“Dị nhân” Nguyễn Vũ Tuấn Anh dự báo năm Nhâm Thìn

GiadinhNet - Cùng với chuyên mục dự báo năm Nhâm Thìn, ông sẽ đưa ra những nhận định về hiện tượng “ngày tận thế”.




Qua 4 năm Mậu Tý (2008), Kỷ Sửu (2009), Canh Dần (2010), Tân Mão (2011), bạn đọc đã có những chiêm nghiệm thú vị với những dự báo đáng ngạc nhiên, chính xác của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương (Hội Nghiên cứu Phát triển Khoa học Việt Nam - Đông Nam Á).

Năm nay, cùng với chuyên mục dự báo năm Nhâm Thìn, ông sẽ đưa ra những nhận định về hiện tượng “ngày tận thế” đang khiến loài người trên trái đất xôn xao suốt thời gian qua.

Lũ lụt, hạn hán
Về các vấn đề xã hội, khoa học, giáo dục

> Quẻ “Tử Lưu Niên”, vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội sẽ được cộng đồng lưu ý, chú ý hơn.
Ngày càng nhiều người dân có nhận thức và mong muốn loại bỏ những vấn đề và ứng xử không phù hợp với đời sống văn hóa – xã hội của Việt Nam.
Cuối năm 2012 sang 2013, sẽ có nhiều ý kiến và giải pháp được đưa ra để khắc phục.

> Khoa học kỹ thuật, giáo dục sẽ có những đột phá vào cuối năm 2012 và năm 2013.
Với quẻ “Kinh Tốc Hỷ”, cuối năm 2012 Việt Nam sẽ có nhiều tác phẩm, nhiều sự sáng tạo nổi tiếng được thế giới chú ý.



Xin ông cho biết dự báo chung về năm 2012?

- Nếu năm 2011, thiên tai của thế giới nặng về lụt lội (năm 2011, ông đã dự báo về thiên tai là động đất, lũ lụt, hạn hán, mưa bão, cháy nổ - PV) thì năm 2012 mối lo này vẫn giữ nguyên song lại kèm theo hạn hán nặng.

Mặc dù các quốc gia đều cố gắng nhưng năm tới các vụ liên quan đến mất an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn không giảm mà còn nặng hơn. Các bệnh về máu huyết, bệnh lạ tiếp tục xuất hiện.

Những tác động của con người tới thiên nhiên (như phá rừng, xây đập, làm thủy điện thiếu tính toán) bắt đầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Vậy tình hình kinh tế - xã hội của thế giới sẽ diễn ra như thế nào trong năm nay, thưa ông?

- Trước hết tôi muốn nói đến vấn đề mọi người quan tâm là khủng hoảng kinh tế. Điểm qua những dự báo của tôi từ 2008 đến nay, có thể hình dung đường đi của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu này như sau:

Nếu năm 2008 là khủng hoảng của các “đại gia” thì đến năm 2009 – kinh tế có vẻ phục hồi nhưng thực ra là đem của để dành ra ăn.

Đến năm 2010, khủng hoảng này đã ở “cấp nhà nước” – nhiều quốc gia bị tác động xấu từ khủng hoảng.

Năm 2011 khủng hoảng mang tính xã hội, gây nên bất ổn xã hội.

Đến 2012, mọi người sẽ cảm thấy khủng hoảng rõ nét hơn và ảnh hưởng đến từng căn nhà. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này không nặng nề như cuộc khủng hoảng năm 1936 (gây đói kém, thê lương). Nó sẽ kéo theo các vấn đề như giá vàng, chứng khoán, bất động sản vẫn rất ảm đạm.

Năm 2012, theo phương pháp của Lạc Việt độn toán, quẻ chủ cho năm 2012 này là Hưu Tốc Hỷ kết hợp với Sinh Xích Khẩu. Tình trạng của thế giới nằm chấp chới giữa hai quẻ, điều kiện môi trường không thuận lợi:

Cố gắng khắc phục hoàn cảnh nhưng không có sự nhất quán nên không đạt được mục đích. Mặc dù con người hết sức cố gắng để khắc phục tình trạng này nhưng do tham vọng và quyền lợi riêng của mình nên các nước không đạt được sự đồng thuận, không có chiến lược chung toàn cầu để giải quyết được khủng hoảng.

Năm nay, những xáo trộn về mặt xã hội xuất hiện nặng nề hơn ở nhiều nước trên thế giới. Mặc dầu có nhiều sáng kiến, giải pháp nhưng vì không đạt được đồng thuận nên những cuộc biểu tình, đình công xảy ra nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhân loại nên đề phòng sẽ có cuộc chiến cấp quốc gia (giữa nước này với nước khác) xảy ra – tập trung ở khu Trung Đông, Tây Tây Bắc của bán cầu.




Đầu tư nước ngoài tăng
Dự báo gì về đối nội, đối ngoại ở Việt Nam

> Tôi đã dự báo năm 2011, Việt Nam sẽ thành công về mặt đối ngoại và thực tế đã chứng minh điều đó.
Năm 2012 nên tiếp tục phát huy, đây là lợi thế, đem lại tốt đẹp về kinh tế và là yếu tố để tránh va chạm không cần thiết.

> Những tham vọng để cải thiện kinh tế đã có từ năm 2011 sẽ được thực hiện và bắt đầu có giải pháp cụ thể vào năm nay.
Vẫn còn ý kiến trái chiều nên kết quả chưa được như ý muốn. Do đó cần cân nhắc kỹ, cần lấy ý kiến đồng thuận của nhiều người trước khi thực hiện.
Trong bối cảnh chung của thế giới, ông có dự báo gì cho vấn đề kinh tế của Việt Nam?

- Nền kinh tế của Việt Nam vẫn phát triển bình thường nhưng tăng trưởng GDP không cao. Quẻ “Thương Tiểu Cát” là một quẻ thuần mộc. Hành mộc vẫn bảo đảm sự tăng trưởng, nhưng vì nằm trong quẻ chủ Sinh Xích Khẩu (kim khắc mộc) nên không được như ý mình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của thế giới đang khủng hoảng ta vẫn có thể thấy đây là một sự thắng lợi. Tuy nhiên, vẫn phải đề phòng lạm phát có thể lên cao hơn năm 2011.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều so với năm ngoái, vì các nhà đầu tư họ tìm thấy sự ổn định tại đây. Tuy nhiên, phải có kế hoạch và sự cân nhắc để nhận sự đầu tư thì mới đạt được hiệu quả bền vững lâu dài.

Về tài chính tiền tệ, “Đỗ Vô Vong” gặp “Sinh Xích Khẩu” vì là mộc yếu, hỏa mạnh nên không thể tạo ra đám lửa lớn được.

Nó chỉ mang lại điều kiện chứ chưa thể tạo kết quả tốt, nếu không biết cách chi tiêu thì sẽ rơi vào tình trạng “bóc ngắn, cắn dài”.

Do đó, cần có người kiên quyết, chịu trách nhiệm trong lĩnh vực này, tránh sự bàn luận theo kiểu “bàn ra tán vào” mà không đưa ra được quyết định cụ thể.

Ngành ngân hàng năm nay sẽ gặp khó khăn do mất cân đối giữa cho vay, huy động vốn và nội lực. Dự báo sẽ có những ngân hàng bị xáo trộn, thậm chí một số ngân hàng nhỏ lẻ, tư nhân có thể phải ngừng hoạt động.

Nên phát triển thế mạnh về du lịch

Vậy ông dự báo xu hướng gì cho bất động sản trong năm nay sẽ như thế nào?

- Năm 2011, về bất động sản người ta thấy có còn vài tia sáng, đốm lửa thì năm nay chỉ là le lói, chực tắt. Hoạt động bất động sản nếu còn thì chỉ mang tính chất giới hạn do nhu cầu của người thực sự cần nhà ở hoặc mua đi bán lại chứ không mang tính chất quy mô lớn như trước đây.

Bất động sản sẽ theo hướng nhu cầu thực sự của cá nhân, điều đó giúp hạ tầng cơ sở tương đối ổn định. Các dự án xây dựng lớn không phát triển được, không hiệu quả. Kiểu xây đại trà, ồ ạt sẽ “chết” hẳn.

Nên có quy hoạch tổng thể của quốc gia rồi mới quy hoạch đến từng địa phương. Từng địa phương cần quy hoạch tổng thể rồi mới chi tiết đến các quận, huyện, phường, xã.

Còn các kênh đầu tư khác như vàng và chứng khoán thì sao?

- Thời gian qua, vàng rất “thăng trầm”, có lúc nhích từng tí một, có lúc lao lên rất cao rồi lại rớt mạnh xuống. Trong bối cảnh kinh tế của năm nay, nếu vàng được coi là kênh đầu tư an toàn theo tâm lý của người dân thì kinh tế gần như trì trệ.

Còn nếu các quốc gia, các quỹ đầu tư, cả thế giới lao vào giữ vàng thì cái riêng bảo đảm được, song cái chung thì chết - có nghĩa là nền kinh tế bị “chết”. Vì vàng cất đi thì giá trị của nó sẽ tương đương như một “hòn đá, khúc củi”, kinh tế sẽ không phát triển.

Phải có chính sách vĩ mô để huy động vàng trong dân chúng để duy trì sản xuất và mở rộng. Các quốc gia phải nên nhìn nhau, tránh tâm lý “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”, khiến nền kinh tế càng khó khăn hơn. Chứng khoán thì rất khó hi vọng, có thể hình dung là “đánh xuống”, chứ không phải là “đánh lên”.

Theo ông, Việt Nam có thể trông chờ vào kênh đầu tư nào trong năm nay?

- Năm nay nên phát triển mạnh về du lịch vì du lịch và văn hóa là thế mạnh của chúng ta. Việt Nam sẽ là điểm đến của du khách không chỉ với những cảnh quan đẹp nổi bật mà còn có sự thu hút của nền văn hóa, sự hiểu biết (tri thức). Do đó, cần có quy hoạch, quy trình cụ thể bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Đề phòng cả về hạn hán lẫn lũ lụt

Theo dự báo của ông, thiên tai, dịch bệnh của năm Nhâm Thìn sẽ có diễn biến như thế nào?

- Thiên tai Việt Nam so với thế giới vẫn là nhẹ, vùng miền Trung – Trung Nam Bộ dễ bị thiên tai nặng nề nhất. Nên đề phòng về cả hạn hán lẫn lũ lụt; đề phòng hậu quả của bão lũ, đặc biệt là vào tháng 8 và tháng 9.

Về dịch bệnh cần đề phòng các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, máu huyết. Xuất hiện thêm các bệnh lạ.

Vậy có ảnh hưởng gì đến cây trồng, vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm?

- Nông nghiệp phát triển, Khai Xích Khẩu – những nơi hoang hóa được phục hồi, vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Cây công nghiệp, ăn trái phát triển, cây lấy gỗ thì ngược lại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh vấn đề lương thực thực phẩm thế giới rất xáo trộn, giá gạo lên cao nên Việt Nam cần lưu ý bảo đảm về an ninh lương thực. Việc xuất khẩu tùy vào tình hình thực tế cho phù hợp ở thời điểm “thóc cao gạo kém” này.

Đối với diễn biến của dịch bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa nên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm rất cần có những biện pháp quyết liệt hơn cùng với ý thức cao của người dân trong việc chấp hành đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng.


Trân trọng cảm ơn ông!

Về dự báo “ngày tận thế” 2012, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh: Thế giới cần cảnh giác với “dự báo giả”



Nền văn minh Maya có bộ lịch kéo dài 5.000 năm và kết thúc vào ngày 21/12/2012. Khi xem xét lại người ta thấy rằng, sự thật là họ chỉ để lại bộ lịch như vậy chứ không để lại lời tiên tri nào cả.

Nhưng các nhà nghiên cứu lại đặt ra vấn đề rằng đây chính là kết thúc một chu kỳ, đồng thời nó cũng trùng hợp với một số nghiên cứu cho rằng vào thời điểm này 9 hành tinh trong Thái dương hệ (mặt trời, trái đất, mặt trăng, sao thổ, sao kim, hải diêm vương…) thẳng hàng và thẳng với tâm của Thiên hà và sẽ có sự xáo trộn rất lớn.

Theo tôi, trên Trái đất từng xuất hiện một nền văn minh toàn cầu – tôi đặt tên là Atlantic. Nền văn minh này bị sụp đổ do một trận đại hồng thủy, dấu ấn của nó là các kim tự tháp nằm rải rác trên khắp trái đất.

Nền văn minh Maya là hậu duệ của nền văn minh này chứ không phải là xuất hiện ở thế kỷ thứ 3, thứ 9 hay 10 như một số người nói. Dấu ấn của nền văn minh Maya là ở châu Mỹ. Họ phát minh ra bộ lịch Maya kéo dài với một chu kỳ là 5.000 năm và đến này 21/12/2012 là hết.

Nội dung chỉ có vậy nhưng nhiều nhà nghiên cứu, tâm linh, khoa học nhảy vào tìm hiểu tại sao lại như vậy, đến ngày này lại kết thúc trong khi nền văn minh Maya đã kết thúc từ lâu mà bộ lịch còn tồn tại đến ngày này.

Người ta mới đặt ra ngày tận thế - họ dựa vào sự tồn tại của bộ lịch chứ không phải là người Maya tiên tri như thế. Kết hợp với hiện tượng thiên văn đã được dự báo, người ta suy luận sẽ có biến cố rất lớn. Nhưng theo lý học Đông phương, thời điểm đó không có vấn đề gì cả.

Tất cả mọi vật từ nhỏ đến lớn đều có sự tương tác với nhau, tất nhiên vị trí khác nhau sẽ có sự tương tác khác nhau. Khi 9 hành tinh trên một đường thẳng, sự tương tác có khả năng mạnh và chỉ xảy ra nhất thời, trong một khoảng thời gian cực nhanh mà Trái đất và các hành tình khác chuyển động rất nhanh. Khoảnh khắc thẳng hàng của 9 hành tinh đó là rất ngắn.

Đương nhiên sẽ có lực tương tác rất mạnh, trong khoảnh khắc đó và không thể gây biến động để trở thành “ngày tận thế”, nó thoảng qua như một cơn chóng mặt, nó sẽ tác động đến từng tế vi của cấu trúc vật chất trên Trái đất và sự ảnh hưởng của nó sẽ khác nhau ở mỗi một địa điểm trên Trái đất.

Theo quan điểm của lý học Đông phương, đó không phải là ngày tận thế. Tôi từng nói trên diễn đàn của mình là vào đúng ngày đó, “tôi sẽ mời các vị đi nhậu và tôi trả tiền”.

Nói điều đó không có nghĩa là không thừa nhận rằng có sự tương tác giữa các hành tinh thẳng hàng và trùng tâm với tâm thái dương hệ. Ảnh hưởng của vũ trụ không phải là tác động ngay mà nó sẽ thông qua cấu trúc vật chất của Thái dương hệ, Trái đất rồi mới tới con người.

Nhưng giá trị tương tác ấy không phải là ngay lập tức, mà sẽ ảnh hưởng vào những năm sau, vì vậy, để đến 2013 hẵng tính. Còn tôi có một đảm bảo là đúng sau 0 giờ của ngày 21/12/2012 tôi sẽ post ảnh vừa ngồi nhậu với một ai đó để chứng minh rằng đó không phải là “ngày tận thế”.

Có thể nói, “ngày tận thế” theo lịch của người Maya là sự suy luận. Ngay một người tiên tri rất nổi tiếng trên thế giới là bà Vanga cũng không hề nói tới “ngày tận thế” này. Trước nay vẫn có người mượn danh của bà để dự báo này nọ.

Thế giới cần cảnh giác với những lời dự báo giả và những kẻ giả danh “mượn” lời của một nhà tiên tri nổi tiếng nào đó. Một số nhà tiên tri trên thế giới như: Nostramudam hay ở Việt Nam có Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm họ chỉ nói ra một số hình tượng và con người suy luận nhiều ý kiến khác nhau từ những hình tượng ấy.

Cuối cùng vẫn là cái nhìn của thế nhân trước một nhận định của một nhà tiên tri. Ngay cả bài thơ nói là “sấm” của Trạng Trình cũng có nhiều chi tiết phải khiến ta băn khoăn vì có nhiều ngôn từ mang tính Nam Bộ cận đại, trong khi ông lại là người Bắc, thời đó miền Nam chưa mở mang để ông “Nam tiến”. Tôi nghĩ do nhiều người thêm thắt vào để nói về một hiện tượng mà người ta muốn giải thích.

Mai Việt ghi

Hà Thư