BẠN TẠO NÊN MAY RỦI VÀ VẬN MỆNH CỦA BẠN
(YOU MAKE YOUR LUCK AND DESTINY)

Nguyên tác: Dr. K. Sri Dhammananda
Dịch giả: HT. Thích Trí Chơn

Giới thiệu tác giả: Hòa Thượng K. Sri Dhammananda, tốt nghiệp Tiến sĩ, là nhà Sư và học giả Phật Giáo danh tiếng người Tích Lan (Sri Lanka), hơn 40 năm qua đã góp phần to lớn cho sự phát triển Phật Giáo, không riêng tại Mã Lai (Malaysia), các nước Á Châu mà còn khắp nơi trên thế giới. Năm 1962, Hòa Thượng đứng ra thành lập Hội Truyền Bá Phật Giáo (The Buddhist Missionary) taị Kuala Lumpur (Mã Lai). Hiện nay, Hòa Thượng đang giữ chức Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo tại Mã Lai. Về phương diện hoằng pháp, có thể nói HT. Dhammananda là nhà Sư Nam Tông, hiện đóng góp nhiều nhất cho công cuộc hoằng dương chánh pháp tại Mã Lai, một quốc gia mà đa số dân chúng theo Hồi Giáo.

Để tạo sự đoàn kết, chung sống hòa hợp với các tôn giáo bạn; HT. Dhammananda là một trong những thành viên đã khởi xướng thành lập vào năm 1983 “Hội Đồng Tư vấn của Phật, Thiên Chúa và Ấn Độ Giáo tại Mã Lai” (The Malaysian Consultative Council of Buddhism, Christianity and Hinduism). Hội này được xem như cơ quan liên lạc với chính quyền Hồi Giáo Mã Lai nhằm kết hợp với các tông phái Phật Giáo như Đại Thừa, Nguyên Thuỷ và Kim Cang Thừa của Tây Tạng. Việc làm ý nghĩa nhất của tổ chức này là họ đã hợp tác tổ chức đại lễ Phật Đản chung hằng năm tại Kuala Lumpur, với sự tham dự của hàng chục ngàn Tăng ni, và Phật tử của ba giáo phái Phật Giáo nói trên thuộc nhiều quốc gia: Mã Lai, Ấn Độ, Tích Lan, Nhật Bản, Việt Nam, Đại Hàn và Âu Mỹ v..v.. Về mặt văn hóa, HT. Dhammananda đã viết rất nhiều sách Phật Giáo bằng Anh ngữ. Sau đây là những sách Phật Giáo Anh văn căn bản của Hòa Thượng: 1) What Buddhist Believe? (Người Phật Tử Tin Tưởng Gì?); 2) Religion in a Scientific Age (Phật Giáo trong Thời Đại Khoa Học); 3) The Treasure of the Dhamma (Kho tàng Pháp Bảo); 4) Status of Women in Buddhism (Vai trò của Phụ Nữ trong Phật Giáo); 5) Gems of Buddhist Wisdom (Những Viên Ngọc của Trí Tuệ Phật Giáo) v.v. (Chú thích của người dịch)
-0o0-

Thật là hết sức sai lầm khi chúng ta tin tưởng vào sự may mắn và rủi ro. Nếu trong đầu óc chúng ta có ý tưởng ấy, chúng ta nên loại bỏ, và đừng bao giờ để cho ý tưởng sai quấy đó ảnh hưởng đến chúng ta.
Đức Phật dạy rằng điều lành, nghĩa là các kết quả thiện phát sinh từ những nguyên nhân tốt; và kết quả xấu chỉ có thể dẫn đến từ các nguyên nhân bất thiện. Một người có ý tưởng không trong sạch và hành động xấu ác không thể nói một cách hợp lý rằng mọi điều xấu xảy ra trong đời anh ta đúng là “vận rủi ro”. Ý nghĩ xấu và cuộc sống ác độc tạo nên đời sống bất hạnh. Trái lại ý nghĩ và hành động tốt tạo ra cuộc sống an vui. Cho nên tin vào “vận số” là một sự mê tín.
Cuộc sống của chúng ta hạnh phúc và an lành hay đau khổ và bất an tùy thuộc vào phương cách sinh sống của chính cá nhân chúng ta. Chúng ta tạo nên điều hạnh phúc hay đau khổ và không có gì gọi là may rủi. Khi một người bảo là anh ta gặp “điều không may”, thực ra y muốn nói rằng y có “NGHIỆP XẤU” (Bad Karma). Bất cứ ai hiểu biết giáo lý về Nghiệp Báo (Karma) sẽ không còn nhầm lẫn để tin vào sự rủi may; bởi vì họ sẽ nhận thấy rằng mọi việc xảy ra trong đời sống chúng ta, chỉ là kết quả của các nguyên nhân do chính chúng ta đã tạo ra ngay trong đời này hay một trong những kiếp trước của chúng ta.
Thật vậy, đức Phật đã không phủ nhận sự ảnh hưởng của một vài ngôi sao và hành tinh đối với con người. Dĩ nhiên ai có tâm hồn nhu nhược sẽ là nạn nhân của các ảnh hưởng đó, và sự tưởng tượng của họ khiến cho tình trạng càng bi đát thêm. Những người có ý lực mạnh mẽ, lòng can đảm và trí hiểu biết, có thể thành công trong sự nghiệp của họ, và khắc phục được những khó khăn mà không cần phải nương vào các quyền năng ngoại giới này. Do đó, con người không nên nhận chịu sự đầu hàng bằng cách từ bỏ các cố gắng để nghĩ rằng mình không gặp được điều may hay tự khiến mình trở thành nạn nhân của mọi nỗi âu lo. Những lo buồn ấy, chỉ làm cản trở sự tiến bộ trong công ăn việc làm của họ mà thôi.
Nếu kẻ nào gặp thất bại trong công việc là do một trong những nghiệp xấu của họ đã gây ra; và họ có thể vượt qua bằng cách cố gắng hành thiện nhiều hơn. Làm việc lành, người ta không cần phải tốn kém gì, mà kẻ ấy có thể thực hiện nhiều việc phước đức bằng tình thương, tánh khoan dung, nhẫn nhục, lòng từ bi và sự thông cảm. Nếu việc thất bại là do sự bất tài, thiếu kinh nghiệm, hay biếng nhác của người ấy thì họ phải cố gắng tự cải tiến và học hỏi làm cách nào để khắc phục được những thất bại đó mà không cần trách than gì đến các vì sao xấu.

VẬN MẠNG NẰM TRONG TAY BẠN

Không có lý thuyết tin vào phận số không thể tránh hay vận mệnh không thể cải đổi được trong Phật giáo. Chúng ta thường thấy rõ một vài lỗi lầm chúng ta phạm hôm qua là nguyên nhân cho sự bất hạnh hay ốm đau chúng ta phải gánh chịu ngày hôm nay. Đức Phật dạy: “Chúng ta là kẻ thừa hưởng của những hành động chúng ta đã gây ra. Việc làm của chúng ta là gia tài và di sản của chúng ta”.

Vận mệnh là điều hoàn toàn do chúng ta tự tạo, tự kiếm được, dù cho đó là việc tốt hay xấu. Luật tự nhiên không bao giờ tha thứ cho sự thiếu sáng suốt (vô minh). Con người là kẻ xây dựng cuộc đời của chính họ, đấng sáng tạo phận số của họ, cả hai mặt nội tâm lẫn ngoại giới.

Vận mệnh không phải là năng lực mù quáng, nó thể hiện sự sáng suốt lớn lao nhằm điều khiển cả vũ trụ. Nó có chủ đích để hoàn thành; và mục tiêu đó, đối với con người, là một ý hướng giáo dục. Vận mệnh không mang ý nghĩa của sự đền đáp. Cũng không có tác dụng của sự trừng phạt trong năng lực vĩ đại ấy. Mà con người tạo nên vận mệnh của mình bằng ý tưởng và hành động của chính họ; con người sẽ nhận lại ở cuộc đời sớm hay muộn một cách chính xác những điều mà họ đã gây ra cho cuộc đời. Điều ấy, không cách gì trốn thoát được.

Chúng ta nên ý thức rõ không có vận mệnh nào là cố định. Nó chỉ có tính cách tương đối tạm thời; cho nên, Phật giáo dạy rằng không có địa ngục cũng như thiên đường vĩnh cửu. Đạo Phật thuyết giảng về luật nhân quả và sự luôn luôn biến đổi vô thường. Do đó, con người có thể tu học để làm chủ bản tính và giải thoát tâm thức của mình.

Vận mệnh không có gì khác hơn là kết quả của những nỗ lực quá khứ của chúng ta. Các thành quả của chúng ta được quyết định bởi những cố gắng của chúng ta. Cho nên, nỗ lực của chúng ta là vận mệnh của chúng ta. Sự gắng sức trong quá khứ và hiện tại của chúng ta, ở trường hợp đối nghịch, giống như hai con cừu đực chiến đấu với nhau. Con nào mạnh hơn sẽ đánh bại con kia. Mọi cố gắng (xấu hoặc tốt), dù là quá khứ hay hiện tại, những năng lực mạnh hơn sẽ quyết định số phận của chúng ta. Dù ở trường hợp nào, chính sự tinh tấn của con người sẽ định đoạt vận mạng của mình bằng năng lực cố gắng của nó. Con người quyết định phận số bằng ý tưởng của mình. Nó cũng khiến cho vận mệnh không xảy ra, có thể xảy ra. Chính nỗ lực cá nhân sẽ tạo nên phận số của con người ở thế gian này, chứ không phải do điều gì khác. Cho nên, con người phải khắc phục số mệnh không may của mình (kết quả của mọi cố gắng quá khứ) bằng nỗ lực lớn lao hơn trong hiện tại. Thế giới này không có việc gì không thể thành tựu được bằng chính sức cố gắng của con người.

Con người làm tiêu hao sự sống bằng cách trách than nhìn lui quá khứ, trong sự biếng nhác, không quyết tâm, là chứng tỏ sự bất lực đối với vai trò cao quý mà nó chiếm giữ; và như thế, con người đã tạo ra nghiệp xấu, để dẫn mình vào nơi bất thiện. Bạn nên nhớ kỹ điều này, và cố gắng làm việc lành trong khi cuộc sống của bạn còn tồn tại. Bởi lẽ phí phạm thì giờ của bạn, bạn không những chỉ làm tổn thương chính mình mà còn gây tai hại cho người xung quanh, vì thời gian của bạn cũng quý báu như thì giờ của kẻ khác.

Mong chờ được cứu rỗi qua sự cầu nguyện, lễ bái, giết hại sinh vật, nhân danh thần thánh, để cúng tế thần linh và vân vân, là hành động ích kỷ. Con người nên tìm sự giải thoát qua việc thọ trì giới cấm, biết tu sửa, tự giác, sống đời sống chân chính, mang tình thương đến cho mọi người; bằng sự thanh tịnh hóa (bản thân), cùng thể hiện những việc làm cao cả và lợi tha.

Luật thiên nhiên rất công bằng. Nó không biết nịnh hót hay ban đặc ân do lời yêu cầu của bất cứ ai. Con người có thể nêu câu hỏi: “Ta chỉ là con tốt trên bàn cờ của những quyền lực vũ trụ mà ta không có cách gì kiểm soát, hay ta có thể quyết định phận số và vận mệnh của mình ít ra, trên một vài phương diện?”.

Nhiều tôn giáo đã giải đáp khác nhau về câu hỏi này. Đức Phật dạy rằng con người có khả năng khắc phục được cái luật phổ biến về sự khổ đau và sanh tử, nếu y biết hành động thuận theo cái luật đạo đức của vũ trụ, biết tu niệm, giữ tâm thanh tịnh bằng cách áp dụng trí tuệ của mình; thì con người thể tạo dựng cuộc đời theo ý muốn; và quyết đinh đựợc vận mệnh của mình mà không cần phải dựa vào các quyền lực ngoại giới,