy làm việc giữa đêm khuya... Trước đó, một lần nghe tin Bẩy bị ốm nghén, ông đã nhờ người đèo đến tận phòng tranh của chàng họa sĩ để thăm mà không gặp, đành chọn mua một bức tranh rẻ tiền và thông báo việc mình đồng ý hướng dẫn “cô Bẩy” làm luận án tiến sĩ về đề tài “Văn hóa ẩm thực Hà Nội”...

    Nhưng rồi, việc gì đến, cuối cùng đã phải đến: Nguyễn Thị Bẩy đã chia tay với chàng họa sĩ. Họ đã tới với nhau nhẹ nhàng và chia tay cũng như vậy. Nó giống như một chuyến đò ngang số mệnh, buộc cô phải ngồi lên sang sông để tới bến bờ hạnh phúc.

    Chị Nguyễn Thị Bẩy tâm sự: "Tôi định sẽ viết một cuốn tiểu thuyết kể lại toàn bộ mối tình kéo dài hai thế kỷ của mình với cụ Vượng, nhưng cụ ấy lại khuyên Tốt nhất là hãy chọn một nhà văn có tài, hay nhà báo giỏi nào đó, viết hộ mình cho khách quan và hay hơn”.

    Chị Bẩy thổ lộ: "Có lần cụ Vượng nói với tôi đại ý là: Có nhiều phụ nữ thích cụ, nhưng cụ ấy chỉ yêu mình tôi và muốn cưới tôi làm vợ... Tôi nói ngay rằng: Em biết “cụ” là một người rất nổi tiếng. Nhưng em chỉ lấy người đàn ông Trần Quốc Vượng làm chồng, chứ không muốn lấy cái danh Giáo sư Sử học để cho oai. Vì thế, xin “cụ” cũng đừng có mà... “tinh tướng”!

    Sau ngày cưới, đôi vợ chồng dự tính sẽ chuyển nhà từ khu tập thể Kim Liên về đường Huỳnh Thúc Kháng. Đó là một căn hộ cao cấp trên tầng 10, rộng rãi và tiện nghi hơn... “Cụ” Vượng đã có một con trai đang ở nước ngoài và hai con gái cùng lứa tuổi với chị Bẩy. Họ vẫn coi nhau như bạn bè, kể cả sau khi đã kết hôn. Chị Bẩy cũng đã có một cháu gái 5 tuổi... Chị thổ lộ: "Còn chuyện có nên sinh thêm em bé? Cho tôi được bí mật... à, mà tốt nhất là hãy dành câu trả lời này cho... cụ Vượng".



    Đặng Vương Hưng
    -------------------------------------------------------------------


    GS Trần Quốc Vượng: Người thầy thông tuệ


    Cập nhật lúc 13:47, Thứ Hai, 08/08/2005 (GMT+7)


    ,

    (VietNamNet) - Bao nhiêu dự định của thầy chưa hoàn kết? Bao nhiêu lứa học trò trông chờ ý kiến nhận xét của thầy về những công trình văn hoá học, dân tộc học, nhân học hoặc chỉ một vài chi tiết thuộc về sử liệu trong một bài báo nhỏ? Tất cả đã trở thành dang dở, người thầy thông kim bác cổ có tên gọi giản dị, quen thuộc là Trần Quốc Vượng đã nhẹ gót trần ai bước vào cõi tĩnh mịch vĩnh hằng vào lúc 2h55' sáng , 8/8/2005

    GS Trần Quốc Vượng
    Sinh thời, có lần ông nói: "Theo khoa Tử vi học, số phận tôi là “ngọn lửa đầu non” (Sơn đầu hoả) và thân phận tôi là dịch chuyển (Thân cư thiên di ). Tôi xuất thân trong một gia đình công chức, bố tốt nghiệp cao đẳng Canh nông, mẹ là nội trợ, tôi đứng cuối của hơn một chục anh chị em.

    Do mẹ và bố có trục trặc nên mẹ thường đem tôi về quê ngoại và rong chơi khắp nơi, một tuổi tôi đã có mặt ở Sài Gòn và Nam Vang. Phải chăng, vì thời thơ ấu tôi đã rong chơi như thế mà cho đến hôm nay cuối mùa Thu của cuộc đời, tôi luôn thích và phải suốt tháng suốt năm rong ruổi khắp nước từ Cao Bằng - Lạng Sơn biên giới Việt - Hoa phía bắc đến Cà Mau, Côn Đảo phía nam và lang thang khắp Á - Âu - Mỹ - Úc. Một người bạn đồng nghiệp trẻ đã phác tính rằng, trong một năm tôi chỉ ở Thủ đô Hà Nội khoảng trăm ngày, còn hai trăm rưởi ngày khác tôi đi...”

    GS Trần Quốc Vượng:
    Sinh ngày 12/12/1934 tại Kinh Môn, Hải Dương. Năm 1956, ông tốt nghiệp thủ khoa cử nhân Sử - Địa trường Đại học Văn khoa Hà Nội, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.Ông đã học một khoá học về khảo cổ vào 1959-60, và cùng với GS Hà Văn Tấn (Viện trưởng Viện Khảo cổ học hiện nay), trở thành những người khởi nguồn cho lịch sử khảo cổ học VN. Năm 1980 ông được phong hàm Giáo sư. Ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ: Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học; giám đốc Trung tâm liên văn hoá ĐH Tổng hợp Hà Nội; Trưởng môn Văn hoá học, ĐH Quốc gia Hà Nội. Đồng thời từ năm 1989 ông đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, chủ nhiệm CLB Văn hoá ẩm thực Việt Nam, Phó chủ nhiệm CLB Nghề truyền thống Viêt Nam, Tổng Thư ký Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội từ năm 1976. GS Vượng còn là Chủ tịch đầu tiên của Hội Sử học Hà Nội.

    Những điều mắt thấy tai nghe và những chuyến điền dã sâu sát trên thực địa đã tạo thêm sự phong phú sinh động cho những trang viết của ông. Hơn 40 năm qua ông đã viết hàng trăm bài nghiên cứu đăng ở các báo và tạp chí trong và ngoài nước, và xuất bản chừng hơn 30 đầu sách gồm đủ các thể loại: từ giáo trình sử, khảo cổ học, sách nghiên cứu văn hoá, con người thú vui...

    Năm 1960, ông phiên dịch, chú giải Việt sử lược - bộ sách lịch sử vào loại xưa nhất do người Việt Nam viết còn lưu truyền được đến ngày nay; năm 1973 chủ biên bộ Danh nhân Hà Nội 2 tập; năm 1975 cùng Vũ Tuân Sán viết Hà Nội ngàn xưa; năm 1976 cùng Lê Văn Hảo, Dương Tất Từ viết Mùa xuân và phong tục Việt Nam.

    Ngoài ra ông còn biên soạn các sách giáo khoa: Cơ sở khảo cổ học, Cơ sở văn hoá học, Lịch sử Việt Nam và một số sách chuyên môn như: Theo dòng lịch sử (1995); Việt Nam, cáí nhìn địa văn hoá (1998). Năm 2000 NXB Văn học in Văn hoá Việt Nam- tìm tòi và suy ngẫm của Trần Quốc Vượng. Tập sách 1.000 trang tập hợp 74 bài viết của ông đã được tái bản năm 2003.

    Bệnh trọng đã lâu nhưng những ai gặp thầy trong những bước chậm chạp cuối cùng đến trước tử thần cũng đều nhận thấy ý thức của thầy vẫn thông tuệ và nụ cười vẫn hóm hỉnh, kiêu bạc như biết rõ mình sẽ đi đến đâu trong vòng trời đất chật hẹp này. Tri túc, Tri thiên mệnhlà thế chăng? Thế gian nhược đại mộng là thế chăng? Một cõi phù sinh nhưng nhờ có nó mà con người trở nên cao lớn hơn, gần với sự thật vĩnh cửu hơn.

    Lại nói về sự thật, thầy Trần Quốc Vượng thường khai tâm đám học trò bằng câu nói kinh điển rất tây học: Sự thật không làm vinh dự cho bất cứ ai, kể cả những vĩ nhân của nhân loại. Ngay sau đó thầy giảng thêm bằng một câu ca dao nhặt được qua những chuyến đi điền dã:
    Chân mình dính phẩn dề dề
    Lại toan đốt đuốc mà rê chân người
    .

    Học biết sự thật không phải là để lên mặt cao ngạo với đời.

    Không hài lòng với lối nói hươu nói vượn, nói như sách mà không hiểu bản chất vấn đề của lũ học trò quen thói gạo bài lấy điểm, thầy Vượng mắng ngay: Không cần viết nhiều, nói nhiều đâm ra lải nhải cả lũ. Các ông, các bà hãy cho tôi biết các ông, các bà định nói về cái gì? Tại sao nó là thế này mà không phải là thế kia? ý nghĩa của nó là gì vậy?. Nói đúng, tôi cấp bằng cho các ông, các bà ngay, nói sai thì...về mà đi cày!

    Dường như nói thế chưa đủ độ, thầy còn cho thêm một ít sự thật nữa để lũ học trò mở rộng tầm mắt. "Tôi hỏi các ông, các bà rằng, thì, mà, là như sau: Đem cái đề tài ngôn ngữ văn học Mường sang tít bên Gruzia để bảo vệ luận án tiến sĩ thì sao mà không đỗ cho được? Tiếng Mường nói không tròn, tiếng Nga thì nhí nhố, hai thứ hầm bà lằng đó có ma nó hiểu! Bố ai mà phản biện được?".

    GS Trần Quốc Vượng
    Đám học trò thích thầy Vượng không chỉ bởi khối lượng kiến thức uyên bác, những kiến giải độc đáo, bất ngờ mà chủ yếu thích nghe cách thầy giảng bài vượt ra khỏi mọi quy phạm. Uống vài chén rượu ngang nút lá chuối khô, mặt đỏ chuếnh choáng lên rồi là lúc thầy nói hay nhất, nhiều sự thật nhất từ chuyện kỳ thư ngoại thuyết, dã sử, tử vi tướng pháp đến chính sử, văn học sử, văn hoá địa vv...

    Có lần đến nhà Thầy xin một lời nhận xét về cái cổng làng, vợ trẻ của thầy đi vắng nên thầy vui lắm. Thầy hỏi: Mày có hút thuốc không, mày có biết uống rượu không? Món nào trò cũng thạo, thế là hai thầy trò thi nhau nhả khói, thi nhau nâng chén...Thầy bảo: Bọn bác sĩ nói bậy cả đấy! Nói sai sử, nói sai sự thật còn...chưa chết thì uống rượu, hút thuốc chết thế đếch nào được?..."

    Con người vốn lớn tiếng bậc nhất trong nhiều vấn đề khoa học, từng tự nhận mình là "mõ làng" trong giới khoa học ở HN, sau cùng lại gục ngã vì căn bệnh quái ác, ung thư thực quản.Vào thời điểm đó, con gái của GS cũng qua đời vì căn bệnh ung thư; nỗi đau đó đã khiến ông suy sụp nhanh hơn.


    • Diễm Huyền - Quang Hải

    Last edited by Bin571; 06-08-2019 at 12:48 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Nỗi ám ảnh của quá khứ



    GS Trần Quốc Vượng


    Trần Quốc Vượng

    Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung đã và đang phát triển rất nhanh, đặc biệt từ nửa sau thế kỷ 20.

    Tạm bỏ qua một bên mọi sự “giải thích”, nào đổ tội cho phong kiến đế quốc, thực dân bành trướng, thiên tại, địch hoạ, chiến tranh, cách mạng, nào viện dẫn sai lầm chủ quan của những người cầm nắm vận mệnh quốc gia mấy chục năm qua, v.v… tình trạng ấy là không bình thường, gây nên một bức xúc tâm lý, một nỗi đau thân thể, một nhức nhối thân xác và tâm linh, buộc KẺ SĨ và NGƯỜI DÂN, vừa gian khổ kiếm sống, vừa suy nghĩ đêm ngày, tìm cách khắc phục và vượt qua tình trạng tủi nhục này…

    Có ĐỘC LẬP rồi chăng, nhưng hoạ LỆ THUỘC vẫn luôn luôn mai phục, cả về mô hình chính trị và sự phát triển kinh tế…
    Có THỐNG NHẤT rồi chăng, nhưng mầm CHIA RẼ mọc rễ sâu xa, nào Bắc /Nam, nào Cộng sản / không Cộng sản…
    Điều chắc chắn, là NHÂN DÂN chưa có HẠNH PHÚC, TỰ DO thực sự.

    Với biết bao hệ luỵ của một cuộc chiến kéo dài, buộc ràng tới 3 thế hệ người Việt Nam (và rất nhiều quốc gia liên đới), lạ một điều (mà sao lại là lạ nhỉ ?), là từ “người thua” đến “kẻ thắng”, giờ đây, ai ai cũng mang một mặc cảm hoành đoạt (complexe de frustration), nói nôm na mà MẤT MÁT. Trước hết là NGƯỜI DÂN THƯỜNG.

    Người ra đi hàng triệu, bỏ xác ngoài biển khơi hàng ngàn, vạn, biết bao em gái ta, chị ta, cả mẹ ta nữa… bị kẻ hải tặc khốn kiếp dày vò làm nhục! Chưa nói đến của cải, ai còn sống thì đều cảm thấy mất quê hương!

    Người ở lại, hàng chục triệu nông dân bỗng dưng cảm thấy mất đất, không có quyền tự do hành xử trên “mảnh đất ông bà”, trong khuôn viên do chính tay mình tạo dựng; hàng triệu công nhân mất việc, thất nghiệp hay bị kém sử dụng (sous-emploi), sống ngất ngư, lây lất qua ngày…

    Trí thức, thì tản mác, bị lãng phí thảm hại, trừ một số rất ít kẻ xu thời (đời nào chẳng có?), người nào cũng cảm thấy mất tự do tư tưởng và sáng tạo.

    Một tình trạng như thế, chỉ có lợi cho lũ gian manh. Một cuộc “đổi đời” kỳ cục như thế, mà nếu cứ nhất định muốn gọi nó, muốn gọi đó, là “cách mạng”, thì là một cuộc cách mạng đã mất phương hướng. Phương hướng là cái tiêu ngữ trên mỗi đầu trang giấy, từ sau Tháng Tám 1945: ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC.

    Cho nên phải nghĩ lại, phải bình tâm mà nghĩ lại, nói theo thời thượng từ giữa thập kỷ 80, là phải ĐỔI MỚI TƯ DUY.
    Tư duy là công việc của mỗi CON NGƯỜI, vì về bản chất, con người là một sinh vật có tư duy, có ý thức và vì có tư duy, có ý thức mà được / phải có quyền tự do lựa chọn mô hình hành động, cho chính mình (tự do cá nhân), cho chính cộng đồng mình (nhà mình, làng mình, nước mình…) và phải / được chịu trách nhiệm về chính sự lựa chọn đó.

    Tôi rất thân và rất quí Nguyễn Huy Thiệp, hẳn thế, nhưng chính vì thế mà tôi không thể nào đồng ý với anh khi anh trả lời phỏng vấn báo Libération là “Tôi đã sống như một con thú”. Con thú làm sao mà biết viết, biết in “Tướng về hưu”, “Phẩm tiết”…? Lẽ tất nhiên là tôi hiểu cái “ý tại ngôn ngoại” của anh: Cái mặt bằng kinh tế xã hội của một Việt Nam hiện nay trên đó “anh phải sống”, sự ràng buộc của “cơ chế”? v.v…

    Tôi nhớ lại, ngày 12-1-1983, trong buổi họp kỷ niệm 40 năm ra đời “Đề cương Văn hoá Việt Nam”, ông Trường Chinh – tác giả chính của cái “Đề cương” đó – đã nói với các “nhà khoa học xã hội” Việt Nam: “Nếu không có một điều kiện tối thiểu về vật chất để sinh sống thì con người có thể trở thành con thú!”.

    Điều đó chẳng có gì mới lạ, vì bằng kinh nghiệm nghiệm sinh, nhiều nhà trií thức chúng tôi đã nghĩ và nói thế từ lâu; điều mới và lạ, là cho đến tận lúc ấy, một vị lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam mới nói ra như thế! Mà con người, nhất là người trí thức Việt Nam, đâu chỉ đói rét vì miếng cơm manh áo? Đói tự do tư tưởng cũng có thể trở thành con thú! Vì con thú, như con trâu, con bò, dù co no cỏ thì cũng chỉ biết theo đuôi!

    Theo đuôi con đầu đàn! Bao năm qua, có biết bao con người Việt Nam chỉ biết theo đuổi kẻ cầm quyền, hoặc khốn khổ thay, là chỉ được theo đuôi người lãnh đạo và lại được “khen” là “có ý thức tổ chức, kỷ luật” và vì vậy được vào Đảng, được “đề bạt” làm kẻ “cầm quyền” bậc sơ trung cấp, để, nói cho cùng, cũng chỉ thành kẻ “chấp hành”, “thừa hành”, nhưng có được chút “quyền”: đối trên và nịnh trên, là dưới và nạt dưới!

    Tôi nhớ lại, khoảng mười năm trước đây, một người học trò và là bạn bè của tôi, trước khi đi Nga làm luận án Phó tiến sĩ sử học, trong buổi “tiệc bia” tiễn biệt thầy trò, bè bản, đã ngỏ với tôi lời “khuyên” tâm sự: “Nếu như thày mà cũng “đầu hàng cơ chế” nữa là bọn em mất nhờ đấy!”. Anh ấy ở Nga 4 năm, về nước với bằng xanh phó tiến sĩ, thẻ đỏ đảng viện và, gia nhập “cơ chế”, trở thành “người lãnh đạo” của tôi hôm nay! Tôi chẳng buồn mà cũng chẳng vui. Tôi chọn lựa cho mình một hướng đi: Gia nhập “Câu lạc bộ những người thích đùa”. Tôi thường nói đùa như người Hà Nội vẫn thường đùa anh ấy:

    – Cậu là đảng viên nhưng mà tốt!

    Câu nói đùa, mà “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” và hơn nữa, với câu nói ấy, có thể bị “quy chụp” là “phản động”.
    Tôi có một anh bạn, phải nói là rất thân, học với nhau từ thuở “hàn vi”, lại cũng làm việc dưới một mái trường Đại Học trên ba chục năm trường, cùng “leo thang” rất chậm, từ “tập sự trợ lý” đến full professor, chair-department; anh là con “quan lớn”, em của “nguỵ lớn” nhưng “có đức có tài”, được chọn làm “hàng mẫu không bán” kiểu như ông Bùi Tín vừa làm ồn ào giới truyền thông một dạo – nhưng khác ông ta là cho đến nay anh không gửi “kiến nghị” kiến nghiếc gì, nói năng với TRÊN, với DUỚI bao giờ cũng “chừng mực”, chẳng “theo đuôi” mà cũng chẳng là “dissident” của chế độ. Anh thường bảo tôi: thì về cơ bản cũng nghĩ như cậu thôi. Nhưng cậu thông cảm, mỗi người một tính một nết, một hoàn cảnh. Cậu “thành phần tốt”, ăn nói táo tợn thì quá lắm người ta chỉ bảo cậu là “bất mãn cá nhân” thội. Tớ “thành phần xấu”, ăn nói bằng 1/10 cậu thôi cũng đủ bị “quy” là “phản ứng giai cấp” rồi! O.K.! Anh cứ sống kiểu anh, tôi cứ sống kiểu tôi. Chỉ có mỗi một điều thôi, là vì vậy và vì nhiều lý do sâu xa khác nữa – nên nước ta chỉ có những nhà trí thức (intellectuals) chứ không có giới trí thức (intelligentsia).
    Vậy thua thiệt thì Dân ráng chịu!

    Bi kịch, nỗi bất hạnh của trí thức Việt Nam, của nước Việt Nam là ở đó…

    • * *

    Báo Đoàn Kết của một cộng đồng người Việt Nam bên Pháp đưa tin: Vào cuối năm ngoái (1990), có một ông uỷ viên Bộ chính trị kiêm bí thư thường trực Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam nhân sang Paris dự Đại hội đảng Cộng sản Pháp, có tập hợp Việt kiều lại để nói chuyện. Trong khoảng 2 tiếng, ông chỉ “nói” mà không “nghe”, lại còn bảo: “Sống ở nước ngoài, biết gì chuyện trong nước, tuổi 40-50 trở xuống – nghĩa là vào hạng tuổi con cháu ông – biết gì mà góp ý kiến!”. Xem chừng bà con Việt kiều, nhất là anh chị em “trí thức”, bực mình với ông lắm.

    Tôi là “trí thức” ở trong nước, ở Hà Nội nữa, nghe những lời lẽ ấy “quen tai” rồi.

    Cũng ông ấy, lúc còn làm “Bí thư thành uỷ” Hà Nội, khi thấy báo “Quân Đội Nhân Dân” 1987 công bố “Bức thư ngỏ gởi ông chủ tịch thành phố Hà Nội” của tôi, nói về việc “Phá hoại các di tích lịch sử của Thủ đô” đã cho triệu tôi lên trụ sở Thành uỷ và “thân mật” bảo – Nếu anh là công nhân, anh nói (nôm na, tục tằn) kiểu đó tôi còn hiểu được, đằng này anh là giáo sư, là trí thức, sao lại nói (nôm na, “toạc móng heo, treo móng giò”) kiểu- Nếu anh nói thế, “tôi” thì “tôi” nghe được, nhưng những “người khác”, họ không nghe được! Từ nay anh nên “thay đổi” cái “giọng nói” của anh đi!

    – Đảng bảo: “Trí thức là của Công Nông và cũng là Công Nông”, vậy nếu công nhân – theo ông – nói được như vậy thì trí thức cũng nói được như vậy. Có gì – theo ông – là khác nhau giữa giọng “trí thức” và giọng “công nhân” ?
    – Ông không khác gì người khác. Nếu theo ông, ông “nghe được” vậy thì người khác cũng phải nghe được. Vậy tôi chả việc gì phải “đổi giọng” cả!

    Thực ra, tôi biết thừa cái “giọng tôi” chính ông nghe không được nên ông mới “góp ý” cho tôi, nhưng ông lại cố tình đổ cho là người khác nghe không được, hơn nữa ông lạicố tách “tôi” ra khỏi công nhân, “đề cao” tôi là “trí thức”, để chỉ cốt răn dạy tôi: Với vị thế của anh, anh không được ăn nói với chúng tôi (những nhà lãnh đạo) bằng cái giọng như vậy! Bà xã tôi lúc ấy còn sống và là giáo viên trường Trung học Trưng Vương nổi danh ở Hà Nội – nghe tin tôi được / bị phải gọi lên thành uỷ, lấy làm lo lắng lắm, bảo tôi (“giọng” bà ấy bao giờ cũng vậy, con gái nhà “tư sản Hà Nội” mà): Anh lên đấy, liệu mà ăn mà nói! Anh có sao, chỉ khổ vợ con! Chùa Một Cột có bị phá để làm Bảo tàng Lăng Bác, nếu có hại thì hại cả nước, đâu dính gì đến riêng anh mà anh cứ “la làng” lên, một con én chẳng làm nổi mùa xuân, “ăn cái giải gì” mà cứ nói, chỉ khổ vào thân; có cái giấy Úc mời sang kỷ niệm 200 năm nước “nó” đấy, khéo các “bố” ấy lại không cho đi, vợ con Ôi, làm “thằng người Việt Nam”, làm “trí thức Việt Nam” biết bao là “hệ luỵ”.

    Tôi đưa chuyện HỌC TRÒ, BÈ BẠN, VỢ CON dàn trải trên mặt giấy đâu phải để “nói xấu” họ, nhất là nói về vợ tôi – nay đã mất, cầu cho linh hồn bà ấy tiêu diêu miền cực lạc – mà trong tâm khảm tôi, bao giờ tôi cũng cảm thấy mình xấu tính hơn bè bạn – vợ con – học trò. Tôi chỉ muốn nói về thân phận trí thức ở cái nước Việt Nam mang cái nhãn hiệu Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa mà thực ra là còn đang rất kém phát triển này: ông uỷ viên Bộ chính trị ấy, kiêm bí thư Trung ương này, kiêm bí thư thành phố này… ai chả nghĩ là ông ấy cộng sản hơn ai hết nhưng thực ra thì ứng xử của ông ấy từ Hà Nội đến Paris lại “gia trưởng”, “nho giáo cuối mùa” hơn ai hết!

    Khổ vậy đó, Cho nên giáo sư Alexander Woodside, từ góc trời tây bắc của xứ tuyết Canada mới hạ một câu về cách mạng Việt Nam: “The spiritual and cultural milieu from which the vietnamese revolution sprang was both confucian and comunist” (Cái môi trường tâm linh và văn hoá mà từ đấy cách mạng Việt Nam phóng tới là cả Khổng Nho và Cộng sản).

    * * *

    Ông giáo sư Từ Chi một trong những bạn bè thân thiết của tôi từ một cậu tú ở Huế đi nam tiến ngay sau ngày 23 tháng 9 và trở thành cộng sản rồi năm 54 trở về học đại học để trở thành một nhà dân tộc học. Ông đi làm chuyên gia ở Tây Phi, thương một người con gái Hà Nội nhà nghèo vì chiến tranh mà lưu lạc mãi sang tận bờ sông Niger. Ông quyết đưa người phụ nữ bất hạnh đó trở về tổ quốc chỉ bằng cách kết hôn với nhau, dù ông biết trước rằng hành động dấn thân ấy ông phải về nước trước thời hạn. Và cho đến 25 năm sau, ông không bao giờ được ra nước ngoài, dù ông, không có bất cứ một hành vi gì phạm pháp. Cái án được phán quyết không theo “Luật hôn nhân và gia đình” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành năm 1960, mà là theo đạo lý hủ Nho.

    Về nước năm 65 qua ngã Moscow ông dừng chân ở đó 5 ngày gặp tôi ở quán cà phê Sính, ông rỉ tai tôi: “Chế độ Xo Viết không thể nào viable” (nguyên văn có nghĩa: không thể “thọ” được). Đấy là lời tiên tri đúng trước 1/4 thế kỷ! Vì sao NƯỚC và ĐẢNG có những người trí thức giỏi đến thế mà bây giờ cả NƯỚC, cả ĐẢNG đều lâm vào tình huống “khủng hoảng toàn diện”?
    Từ năm 65, cứ mỗi lần nghe thấy lời khuyến dụ tôi vào Đảng, ông lại bảo tôi: “Tuỳ ông đấy, nhưng… nếu ông có vào thì đừng để người ta đuổi ông ra!”. Ông biết kỷ luật của Đảng ông là “kỷ luật sắt” mà tôi thì ông cũng biết quá rõ tôi là người “tự do”, tính ưa phóng khoáng, là người “bất cơ” (không chịu ràng buộc) theo chữ dùng để đánh giá mình của nhà sử gia họ Tư Mã bên Tàu!

    Tôi hỏi ý kiến ông về tính chất Cách mạng Việt Nam. Ông trả lời: Cụ Hồ bảo nước mình là một nước nông nghiệp, dân tộc mình là một dân tộc nông dân. Cứ đấy mà suy, thì cuộc “Cách mạng” bây giờ hẳn vẫn là một cuộc khởi nghĩa nông dân. Khác chăng là trước, khởi nghĩa nông dân do một số nhà nho xuất thân nông dân như Quận He, như Cao Bá Quát cầm đầu, bây giờ là do những người cộng sản cũng xuất thân ở nông thôn và có căn tính nhà nho, như cụ Hồ, như ông Trường Chinh… lãnh đạo. Ông đọc bài ông Nguyễn Khắc Viện rồi chứ, Confucianisme et Marxisme (La Pensée, No 105, Octobre 1962). Ông Viện là cộng sản và là con cụ nghè Nguyễn Khắc Niệm đấy!

    Đầu thế kỷ XX, trong xã hội yêu nước vẫn âm ỉ một chủ nghĩa yêu nước xóm làng (village patriotism, chữ của Alexander Woodside). Yêu nước chống Pháp kiểu Nho của cụ Phan Bội Châu thất bại ở 2 thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Và dòng trí thức Nho gia tàn lụi. Một số con cháu nhà Nho, một số con cháu nông dân, một số con cháu nhà công thương mới trở thành lớp trí thức Tây học. Một số ấy chấp nhận le fait colonial và trở thành công chức cho Tây, như ông cụ ông kỹ sư canh nông, như ông cụ tôi (bác sĩ)… Một số khác, yêu nước hơn, mong áp dụng ở Việt Nam những lý tưởng Mác-Lê thế kỷ XIX.

    Cái chủ nghĩa quốc gia của kiểu tư sản mà ông Nguyễn Thái Học, ông Xứ Nhu, kể cả cậu ruột ông đã khởi xướng ở Việt Nam Quốc dân đảng thì đã bị thực dân vùi dập khủng bố tan hoang từ thập kỷ 30. Còn lại cái chủ nghĩa quốc tế của Mác Lê mà Nguyễn Ái Quốc và những nhà cộng sản mang về áp dụng vào một xã hội nông dân châu Á nghèo khổ, khác hẳn cơ địa xã hội tư sản Tây Âu, nơi hình thành chủ nghĩa Marxisme. Người cộng sản Việt Nam có căn tính nông dân – Nho giáo đã gần Dân hơn người tiểu tư sản Tây học ở thành thị. Họ đã vận động và tổ chức được phong trào nông dân và toàn dân đánh Pháp, đuổi Nhật, làm cách mạng tháng Tám thành công. Kháng chiến là sự nối dài của Cách mạng tháng Tám.
    Kháng chiến đã thắng lợi. Chủ nghĩa thực dân phương Tây đã bị hoá giải.

    * *
    Dưới thời quân chủ – nông dân – nho giáo, ở Viễn Đông, có một ước mơ ĐẠI ĐỒNG. “Thế giới ĐẠI ĐỒNG, thiên hạ vi CÔNG”. Ở đầu thập kỷ 20, trong một bài viết, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cái chủ nghĩa ĐẠI ĐỒNG của Khổng Nho ấy rất gần với chủ nghĩa Cộng sản. Alexander Woodside nhận xét: Ông Mao phê phán rất dữ dằn Khổng Nho còn ông Hồ rất nhẹ nhàng với Nho Khổng. Xây “đời sống mới” năm 46, ông Hồ nêu khẩu hiệu của Nho Khổng: CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH CHÍ CÔNG VÔ TƯ. Dạy đạo đức cho cán bộ, ông Hồ lấy câu Nho Tống: “Tiên ưu hậu lạc”. Về giáo dục xã hội, ông cũng dùng câu có sẵn của Khổng Mạnh, đại loại như “Bất hoạn bần nhi hoạn bất quân…” (Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng…) hay là “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, v.v… và v.v… Đến di chúc, ông cũng đưa vào một câu trích dẫn của Đỗ Phủ đời Đường: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Thơ chữ Hán của ông, có nhiều câu, y phỏng theo Đường thi…

    Nhưng cái mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Stalin hay kiểu Mao (Staline Mao hoá) dù đã ít nhiều Hồ hoá, Việt Nam hoá cũng tỏ ra không thành công trước thực tiễn “bướng bỉnh” của một nước Việt Nam nhỏ bé – tiểu nông.
    Người Cộng sản Việt Nam đã lầm khi tưởng rằng dù với cơ cấu kỹ thuật cũ, ít thay đổi, cứ làm đại việc công hữu hoá (quốc hữu hoá, tập thể hoá, hợp tác hoá…) thì vẫn xoá bỏ được áp bức bóc lột, cải tạo xã hổi chủ nghĩa thành công. Hoá ra là một công thức đơn giản hơn:

    CÔNG HỮU HOÁ + CHUYÊN CHÍNH (VÔ SẢN) = (QUÁ ĐỘ sang) CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

    Tôi và ông Từ Chi bàn mãi về chuyện này. Sau thời công xã nguyên thuỷ, chế độ áp bức bóc lột đầu tiên nảy sinh ở đất Việt với chế độ “thủ lĩnh địa phương”, lang đạo, phia tạo (tiếng Anh tạm dịch là local chieftains) khi ruộng đất còn gần như y nguyên là “của công” nhưng “dân đen” là tiểu nông tản mạn còn thủ lĩnh giữ quyền “thế tập” theo dòng máu. Dân gian nói giản dị:

    Trống làng ai đánh thì thùng
    Của cung ai khéo vẫy vùng thành riêng!

    Thì giờ đây, ruộng hợp tác, của kho hợp tác, bọn bí thư, chủ nhiệm, kiểm soát đều ở trong một cơ sở Đảng chuyên chính, chúng sẽ “vẫy vùng” thành riêng thôi! Ba năm liền 76-79 tôi đi Định Công Thanh Hoá, khảo cổ (ngày), khảo kim (đêm). Và 3 ngày liền cuối năm 79, tôi thuyết trình trước Tỉnh Uỷ Thanh Hoá về sự phá sản của mô hình làng Định Công (người ta tuyên bố “Định Công hoá” toàn tỉnh Thanh Hoá, vời bài báo tràng giang “Bài học Định Công” của Bí thư Trung Ương Tố Hữu). Thính giả cứ bỏ dần trước sự “vắng mặt” của Bí thư, Phó bí thư Tỉnh uỷ (người ta phải “nhìn Trên” để định thế ứng xử). Còn một ông thường vụ phụ trách tuyên huấn kiên trì nghe 3 ngày, để sau này khi Định Công phá sản hoàn toàn, đã khoa trương tuyên bố, chứng tỏ ta đây sáng suốt hơn các nhà lãnh đạo khác:

    – “Lúc bấy giờ (79), ai dám nghe Trần Quốc Vượng nói, ngoài tôi?” (ông ấy bây giờ là Bí thư Đảng uỷ Bộ Văn hoá – Thông tin).
    Năm 82 tôi đi Liên Xô thuyết trình khoa học. Bài viết của tôi bằng tiếng Việt, Dương Tường dịch sang tiếng Anh, Từ Chi dịch sang tiếng Pháp, bà Nona Nguyễn Tài Cẩn dịch sang tiếng Nga. Bà Nona bảo: bài của anh hay lắm, nhưng thuyết trình ở Paris thì hợp hơn, nói với trí thức nước tôi (Liên Xô), họ không hoan nghênh đâu! Mà quả nhiên!
    Về nước, tôi briefing cho bạn bè nghe về Liên Xô và nói lén qua hơi men: “Dứt khoát hỏng!” Và đấy là lần duy nhất tôi “được” đi Liên Xô. Đầu năm 83, giáo sư Phạm Huy Thông cho đăng bài của tôi lên trang đầu Tập san Khảo cổ học (1). Đảng uỷ Uỷ ban Khoa học Xã hội viết bản báo cáo dài lên ban Tuyên huấn Trung ương quy kết tôi 4 tội:

    – Chống chủ nghĩa Mác-Lê: vì tôi bảo: Công hữu hoá có thể đẻ ra bóc lột.
    – Chống công nghiệp hoá: vì tôi bảo: Nông nghiệp phải / còn là mặt trận sản xuất hàng đầu.
    – Chống đấu tranh giai cấp: vì tôi bảo: Nông dân khởi nghĩa – ngay cả ăn cướp -cũng không đánh vào người làng mà chủ yếu đi cướp nơi khác và đánh vào Quan.
    – Chống chuyên chính vô sản: vì tôi bảo: Chuyên quyền đẻ ra tham nhũng.

    Vụ án “văn tự” này kéo dài 3 năm, không có kết luận. 3 năm tôi được “ngồi nhà”, khỏi đi Tây và nói tiếng Tây! Cuối năm 86, khi Đại hội VI đảng Cộng sản Việt Nam kết luận lại trong nghị quyết là Nông nghiệp là “mặt trận hàng đầu”, giáo sư Phạm mỉa mai ở trụ sở Uỷ ban Khoa học Xã hội: Thế bây giờ Đảng uỷ đúng hay Trần Quốc Vượng đúng ?

    Nhưng “nỗi ám ảnh của quá khứ” vẫn không tha người làm Sử như tôi (mà nói theo nhà Phật thì kiếp này còn là “quả” của kiếp trước kia mà). Năm 85, nhân năm “quốc tế người già”, ông Nguyễn Hữu Thọ nhờ người nói tôi viết bài “Truyền thống người già Việt Nam”. Báo Đại Đoàn Kết của ông không “đoàn kết” nổi bài của tôi, tôi nhờ báo Tổ Quốc của ông Nguyễn Xiển đăng dùm. Rồi năm 86 có hội Khoẻ Phù Đổng của đoàn Thanh Niên, ông Bí thư T.N. nhờ tôi viết bài “Phù Đổng khoẻ”. Mùa hè nóng bỏng 86, trước Đại hội VI 5 tháng, ông Bí thư Trung ương Đảng phụ trách tư tưởng H.T. đem hai bài của tôi ra “chửi bới” giữa Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, đề bạt Nguyễn Khắc Viện, Trần Quốc Vượng, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng là 4 trí thức chống đối. Ông Giàu, thầy học cũ của tôi, đâm thư kiện. Ông H.T. biên thư trả lời (tôi còn giữ làm “chứng từ thanh toán”) bảo: Tôi không động đến anh, tôi chỉ động đến Trần Quốc Vượng, vì anh ta viết “Các vua Trần nhường ngôi” ám chỉ đòi chúng tôi rút lui, và viết “Thánh Gióng bay lên trời” ám thị chúng tôi đánh giặc xong còn cứ ngồi lại giành quyền vị…! Khốn khổ, vì sao các ông ấy cứ “mỗi lời là một vận vào khó nghe” như vậy? Hay là tại dân gian “nói cạnh” các cụ: Có tật giật mình?

    * * *
    Xã hội Việt Nam truyền thống cũ có nhiều nét hay, vẻ đẹp nên ở cạnh nước lớn, bị xâm lăng, đô hộ, đè nén hàng ngàn năm vẫn trỗi dậy phục hưng dân tộc, “trở thành chính mình”. Nhưng xã hội quân chủ – nông dân – nho giáo từ sau thế kỷ XV có nhiều “khuyết tật trong cấu trúc” – nói theo các nhà khoa học hôm nay:

    Ở trong NHÀ thì có thỏi GIA TRƯỞNG, tuy tâm niệm “con hơn cha là nhà có phúc” mà vẫn không thích “ngựa non háu đá”, “trứng khôn hơn vịt”.
    Ở trong LÀNG thì có nạn CƯỜNG HÀO, với tinh thần ngôi thứ, chiếu trên, chiếu dưới, “miếng giữa làng hơn sàng xó bếp”.
    Ở trong VÙNG thì có nạn SỨ QUÂN, thủ lĩnh vùng thích “nghênh ngang một cõi”, gặp dịp là sẵn sàng “rạch đôi sơn hà”.
    Ở cả NƯỚC thì có nạn QUAN LIÊU, quan tham nhũng, tân quan tân chính sách, luật không bằng lệ, kiện thì cứ kiện nhưng “chờ được vạ má đã sưng”, nên chỉ cứng đầu thì dại, “không ngoan” nhất là “luồn cúi” và trí thức “lớn” thì cũng tự an ủi “gặp thời thế thế thời phải thế”. Vì ngoài thì “bế môn toả cảng”, trong thì “chuyên quyền độc đoán”, cho nên sĩ khí ắt phải bạc nhược.

    Thế giới giờ đây thay đổi đã nhiều. Song trong nước mình thì chưa đổi được bao nhiêu. “Nỗi ám ảnh của Quá khứ” vẫn còn đè nặng.

    Chỉ còn một cách để “đổi đời” cho DÂN, cho NƯỚC: Đó là xây dựng một chế độ dân chủ, một nhà nước pháp quyền, một nền kinh tế công – nông – nghiệp với thị trường tự do, một tư tưởng cởi mở, rộng dung, khoáng đạt, tự do, một nền văn hoá đa dạng, giữ cho được bản sắc tốt đẹp của dân tộc nhưng biết hoà nhập với thế giới, với nhân gian…

    Tóm một chữ thì không phải là chữ “ĐẤU” mà là chữ “HOÀ”: HOÀ BÌNH, HOÀ HỢP, HOÀ THUẬN, HOÀ GIẢI…

    Chẳng những NHÂN HOÀ mà cả NHIÊN HOÀ (hoà hợp với thiên nhiên, tự nhiên)

    “Hoà nhi bất đồng”… mong lắm thay!
    Cornell 1-5-91
    Last edited by Bin571; 04-08-2019 at 11:58 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  4. #4

    Mặc định



    Bài viết và nghiên cứu về văn hóa VN rất hay của cố GS Trần Quốc Vượng


    https://docs.google.com/file/d/0B9-1...xvT1F6RGs/edit
    Last edited by Bin571; 05-08-2019 at 04:29 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  5. #5

    Mặc định

    Năm 2003, BBC News Tiếng Việt đã có buổi phỏng vấn với giáo sư Trần Quốc Vượng (1934-2005), ông nói việc nhìn nhận lại các nhận vật, sự kiện lịch sử là điều cần thiết:


    https://youtu.be/8SZFsyWyJy0
    Last edited by Bin571; 05-08-2019 at 11:52 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  6. #6

    Mặc định

    Gs. Trần Quốc Vượng với lời tiên tri về Hoàng thành Thăng Long

    08:00 26/01/2017Tôi biết GS. Trần Quốc Vượng từ năm 1974, khi về công tác tại tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) và sau này là báo Người Hà Nội. Ông là cộng tác viên "ruột" của nhiều tờ báo. Nhất là thời điểm làm báo tết. Việc "đặt hàng" bài viết ở ông cũng khó và kỳ công như khi mời các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Văn Cao, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân cộng tác…


    Đại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhiệm kỳ V (từ ngày 26 đến 27-5-2005), tôi đã chú ý ghi lại hình ảnh Đoàn Chủ tịch có GS Trần Quốc Vượng ngồi cận kề với GS.TSKH Tô Ngọc Thanh và GS.TS Nguyễn Xuân Kính. Ngồi ở ghế Đoàn Chủ tịch có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo Đại hội là rất mệt, đầu óc tập trung khá căng thẳng; lại thêm cái căn bệnh quái ác đang tiềm ẩn làm ông càng mệt. Sắc diện GS họ Trần không còn hồng hào như trước. Đôi lúc ông đưa tay bóp trán ngẫm ngợi và cảm thấy buồn vì "long thể" đang ngày càng "khó ở" !

    Dù không được thông báo chính thức nhưng toàn thể hội viên dự Đại hội đều biết tin chẳng lành đối với GS Vượng và cũng linh cảm rằng: Ông không còn "ở" hết nhiệm kỳ V này. Nhưng Ban chấp hành cũ cùng toàn thể hội viên vẫn tiến cử ông tham gia Ban chấp hành khóa mới với số phiếu tín nhiệm khá cao.
    Khi Đại hội kết thúc, tình cờ TS. Trương Sĩ Hùng chụp được hình ảnh tôi cùng GS Vượng đang trò chuyện và xem ảnh. Chụp xong, anh gọi tôi ra ngoài và nói nhỏ:
    - Đây sẽ là tấm ảnh cuối cùng giữa anh với giáo sư Vượng, quý lắm đấy!

    Tôi cảm ơn và nói rằng:
    - Theo tôi, quỹ thời gian của GS Vượng vẫn còn tính được bằng năm, bằng tháng, chưa thể "đi" ngay được!

    Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng.

    Tôi biết GS. Trần Quốc Vượng từ năm 1974, khi về công tác tại tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) và sau này là báo Người Hà Nội. Ông là cộng tác viên "ruột" của nhiều tờ báo. Nhất là thời điểm làm báo tết. Việc "đặt hàng" bài viết ở ông cũng khó và kỳ công như khi mời các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Văn Cao, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân cộng tác…

    Tôi thực sự tiếp cận với ông là từ "Hội thảo khoa học Hội An đô thị cổ" năm 1985. Ông là người trong ban chỉ đạo trực tiếp mời tôi - nhà nhiếp ảnh duy nhất được đọc tham luận tại cuộc hội thảo này. Và ông cũng là một trong số ít các văn nghệ sĩ đọc tham luận tại cuộc hội thảo "Nhiếp ảnh Hà Nội với việc phát huy truyền thống văn hóa và thanh lịch ở thủ đô" cùng với các nhà văn: Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Trần Lê Văn; các nhà nghiên cứu văn hóa, các kiến trúc sư tiêu biểu như Nguyễn Khắc Viện, Tạ Mỹ Duật, Hoàng Đạo Kính… góp tiếng nói ủng hộ giới nhiếp ảnh thủ đô vững bước "tiến quân" vào công cuộc cách tân nếp sống, tìm ra nét đẹp và chưa đẹp của người Hà Nội.

    "Cuộc phỏng vấn "đột kích" GS Vượng về Hoàng Thành Thăng Long và đền Cẩu Nhi …

    Nói với TS. Trương Sĩ Hùng vậy thôi nhưng trong thâm tâm tôi như có điều gì mách bảo: "Một bộ óc bách khoa thư" một "ông trạng" sắp ra đi ! Nếu không kịp hỏi những điều cần thiết sẽ là đáng tiếc. Đó là nguyên cớ tôi có cuộc phỏng vấn "đột kích" GS Vượng về Hoàng thành Thăng Long và đền Cẩu Nhi tọa lạc trên hồ Trúc Bạch. Đó là thời điểm sau đại hội, sức khỏe của "ông" càng sa sút nhưng khi "vào cuộc" là quên hết bệnh tật.
    - Trước hết ông là một nghệ sĩ nhiếp ảnh đích thực, một nhà báo có tâm; không phải là nhà sử học, không phải là chuyên gia khảo cổ học nên tôi mới có thể vui vẻ đáp ứng những điều ông cần biết. Tôi cho rằng những thông tin về Hoàng thành Thăng Long được viết trong "Đại Việt sử ký toàn thư" và các pho sách cổ khác hiện có ở nước ta (kể cả ở nước ngoài nữa) mới chỉ nói được một phần rất nhỏ sự thật. Điều chắc chắn dưới lòng đất, kinh đô Thăng Long của ông cha ta "đàng hoàng to đẹp" và vĩ đại hơn nhiều !

    Năm 1973, sau Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, Nhà nước ta quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Trường Chinh là Trưởng ban chỉ đạo xây dựng. Ông có dự cảm là nơi xây dựng lăng kề cận với Hoàng thành thời Lý - Trần - Lê nên yêu cầu tìm gặp những cán bộ khảo cổ có sự am hiểu về khu vực có thể có di tích này. Tôi cùng ông Đỗ Văn Ninh và một cán bộ kỹ thuật (đo vẽ khảo cổ) được giao nhiệm vụ theo dõi công việc đào móng xây dựng công trình lăng Bác.

    Quả nhiên, dự cảm của ông Trường Chinh là đúng. Chúng tôi đã thấy được Cửa Tây - Dương Mã thành (triều Nguyễn) có nhiều di vật như gạch, ngói lưu ly xanh, vàng, đồ gốm sứ Lý - Trần - Lê - Nguyễn… và những đống xương người, thú (như trâu, bò, lợn, gà…), có cả xương bả vai con trâu có một chiếc đinh ba cắm xuyên qua (đó là trâu lễ hiến tế), thấy một vài cái giếng xây bằng gạch "Giang Tây quân" (chữ in trên gạch còn rõ niên đại thuộc nhà Đường - Thế kỷ VII - IV - có cả gạch in chữ "Lý gia đệ tam đế Long Thụy - Thái Bình tứ niên tạo" (tức là gạch này được làm năm Long Thụy Thái Bình thứ tư, đời vua thứ ba của nhà Lý - 1057)… Nhưng phải chờ đến năm 2002 - 2003, khai quật hàng chục nghìn mét vuông (lớn nhất từ trước đến nay) ta mới có thể nói:

    1- Chưa từng có một công trình khảo cổ nào ở nước ta (và cả khu vực) mang một tầm cỡ lớn như vậy; không chỉ lớn về quy mô mà cả tầm quan trọng nữa. Nói như ngôn ngữ khảo cổ học là nhìn thấy được, sờ thấy được, sở hữu được một di sản văn hiến ngàn năm và trên cả ngàn năm của một Thủ đô - Kinh thành - Đất nước.
    2- Mấy triệu hiện vật lịch sử tìm thấy trên một diện tích (14.000m2 đến 16.000m2) ở phía Tây Hoàng thành Lý - Trần - Lê - Nguyễn… so với quy mô Hoàng thành - Kinh thành Thăng Long - Hà Nội là còn quá nhỏ.

    3- Cái quý nhất, quan trọng nhất, phát hiện có ý nghĩa nhất: cuộc khai quật này là các phế tích kiến trúc (cùng với các di vật, hiện vật có liên quan đến các kiến trúc) của các thời: từ Bắc thuộc (Tùy - Đường, thế kỷ thứ VII đến thế kỷ IX), từ Lý - Trần - Lê đến Nguyễn qua các lớp lang trên cùng một vùng đất; cùng với quần thể di tích cách mạng đương đại như "Tổng hành dinh", lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội trường Ba Đình… Hòa quyện thành một bề dày lịch sử độc nhất vô nhị ở nước ta, ở khu vực và cả trên thế giới nữa!

    Thật là phúc lớn: Hoàng thành Thăng Long phát lộ trước khi có quyết định xây dựng Hội trường Ba Đình (mới), Nhà Quốc hội… trùm lên trên cả di sản của ông cha ta!...
    "… Đến lời tiên tri về Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và đền Cẩu Nhi

    "Mình nói có thể còn hơi sớm nhưng trước sau thì sự kiện phát lộ Hoàng thành Thăng Long cũng sẽ trở thành di sản văn hóa thế giới, được nhân loại biết đến. Nếu ông muốn biết kỹ và khách quan hơn thì nên gặp GS Lê (Phan Huy Lê), gặp các cộng sự thân tín của mình như: Tống Trung Tín, nguyễn Hồng Kiên, Dương Trung Quốc…". GS Trần Quốc Vượng tiên báo.

    Tôi ít tuổi hơn nhưng giáo sư Vượng vẫn gọi là "ông". Còn tôi, tôi vẫn gọi ông bằng "anh" - bởi sức trẻ, sự uyên thâm trên nhiều lĩnh vực. Ông viết nhanh, viết khỏe và viết hay. Ông nói cũng cực hay và cái miệng "phán" thật có duyên, nói như trạng nên tôi suy tôn ông là "Trạng Vượng".

    - Thưa quan trạng họ Trần, điều thứ hai tôi muốn hỏi về sự tích đền Cẩu Nhi có liên quan đến Lý Thái Tổ, đến việc dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội) cũng diễn ra vào năm Tuất?

    - Khoan hãy trả lời điều ông muốn hỏi. Vượng tôi "xin phép" được hơi "lạc đề" một chút. Một vở chèo khi trình diễn cũng thường có màn giáo đầu "Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?". Vậy thì tôi cũng phải xưng danh chứ: Vượng tôi họ Trần, hậu duệ dòng dõi nhà Trần (Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn) chính hiệu đấy! "Nhà cháu" không thèm nhận vơ đâu! Nhưng nhà cháu lại có chút liên quan đến triều Lý: Vượng tôi sinh ra vào giờ con chó (tuất), ngày mồng 6 tháng 1 (11) năm Giáp Tuất (cũng là năm con chó). Vậy là Vượng tôi cũng hơi "để ý" đến Lý Thái Tổ và những sự kiện năm Tuất.
    GS Vượng cười và tiếp:

    - Đụng đến sử là phải có sự kiện, niên đại. Tôi đang hào hứng và sẵn sàng trả lời ông bạn vàng nhà báo họ Hoàng đây!

    Khi thủ đô Hà Nội tổ chức kỷ niệm trọng thể và thành công 990 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm Canh Thìn (năm Rồng 2000), nhân dân thủ đô rất phấn khích bày tỏ nguyện vọng phục dựng tiếp những công trình lịch sử: sự tích Cẩu Mẫu - Cẩu Nhi là một ví dụ. Sự kiện đền Cẩu Nhi đã được các nhà khoa học, các giáo sư tiến sĩ, những nhà nghiên cứu tiêu biểu như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Phạm Khánh, Lê Văn Lan, Dương Trung Quốc; các nhà nghiên cứu lão thành như Nguyễn Vinh Phúc, Trần Lâm Biền, Kiều Thu Hoạch, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính… đã tìm thấy trong các pho sách cổ như "Thiền uyển tập anh"; "Đại Việt sử lược"; "Việt sử tiên án", rồi "Đại Việt sử ký toàn thư"… đều có ghi chép sự kiện Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) ra đời năm Giáp Tuất (974) gắn với huyền tích: "Có con chó đẻ con sắc trắng, trên lưng có đốm đen, thành ra hai chữ "Thiên tử" và Lý Thái Tổ quyết định dời đô cũng vào năm Tuất (Canh Tuất - 1010).

    - Dù huyền tích hay huyền sử thì cũng là một hình tượng đẹp, mang đậm nét văn hóa dân gian thuần Việt, rất đáng trân trọng ! Có phải không GS?

    - Ôkê ! Tôi hoàn toàn tán thành với ông. Tôi cũng ôkê với ông anh tôi - GS Phan Huy Lê rằng: "Trong lịch sử hình thành, phát triển của các quốc gia đều có một lớp "sương mù" huyền thoại, huyền tích, dã sử bao phủ - mà "cái lõi" của chúng không phải là không có ít nhiều sự thật!".

    - Tháng 12-2002, cụ Nguyễn Văn Tiến cùng trên 40 người dân đại diện cho nhân dân khu vực hồ Tây, hồ Trúc Bạch đã làm đơn đề nghị UBND phường Trúc Bạch, lên quận Ba Đình, lên thành phố, xin phép đứng ta tôn tạo đền Cẩu Nhi. Kinh phí thì do dân tự nguyện đóng góp. Ý nguyện của dân sở tại muốn thể hiện lòng thành kính của mình đối với vị vua anh minh, nhiều công lao với đất nước như Lý Thái Tổ. Việc đó đã được các cấp chính quyền phê duyệt, đã tổ chức mấy cuộc hội thảo khoa học và hàng trăm bài báo mà đến thời điểm này vẫn yên vị. Vẫn chỉ là gò nổi, cây cối um tùm. Bên trong có tấm bia mới dựng sau khi có lệnh phá nhà hàng ăn uống dịch vụ. Ấy là thời điểm thập niên 90 của thế kỷ 20.

    Cố GS Trần Quốc Vượng (người thứ 2 từ phải sang) đến dự khai mạc và chúc mừng triển lãm ảnh “Đất nước qua ống kính nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng” năm 2000.

    Tuy tôi không am hiểu về thuật phong thủy và cũng không đề cập đến từ góc độ tâm linh nhưng bằng góc nhìn đơn thuần nhiếp ảnh khi đứng trên tầng thượng của khách sạn Sofitel mà nhìn xuống: gò nổi ấy mà xây đền Cẩu Nhi sẽ là một "chấm phá" cực kỳ đẹp cho toàn cảnh hồ Tây và hồ Trúc Bạch của Thăng Long - Hà Nội.
    Tôi cũng đã đọc khá kỹ tập kỷ yếu Hội thảo khoa học về di tích Cẩu Nhi và trong tay có hàng tệp công văn từ phường lên quận, từ quận lên thành phố, rồi những ý kiến tâm huyết của các nhà nghiên cứu khoa học - lịch sử, của các cơ quan quản lý nghiệp vụ như Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa thông tin với một sự đồng thuận khá cao, vậy mà sự việc vẫn đóng băng. Tôi muốn góp một tiếng nói khách quan, ủng hộ tích cực bằng một bài viết dài, mang tựa đề "Đền Cẩu Nhi cần sớm được phục hồi, tôn tạo?".

    - Ôkê. Sẽ là tiếng nói khách quan bởi ông là nghệ sĩ, nhà báo, không phải là người nghiên cứu khoa học lịch sử. Tôi rất hoan nghênh. Nhưng có lẽ ông cũng sẽ vấp phải sự phản ứng của một vài cá nhân mệnh danh là nhà khoa học lớn đem lời dạy bảo đấy! Thôi nhé, thời gian không nhiều, cho mình nói lời cuối cùng như sau: Lý Thái Tổ là vị vua anh minh, vĩ đại - người khai sáng ra kinh thành Thăng Long.

    Cộng đồng các dân tộc Việt Nam mãi mãi phải ghi nhớ công ơn to lớn đó. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vào năm 2010. Lúc đó chắc chắn Vượng tôi không còn nữa (giáo sư thoáng buồn). Ông cần phải làm một công trình gì đó về sự kiện trọng đại ấy!

    Thủ đô Hà Nội phải dựng xong tượng đài của Người ở vị trí xứng đáng nhất. Từ góc nhìn dân gian học: Đền Cẩu Nhi trước sau thì cũng sẽ được phục hồi tôn tạo. Nhìn từ góc độ tâm linh mà "phán" thì Lý Thái Tổ sinh năm Tuất. Dời đô năm Tuất. Nếu được khởi công vào đúng ngày giờ linh thiêng nhất thì quốc gia Đại Việt sẽ được chấn hưng muôn đời. Ngày giờ khởi công sẽ là giờ tuất, ngày tuất, tháng tuất và hoàn thành trong năm Tuất!

    Đến năm 2009, Nhà xuất bản Hà Nội có nhã ý mời tôi cộng tác làm một cuốn sách ảnh lớn mang tên: "Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh". Công trình đã có vinh dự được Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết lời giới thiệu.

    Khi cuốn sách hoàn thiện đến những trang cuối cùng thì một tin vui tràn đến: Ngày 1-8-2010, sau 5 năm GS Vượng ra đi, Hoàng thành Thăng Long, được UNESCO chính thức công nhận là "Di sản văn hóa thế giới". Đúng như dự đoán của GS Trần Quốc Vượng! Tin vui đó quả là một sự linh ứng, một kết thúc hết sức tốt đẹp. Sự kiện trọng đại đó được đưa vào phần kết của cuốn sách. Thăng Long - Hà Nội đúng là vùng đất "Địa linh nhân kiệt", hội đủ ba yếu tố: "Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa"!

    Khoảng một năm sau ngày giáo sư Vượng mất, bài báo của tôi được in trang trọng trên báo Người Hà Nội và được đông đảo dư luận đồng tình nhưng cũng chỉ một tuần sau là có sự phản bác, đúng như giáo sư Vượng nhận định !

    "Thành phố Phủ Lý - Hà Nam và Thủ đô Hà Nội đã có đường phố mang tên Trần Quốc Vượng

    Sự kiện Thủ đô Hà Nội có đường phố mang tên Trần Quốc Vượng cũng tạo nên một sự bất ngờ thú vị. Không phải thời nào chính quyền thành phố cũng bằng lòng với Trần Quốc Vượng bởi sự thẳng thắn, tính bộc trực của giáo sư. Thời ông Lê Ất Hợi làm Chủ tịch thành phố, GS Vượng có gửi thư ngỏ rung chuông báo động về tình trạng vi phạm di tích lịch sử, đền đài miếu mạo bị xuống cấp nghiêm trọng!…

    Nhưng nhìn đại thể, cán bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội cùng đồng bào cả nước, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên đến các GS, TS là học trò của ông đều ngưỡng mộ, kính trọng, yêu mến và đánh giá đúng công tích của vị GS họ Trần.

    Ngày 28-10-2016, UBND quận Cầu Giấy đã long trọng tổ chức lễ gắn biển "PHỐ TRẦN QUỐC VƯỢNG".

    GS Trần Quốc Vượng (1934 - 2005) sinh tại Hà Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Từ nhỏ, ông đã rất thông minh và hiếu học. Ông thuộc mô típ bác học quảng văn. Công lao của ông được ghi nhận, đánh giá trên nhiều lĩnh vực, như khảo cổ học, lịch sử, dân tộc học, tâm lý học, nghệ thuật học, văn hóa học… nhưng chiếm vị trí chủ đạo nhất và thể hiện toàn bộ con người ông là ở lĩnh vực Địa - Văn hóa. Ông được phong học hàm GS năm 1980, Nhà giáo Ưu tú năm 1990; được truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1997). Năm 2012, ông được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV về khoa học công nghệ Việt Nam.

    Hoàng Kim Đáng
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •