Con đường tìm đến Minh Sư

Trên đường cầu đạo, chúng ta ai cũng mong gặp được Minh Sư, hạnh phúc cho người nào tìm và gặp được một vị thầy chân chính và cũng thật bất hạnh khi gặp phải một kẻ lừa đảo, tiền mất, tật mang và cả thời gian quý báu…
Có cách nào nhận ra được một vị thầy chân chính trong thế giới hỗn mang này, khi mà thật giả lẫn lộn, kim tiền có thể che mờ công lý?
Những lời dạy của Phật luôn đến với chúng ta, chỉ là chúng ta phải cố gắng để hiểu những lời giảng đó và tìm ra sự thật ở đó.
Chỉ có Phật mới nhận ra Phật - Thoạt tiên nhiều người nhầm tưởng đó là một câu của sự kiêu ngạo – không hề có điều đó.
Tôi không phải là Phật, bạn không phải là Phật, chúng ta không phải là Phật, vì thế nếu có một vị Phật đứng trước chúng ta thì chúng ta cũng không thể nhận ra. Và vì thế nếu ta có một hành động, một lời nói, một cử chỉ xúc phạm đến vị Phật ấy thì đó cũng không phải lỗi của chúng ta bởi vì chúng ta đâu có thể nhận ra được đó là một vị Phật.
Đây là một lời dạy đầy tính nhân bản và Từ Bi của chư Phật - bởi vì nếu đó là một vị Phật – và chúng ta xúc phạm đến vị Phật ấy, chửi mắng, đánh đập, thậm chí giết chết thì đó cũng không phải là lỗi của chúng ta - những kẻ còn u mê và vô minh – và Phật sẽ tha thứ cho chúng ta điều đó.
Và nếu ta bỏ qua vị Phật đó thì là do Duyên của ta chưa tới, ta cần phải soi rọi vào “Tâm” của chính mình hơn nữa để có thể tìm được một Minh Sư đích thực.
Người nào tự nhận là Phật chắc chắn không phải là Phật – Trên đường đi tìm Minh Sư không được khiếp sợ trước quyền lực. Có người đang đứng đầu một tổ chức tôn giáo, có người là hoàng đế, là lãnh chúa, là vua, là kẻ giàu có nhất – và khi những kẻ đó tự nhận là Phật thì biết bao người vì run sợ trước những quyền lực ấy mà phải cúi đầu, có người thì lại ngộ nhận, và nhiều người vì u mê, dốt nát, cùng khổ mà đành phải chấp nhận.
Phật đã khẳng định : Người nào tự nhận là Phật chắc chắn không phải là Phật – dù cho người đó có là ai – vì thế chúng ta còn do dự, đắn đo gì nữa?
Nếu đúng thì không có sự ngờ vực, nếu có sự ngờ vực vì nó chưa đúng – Khi bạn đã tìm được một bổn sư rồi thì bạn đừng nên ngờ vực, hãy tin tưởng vào vị thầy đó thì việc học tập, tu dưỡng mới có thể tiến bộ. Nếu bạn còn nghi ngờ thì đừng nến bái người đó là thầy, bởi vì “nếu có sự ngờ vực vì nó chưa đúng”. Bạn hãy chờ đợi đến khi nào không còn sự ngờ vực nữa thì hãy làm điều cần phải làm, cầu chúc cho bạn có được điều may mắn đó.
Một vị Phật thực sự không cần có sự xác nhận nào – Lời dạy này là dành cho những Thiện trí thức. Bạn hãy tự tin vào những gì bạn đã nói, nếu điều đó đúng. Bởi vì có thể trong một thế giới kim tiền và hỗn độn này cái đúng chưa chắc đã được xem là đúng và được chấp nhận ngay, có khi còn bị phỉ báng. Vì thế nếu những gì bạn nói ra là “Chân ngôn” thì phải can đảm bảo vệ điều đó, tự tin vào điều đó dù cho không có một thế lực nào để nương tựa hay thậm chí phải đối diện với sự hung tàn.
Không có sự xác nhận nào khẳng định được một vị Phật – Đừng tin vào những gì là “hình tướng”. Trước một đền thờ nguy nga, một cung điện lộng lẫy, một nghi lễ long trọng, một đám rước huy hoàng… cũng cần phải thật bình tĩnh, hãy dùng chính cái “Tâm” nguyên sơ của mình để phán xét, không để nó bị lừa phỉnh bởi những gì là rực rỡ, hoàng nhoáng, cung phụng và tâng bốc bên ngoài – không có một giấy chứng nhận nào, một con dấu nào dù là của hoàng đế, của một vị đứng đầu một tôn giáo có thể khẳng định được đó là một vị Phật. Vì thế nếu tin vào những điều này mà gặp phải hậu quả xấu thì cũng nên tự trách mình. Hãy tỉnh táo, bỏ qua mọi hào quang che phủ để nhìn thật rõ chân tướng của vị thầy trước khi tin tưởng và đi theo người thầy đó, lúc đó cơ hội để tìm được một Minh Sư là có thật.
Nếu Phật có nhận ra Phật thì cũng tự họ biết với nhau mà thôi – Phật sẽ không nói với chúng ta một lời cụ thể nào cả, sẽ không chỉ rõ cho ta ai là đúng, là chân sư hay ai là sai, là kẻ trá ngụy – Tất cả là Tùy Duyên.