Quá trình thực thi nghi lễ nhập hồn các vị Thánh Mẫu, các Đức Ông, các Quan, các Chầu vào các thanh đồng để đáp ứng nguyện vọng cầu quốc thái dân an, cầu phúc lộc thọ, giải oan giải nghiệt của các đệ tử theo tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ lần lượt diễn xướng gọi là ba mươi sáu giá đồng. Trong cuộc mưu sinh của con người con số 36 có lẽ phản ánh sự cực thịnh của âm- dương, ngũ hành. Song tùy nơi, túy lúc các giá tiêu biểu nhất đáp ứng chung những nguyện vọng cần thiết nhất của đệ tử khi dâng sớ hoặc cầu khấn Thánh Mẫu, nhất là với các quan hành khiển, các ông Hoàng, các cô bơ, cô bé, cậu bé hầu cận tiếp nhận theo thứ tự giống như từ cung đình đến gia tộc thường thấy. Ví dụ một số giá hầu đồng tiêu biểu linh nghiệm trong thập vị tôn ông, thập vị chầu bà:

1. Giá chúa thác bờ:

… Khắp mọi miền kêu cầu vọng bái
Ai lỗi lầm chúa đoái lòng thương
Dù ai duyên số dở dang
Lòng thành thắp một nén nhang kêu cầu
Nếu đã nguyện sở cầu tất ứng
Độ cho người phúc đẳng hà sa
Dù ai vận hạn chưa qua
Chúa độ cho tai qua nạn khỏi
Cứu cho người khỏi cõi trầm luân
Nước tiên tẩy hất bụi trần
Thanh cao rồi lại mười phần thanh cao…

2. Giá Mẫu thượng ngàn:

… Anh linh đã có tiếng đồn (thượng đẳng tối linh thần)
Sấm ran mặt bể mưa trên đầu nguồn…
Vốn dòng công chúa thiên thai
Giáng sinh hạ giới chuyện cai thượng ngàn
… Yêu ai tài lộc Mẫu ban
Ghét ai cách nửa bàn chân cũng lìa
Mẫu về giáng phúc từ trung
Cung từ đệ tử khang minh thọ trường

3. Giá ông Hoàng bơ thoải:

Ghế ông bao lễ lòng thành
Kim ngân sớ bạc để trình đến đây
Nhất tâm cầu phật khấn thần
Nhần lòng giữ đức muôn phần tốt tươi
Ai biết phép gia tài ban lộc
Độ cho người văn học thông minh
Những ai hữu ý nhiệt thành
Độ cho lạc nghiệp, nông canh thuận đường.

4. Giá ông Hoàng Bảy Bảo Hà:

Sử còn chép Bảo Hà thắng tích
Ông Hoàng Bảy đích thực trung quân
Tiếng thơm để khắp trần gian
Cương thường dựng nước ra công diệt thù
Đã đứng lên cầm cân nảy mực
Mất chữ Tân thì tội phải mang
Lưới trời bủa khắp bốn phương
Hạt nhân, nhân hại không đường thoát thân
Đừng ai khỏe trọn vẹn trăm phần
Chữ Đức chưa tốt ông Bảy cân sao cho bằng
Ông khuyên đừng khinh kẻ bần hàn
Đức mà đã tốt ông ban vẻ vang cho đời đời
Quan Hoàng Bảy trấn miền Bắc địa
Hợp binh hùng lục thủy thao giang
Quân cơ mưu lược luận bàn
Doanh thu thường có hai hoàng vào ra.

5. Giá ông Hoàng Mười Nghệ An:

Vung gươm yên ngựa phất cờ
Ra tay gìn giữ cõi bờ Việt Nam
Ông Hoàng Mười ra tay giữ nước
Ông đi tới đâu giặc phải tan ngay
Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây
Sông Lam hết nước thì đền ông đây mới hết lộc tài.

6. Giá quan đệ ngũ- Quan lớn tuần tranh:

Tung hoành đệ ngũ tuần tranh
Trừ tà sát quỷ lừng danh tướng tài
Thiện sinh văn võ gồm hai
Quan tuần đệ ngũ đấng trai anh hùng
Đêm ngày giữ đạo thủy cung
Đợi lệnh cửu trùng cứu độ sinh nhân
Ai mà cầu nhân đắc nhân
Ai mà cầu đắc phúc bản thân điều hòa
Ông kiêm tam giới các tòa
Phù hộ đệ tử thiên niên hài hòa
Một là giáng phúc trừ tà
Hài là bản hội các nhà thịnh hưng
Giúp cho buôn bán trăm đường
Tiền tài lưu loát bạc vàng đắc sinh
Giúp cho phú quốc dân an
Can qua thoát nạn thanh bình nơi nơi.

7. Giá cô bé Thượng- công đồng Bắc Lệ

Có ai lên Lạng Sơn châu thổ
Hỏi thăm đền Chầu bé nơi nào
Hỏi thăm Bắc Lệ mà vào
Đền thờ Chầu Bé thấp cao mấy tầng
… Tiên Chầu Bé vâng lời Mẫu Thượng
Hái thuốc tiên độ lượng nơi nơi
Độ cho tuế cựa Xuân lai
Cửa nhà khang thái phúc lai hạn trừ
Tâu lên Bắc Lệ linh từ.

8. Giá Chầu Lục- Chầu Mười Đồng Mỏ:

Ai lên Đồng Mỏ- Chi Lăng
Nhớ người nữ kiệt cứu dân tiền triều
Nước non gặp vận hiểm nghèo
Chầu Mười Đồng Mỏ sớm chiều xông pha
Vốn người sinh quán Mỏ Ba
Cầm dao nối dõi nghiệp nhà dao cung
Vua Lê Thái Tổ trùng hưng
Theo vua dẹp giặc Liễu Thăng đi đầu
Vua sai trấn giữ các châu
Sơn trang các tướng nghe chầu giao binh
Mười đông chiến trận tung hoành
Đánh tan giặc dữ triều đình phong công
Chầu về trở lại sơn trang
Giúp dân lập ấp trong vùng Mỏ Ba
Đức tài dậy khắp gần xa
Bản mường thôn ấp trẻ già đội ơn.

9. Giá quan Đệ Tam- Lảnh Giang Yên Lệnh Hưng Yên:

Thỉnh mời quan lớn đệ tam
Phương phi diện mạo tòa Lảnh Giang linh từ
Ngài là con vua Bát Hải Động Đình
Phong tôn hiệu đệ Tam Hoàng Thái tử
Văn thần cải tú, võ tổng lược thao
Danh quan lớn vang lừng trong tứ hải
Một tay hoàng tử vương quan
Cứu sinh cũng lắm, giải oan cũng nhiều


Đó là các giá hầu do các thanh đồng thực hiện tại các đền phủ thỏa mãn việc dâng sớ kêu cầu và tiếp cận chân linh các đệ tử thờ mẫu tứ phủ. Cũng có một số đệ tử tự mình tham thiện nhập định tiếp cận chân linh các mẫu, các quan, các cô, các cậu để được tự mình nhập hồn vào các bậc tiền nhân để thỏa mãn tâm linh tôn thờ các thần thánh cũng được các thủ nhan, thanh đồng giúp sức thực hiện tại bản đền, bản phủ và được tín các tín đồ Đạo Mẫu (còn gọi là con nhang, đệ tử) tham gia.

Để tái hiện hình ảnh các vị thần, thánh có tên trong Đạo Mẫu tứ phủ các thánh đồng trong mỗi giá đều phải sử dụng một loại trang phục tương ứng từ trang phục đến võ phục, từ khăn mũ đến giầy dép và các đồ trang sức cùng với các màu sắc tương ứng với các vị thần cai quản tứ phủ như Thiên – đỏ, Địa – vàng, Thượng ngàn- xanh lá, Thủy- trắng. Qua đó các con nhang đệ tử và những người hâm mộ được tiếp cận các vị thần, thánh một cách trực diện, biểu hiện và những lời Thánh phán càng có sức thuyết phục cao, thỏa mãn tâm linh con người. Giá trị thẩm mỹ của trang phục dân tộc cổ truyền độc đáo được phát huy một cách tối đa.

Ngoài trang phục các thanh đồng hoặc người hầu đồng sử dụng kể trên, khi nhập hồn các vị thánh thần con phải thể hiện như thật các động tác tay chân và biểu hiện nét mặt từng vị. Nếu thánh nhập đồng là các quan lớn, các ông hoàng (10 giá chầu) thì động tác phải thể hiện oai nghiêm, hùng dũng cùng với các động tác múa, đao, gậy, kiếm như đang chiến đấu diệt giặc ngoại xâm. Các con nhang đệ tử vừa nghe lời ca diễn tả hình ảnh các ngài như được thấy các ngài đang hiện diện càng tưởng nhớ sâu sắc các bậc tiền nhân đã chiến đấu anh dũng hi sinh vì dân, vì nước, càng thấm đượm ý nghĩa lớn lao “uống nước nhớ nguồn” càng hy vọng vào sự linh thiêng của các ngài từ cõi xa xăm trở về độ cho con cháu tai qua nạn khỏi trước những khó khăn của cuộc sống hàng ngày. Song nếu thánh nhập hồn vào các thanh đồng hoặc người hầu đồng lại là các chầu bà (12 giá chầu) hoặc chầu cô bé (10 giá) thì phải biểu hiện bằng sự dịu dàng, duyên dáng qua nét mặt, ánh mắt, dáng điệu, cử hcir nữ tính cùng các điệu múa quạt, dệt gấm, thuê hoa, múa nón, múa chèo đò, hái chè, bắt bướm… cùng với các làn điệu hát văn bay bổng nhặt khoan diễn tả miền sông nước, miền đông hay miền sơn cước nơi các đền, miếu thờ các vị thánh thần từng hiển linh cứu dân, cứu nước đã được dân chúng ngưỡng mộ, triều đình phong kiến sắc phong và Nhà nước ta công nhận di tích lịch sử văn hóa.

Không gian trầm mặc nơi các cửa đền cửa phủ phảng phất mùi hương khói thơm lan tỏa cùng với sự nhập hồn các vị thần thánh vào các thanh đồng được diễn xướng trên khiến các con nhang đệ tử Đạo mẫu tứ phủ và công chúng tham dự như được hòa vào quá khứ, tiếp nhận sự phán truyền về đạo lý làm người, về tương lai cuộc sống của các vị thần linh cho chính bản thân mình. Đó cũng là những giây phút thăng hoa trong tâm hồn trước nỗi bức xúc của đời sống thường nhật – một liệu pháp tâm lý độc đáo. Trong dân gian đã có những ghi nhận rằng:

Ở các đền, phủ nào có các thủ nhang và thanh đồng thành tâm thờ phật, thờ mẫu, ăn chay, niệm phật, tu thiền đat tới mức nhập lai trí huệ, vô thường, vô ngã, vô minh (tâm trong suốt) thì có thể đến với các vị thần thánh. Đền phủ nào là nơi giúp sức cho sự giải thoát những khổ đau của chúng sinh, hướng chúng sinh đến được Chân- Thiện- Mỹ thì sẽ được các ngài giáng về bảo ban, che chở cho cuộc sống bình an. Ở những nơi người ta từ trong tâm linh của mình tiếp nhận được những nguồn năng lượng siêu nhiên trong vũ trụ để nhận ra rằng đã tiếp cận được các ngài, đã được các ngài ban phúc lộc thọ, song đó cũng chỉ là linh hồn thiêng hiện về. Trong cộng đồng dân tộc gọi đó là những đền thiêng, những thanh đồng và thủ nhang cao tay được đông đảo con nhang đệ tử tín ngưỡng Đạo mẫu tứ phủ tìm đến hoặc theo về; có người còn đội bát nhang theo hầu các mẫu, các quan lớn, các ông hoàng.

Hầu đồng – Lên đồng là một hình thức biểu hiện đặc biệt của tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ chứa đựng trong lòng nó sức mạnh vô hình, thiêng liêng qua cách nhập hồn các vị thánh thần có thật trong lịch sử, đáp ứng được đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng dân tộc.

Cách tiếp cận vong linh của các vị thần thánh bằng cách giá đồng do các thanh đồng, người hầu đồng hát múa với các trang phục và màu sắc dân tộc độc đáo đã là cách lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc một cách sinh động và đầy ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ.

Đạo mẫu và tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ với hình thức biểu hiện đặc biệt kể trên ra đời từ thế kỷ XV- XVI tiếp theo các đạo Nho, Phật, Lão trước đó và tồn tại đến ngày nay chứng tỏ rằng các vị thần thánh được diễn tả trong các giá đồng từng là vị tướng đánh giặc cứu nước, từng là các vị thần tuy đã qua đời nhưng vẫn còn hiển linh cứu nhân độ thế đã và đang tồn tại trong thế giới tâm linh của nhân dân ta. Từ nhiều thế kỷ nay trong đời sống tâm linh của nhân dân ta đã dùng hình thức hầu đồng vừa là sinh hoạt diễn xướng văn nghệ dân gian vừa là để nhập hồn các vị thần linh hiển linh cứu nhân độ thế.

Chưa ở đâu trên thế giới này có một hình thức tiếp cận vong linh những người đã khuất đặc biệt độc đáo đến như vậy. Gạt ra một bên mặt trái của sự việc, một sự vật hay cả một con người, chúng ta sẽ có một cái nhìn chân thực về giá trị văn hóa tâm linh đặc biệt độc đáo xuất sắc – nghi lễ thực hành của đạo Mẫu tứ phủ - nghi lễ hầu đồng – lên đồng – văn hóa tâm linh.

Tài liệu tham khảo để viết bài:

Thần linh đất Việt – Vũ Thanh Sơn – NXB Văn hóa Dân tộc, H.2002.
Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam – Học viện CTQG Hồ CHí Minh, H.2000.
Tuyển các bài hát văn chọn lọc – Vua cha Bát Hải – Tài liệu sưu tầm.
Văn Cát Thần nữ- nhiều tác giả - NXB Văn Hóa Dân Tộc. H.1990.
Xuân Thiên khánh tiệc Địa tiên thánh mẫu – Nguyễn Khiết Linh từ- 102 Hàng Bạc- Hà Nội –VCD 1,2,3
Vân tiên thánh mẫu tam thế giáng sinh – NXB Văn hóa Thông tin, H.2000
Một số già đồng thực hiện tại Đền Sơn Hải – Thờ Đức Thánh Trần và các gia tướng, Gia Trần triều- Chương Dương- Hoàn Kiếm- Hà Nội.
Khánh thành điện mới – DVD- Thanh đồng Nguyễn Văn Hà- 13 Trần Nguyên Hãn- Hải Phòng thực hiện.
Văn hóa Thánh mẫu- Đặng Văn Lung – NXB Văn hóa Thông tin, H.2004. Và nhiều báo chí phổ thông khác…