PHƯƠNG PHÁP LIỄU SANH THOÁT TỬ
HAY CỨU ĐỘ
TRUNG ẤM THÂN - TKN Thích Nữ Phương Thanh


Hiểu được lẽ sống, thoát ly được sự chết và sanh về Cực Lạc, tức là bất sanh bất diệt. Nhưng hiểu được lẽ sống và thoát được sự chết, đâu phải là việc dễ! Đối với Phật pháp, phải có một lòng tin chắc chắn, phải tu trì có sẵn, hay nhờ có thiện căn đời trước, đến khi lâm chung gặp được thiện tri thức chỉ giáo cho mà chăm lòng niệm Phật. Nhờ thần lực của Phật và Bồ tát dắt dìu, mà được sanh về thế giới Cực Lạc phương Tây, hay vãng sanh về Tịnh độ ở phương khác. Như thế, vẫn không phải như lời sai lầm của kẻ si mê trong thế tục đã nói: "Chết rồi là xong".
Bởi vì chưa rõ được việc sống, thì đâu biết được việc chết? Sống rồi chết, chết rồi sống; sống với chết không bao giờ thôi, xoay vần quanh quẩn thì làm sao xong được?
Những người tin Phật, đối với thế tình xem bằng đôi mắt lãnh đạm, xét được kỹ, nhận được sâu, thấu hiểu cuộc đời là khổ, nhân sinh là đáng thương; vì đối thế tình nhận được rõ ràng, mới gọi là hiểu được lẽ sống. Còn thế nào là thoát được sự chết? Tức như chúng ta đang sống đây, không luận việc công hay việc tư, thư nhàn hay bận rộn. Đối với một câu danh hiệu A Di Đà, nếu đem toàn thân mà nương tựa, niệm nào, niệm nào cũng cầu đến Lạc bang, tâm nào, tâm nào cũng chán nhàm uế độ. Được thế, thì đến khi chết quyết được vãng sanh; và được thế mới gọi là thoát được sự chết.
Nhưng những kẻ chưa được liễu sinh, chưa chứng thoát tử, thì như trong Kinh Phật đã dạy: "Họ phải đi vào giai đoạn Trung ấm". Thân Trung ấm ấy sẽ tùy theo nghiệp lực mà thọ sinh, thời gian thọ sinh có lâu mau không quyết định. Những điều đã thuật lại trong tập này là đem phương pháp niệm Phật mà cứu độ cho thân Trung ấm ấy được siêu sinh thoát tử, và được sanh về cõi Cực Lạc.
Nay chia ra từng điều mục và thuật lại như sau. Nếu ai xem rồi, chịu tuần tự y theo pháp mà thực hành cứu độ, thì sẽ chứng được Vô sanh pháp nhẫn và chắc chắn được liễu sinh thoát tử vậy.
1- THUYẾT MINH VỀ TRUNG ẤM.
Trung ấm cũng gọi là Trung hữu; tức như chúng ta khi thân này đã chết, thì gọi là Tử ấm cũng gọi là Tử hữu. Đến khi tái sinh thân sau, thì gọi là Sinh ấm cũng gọi là Sinh hữu. Giữa khoảng đã chết và chưa sanh, trải qua 49 ngày, riêng có một cái thân thì gọi là Trung ấm (thế tục gọi là linh hồn, kỳ thật tên tuy đồng, nhưng ý nghĩa thì khác). Nói một cách thiển cận hơn thì sau khi đã rời khỏi chỗ này, chưa sanh vào chỗ khác, trong khoảng đã chết và chưa sanh, không dính gì với hai bên, ở giai đoạn trung gian ấy, thì gọi là Trung hữu hay Thần thức, tức là Trung ấm vậy. Chỉ trừ những người đã sẵn có tu trì và những người chí thiện thì liền thọ sanh; hoặc sanh về Tịnh độ hay sanh lên Thiên giới. Còn những người cực ác cũng như thế, tắt hơi thở liền đọa vào ác thú; không vào thân Trung ấm. Ngoài ra đều phải trải qua giai đoạn Trung ấm vậy.
(Đúng theo trong kinh thì ý nghĩa của thân là tích tụ; nghĩa là chứa nhóm; tức như cái thân của chúng ta đây là do nhiều nguyên chất hòa hiệp nhóm góp mà tạo thành, nên gọi là tích tụ. Thế thì sau khi thân này đã chết và chưa thọ thân sau, trong giai đoạn ấy không thể gọi là thân được. Vì trong đó chỉ có nghiệp thức mà thôi, chưa có tinh huyết của cha mẹ hòa hiệp và những nguyên chất khác để cấu tạo. Cho nên tuy trong giai đoạn ấy có thể tạm gọi là thân, vì đủ có sự thấy, nghe, hay, biết, qua, lại v. v... nhưng dó chỉ là cái giả ảnh do nghiệp thức biến hiện, trong kinh Phật có chỗ gọi là Sắc công năng: là cái sắc thân do nơi chủng tử của nghiệp thức mà biến hiện. Cho nên thân Trung ấm là một trạng thái tinh tế, không phải có mắt, tai thô tướng như thân này, mặc dù nó vẫn đủ tác dụng thấy, nghe, hay biết. Thế nên nó có thể xuyên qua tất cả chướng ngại vật và cũng bởi thế nên ta không trông thấy được).
2- TUẦN TỰ VÀ TRẠNG THÁI KHI BỐN ĐẠI PHÂN LY.
Trong thân người, chất cứng rắn thuộc về đất, chất lưu động thuộc về nước, hơi ấm thuộc về lửa, sự chuyển động thuộc về gió, bốn nguyên chất này cùng khắp cả thế giới nên gọi là đại.
1. Trạng thái địa đại lấn áp thủy đại:
Lúc đó, khắp trong thân người, cho đến một lỗ lông; đều có cảm giác nặng nề mỏi mệt xâm lấn vào trong tạng phủ, cho đến trong các lóng đốt, đều cảm thọ sự áp bức chướng ngại đau đớn xâm ngất, không thể tả được. Thế nên biểu hiện những trạng thái: tay chân co rút, gân mạch run rẩy. Đây là những triệu chứng về địa đại lấn áp thủy đại vậy.
2. Trạng thái thủy đại lấn áp hỏa đại:
Lúc đó, hơi lạnh truyền khắp trong thân thể rồi thấm vào cốt tủy thì nội tạng rung động, gan ruột đều giá lạnh, khí lạnh trong ngoài xâm lấn nhau, dù cho lửa lò cũng khó trừ được sự khổ ấy. Tuy nằm trên băng tuyết cũng không thể sánh nổi một phần trong muôn phần! Bấy giờ bề ngoài nhan sắc nhợt nhạt, hơi thở khò khè, thân mình run rẩy; Đấy là triệu chứng của thủy đại lấn áp hỏa đại vậy.
3. Trạng thái hỏa đại lấn áp phong đại:
Lúc đó, sinh cơ đã lui mất hơn phân nửa, sức chống chọi đã yếu dần, sự khổ lại thêm nhiều, nên phong đại thổi hỏa đại, nóng như lửa đốt. Trong thì ngũ tạng, ngoài thì tứ chi, khác nào nung nướng, thừa lóng đốt như bị cắt chặt đau đớn quá nên cứng đơ như lẻ gỗ. Khi đó, hiện ra ngoài nhan sắc ửng đỏ, tinh thần tối tăm, hơi thở ra thì nhiều nhưng hít vào thì ít. Đấy là triệu chứng của hỏa đại lấn áp phong đại.
4. Trạng thái phong đại phân ly:
Lúc đó, thân thể của người bệnh bỗng nhiên cảm thọ một thứ gió mãnh liệt thổi bạt thân thể tan nát như vi trần, hết sức đau đớn rã rời. Khi ấy, bốn đại đều phân ly, sáu căn bại hoại, chỉ còn nghiệp thức (trong này nói là nghiệp thức cũng như thông thường nói là thần thức) tùy theo nghiệp lực đã tạo lúc sống còn mà thọ sanh.
Xét ra, nếu được sanh về Tịnh độ ở phương Tây thì được nhờ oai thần của Phật A Di Đà, Ngài đến dẫn đi. Nếu sanh lên Thiên giới thì có chư Thiên nghinh tiếp, nhờ ở thiện nghiệp của mình nên khi nghiệp thức bỏ thân được nhiều khoái cảm, và không bị những cảnh khổ như trên. Chỉ có một điều rất cần là: gia nhân quyến thuộc phải dè dặt chớ khóc lóc rộn ràng. Vì sợ làm cho kẻ chết bị tình thương lôi quấn, tham đắm theo cảnh thế gian, chướng ngại cho sự vãng sinh vậy; Cũng không nên gấp rút động đậy như dọn dẹp mền nệm, chùi rửa thay đổi áo quần, cần phải để yên độ tám tiếng đồng hồ, rồi sẽ tắm rửa thân thể, thay đổi quần áo và nhập liệm. Nếu không theo như thế, thì khi nghiệp thức chưa hoàn toàn bỏ thân, bị xúc động phải cảm thọ sự đau đớn nhân đó mà sinh ra hận tức phải đọa vào ác đạo.
Lại nên xét kỹ lúc sanh thời của người chết, hoặc tuy rằng tin Phật, nhưng biếng nhác không tu trì, hoặc vì chưa đủ tín nguyện thâm thiết, vì nghiệp chướng nặng nề, thì khi lâm chung bị mê mờ, tức là hiểu được người đó chưa được vãng sanh. Khi ấy, nên mời các vị Thiện tri thức tu Tịnh độ tôn đối trước thi thể của người chết, hay đối trước linh sàng của người chết, vì vong linh mà khai thị. Còn gia quyến phải mỗi ngày ba phen luân phiên niệm Phật cứu độ, để dắt dìu cho nghiệp thức của người chết chăm chú về Cực Lạc, vì khi đó chỗ thọ sinh chưa quyết định, có thể chuyển đổi, nên nếu đúng như pháp mà cứu độ thì có thể trở vọng về chơn, chuyển phàm thành Thánh một cách dễ dàng.
3- BẮT ĐẦU VÀO CẢNH TRUNG ẤM.
Sau khi người đó hơi thở đã tắt, thần thức rời khỏi thân, nếu chưa liền được giải thoát, thì phần nhiều phải trải qua một trạng thái tối tăm mờ mịt trong một thời hạn lâu đến ba ngày rưỡi hoặc đến bốn ngày rồi sau mới có cái cảm giác minh mẫn, đó là bắt đầu vào cảnh Trung ấm. Nhờ ở sự minh mẫn ấy nên có thể ở trong một khoảnh khắc mà thấy được gia nhân quyến thuộc...
Lại nữa, thông thường người chết khi nghiệp thức đã rời thân, thường hay mê muội, nên cứ đắn đo mà tự hỏi: Ta đã chết hay chưa chết? Người đó cũng hay mơ màng mà thấy được thân thuộc, mỗi mỗi đều hiện ra trước mắt, in như gặp nhau trong cảnh mộng.
Xét ra thì trong lúc đó, người chết không tự biết rằng mình đã chết hay chưa chết, thì những thân thuộc nên mỗi ngày ba phen vì họ mà luân phiên niệm Phật, để nhờ oai lực của Phật dắt dìu họ được vãng sanh về Cực Lạc. Như thế thì dù có nghiệp duyên cũng không trở ngại được; Ví như mặt trời đã mọc lên, thì phá tan đêm tối. Cũng như thế, trí tuệ thanh tịnh sáng suốt của Phật có thể tiêu diệt nghiệp lực tăm tối của chúng sanh vậy.
Vả lại trong lúc ấy, nghiệp thức của người chết hoặc đi vào thế giới mới, chính họ cũng đang ngơ ngác, chưa biết mình sẽ đi vào đâu là phải. Thế nên phải nhờ phương pháp niệm Phật để cứu độ cho họ. Phải mời những bậc Thiện tri thức khai thị cho họ biết xu hướng về nước Cực Lạc.
Thiện tri thức sẽ dùng những lời sau đây mà khai thị: "Nguyễn mỗ... nếu người đến trên mặt nước hoặc trước tấm gương mà soi thì ngươi sẽ không thấy được diện tượng của ngươi hiện vào nữa, vì thân Trung ấm này đã rời sắc thân tứ đại do huyết nhục tạo nên trong nhân gian. Ngươi nên biết, khi đã vào giai đoạn Trung ấm thân, chỉ có một điều cần thiết là: Lúc này ngươi không nên nhớ nghĩ gì nữa, chỉ nên chuyên tâm niệm Phật A Di Đà và Bồ tát Quán Thế Âm đến cứu độ. Khi đó, Phật A Di Đà cùng Bồ tát Quán Thế Âm sẽ cảm ứng mà đến. Mong ngươi phải khéo tự phát ý niệm Phật".
Thiện tri thức phải như trên đọc ba phen cho rõ ràng mà khai thị. Gia quyến phải một ngày ba phen luân phiên niệm Phật để cứu độ.