Không nên biểu diễn Linh- vật- trống- đồng
Thứ ba, 22/7/2008, 07:00 GMT+7

... "Nhà khảo cổ học Hà Văn Tấn viết: Đi tìm cội nguồn của kĩ thuật và nghệ thuật của trống đồng không phải chỉ là để bảo vệ niềm tự hào của quê hương trống đồng, mà còn để bác bỏ những luận thuyết muốn tìm nguồn gốc trống đồng cũng như nền văn minh Đông Sơn ngoài biên giới Việt Nam. Qua đây, bác bỏ những ý kiến cho rằng Thần Đồng Cổ là một nhạc khí, và dùng loại cổ vật tâm linh này để biểu diễn trên sân khấu như tiết mục “giã” trống đồng ở lễ hội Đền Hùng và tiết mục hoà tấu trống đồng của cha con Bá Phổ..."






“Trống đồng” là cổ vật tâm linh của vương quyền, cho nên mọi hiện tượng diễn ra có liên quan đến loại cổ vật này đều được sử sách ghi lại khá đầy đủ, song không thấy nói việc một tốp người đứng “giã” trống đồng thành một tiết mục biểu diễn. Nhưng lâu nay chúng ta coi trống đồng là một nhạc khí và đưa ra tiết mục “giã” trống đồng ở Lễ hội Đền Hùng, coi đó là tiết mục truyền thống của văn hoá đân tộc. Hoặc nghệ sĩ Bá Phổ còn theo “thương hiệu” loại cổ vật tâm linh này để đúc một chiếc trống đồng nhưng đã đánh tráo hợp kim của nhạc khí và đưa lên sân khấu hòa tấu với đàn nhị, còn hợp kim đồng thau của loại cổ vật này không thuộc nhạc khí. (xem đầy đủ: Dương Đình Minh Sơn Văn hoá Nõ Nường Nxb Khoa học xã hội tháng 5/ 2008 tr. 317).

Trong khi đó, gần 40 đầu sách trong thư tịch cổ của Trung Quốc([1]) đều đã ghi chép những hiện tượng có liên quan đến trống đồng, nhưng phải đến sách Cựu Đương thư (thế kỷ thứ X CN) mới nói việc “đánh trống” chứ không có sách nào nói việc tốp người đứng “giã” trống đồng cả. Còn ở Việt Nam thì các thư tịch tiêu biểu như: Việt điện u linh, Đại Việt sử ký toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, Đại Nam nhất thống chí thì không nói việc biểu diễn trống đồng.






Tiết mục giã trống đồng. - Ảnh: VNN



Thư tịch của ta ghi chép trân trọng loại vật linh này và gọi là Thần Đồng Cổ. lập đền thờ bốn mùa hương khói. Sách Việt điện u linh cho biết đền Thần Đồng Cổ của tỉnh Thanh Hoá toạ lạc trên núi Đan Nê, huyện An Định. Tương truyền đền ở đây được lập từ thời có trống đồng Đông Sơn, còn đền thờ Ngài ở đường Thụy Khuê- Hà Nội là thờ vọng, mới có từ thời đầu nhà Lý và đích thân nhà vua đến cúng tế .


Mỗi dân tộc trong xã hội tiền sử thường có một “vật thiêng” tượng trưng cho quyền uy của tù trưởng và dân tộc: có tộc “vật thiêng” là chiếc “gậy”, có tộc lại dùng chiếc “mũ” (chiếc “gậy”- cái “nón” của Chữ Đồng Tử và Tiên Dung- Lạc Việt), hoặc có tộc lại dùng một thứ vũ khí nào đó. Với người Thiên Chúa giáo thì “vật thiêng” cao nhất là Kinh Thánh, thứ đến là cây Thánh giá, còn người Việt tộc thì “vật thiêng” cao nhất là “hèm”- còn gọi là Thần Đồng Cổ, thứ đến là ấn đồng có viền dây Tơ hồng (cuộn thừng) xung quanh. Vì vậy, chúng tôi có bài viết này, để trình bày lại vấn đề trên như sau:




Trống đồng là dịch từ chữ đồng cổ của Trung Quốc, do tướng Mã Viện ngụy tạo ra, khi y đưa quân sang đánh chiếm Giao Chỉ của Hai Bà Trưng lần thứ nhất năm 40 - 43 sau Công Nguyên (Lê Mạnh Thát). Trong cuộc chiến đẫm máu đó, Mã Viện đã bắt trên 300 cừ soái, Lạc tướng của cuộc khởi nghĩa đày sang Linh Lăng và tịch thu hết “vật thiêng” (trống đồng) của họ. Việc cướp “vật thiêng” là đoạt quyền tù trưởng, còn cống nạp “vật thiêng” là tỏ lòng thuần phục (quan niệm xưa). Điều đó chứng tỏ “vật thiêng” (trống đồng) gắn liền với cừ soái, Lạc tướng là lực lượng lãnh đạo Việt tộc chống Hán: Trống đồng biểu tượng cho linh hồn và quyền uy của tù trưởng nước Văn Lang - Giao Chỉ, là “vật thiêng” hiệu triệu dân tộc đứng lên chống ngoại xâm.


Mã Viện nhận thấy giá trị tâm linh của loại cổ vật này, cho nên y thực hiện một loạt các biện pháp nhằm làm mất tính tâm linh của loại cổ vật ấy. Trước hết y cấm người Lạc Việt sản xuất, tàng trữ “vật thiêng” (trống đồng). Thứ đến y gọi loại “vật thiêng” ấy là đồng cổ - một nhạc khí, ngoài ra còn cổ vũ cho việc đúc và đánh trống đồng trong những quan lại của các quận ở vùng Lưỡng Quảng, cho nên ngày nay ở bên đó mới nhiều trống đồng và có tiết mục đánh trống đồng rôm rả, hoành tráng đến thế. Thứ ba, khi về nước, Mã Viện dùng số trống đồng cướp được ở Giao Chỉ đúc ngựa, đặt trước cửa điện Tuyên Đức với thâm ý: Loại “vật thiêng” của Lạc Việt chỉ như con ngựa cho đế chế Hán cưỡi.


Sách Hậu Hán thư của Phạm Việp (424-425) quển 54 mục Mã Viện truyện chép như sau: “Viện hiếu kỵ mã, thiện biệt danh mã ư Giao Chỉ đắc Lạc Việt đồng cổ, nãi trù vi mã thức… mã cao tam xích ngũ thốn vi tứ xích tứ thốn, hữu chiếu trí Tuyên Đức điện hạ dĩ vi danh mã thức yên” ([2]) – nghĩa là: Mã Viện thích cưỡi ngựa, giỏi phân biệt ngựa tốt xấu. Ông ta lấy được trống đồng Lạc Việt ở Giao Chỉ bèn đúc thành ngựa mẫu… ngựa cao 3 thước 5 tấc (khoảng hơn 1m), vòng thân ngựa 4 thước 4 tấc (khoảng 1,5m), vua xuống chiếu đặt ngựa mẫu trước cửa điện Tuyên Đức để làm ngựa mẫu (hẳn vùng đó) sẽ yên.


Tiếp đến sách Quảng Châu ký của Bùi Thị xuất hiện vào khoảng năm 420-487 ghi lại hiện tượng người Lý, Lão sử dụng trống đồng ở thế kỉ thứ III (CN), sách đã thất truyền, chỉ còn lại những đoạn dẫn để chú giải cho Hậu Hán thư và được bảo tồn trong văn bản Hậu Hán thư. Đoạn văn đó như sau: “Lý, Lão trù đồng vi cổ duy cao đại vi quý diện khoát trượng dư sơ thành huyền ư đình khắc thần trí tửu chiêu chí đồng loại lai giả doanh môn hào phú tử nữ dĩ kim ngân vi đại thoa chấp dĩ khấu cổ khấu cánh lưu dỉ chủ nhân dã”, nghĩa là: Người Lý người Lão đúc đồng làm trống. Trống lấy cao lớn làm quý, mặt trống rộng hơn 1 trượng(?) Lúc mới đúc xong, treo trống ở sân, buổi sáng bày rượu mời đồng loại đến. Người đến đầy cửa. Con trai con gái nhà hào phú lấy vàng bạc làm thoa lớn, cầm thoa gõ trống, gõ xong để thoa lại cho nhà chủ. Người Lý người Lão chỉ cư dân phi Hán ở Quảng Châu, tộc danh này xuất hiện trong thư tịch thời Tam Quốc (thế kỷ III) mà nay có người coi là tổ tiên người Choang.


Như vậy, chỉ cần dẫn hai cứ liệu xuất hiện sớm nhất trong thư tịch của Trung Quốc, đã cho ta thấy: Tên gọi “đồng cổ” do tướng Mã Viện nhà Hán ngụy tạo ra từ đầu Công Nguyên (40- 43) - ( Hậu Hán Thư. Cứ liệu thứ hai là ngừơi Lý người Lão đúc trống đồng xong, thì treo trống trước sân… và dùng thoa “ gõ” vào trống đồng, chứ không dùng dùi để “đánh” trống (Quảng Châu ký).







Trống đồng - Ảnh: rongbay.com



Có thể nói chi tiết cực kỳ quan trọng ở đây là trống đồng mới đúc xong mà “không đánh thử”, chỉ dùng thoa “gõ” vào trống. Đó là hiện tượng không bình thường. Ngày nay ở nhà chùa đúc chuông xong, người ta làm lễ “thử” chuông: trang nghiêm, cẩn trọng. Chuông được treo lên giá, phủ vải đỏ đặt trước sân. Thầy chùa dựng Đàn tràng hương khói kính cáo với đức Phật và thổ thần: dâng đủ lễ, cầu khấn thấu đạt thiên địa thổ thần thì mới được “thử” chuông. Nhưng người Lý, Lão khi đúc trống đồng xong, không làm lễ “thử trống”. Chứng tỏ việc đúc trống đồng của người Lý - Lão không phải nhằm lấy tiếng vang của loại “cổ” này. Hẳn là dùng làm “vật thiêng” biểu tượng quyền uy của tù trưởng và dân tộc . Một tín hiệu nữa cho ta thấy việc dúc trống đồng không phải việc của người bình dân mà của bậc vương quyền. Đó là tinh thần của loại “vật thiêng” (hèm) do tổ tiên của người Văn Lang - Giao Chỉ tạo ra và truyền kỹ thuật đúc “vật thiêng” này sang vùng Lưỡng Quảng.


Từ việc dùng “thoa gõ vào trống” trong sách Quảng Châu ký của Bùi Thị xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ V (CN), hoặc các thư tịch khác của Trung Quốc ở giai đoạn đầu này như sách Tấn thư - tác phẩm thế kỷ thứ VII ghi lại việc năm 378 người Di ở Quảng Châu phá tiền đúc trống đồng, hoặc sách Trần thư cũng thế kỷ thứ VII ghi lại việc khoảng năm 551, Âu Dương Ngỗi đánh Trần Văn Triệt ở Quảng Châu, lấy được nhiều chiến lợi phẩm. dâng lên vua trống đồng lớn chưa từng có. Nhưng những sách này đều chỉ mới nói việc đúc trống đồng và cầm thoa “gõ” vào trống, chứ chưa có sách nào nói việc dùng dùi “đánh” trống đồng cả. Phải đến sách Cựu Đường thư, tác phẩm hoàn thành năm 937 – 946 mới xuất hiện việc đánh trống đồng và coi trống đồng là một nhạc khí.


Sách Cựu Đường thư đưa ra hai tư liệu: Một là mục Âm nhạc chí đã ghi: Tiết cổ là trống đồng - đúc bằng đồng. Một mặt trống úp xuống, đánh lên mặt trên. Loại trống đồng của Nam Di, Phù Nam, Thiên Trúc đều như thế. Sách Cựu Đường thư là của tác giả ở trung ương, còn trước đó có sách địa phương với tiêu đề Linh biểu lục dị của Lưu Tuân là quan lại ở Quảng Châu vào khoảng năm 889 – 903 ghi rằng: Nhạc của người Man Di có trống đồng, hình dáng như yêu cổ (trống có thân eo lại) nhưng chỉ một đầu có mặt. Mặt liền với thân. Đúc toàn bằng đồng. Thân trống đầy (nhiều) hình côn trùng: cá, hoa, cỏ. Toàn thân đều đặn dày hơn hai phân. Đúc rất giỏi. “Đánh trống” tiếng vang trong trẻo không kém tiếng mai rùa. Trong thời Trinh Nguyên Phiên Quốc (Myanmar) dâng nhạc, có ốc ngọc và trống đồng, mới biết nhà tù trưởng Nam Man đều có trống đồng ([3]).


Trong Hội thảo quốc tế, “Âm nhạc truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hoá” tại Hà Nội (ngày 8-9/8/2004) một đại biểu của Myanmar trong một Tham luận đã dẫn lại diều này (ghi chép của chúng tôi).


Như vậy từ thế kỷ thứ X trở đi – tức là sau 900 năm – kể từ khi Mã Viện gọi loại “vật thiêng” ấy là “đồng cổ” thì thư tịch của Trung Quốc mới chính thức gọi loại cổ vật kia là “cổ”- một nhạc khí và nói ngoa lên: “đánh trống đồng nghe tiếng trong trẻo” (sách Lĩnh biểu lục dị). Nhưng thực chất đánh trống đồng chỉ nghe tiếng bịch bịch mà thôi, nên mới nói “Tiếng trong trẻo như tiếng mai rùa”. Tiếng mai rùa cũng bịch bịch, chứ làm gì có âm thanh trong trẻo!


Chỉ cần dẫn mấy cứ liệu ban đầu trong thư tịch cổ của Trung Quốc đủ thấy: Việc dựng đứng một “vật thiêng” để thờ cúng “hèm” trong nền văn hoá tâm linh của Lạc Việt - Giao Chỉ thành “cổ ” một nhạc khí là có từ khi Mã Viện mở miệng nói ra (40-43 CN) nhưng phải 4 thế kỷ sau thì thư tịch Trung Quốc mới định danh chữ “cổ” bằng Hán tự (trong sách Hậu Hán thư) và dùng thoa để “gõ” vào “cổ”, hiện tượng diễn ra vào thế kỉ thứ III (C.N) ở người Lý - Lão (sách Quảng Châu ký). Ngoài ra còn phải qua một số tác phẩm nữa như Tấn thư, Trần thư, Tuỳ thư và phải đến Cựu Đường thư (937- 946) mới chính thức gọi trống đồng là nhạc khí trong mục “Âm nhạc chí” của sách này. Bắt đầu từ thế kỷ thứ X trở đi thì thư tịch của họ đồng loạt, chính thức gọi loại vật linh ấy là “cổ” (trống) một nhạc khí và đánh “trống đồng”.


Việc giới thống trị ngoại bang dùng thủ đoạn phá nát một dòng cổ vật văn hoá tâm linh của Việt tộc thành “cổ” (trống) - một nhạc khí. Hẳn kẻ nói ra lời “cổ” cũng thấy ngượng mồm, đến khi người cầm bút viết thành chữ “cổ” bằng Hán tự trên giấy, cũng thấy run tay. Bởi vì dân tộc bị hại sẽ truyền nối từng thế hệ mà nguyền rủa kẻ xoá mất một hiên vật trong bản sắc văn hoá tâm linh của họ. Và đến một thời nào đó thì con cháu của tộc bị hại sẽ nghiên cứu, tìm ra nguồn gốc của vật linh ấy, lấy lại cái tinh thần tâm linh ban đầu của nó.


Việc nhận thức về tinh thần của vật “hèm” này đã được người Việt bắt đầu thực hiện từ khi nước nhà giành lại quyền tự chủ. Thư tịch của các triều đại nước Đại Việt đều ghi chép trân trọng loại “vật thiêng” là “hèm” này và gọi là Thần Đồng Cổ, lập miếu thờ, đích thân nhà vua đến cúng tế như đền Thần Đồng Cổ Hà Nội. Còn nếu là “trống” - một nhạc khí - thì không thể diễn ra hiện tượng trên. Ngoài ra, trong dân gian, người làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam khi đào được cổ vật này (1893) nay gọi là “trống” Ngọc Lũ, họ đưa vào thờ trong đình làng, mãi về sau mới được đưa về trưng bày ở Trường Viễn Đông bác cổ, nay là Bảo tàng lịch sử Trung ương ở Hà Nội .

Việc trân trọng, tôn thờ loại vật “hèm” này được thể hiện ở chỗ: từ dân gian đến vương quyền và thư tịch bác học đều không nơi nào nói đến hiện tượng “đánh trống đồng” - người ta coi cách đánh trống đồng như điều kiêng dè, cấm kỵ - “húy”.


Phải chăng, từ đó “vật thiêng” này được phát tán hoặc chuyển mẫu sang đúc ở các nước Đông Nam Á cổ, để thờ cúng và “ấn tín” của các Tù trưởng đương thời của các vùng đó. Điều này cũng được các học giả từng đề cập đến.


Ph. Hêgơ (P.Heger) người Áo với sách Những trống kim khí ở Đông Nam Á (1902) đã phân trống đồng làm 4 loại, ký hiệu I, II, III, IV. Ông là người đầu tiên coi trống đồng loại I xuất xứ ở miền Bắc Việt Nam, cho nên ông đã lấy hoa văn của trống đồng loại này (trống Sông Đà) làm tiêu chí để so sánh với hoa văn các loại trống đồng ở vùng Đông Nam Á cổ ([4]) (khi đó trống Ngọc Lũ chưa đưa về Hà Nội).


Hoặc sách Lịch sử nghiên cứu trống đồng ở châu Âu của L. Bezacier phần mở đầu đã ghi: Năm 1715 nhà du lịch người Đức Se Vil cho biết: ở đảo Lu-ang (một đảo nhỏ nằm giữa Timor) và Timor La út (Timor La ut) có một "cái chuông thần kì", thật ra là một cái trống bằng đồng thau. Vật linh thờ cúng của dân địa phương ([5])

Còn H. Loofs – Wissowa người Australia với thuyết “Biểu chương vương quyền” (reqalia) thì trống đồng là vật tượng trưng cho quyền lực hợp pháp. Ông cho rằng có một quyền uy tôn giáo tồn tại ở Bắc Việt Nam trong thời cổ, tương tự với quyền uy của Giáo hoàng ở phương Tây. Theo ông, các tù trưởng bộ lạc ở nhiều nơi của vùng Đông Nam Á đã cử sứ bộ đến Bắc Việt Nam để xin cấp các trống đồng, mà với chúng, họ được làm Vua hợp pháp ([6])


Đó là những ý kiến cần thiết cho giới khoa học Việt Nam trong nghiên cứu về Thần Đồng Cổ.


Nhà khảo cổ học Hà Văn Tấn viết: Đi tìm cội nguồn của kĩ thuật và nghệ thuật của trống đồng không phải chỉ là để bảo vệ niềm tự hào của quê hương trống đồng, mà còn để bác bỏ những luận thuyết muốn tìm nguồn gốc trống đồng cũng như nền văn minh Đông Sơn ngoài biên giới Việt Nam ([7]). Qua đây, bác bỏ những ý kiến cho rằng Thần Đồng Cổ là một nhạc khí, và dùng loại cổ vật tâm linh này để biểu diễn trên sân khấu như tiết mục “giã” trống đồng ở lễ hội Đền Hùng và tiết mục hoà tấu trống đồng của cha con Bá Phổ.




Dương Đình Minh Sơn

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Nguyễn Duy Hinh, Trống đồng trong sử sách, Tạp chí Khảo cổ học, số 12 / 1970 tr 18-35),

[2] Hậu Hán thư, bản dich tại thư viện Viện Khảo cổ học.

[3] Xem chú thích 1.

[4]. P.Heger – Những trống kim khí ở Đông Nam Á ( Chữ Đức) Laixich.1902- Sách bản chính, lưu tại Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam, do Tiến sĩ Ngô Thế Phong cung cấp.

[5]. Louis Bezacier Lịch sử nghiên cứu trống đồng ở Châu Âu "Sách giáo khoa về Khảo cổ học ở Viễn Đông. Phần 1: Đông Nam Á -Pari 1972 trang 180 - 185 - Bản dịch Tạp chí khảo cổ học số 20 - 1974.

[6]12.H.H.E Loofs –Wiosowa. The distribution of Dongson drums: some thoughts in Perter Snoy. Ethnologie und Gest (Sự phân bố của trống Đông Sơn: Vài suy nghĩ) trong Perter Snoy (chủ biên) “Dân tộc học và lịch sử” Wiesbaden. 1983. Tr 410- 417.

[7] . Hà Văn Tấn - Theo dấu các Văn hoá cổ- NXB Khoa học xã hội 1998 Tr. 637 -638