“Kỳ tích” 9 lần tìm đến với 'thần chết'


Có người đàn ông đạt con số kỷ lục về số lần tự tử, anh ta chỉ "đến được với thần chết" trong lần tự tử thứ 9.

9 lần tìm đến với "thần chết"


Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, HN, Tiến sĩ Phạm Duệ cho biết: Có nhiều bệnh nhân tìm cách tự tử, nhưng rồi khi tỉnh lại, họ chắp tay vái lạy bác sỹ, mong được cứu sống. Nhưng cũng có những người dường như cuộc sống đối với họ là đầy ải nên không chỉ một lần họ tìm đến với cái chết.

Trong số những bệnh nhân được điều trị ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, có không ít người sau khi được bác sỹ cứu sống, đã quay lại với cuộc sống nhưng hàng ngày vẫn không tìm được sự cân bằng, và rồi họ lại tìm đến cái chết.

Một bệnh nhân tên H., ở Hà Nội, đạt “con số kỷ lục” về số lần tự tử, anh này chỉ "đến được với thần chết" trong lần tự tử thứ 9. Tiến sỹ Duệ kể lại: Người đàn ông tên H. đó đã có vợ con, được người nhà đưa đến Trung tâm Chống độc lần đầu cách đây vài năm vì uống thuốc trừ sâu.

Sau lần đầu tiên tìm cách tự tử và được cứu sống đó, anh ta liên tiếp "tìm đường đến với thần chết" bằng các cách khác nhau. Người nhà mấy phen hốt hoảng, hết đưa H. vào Bệnh viện Bạch Mai, tới Bệnh viện Thanh Nhàn, rồi sang cả Bệnh viện Đống Đa để các các bác sỹ cứu mạng anh ta. Tuy nhiên, trong lần tự tử thứ 9, các bác sỹ Bệnh viện Thanh Nhàn đã phải bó tay với quyết tâm tìm tới cái chết đến cùng của anh ta.

Gặp phải những bệnh nhân như vậy là điều không hề mong muốn đối với những người thầy thuốc. Theo bác sỹ Nguyễn Đàm Chính (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai), một yêu cầu bắt buộc đối với các bệnh nhân tự tử là sau khi thoát khỏi bàn tay thần chết, họ phải được đưa đi khám thần kinh.

Đây là điều tưởng như đơn giản nhưng đa phần bệnh nhân lại không tuân thủ. Có những bậc phụ huynh, khi con mình tự tử được các bác sỹ tư vấn đi khám thần kinh đã coi nhẹ. Họ cho rằng: “Con tôi có điên đâu mà phải đi khám thần kinh”.

Họ không hiểu rằng, chỉ cần bị stress thôi thì người ta đã cần phải được đi khám, tư vấn điều trị. Đối với nhiều bệnh nhân, không đi khám để được bác sỹ thần kinh chuẩn đoán và điều trị đã dẫn đến chuyện họ lại muốn tìm đến cái chết sau lần đầu được cứu thoát.


Hơn một tháng, tự tử 2 lần

Như để chứng minh cho những điều mình vừa nói, bác sỹ Chính chỉ cho chúng tôi một bệnh nhân nữ đang được điều trị. Sau lần đầu tự tử, nữ bệnh nhân này đã không chịu đi khám thần kinh để được tư vấn, chữa bệnh. Và kết cục, người nhà phải thêm một lần đau đớn đưa chị vào Trung tâm Chống độc, để giành giật lại sự sống cho chị.

Lần trước, cách đây hơn một tháng, chị nhập viện cũng vì uống thuốc ngủ quá liều. Theo bác sỹ Chính, thuốc rotundin dùng để trị chứng mất ngủ do các nguyên nhân khác nhau. Có thể dùng thuốc hỗ trợ trong các trường hợp ngủ không sâu hoặc không đủ giấc.

Loại thuốc này tuy bình thường không gây chết người, nhưng dùng quá liều có thể gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng đến mạng sống của người dùng nếu không được can thiệp kịp thời.

Lý do khiến người phụ nữ ngoài 30 tuổi nhiều lần muốn tìm đến cái chết là do người chồng phụ bạc, có bồ. Khi biết chuyện, chị đã nhắm mắt uống thuốc ngủ để tìm đến cái chết cho yên thân. May mắn, người nhà phát hiện kịp thời, đưa đến bệnh viện cấp cứu, giúp chị thoát khỏi bàn tay thần chết.

Nhưng mới đây chị lại nhập viện vì tự tử lần thứ hai. Được đưa đến Trung tâm Chống độc cấp cứu, người phụ nữ quyết tâm tìm đến cái chết này đã gào thét, không chịu cho bác sỹ rửa ruột. Phải mất nhiều công giải thích, chị mới để bác sỹ làm công việc của mình.

Nằm co ro trên giường bệnh khi đã qua cơn nguy kịch, người phụ nữ không buồn trả lời những câu hỏi quan tâm của bác sỹ. Chị giả điếc, mắt nhắm nghiền. Trên gương mặt u sầu của người phụ nữ đó, người ta dễ dàng nhận ra nét đẹp đằm thắm với cặp mi dài đang ướt rượt của chị.

Cô em gái đang chăm sóc chị nhỏ nhẹ cho biết: “Người chồng phụ bạc sau một thời gian bỏ đi mới quay về. Đó chính là nguyên nhân khiến chị lại muốn tìm đến cái chết…”.


T.Nhung