Người phi công anh hùng được không lực Hoa Kỳ ngưỡng mộ

4:44, 18/05/2012


Ông Nguyễn Hồng Mỹ.

Suy nghĩ của anh em phi công chúng tôi hết sức đơn giản: “Chiến đấu và giành chiến thắng”. Câu chuyện binh nghiệp của người phi công bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trong trận Điện Biên Phủ trên không có nhiều điều đặc biệt. Hơn 40 năm sau, những hồi ức về một thời quá khứ hào hùng vẫn còn nguyên vẹn. Người phi công tiêm kích của Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn cứ thổn thức với bầu trời. “Anh hiểu trời hơn mọi người. Trời gắn với anh ngay từ những buổi đầu như thuở nào chúng ta đến với nhau bằng tất cả nỗi buồn vui thương nhớ. Em ơi em máu bọn anh đã đổ. Để giữ cho vòm cao mãi trong lành”.

Chuyến bay đặc biệt

Nguyễn Hồng Mỹ sinh năm 1946, quê ở Nghệ An. Ông sinh ra trong một gia đình cách mạng, là anh em bà con của giáo sư Tạ Quang Bửu. Năm 1965, khi đang học Đại học Kinh tế năm thứ nhất thì không quân về tuyển phi công ở các trường đại học. Nguyễn Hồng Mỹ đăng kí dự tuyển. “Hồi ấy tôi không nghĩ là tôi trúng đâu bởi lúc bấy giờ tôi bé con lắm, chỉ hơn 50 cân thôi. Có những người to, khỏe nhưng cứ bị loại dần. Và tôi thì trúng tuyển”.

Trong số 120 thanh niên ưu tú toàn miền Bắc được gửi đi học lái máy bay ở Liên Xô, tốt nghiệp MiG 21 có 19 người, MiG 17 được hơn 30 người. Ông Mỹ nhớ lại: “Tất cả bọn tôi sang học bay chỉ háo hức về để chiến đấu thôi. Trong suy nghĩ, trong phấn đấu lúc bấy giờ chỉ có một động cơ duy nhất là học bay, tốt nghiệp sớm, tốt nghiệp thật giỏi để về chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.

Đến tháng 3 năm 1968 thì tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp về nước, cũng chỉ được nghỉ 2 ngày tại chỗ sau đó được phân công ngay về các đơn vị chiến đấu.

Có một chuyến bay đặc biệt mà trong suốt cả cuộc đời, ông Mỹ chẳng bao giờ có thể nào quên. Đó là chuyến bay tiễn đưa Bác trên Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 9/9/1969.

Ngồi trong căn phòng khách được bày đặt nghệ thuật, ông Mỹ kể: Hồi đó, cứ sau vài lần xuất kích, những người lính phi công như tôi lại được lên khu nghỉ dưỡng Tam Đảo để nạp thêm năng lượng cho những trận đánh tiếp theo. Nửa đêm ngày 2/9/1969, toàn bộ phi công nhận lệnh phải về đơn vị gấp.

Sáng 3/9/1969, toàn bộ phi công của 3 phi đội thuộc Trung đoàn 921 tập trung trực tiếp nghe Thiếu tướng Đào Đình Luyện khi đó là Phó Tư lệnh Quân chủng phòng không không quân và Đại tá Nguyễn Xuân Mậu, Chính ủy quân chủng phổ biến nhiệm vụ. Khi đó, tôi mới biết là Bác Hồ đã mất và nhiệm vụ của chúng tôi là bay trong lễ tang của Người….
Anh em phi công trong đơn vị ai cũng muốn tham gia, ai cũng ý thức được đó là vinh dự, và đều muốn thể hiện tình cảm của mình với vị lãnh tụ kính yêu, Người Cha già dân tộc, Người đã dành nhiều thời gian và tình cảm cho lực lượng không quân non trẻ.

Trong số gần 50 phi công lái MiG 21 khi đó, đơn vị chỉ chọn 12 phi công ưu tú nhất, những người đã có nhiều giờ bay, tham gia chiến đấu nhiều trận với không quân Mỹ. Nguyễn Hồng Mỹ vinh dự nằm trong danh sách 12 phi công đó. Theo kế họach, cả đoàn được chia làm 3 biên đội, ông Mỹ bay ở vị trí số 4 của biên đội 2. Đều là những phi công đã có nhiều kinh nghiệm, nhưng chưa ai trong số đó bay theo đội hình diễu binh cả.
Sáng 9/9, tất cả các biên đội đều dậy sớm hơn thường lệ, tập trung đông đủ ở Sở chỉ huy của Trung đoàn nhận nhiệm vụ. Trực tiếp Phó Tư lệnh Quân chủng Đào Đình Luyện cùng Chính ủy Quân chủng Nguyễn Xuân Mậu giao nhiệm vụ. Tại Sở chỉ huy Trung đoàn, trực tiếp là Trung tá Trần Hanh - Trung đoàn phó Trung đoàn 921 chỉ huy.


Đúng 9h, toàn bộ biên đội cất cánh, bay một vòng và tập trung đội hình ở khu vực Phủ Lỗ, sau đó thẳng hướng Quảng trường Ba Đình. “Hôm đó thời tiết khá thuận lợi nên khi vào đến địa phận nội đô, tôi nhìn rõ Hồ Tây rồi quảng trường Ba Đình hiện ra… Khi máy bay bay qua quảng trường, lần đầu tiên tôi cảm thấy chân mình tê tê, tay run run… Tôi cố trấn tĩnh lại và tập trung trí óc thực hiện tốt các thao tác đã đề ra. Các biên đội gồm 12 chiếc MiG 21 đã bay trên bầu trời quảng trường Ba Đình với niềm xúc động đến nghẹn lại trong giây phút thiêng liêng đưa tiễn Bác.
Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, chúng tôi nhận được điện thoại từ Sở chỉ huy Trung đoàn là đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Khi đó, cảm giác thật khó tả! Niềm xúc động dâng trào vì mình vừa hoàn thành một công việc cực kỳ quan trọng bằng cả tình cảm, trái tim và lý trí”, ông Mỹ xúc động kể. Đó là chuyến bay đặc biệt nhất trong cuộc đời của người phi công Nguyễn Hồng Mỹ.

Giội gáo nước lạnh vào không quân Hoa Kỳ

Sau khi tốt nghiệp tại Liên Xô, đoàn thanh niên được tuyển chọn đi học lái máy bay năm xưa trở về nước. Không quân Việt Nam được tăng thêm sức mạnh. Các Trung đoàn MiG được bổ sung phi công mới và có thêm 36 chiếc MiG kiểu mới.

Đầu năm 1968, trước những cuộc biểu tình rầm rộ đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam tại Mỹ, để xoa dịu dư luận nước Mỹ và thế giới, Tổng thống Mỹ phải xuống thang, phải tuyên bố chỉ ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20. Mùa xuân năm Mậu Thân 1968, Mỹ-ngụy đã choáng váng trước đòn đau trong cuộc tổng tiến công, nổi dậy của quân và dân ta. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ tan thành mây khói.

Ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố “phi Mỹ hóa chiến tranh”, ném bom hạn chế miền Bắc và đề nghị nói chuyện với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đến cuối năm 1968 tuyên bố chấm dứt chiến tranh ở Bắc Việt Nam và ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, cuộc chiến trên không tại Khu 4 lại hết sức ác liệt. Chiến tranh ngày càng leo thang. Ông Mỹ nhớ lại: “Hồi đầu năm 1972, chưa đánh lớn. Lúc ấy chủ yếu là các lực lượng máy bay trinh sát”.
Nhớ lại chuyến xuất kích, giội gáo nước lạnh vào không quân Hoa Kỳ, ông Mỹ kể: Ngày 19/1/1972, tôi nhận lệnh cất cánh chiến đấu. Tôi bay ở vị trí số một cùng Thượng úy Lê Minh Dương. Sở chỉ huy báo có tốp máy bay cường kích của địch bay trên độ cao 4.000m. Tốp máy bay địch hôm đó có tới 24 chiếc. Có lẽ từ đầu chiến dịch, địch chưa bị không đối không tiêu diệt máy bay nào nên rất chủ quan, bọn chúng không phát hiện ra chúng tôi nên khi đến địa phận Hòa Bình vẫn thản nhiên lượn quay trở lại.
Nhưng đúng lúc đó, đèn nhiên liệu của tôi cũng báo sắp hết xăng. Tôi xin Sở chỉ huy là cố theo một đoạn nữa xem sao. Tôi tăng tốc và lấy độ cao cùng với máy bay địch, khi đến địa phận Nghệ An thì tôi cảm thấy thời cơ tốt nên phóng liền 2 quả tên lửa. Một quầng sáng lớn bùng ngay trước mắt. Tôi biết đã trúng mục tiêu nhưng cự ly quá gần nên không tài nào tránh được. Máy bay tôi chui luôn vào đám cháy đó và động cơ bị tắt. Sở chỉ huy ra lệnh nhảy dù, tôi cố lượn vòng lại và hạ thấp độ cao. Sau đó, tôi khởi động lại thì động cơ lại nổ và hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa cũng là lúc hết sạch nhiên liệu.

Trong cuộc rượt đuổi gay go trên bầu trời suốt từ Hòa Bình vào đến Nghệ An, Nguyễn Hồng Mỹ đã bắn cháy chiếc F101 của không quân Hoa Kỳ trên bầu trời Nghệ An. Đó là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên mà không quân ta bắn rơi trong năm 1972, giội một gáo nước lạnh vào thái độ vênh vang của không quân Hoa Kỳ.

Ngay trong ngày hôm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới thăm Trung đoàn Tiêm kích 921, khen ngợi, rút kinh nghiệm và động viên. Phi công Nguyễn Hồng Mỹ được gắn Huy hiệu Bác Hồ.

Vào thời điểm năm 1972, Mỹ đã dốc vào chiến trường Việt Nam hơn 1.000 máy bay chiến thuật, 150 máy bay B52 và 66 tàu sân bay. Vào thời điểm đó, không quân Việt Nam có 180 máy bay Mig cùng tên lửa mặt đất và bộ đội ra đa. Phi công Mig đã thọc sâu vào đội hình lớn của địch, đánh nhanh, rút nhanh làm địch hoang mang.

Sau trận đầu tiên đó, ông Mỹ hạ chiếc F4 của không lực Hoa Kỳ khiến cho không quân Mỹ kinh sợ và không hiểu được tiềm lực sức mạnh không quân Việt Nam như thế nào.

Ông Mỹ kể lại, trong các chuyến được mời sang thăm Mỹ sau này, các sỹ quan không quân Mỹ gọi ông là anh hùng, ông bảo: Tôi chưa bao giờ được phong anh hùng. Và ông thắc mắc tại sao, ở Việt Nam, có rất nhiều người đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ hơn ông nhưng phía họ không mời sang Mỹ, lại mời người chỉ bắn hạ hai máy bay Mỹ.


Ông Mỹ được tặng Huân chương danh dự.


Phía Mỹ thừa nhận, họ tôn trọng ông bởi vì ông là người đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên và chiếc F4 của không quân Hoa Kỳ trong trận Điện Biên Phủ trên không. Và chính ông đã giội một gáo nước lạnh vào những thứ vũ khí vốn coi là tối tân bất khả xâm phạm, biểu tượng sức mạnh của nước Mỹ.

Chạm trán

Chiến tranh một lần nữa leo thang. Ngày 15/4/1972, không quân Mỹ bắt đầu đánh ra miền Bắc. Ngày 16/4/1972, ông Mỹ được lệnh xuất kích cùng đồng chí Lê Khương cũng tại sân bay Nội Bài. Sở chỉ huy thông báo có tốp máy bay địch cách vị trí hai ông đang bay khoảng 15km.
Hôm đó, tốp máy bay địch quá đông, lúc đầu là 16 chiếc, sau tăng thêm 8 chiếc, tổng cộng có 24 chiếc chia làm nhiều vòng nối nhau. Ông Mỹ và ông Khương vẫn quyết định đánh. Thời gian không có nhiều. Ông Mỹ hô cho ông Khương cảnh giới rồi lao vào. Nhưng chỉ được một lúc, địch chia cắt hai người. Khi ông Mỹ vòng gấp thì ông Khương cũng lo chăm chú nhìn địch mà không nhìn thấy ông Mỹ nữa.

Ông Mỹ kể: Tôi bị một tốp ba chiếc F4 bám sát đằng sau. Chúng phóng 5 quả tên lửa nhưng tôi may mắn tránh được. Sau này, phi công Mỹ vẫn thắc mắc, không hiểu bằng cách nào tôi có thể tránh được đến năm quả tên lửa của họ. Lí do cũng đơn giản thôi. Tên lửa thì được lập trình theo quỹ đạo, chúng không thể bám theo lý trí, không thể bám theo những vòng bay sáng tạo của con người được. Nhưng, đến quả thứ 6 thì tôi thấy có một lực đẩy đi rất mạnh. Biết là dính đòn rồi. Cần lái lúc này không điều khiển được nữa. Máy bay tôi bốc cháy ở địa phận Hòa Bình. Sở chỉ huy ra lệnh nhảy dù. Khi cái dù bật ra khỏi máy bay, bốn viên đạn đẩy nắp buồng lái bay đi, sau đó dù bay lên. Khi dù ra khỏi máy bay thì hệ thống tự động bật lưới để bảo vệ, ốp, giữ lấy tay, chân. Nhưng lúc đó, lưới bảo vệ không làm việc nên vừa ra khỏi máy bay, tôi bị gãy cả hai tay.

Lúc đó, đầu thì chỉ đạo là điều khiển dù nhưng tay không cử động được. Vì không điều khiển được nên cứ rơi tự do. Ông Mỹ rơi xuống vùng Đà Bắc (Hòa Bình). Cả lực phóng của dù và lực rơi, ông Mỹ bị chấn thương ba đốt sống và gãy cả hai tay.

Về điều trị nhưng vẫn cứ đau đáu một điều là làm thế nào để được bay lại tiếp tục chiến đấu. Ông Mỹ kể: “Hôm đồng chí Tư lệnh Phùng Thế Tài vào thăm tôi ở Viện 108, tôi xin đồng chí cho tôi về chiến đấu”.
Sau đợt điều trị, một tay ông thì khỏi, còn một tay thì phải khoan bốn lỗ rồi đặt một cái nẹp sắt lên. Về bay được một thời gian, tay ông gãy cả nẹp sắt, tạo thành một khớp giả, nhưng không biết. Đến khi phát hiện, tay phải đi mổ lại, phải lấy xương chậu để ghép lên. Sau khi ghép lại tay thì cũng không thể bay được nữa. Ông Mỹ xin chuyển ngành trong nỗi nhớ da diết bầu trời, phải bắt đầu lại từ đầu. Ông đi học ngoại ngữ, học tài chính kế toán và sang làm bảo hiểm tại Bộ Tài chính.

Cuộc hội ngộ lịch sử

Người đã bắn rơi máy bay ông Nguyễn Hồng Mỹ ngày 16/4/1972 đó là một viên phi công Mỹ mang tên Daniel Edwards Cherry. Đây cũng là chiếc MiG 21 đầu tiên mà Cherry bắn rơi trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Đã có một cuộc hội ngộ đặc biệt giữa hai con người, hai người lính đã từng đối đầu trong lịch sử và họ trở thành bạn của nhau sau cuộc gặp gỡ lịch sử đó.
Ông Cherry bay đã 185 phi vụ với chiến đấu cơ Phantom. Tuy nhiên, chiếc MiG này là chiếc chiến đấu cơ duy nhất của đối phương mà ông bắn rơi. Cherry trở về nước và được giao nhiệm vụ mới như là một sĩ quan hành quân ở căn cứ không quân MacDill ở Tampa, tiểu bang Florida.
Về sau ông có được bổ nhiệm làm Phi đoàn trưởng Phi đoàn biểu diễn Thunderbirds của không quân Hoa Kỳ, đây là một sự bổ nhiệm rất danh dự cho một vai trò rất có thanh thế dành cho ông. Ông về hưu năm 1989 với cấp bậc sau cùng là Thiếu tướng và ông về sống tại Bowling Green, tiểu bang Kentucky.

Tháng 4/2004, Cherry và một nhóm bạn đi thăm Viện Bảo tàng không quân Hoa Kỳ ở Dayton, Ohio. Và ông đã ghé thăm chiếc Phantom ông từng lái trước đây giờ được triển lãm ở VFW gần đó. Trên đường về, có người gợi ý Cherry đi tìm người phi công chiếc MiG năm nào mà ông đã bắn rơi, nếu ông ta còn sống. Cherry đoán chừng đó là chuyện mò kim đáy biển.
Một hôm, ông Cherry gặp một người bạn hành nghề luật vốn quen biết nhiều ở vùng châu Á. Ông Cherry đề cập đến chuyện tò mò của ông, muốn biết số phận của viên phi công chiếc MiG năm xưa như thế nào.
Trong lá thư gửi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” từ Mỹ, ông Cherry viết: “Tôi đã từng tham chiến trong một trận chiến với không quân Việt Nam tại một địa điểm cách Hà Nội khoảng 30 dặm vào một buổi sáng ngày 16/4/1972.


Cuộc hội ngộ giữa ông Mỹ và người phi công lái chiếc F4 bị ông bắn rơi.


Người phi công bay chiếc MiG 21 ngụy trang và sau khi điều khiển rất tài ba chiếc máy bay trong nhiều phút, người phi công đã tung dù. Tôi luôn tự hỏi người đàn ông đó là ai? Anh còn sống sót sau lần nhảy dù đó không? Anh có gia đình không và có bao nhiêu con? Sẽ là một niềm hân hạnh lớn lao cho tôi được gặp anh. Chương trình có cách nào để tôi liên lạc với người phi công anh dũng đó không? Tuy chúng tôi đã là kẻ thù trong một khoảng thời gian nhưng tôi có cảm giác là chúng tôi có nhiều điểm giống nhau. Biết đâu giờ đây chúng tôi có thể tìm được những điểm chung cho một tình bạn mạnh mẽ”.

Viên phi công chiếc MiG vẫn còn sống và được biết đang sống ở Hà Nội. Cherry được mời đến TP Hồ Chí Minh cho một chương trình hội ngộ được chiếu trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam “Như chưa hề có cuộc chia ly”.

Ngày 5/4/2008, khi ông Cherry nhìn chằm chằm ngang qua phòng thu hình của Đài Truyền hình thì một cư dân Hà Nội, dáng người khỏe mạnh, tóc hói, sải những bước dài có chủ đích về phía ông. Cherry cảm thấy an lòng khi thấy cái nhìn hiền hậu trên khuôn mặt của người kia. Đó chính là viên phi công lái chiếc Mig21 năm xưa Nguyễn Hồng Mỹ.

Ông Nguyễn Hồng Mỹ sau chiến tranh cũng là một người khá đặc biệt. Ông sống cảnh gà trống nuôi con suốt 24 năm, kể từ lúc con gái đầu của ông chỉ mới 4 tuổi, con gái sau 2 tuổi. “Tôi sống một mình với 2 con đã gần ba chục năm rồi, từ khi đứa thứ hai mới 2 tuổi. Một mình nuôi chúng và tôi tự hào vì cả 2 đứa đều ngoan cả. Đứa nào cũng đã học xong đại học và có công ăn việc làm ổn định...”, ông Mỹ tâm sự.

Sau năm 1974, ông Mỹ chuyển ngành sang làm tại Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam, Bộ Tài chính và đến 2006, ông về hưu, sống tại căn nhà trong một con ngõ nhỏ phía ngoài con đê sông Hồng. Chiến tranh lùi xa, nhưng ký ức về nó thì không thể nào quên, qua những hồi ký phim ảnh "Đối thủ của tôi và bạn của tôi" đó là tên một cuốn sách, do cựu phi công Mỹ Daniel Edwards Cherry thực hiện sau chuyến thăm Việt Nam, tham dự chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”.

Tại trường quay ngày ấy, năm 2008, lần đầu tiên hai cựu phi công từng là đối thủ bầu trời của nhau, họ bắt tay nhau. Họ nhắc lại quá khứ để khép lại quá khứ. Ông Mỹ nói: "Riêng trận này tôi đã thua ông nhưng chung cuộc, chúng tôi đã thắng các ông. Trong không chiến, cái sống và cái chết chỉ cách nhau một phần mười giây. Điều đó ông rõ hơn ai hết. Và rất may, bây giờ chúng ta vẫn còn ngồi với nhau".

Buổi gặp gỡ đã diễn ra rất xúc động, ông Cherry đã rơi nước mắt khi người dẫn chương trình đề cập đến gia đình ông và gia đình ông Mỹ. Ông Mỹ mời ông Cherry và các bạn ông này đến thăm nhà ông và hứa sẽ đưa đi tham quan Hà Nội. Ông Cherry nồng nhiệt cảm ơn và mời ông Mỹ sang thăm Hoa Kỳ trong một thời gian thích hợp. Họ đã trở thành bạn bè…

Sau chương trình truyền hình trực tiếp tại TP HCM, Tướng Dan Cherry đã tới Hà Nội, thăm ngôi nhà nhỏ của cựu phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Mỹ ở phố Cầu Đất. Tròn một năm sau, vào tháng 4/2009, Dan Cherry đã tổ chức mời Nguyễn Hồng Mỹ sang thăm Hoa Kỳ.

Ông Mỹ kể: Năm 2009, khi lần đầu tiên tôi sang Mỹ, ông Dan Cherry đã bay đi Tampa, tiểu bang Florida để gặp tôi, đưa tôi đi thăm các nơi của nước Mỹ như một người hướng dẫn du lịch. Ông ấy đưa tôi đến Disney World và tham dự một buổi biểu diễn máy bay ở Florida. Và lần đầu tiên, sau 37 năm, ông Nguyễn Hồng Mỹ lái máy bay bay trên bầu trời, và đó là bầu trời nước Mỹ. Các tờ báo Mỹ khi đó đều đưa tin, bài về một phi công Việt Nam bay khai mạc biểu diễn tại triển lãm hàng không quốc tế.
Kể từ sau cuộc gặp gỡ lịch sử đó, mỗi năm, ông Nguyễn Hồng Mỹ lại được mời sang thăm người bạn cũ, một thời đã từng là kẻ thù của nhau, nay họ là bạn. Tại một buổi lễ với hơn 3.000 người, ông Mỹ được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trao quyết định bổ nhiệm Đại tá danh dự.

Chuyến đi mới nhất của ông sang Mỹ, năm 2011, ông được mời sang Mỹ nói chuyện và khai giảng lớp học Chỉ huy và Tham mưu của Không quân Mỹ. Lớp học có khoảng 500 sỹ quan đến từ khắp nước Mỹ. “Tôi vẫn nhớ ông hiệu trưởng đã giới thiệu tôi là anh hùng. Tôi có nói lại là tôi chưa được phong anh hùng. Ông ấy giải thích luôn rằng tôi đã là anh hùng trong con mắt của họ từ khi tôi bắn hạ máy bay Mỹ năm 1972 rồi”, ông Mỹ nhớ lại. Ông được tặng thưởng Huân chương danh dự.

Cuộc đời người phi công tiêm kích một thời tung hoành oanh liệt trên bầu trời một thời đã làm kinh hoàng không quân Mỹ. Bây giờ, ông sống một cuộc sống giản dị trong căn nhà ở một con ngõ nhỏ tại Hà Nội. Cuộc sống thường ngày không làm mất đi chất lính trong con người ấy.
Nỗi nhớ bầu trời vơi đầy trong những cuộc tụ họp của những người đồng chí, anh em cùng chiến đấu năm xưa, nay người còn, người mất. Cuộc sống hiện tại cứ nối tiếp, có những người bạn mới như Cherry ở tít trời Tây cách xa nửa vòng trái đất vẫn thường xuyên sẻ chia những vui buồn cùng ông. Có những người bạn mới biết và tìm đến với ông để được lắng nghe về một thời quá khứ, về câu chuyện của một con người lịch sử


Việt Duy