Nằm cách Hà Nội 25km về phía tây bắc thuộc địa phận xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây), có một ngôi chùa mang tên Đại Bi tự cổ kính, trang nghiêm về kiến trúc, đồng thời chứa đựng nhiều bí ẩn từ tên nôm đã gắn bó với chùa từ thời khởi dựng: chùa Bà Tề.

Nơi đây còn lưu giữ được hầu như nguyên vẹn hệ thống tượng thờ đất nung, tượng gỗ cùng nhiều cổ vật có giá trị khác. Chùa đã được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cái tên "Bà Tề" ẩn chứa sự cổ kính, theo truyền thuyết dân gian, được cắt nghĩa rằng: Từ thời An Dương Vương, công chúa Ngọc Phi, người có nhiều công lao với đất nước, đã sinh ra ở đây, đến cuối đời cũng mất tại chùa.

Cảm kích công lao của vị công chúa này, nhân dân đã gọi chùa của địa phương mình bằng một cái tên nôm đó. Kiến trúc chùa quay về hướng nam theo kiến trúc nội công ngoại quốc với nhiều tòa ngang, dãy dọc gồm nhà tiền đường, ống muống, thượng điện, cổng tam quan và hành lang.

Đáng chú ý là tòa tam bảo được dựng theo kiểu chữ công; nhà tiền đường có 3 gian, 2 chái với bộ khung bốn hàng cột tròn và kết cấu bộ vì thống nhất làm kiểu thượng cồng rường hạ kẻ.

Ống muống nhà dọc nối tiền đường với thượng điện bằng những bộ vì kiểu thượng giường hạ kẻ và 4 hàng chân cột tròn dưới kê tảng đá xanh. Thượng điện làm theo lối kiến trúc tương đối giống tiền đường.

Dù không còn tư liệu nào chính xác về lịch sử xây dựng, nhưng qua các hiện vật, đồ khí tự, tượng Phật và những trang trí nghệ thuật khác như: Chân tảng đá chạm 16 cánh sen ở hậu cung dễ nhận biết chùa được xây dựng khoảng từ thế kỷ XVII.

Những dấu hiệu chùa được trùng tu tôn tạo lại nhiều lần vào thời Nguyễn được xác định dựa vào những kiến trúc và hiện vật là quả chuông "Bà Tề tự chung" đúc năm Gia Long thứ 12 (1813), chiếc khánh đồng, có chiều rộng 1,37m; chiều cao 1,09m, được ghi niên đại Minh Mệnh thứ 3 (1822).

Là một di tích kiến trúc tôn giáo cổ và đẹp với quy mô vừa đủ, bố cục hài hòa, khép kín, giản dị mang đậm nét văn hóa cổ truyền thống, nét đặc biệt của chùa Bà Tề là ở số lượng tượng vô cùng phong phú, đa dạng, phong cách nghệ thuật điêu khắc điển hình của thời Lê và Nguyễn và sự giao thoa nghệ thuật điêu khắc với một số nước trong khu vực.

Trong nội thất tòa tam bảo của chùa hiện còn bài trí 72 pho tượng đất nung, tượng gỗ sơn son thếp vàng, trong đó có rất nhiều bộ tượng như: Tượng Cửu Long, tượng Đức Ông; bộ tượng Thích Ca sơ sinh; bộ tượng Văn Phù, Phổ Hiền...

Những pho tượng gỗ nghệ thuật điêu khắc thời Lê đáng chú ý hơn cả là 3 pho tượng tam thế; pho tượng A Di Đà, Quan Âm Nam Hải, tượng Thế Tôn và tượng Văn Phù ngồi trên lưng sư tử, Phổ Hiền ngồi trên lưng bạch tượng... trong đó, ba pho tượng tam thế được điêu khắc theo phong cách tượng Chăm pa với nhiều đường nét uốn lượn cầu kỳ, tinh xảo, sống động cùng sắc thái đặc biệt, đặt trên bệ tượng cũng thống nhất một phong cách.

Chính những yếu tố nghệ thuật tiếp thu từ các nước láng giềng đã làm tăng thêm giá trị văn hóa, thẩm mỹ cho ngôi chùa này.

Sưu tầm