Hitler và... quái vật ngoài hành tinh đang ở Nam Cực?


(VTC News) - Hồ nước ngầm 20 triệu năm tuổi ở Nam Cực đã được khoan thăm dò và thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học, môi trường và cả giới sử học.

Các nhà khoa học đã phải làm việc vất vả trong suốt 30 năm để có thể khoan thủng được lớp băng dày 3.7km trong nhiệt độ -80 độ C. Tuy nhiên công việc này sẽ đem lại giá trị thực sự vô cùng lớn nếu chỉ cần con người khám phá được một nửa những bí mật nó chứa đựng.


Đội thám hiểm Nam Cực của Nga đã chạm đến mặt hồ Vostok sau hơn 30 năm làm việc.

Cuộc sống khác Trái Đất

Hồ Vostok đã bị bao phủ bởi băng và không có một động thái trao đổi với môi trường bên ngoài trong hàng triệu năm qua. Điều đó đã khiến nó trở thành môi trường vô cùng đặc biệt mà không nơi nào trên Trái Đất có được.



Theo nhà khoa học Sergey Bulat, trưởng đoàn thám hiểm Nga đang làm việc tại Nam Cực, hàm lượng oxi mà họ đo được ở đây vượt từ 10 đến 20 lần những phần khác của thế giới. Do đó bất kì sinh vật nào sống ở đây đều là duy nhất trên Trái Đất.

Tuy nhiên có một nơi với điều kiện sống tương tự như hồ Vostok và đặc biệt nó không nằm trên Trái Đất, địa điểm đang được nhắc đến là mặt trăng Europa của Sao Mộc.

Tiến sĩ Vladimir Kotlyakov, Giám đốc Viện địa lý Học viện Khoa học Nga cho biết, nếu tìm thấy những sinh vật dưới đáy hồ thì có thể đây chính là cuộc gặp đầu tiên của chúng ta với các sinh vật sống ngoài hành tinh, mà cụ thể là mặt trăng Europa của Sao Mộc.



Tuy nhiên tất cả còn phụ thuộc vào cách mà hồ Vostok đã hình thành từ hàng chục triệu năm trước. Nếu như nước hồ sinh ra sau khi Nam Cực đã phủ băng và tan chảy một phần trong lòng thì sẽ khó tìm ra được sinh vật nào. Nhưng nếu ngược lại, nước hồ đã hình thành từ khi Nam Cực vẫn còn là 1 vùng đất ấm thì nhiều điều thú vị hứa hẹn sẽ được khám phá.



Sơ đồ mặt cắt ngăng bề mặt Nam Cực từ băng đến đáy hồ Vostok.

Hiện tại chưa nhà khoa học nào từng đặt ra câu hỏi liệu bên dưới lớp băng dày và tối đen kia có chứa đựng điều gì nguy hiểm cho nhân loại không - một loại virus nguy hiểm hay thậm chí là một con quái vật từ thời tiền sử theo những bộ phim thường nhắc đến.

Nhà khoa học Valeriy Lukin thuộc đoàn thám hiểm Nam Cực của Nga đã trấn an mọi người rằng: "Tất cả mọi mẫu vật khi được đưa lên mặt đều phải qua một quá trình kiểm tra kĩ lưỡng bằng cách sử dụng các bức xạ phù hợp."




Câu chuyện "con cáo và chùm nho" với phương Tây

Được biết trong những đầu của cuộc thám hiểm, các nhà khoa học Nga đã sử dụng công nghệ khoan bằng dầu như một phương pháp chống đông. Trong vài năm trở lại đây, công nghệ khoan Freon sạch hơn mới được áp dụng trong công cuộc tìm đến mặt nước hồ Vostok.

Trong khi đó các quốc gia châu Âu khác lại sử dụng nước đun sôi làm phương pháp chống đông khi khoan vào băng. Điều này đã đảm bảo được độ sạch của mũi khoan, tuy nhiên tốc độ lại bị giảm xuống.

Jean Jouzel, một nhà khoa học tại Viện Năng lương nguyên tử Pháp (CEA) đã nói rằng thật không hay gì khi người Nga đã đặt mục đích quốc gia lên trên mối quan tâm của giới khoa học. Theo ông, người Nga nên giữ nguyên hiện trường của hồ nước này cho đến khi các công nghệ khoan không ô nhiễm ra đời.



Trong một lần trả lời phỏng vấn khác, Martin Siegert, nhà khoa học thuộc đoàn thám hiểm của Anh đã nhận xét về thành tựu của người Nga như sau: "Đây là một thành tựu lớn, tuy nhiên chúng tôi lo sợ rằng những gì đem lên nghiên cứu sẽ không còn nguyên bản khi phải đi qua 1 lớp dầu dày 2km."
Theo một tổ chức phi chính phủ của phương Tây về môi trường có tên Souhthern Ocean Coalition thì sai lầm lớn nhất của họ là trong năm 2010 đã công nhận công nghệ của Nga là không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.


Trạm nghiên cứu hồ Vostok tại Nam Cực.

Tuy nhiên theo các nhà khoa học Nga thì từ khi công nghệ Freon được sử dụng năm 2005, nguy cơ gây ô nhiễm cho môi trường hồ Vostok đã được loại bỏ. Sở dĩ có được điều này là vì khi sử dụng công nghệ mới, những hóa chất có thể gây ô nhiễm đã được đẩy ngược lên bề mặt băng trước khi có thể tiếp xúc với nước hồ.

Những căn cứ bí mật của Hitler

Ngoài những bí mật về sinh vật và môi trường sống đặc biệt, đây cũng là nơi mà các nhà lịch sử học giai đoạn Thế chiến II đặt nhiều nghi vấn về căn cứ Hải quân bí mật của Hitler.

Năm 1943 Đô đốc Hải quân Karl Dontiz đã nói với Hitler rằng: "Hạm đội tàu ngầm của Đức tự hào đã tạo ra được một căn cứ bất khả xâm phạm ở đầu kia của Trái Đất."



Thậm chí còn có những phỏng đoán về việc thi thể Hitler và người vợ Eva Braun đang được cất giấu tại đây.

Tuy nhiên tất cả mọi phỏng đoán đều cần bằng chứng để chứng thực từ chính lòng hồ bí hiểm này. Nhưng mọi việc sẽ phải dừng lại trong vài tháng vì hiện nay mùa hè tại Nam Cực sắp kết thúc đồng nghĩa với việc nhiệt độ hạ và ánh sáng sẽ trở nên khan hiếm.



Dự kiến những robot có khả năng bơi sẽ được cac nhà khoa học Nga thả xuống thám hiểm lòng hồ vào cuối năm nay.

Tùng Đinh