Chữa bệnh bằng 'đũa thần'


Bệnh nhân của ông Ngọc chủ yếu là các cụ già. Ảnh: Tiền Phong
“Thầy” dùng một đôi đũa được vót nhọn châm vào đầu ngón tay, mu bàn tay, bàn chân của khách, rồi phán: “Bệnh nào cũng chữa được nhưng còn phụ thuộc vào Mẫu".


Tại căn nhà hai tầng kín cổng cao tường ở xóm 4 xã Phù Vân, thị xã Phủ Lý (Hà Nam), văng vẳng tiếng tụng kinh phát ra từ radio. Chủ nhà tên Ngọc cởi mở: “Cậu đi từ Nam ra Bắc xem có ai chữa bệnh bằng que như thế này không, khỏi cần thuốc thang tốn kém mà lại không có tác dụng phụ”.

“Thầy” vừa quảng cáo nghề vừa dùng một đôi đũa được vót nhọn châm vào các đầu ngón tay, mu bàn tay, bàn chân cho khách, để lại trên đó những vết bầm tím nhỏ đúng bằng đầu đũa. “Đũa thần” (theo cách gọi của một số người bệnh) chỉ dài chừng 15 cm, nhẵn bóng vì đã dùng cho quá nhiều người.

Ngoài châm huyệt ở các mu bàn tay, bàn chân, “thầy” còn làm công việc tẩm quất, mát xa vào vùng lưng như một thợ mát xa chuyên nghiệp. Đây là phương pháp cổ truyền, nếu được áp dụng thường xuyên, khí huyết sẽ lưu thông, các khớp cơ cũng linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, qua cách giải thích của thầy, nó trở nên thật cao siêu: “Đây là phương pháp “thủ châm” kết hợp kinh nghiệm của ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên. Thầy phải sang tận Trung Quốc học đấy, nhưng không phải ai học cũng được đâu vì đây là nghề vô giá do “trên” ban cho mới làm được, có thể chữa mọi bệnh”.

Tiền mất tật mang

Ngồi xen giữa đám bệnh nhân khuôn mặt đầy mệt mỏi lo âu chờ đợi, hy vọng, chị Nguyễn Thị Quyên quê ở Thường Tín, Hà Tây, cho biết: “Hai vợ chồng ngày nào cũng khăn gói hơn 30 km về đây để thầy bấm huyệt và nhờ cô thắp hương lễ tạ”. Đứa con trai khoảng 12 tuổi của chị bị viêm tai giữa từ lâu, đi bệnh viện khám chữa vài lần nhưng chưa khỏi cũng được đưa đi theo luôn.

Tính đến nay đã hơn tháng trời, thầy cũng đã cho mấy phương thuốc, nào là một quả bồ kết dùng để xông hơi, nào là 7 lá trầu không giã nhỏ chấm vào tai 7 ngày, trong vòng 3 tháng bệnh sẽ khỏi. “Chúng tôi làm theo không sót khâu nào nhưng đến giờ vẫn không thấy hiệu quả", chị Quyên thở dài.

Không chỉ có chị Nguyễn Thị Quyên, một số người bị bệnh khác đến từ Nam Định và Hà Tây, do sức khỏe yếu và không có điều kiện đi lại, đã ở trọ luôn nhà ông Ngọc và anh em họ hàng của ông để chữa trị và cúng bái, tiền của tốn kém hơn cả đi viện.

Mấy bệnh nhân cho biết, cứ lễ lạt đều đều thì thầy mới nhiệt tình. Bệnh nhẹ thì tạ thầy vài ba trăm, còn nặng thì năm trăm, một triệu.

Khi được hỏi đến thứ gọi là “chứng chỉ hành nghề, “thầy” Ngọc trả lời: “Đã bảo ở đây không chữa đơn thuần về thể xác mà còn chữa căn quả đường âm, ai cần thì đến”.

Theo ông Nguyễn Lập Quyết, Giám đốc Sở y tế tỉnh Hà Nam, phương pháp “thủ châm” là thuật ngữ rất mơ hồ, chưa thấy ghi ở trong y văn nào. Hơn nữa, một người không hề học qua trường lớp, không có chứng chỉ hành nghề lại tự ý chữa trị như vậy là vô cùng nguy hiểm cho người bệnh và còn vi phạm pháp luật.

Ông Quyết khẳng định rằng: “Riêng việc dùng đũa gỗ vót nhọn không qua khử trùng để châm huyệt cho bệnh nhân đã là sai quy tắc y tế, vì dễ gây lây lan các căn bệnh truyền nhiễm từ người này sang người khác, mặc dù hậu quả chưa thể nhìn rõ ngay bằng mắt thường".

Ông Trần Văn Tiên, Phó chủ tịch UBND xã Phù Vân cho biết: “Từ khi phát hiện việc có ông “thầy lang” dùng “đũa thần” chữa bách bệnh, chính quyền sở tại đã nhiều lần đến nhắc nhở. Nhưng “thầy” cãi rằng trong nhà không có thuốc thang hay dụng cụ chữa bệnh nào, những người đến nhà chỉ để bói toán.

Ngôi nhà của ông Ngọc chỉ cách UBND xã Phù Vân chưa đầy 1 km.

(Theo Tiền Phong)