Sự thật xung quanh ngôi miếu hai cô
GiadinhNet - Thời gian gần đây, nhiều người rỉ tai nhau về một ngôi miếu hoang thờ hai cô gái “đồng trinh” nằm ở ngay lối đi vào “bãi tắm tiên” ở bãi giữa sông Hồng - Hà Nội.

Ngôi miếu này được cho là rất linh thiêng nên ai đến đây cầu xin điều gì đều được (?!). Vào các ngày rằm và mồng một hàng tháng có rất nhiều người dân ở các nơi đến đây thắp hương, cúng vái, trong đó có không ít người là dân lô đề. Chúng tôi đã tìm hiểu sự thật về ngôi miếu này.

Miếu thờ hai cô gái bị chết đuối



Người dân thắp hương tại miếu hai cô.



Theo chân một thành viên trong Đội bơi lội thuộc “Câu lạc bộ Những người yêu sông Hồng”, chúng tôi đến bãi giữa sông Hồng vào một chiều nắng gắt. Con đường dẫn vào ngôi miếu cũng chính là con đường đi vào nơi cư ngụ của một số hộ gia đình làng thuyền nổi ven sông Hồng. Men theo lối mòn nhỏ hẹp, vượt qua ruộng ngô xanh mướt chúng tôi đặt chân đến nơi có ngôi miếu hoang. Ngôi miếu nằm nép mình dưới tán cây trứng cá xanh um tùm, miếu được che chắn bởi hàng chục loại cây dại khác nhau. Ngôi miếu này khá đơn sơ với hai ngôi mộ đắp bằng đất hình chữ nhật và một ban thờ nhỏ, đầu hướng ra phía “bãi tắm tiên” sông Hồng. Ban thờ có mái che lợp ngói lưỡi bò sơn xi măng. Bên trong ban thờ có hai bát hương cắm đầy chân hương, trên đầu một số chân hương vẫn còn khá nhiều đầu lọc thuốc lá. Mỗi nơi thờ còn có ba chén nhỏ đựng nước, một đĩa nhỏ đựng hoa quả và một thiếp vàng nén vẫn còn tươi màu giấy. Ban thờ không có bài vị, không có di ảnh mà chỉ có duy nhất một tấm bia màu đen chữ vàng ghi: “Miếu hai cô, Câu lạc bộ Những người yêu sông Hồng công đức 2009”.

Ngay phía bên phải, dưới chân miếu, cũng có một ban thờ cao khoảng 1,5m, mặt hướng ra sông Hồng. Trên ban thờ này cũng chỉ có một bát nhang nhỏ và ba chén nước, một đĩa đựng trái cây.
Hỏi người dẫn đường, là một thành viên trong đội bơi lội thuộc “Câu lạc bộ Những người yêu sông Hồng” về lai lịch của hai ngôi mộ nhưng ông cũng không biết rõ. Ông chỉ biết rằng, trước đây hai ngôi mộ này nằm tách rời nhau, lẩn khuất trong những đám cây dại ven bờ sông. Sau nhiều năm qua lại đây bơi lội, anh em trong đội bơi đã quyết định quyên góp tiền để di dời hai ngôi mộ về đây và đặt tên cho miếu là “miếu hai cô”. Miếu mới được xây xong vào tháng 8/2009.

Đem điều này đi hỏi một số người dân đang làm ruộng ở một số nương ngô gần đó cũng rất ít người biết về lai lịch của hai ngôi mộ bởi họ cũng là dân ở các nơi khác đến thuê đất canh tác, chứ không phải dân bản địa. Vòng vèo một lúc, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ông Nguyễn Thụy (72 tuổi) vốn là người làng Ngọc Thụy (Long Biên) đã canh tác ở đây hơn 50 năm cho biết: Ngôi miếu này chính là hai ngôi mộ của hai cô gái bị chết đuối.


Ngôi miếu nằm nép mình dưới gốc hai cây trứng cá và vô số bụi cây dại.



Vào năm 2003, sau một trận lụt nhẹ, người ta phát hiện ra xác của một cô gái, trạc tầm 20 tuổi dạt vào bên bờ sông Hồng. Nhiều người dân lúc đó đã báo với chính quyền địa phương đến để xử lý. Sau khi đội pháp y đến khám nghiệm tử thi và kết luận cô gái bị chết đuối, những người dân xung quanh cùng công an phường đã quyên góp tiền mua quan tài rồi chôn cất cô gái ngay tại bãi giữa vì họ không biết gì về nhân thân của cô.

Còn một cô gái khác, trẻ hơn cô gái này khoảng 4 tuổi, cũng không biết quê hương gốc gác ở đâu.

“Cách đây độ hơn chục năm khi tôi đang làm ngoài vườn thì thấy có người gọi ầm lên “có xác chết”, “có người chết đuối”. Tôi vội vàng chạy ra thì một số người đã vớt xác cô gái lên bãi cát rồi. Sau khi Công an phường Ngọc Thụy (Long Biên) đến lập biên bản xong thì vì cô này cũng không có giấy tờ tùy thân nên chúng tôi mỗi người đóng góp một ít mua áo quan để mai táng cho cô” – ông Thụy kể lại.

Cái “tâm” bị lợi dụng

Ông Thụy còn cho biết thêm, hai cô gái vì dạt vào hai vị trí khác nhau nên được chôn cất ở hai vị trí khác nhau chứ không cùng chỗ như bây giờ. Còn việc vì sao Đội bơi lội sông Hồng lại xây cất hai ngôi mộ này thành một và đặt tên là miếu thì ông không biết.

Chuyện chỉ có thế, nhưng qua lời kể, nó đã được thêm thắt, trở thành các giai thoại ly kỳ, hư hư, thực thực. Bà Trần Thị V, là một cư dân của xóm thuyền nổi ven sông Hồng, bán nước cách ngôi miếu này khoảng 200m quả quyết: Hai cô gái này vì chết trẻ khi còn đồng trinh nên rất linh thiêng. Những lúc hai cô mới “về” đây, ngay cả người bạo gan nhất cũng không ai dám đi qua. Sau này, khi đã quen thì người ta không còn sợ nữa. Thấy chúng tôi lắng nghe, bà V tiếp tục “thêu dệt” câu chuyện về ngôi miếu.

Thời kỳ đầu, khi mới có phong trào “tắm tiên”, nhiều người đến đây bơi lội, khi đi qua mộ các cô mà không đứng lại vái lạy và xin phép thì xuống tắm kiểu gì cũng có chuyện.

“Tôi từng chứng kiến nhiều người đến đây bơi lội, có người là vận động viên bơi lội hẳn hoi nhưng vẫn nhiều phen suýt chết với những lý do rất kỳ lạ. Một số người vừa mới xuống nước, chưa kịp sải tay bơi thì bỗng như có ai nắm chân kéo xuống nước, càng lúc càng sâu làm người đó không kịp phản ứng. Đến khi “đồng đội” xuống kéo lên thì người cứng đờ ra như khúc chuối. Cũng có người khi đang bơi bình thường cùng mọi người trong đội bỗng dưng không bơi được nữa, cứ đứng nguyên một chỗ. Còn chuyện đang bơi mà bị “bẻ” tay, “bẻ” chân là chuyện bình thường. Nhưng người nào thường vái lạy các cô đều đặn mỗi khi đi qua thì lại không hề hấn gì” – bà V nói.

Cũng theo bà V thì vì gặp nhiều chuyện không hay đó nên các thành viên trong Đội bơi lội sông Hồng đã bàn nhau quyên góp tiền để cất bốc hai cô về lại một chỗ cho tiện bề hương khói quanh năm. Từ ngày có miếu, vào các ngày rằm và mồng một hàng tháng kể cả đội bơi lẫn cư dân xóm thuyền nổi đều đến đây thắp hương, làm lễ chu đáo. Thậm chí, thời gian gần đây, có một số người ở những nơi khác cũng kéo đến đây thắp hương. “Nhiều người chăm cúng vái còn được hai cô cho... trúng đề liên tục” – bà V thì thầm như sợ ai nghe mất.

Tuy nhiên ông Trần Văn T – một thành viên trong đội bơi thì lại khẳng định, họ xây dựng miếu không hẳn vì gặp nhiều chuyện không hay mà vì thấy có hai ngôi mộ hoang, quanh năm hương lạnh khói tàn, không người chăm sóc nên mới họp bàn với nhau để xây cất lại. Sau khi xây cất xong, đội bơi còn mời nhà sư ở chùa Đông Tác về đây làm lễ cầu siêu cho các cô việc này chủ yếu do cái tâm là chính. Ông T cũng thừa nhận, từng có nhiều người ở các vùng khác đến đây xin tài lộc.

Xung quanh ngôi miếu hoang này vẫn còn khá nhiều câu chuyện hoang đường dễ khiến người nhẹ dạ cả tin tưởng thật. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin xác thực nhất quanh chuyện “miếu hai cô”.

Tùng Long – Quang Thành