Khu di tích Làng Cả thuộc kinh đô Văn Lang xưa đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Nhưng hiện nó đã không còn nguyên vẹn bởi một phần di tích này đã bị nhà máy Mi-uôn (Miwon) mở rộng xây dựng thành khu chứa nước thải.

Làng Cả là cố đô Văn Lang xưa

“Làng Cả ngày xưa rộng lớn lắm, ý nghĩa đơn giản của Làng Cả là làng lớn nhất trong tất cả các làng ở đây, vì thế nó đã được triều đại các Vua Hùng chọn đây làm Kinh đô Văn Lang” - ông Lưu Văn Cân, đã ngót 80 tuổi (tổ 3, phố Hồng Hà, phường Tiên Cát, TP Việt Trì), rưng rưng nước mắt kể lại.

"Trong cuốn gia phả của dòng họ Lưu nhà tôi có đề cập đến Làng Cả ngày xưa là một khu đồi thoai thoải rất đẹp, có những cây cổ thụ to lớn tới hàng chục người ôm không xuể. Trong thời thực dân Pháp xâm lược, Pháp đã mở đường tàu xuyên qua quả đồi của Làng Cả, chạy lên các tỉnh Tây Bắc".

Ông Cân nói tiếp: Vào những năm 1970, nhà máy Miến - Mì chính được phép ủi phẳng quả đồi, nhiều di vật ngẫu nhiên phát lộ. Từ năm 1974 đến 1977, các nhà khảo cổ đã tiến hành một số cuộc khai quật và đào thám sát trên diện tích hơn 6.000m2. Lần khảo cổ gần đây nhất là cuối năm 2005.

Qua ba lần khai quật khu di tích Làng Cả, đã phát hiện 329 mộ táng thời kim khí, có niên đại từ nửa cuối thế kỷ 4 đến thế kỷ thứ 2 trước công nguyên thuộc văn hoá Đông Sơn, nằm trong phạm trù nghiên cứu Nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng. Bên cạnh khu mộ táng lớn là dấu vết cư trú của người Đông Sơn.

Theo tài liệu mà chúng tôi tìm hiểu thì, khu khảo cổ Làng Cả có mật độ phân bố mộ táng dày đặc, phần lớn có huyệt mộ hình chữ nhật được đào sâu dưới lớp đất cái khoảng 40 - 60 cm, chiều dài trung bình 2m. Bên cạnh đại đa số mộ đất thì có một mộ được xếp vào loại mộ vò.

Hiện vật tuỳ táng của các mộ đào được tại Làng Cả bao gồm 217 hiện vật thuộc các chất liệu đồng, đá và gốm. Các loại hình hiện vật đồng là rìu, thuổng, giáo, dao găm, vòng tay, khuyên tai, khoá thắt lưng, thạp, âu, trống đồng minh khí, chuông, quả cân, hộ tâm phiến, tượng cóc, dao khắc, dùi, đinh.

Các loại hình hiện vật gốm còn nhận được hình dáng gồm: khuôn đúc các loại rìu, dao găm, giáo và chuông, nồi rót đồng, vò, nồi, bình, bát. Bên cạnh sự xuất hiện khu mộ táng lớn, còn có dấu vết di chỉ cư trú của người Việt cổ.

Qua kết quả khảo cổ, Khu di tích Làng Cả được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia ngày 22/8/2006. Ngày 19/3/2007, UBND tỉnh Phú Thọ đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu di tích khảo cổ Làng Cả, phường Thọ Sơn, TP Việt Trì.

Một phần Kinh đô Văn Lang nằm dưới bể chứa nước thải

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, đầu năm 2006, Công ty Miwon có ý kiến xin UBND tỉnh Phú Thọ được mở rộng nhà máy Miwon. Tổng diện tích mà Miwon xin cấp thêm là 62.700m2 đất, trong đó có tới 30.000m2 nằm vào khu di tích khảo cổ Làng Cả mà lẽ ra nó phải được các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ phải đứng ra bảo vệ.

Phớt lờ mọi ý kiến của người dân và các cơ quan ngôn luận thời điểm đó, ngày 4/1/2006, UBND tỉnh Phú Thọ ký quyết định đồng ý cho sử dụng khoảng 13.000 - 15.000m2 trong diện tích đó để... làm hồ xử lý nước thải của nhà máy.

Một điều khá ngạc nhiên, tại thời điểm Miwon xin mở rộng thì dự án xây dựng, đầu tư, tôn tạo, bảo tồn di tích Làng Cả cũng được Sở Văn hoá Thông tin (nay là Sở Văn hoá thể thao và Du lịch) tỉnh Phú Thọ, khẩn trương hoàn thành với mục đích đưa Làng Cả thành một khu tham quan lịch sử - văn hoá với nhiều hạng mục đa dạng.

Bước đầu lập dự án, Sở Văn hoá Thông tin Phú Thọ đã giới hạn di tích Làng Cả trong khoảng hơn 7 ha. Song, với quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ đồng ý cho Miwon thực hiện dự án mở rộng Công ty và chỉ trong vòng 1 năm từ giữa năm 2006 đến giữa năm 2007 Công ty Miwon đã hoàn thành các hạng mục này với diện tích 13.000 - 15.000m2 như đã được phê duyệt.

Chính vì vậy, buộc dự án bảo tồn khu di tích lịch sử Làng Cả của Sở Văn hoá Thông tin phải “thu mình” trong vòng 6,5 ha còn lại, tức là mất đi hơn 10.000m2 diện tích đất mà lẽ ra nó phải được quy hoạch trong khu di tích lịch sử Làng Cả.

Theo ông Lưu Văn Cân, trong cuốn gia phả dòng họ nhà ông ghi lại, khu vực mà Công ty Miwon xây dựng làm bể chứa nước thải bây giờ ngày xưa đó là hồ phong thuỷ và bên cạnh đó là một ngôi ngôi đình rất lớn từ thời xưa để lại.

Điều đáng nói, là tháng 8/2006, khu di tích lịch sử khảo cổ Làng Cả mới được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, cho nên việc mất một phần đất nằm trong khu quần thể di tích lịch sử này đã không được bảo vệ bởi luật di sản văn hoá.

Còn một số các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ từ chính quyền địa phương là UBND phường, cho đến UBND tỉnh và các Sở ngành liên quan thì cứ nghiễm nhiên kí vào các quyết định phê duyệt dự án cho Miwon mở rộng bất chấp mọi dư luận lúc bấy giờ.

Ông Đặng Đình Thuận, Trưởng phòng quản lí di tích, danh thắng (Sở Văn hoá Thông tin, tỉnh Phú Thọ) cho biết: “Khu vực chứa nước thải của nhà máy Miwon bây giờ, ngày xưa là một phần cái hồ tự nhiên chứa nước lớn nằm trong khu di tích khảo cổ Làng Cả.

Vào đầu năm 2006, Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Phú Thọ, có lập phương án bảo tồn khu di tích Làng Cả, trong đó có cái hồ này, nhưng do lúc đó nhà máy Miwon cũng có dự án xin mở rộng nhà máy và xin phép được dùng cái hồ này làm bể chứa nước thải cho nhà máy.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Phú Thọ có phân tích cho Sở Văn hoá Thông tin về vấn đề lợi ích kinh tế và phải chia đôi cái hồ đó ra, một nửa thuộc khu di tích Làng Cả phải bảo tồn, nửa lại cho nhà máy Miwon sử dụng làm bể chứa nước thải. Tất cả chúng tôi phải làm theo chỉ đạo của UBND tỉnh”.
theo dân trí