Độc giả mê truyện chưởng Kim Dung đa phần đều cho rằng: nhân vật giáo chủ Bạch Mi Ưng Vương trong bộ truyện kiếm hiệp Cô gái Đồ Long là vị sư tổ môn phái Bạch Mi. Thật ra, đó chỉ là sự ngộ nhận từ một nhân vật hư cấu qua trí tưởng tượng của nhà văn Kim Dung mà thôi.


Sư tổ Bạch Mi đạo nhân

BỐN CAO THỦ ĐƯA THIẾU LÂM BẠCH MI VÀO CHỢ LỚN
Theo lịch sử Thiếu Lâm tự, vào năm 1736, khi binh lính Mãn Thanh tấn công và hỏa thiêu chùa Thiếu Lâm, Bạch Mi hòa thượng đã trốn thoát lên núi Nga Mi (tỉnh Tứ Xuyên) - một trong năm ngọn núi thiêng của đất nước Trung Hoa. Sau tám năm diện bích trong hang động, thiền định theo lối đạo sĩ, Bạch Mi đạo nhân đã chế tác một môn võ công thượng thừa gọi là Thiếu Lâm Bạch Mi, ngoài ra còn có Ngũ Mai Lão Ni (núi Bạch Hạc), Phùng Đạo Đức (núi Võ Đang), Miêu Hiển chân nhân, Chí Thiện thiền sư. Năm huynh đệ này (được người đời gọi là Thiếu Lâm ngũ tổ) lần lượt xuất sơn, mỗi người đi mỗi ngả...

Đến nay, môn phái Bạch Mi đã ra đời ngót 300 năm, được xem là một trong “Võ lâm ngũ đại phái” gồm Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Bạch Mi, Bạch Hạc. Ngoài Bạch Mi đạo nhân sáng lập môn phái Thiếu Lâm Bạch Mi còn có Ngũ Mai Lão Ni truyền dạy Bạch Hạc quyền cho một nữ đồ đệ tên Vịnh Xuân - sư tổ môn phái Thiếu Lâm Vịnh Xuân sau này; Phùng Đạo Đức chân nhân sáng lập Bạch Hổ phái với tuyệt kỹ Thiết Sa chưởng; Chí Thiện thiền sư cùng học trò Hồng Hy Quan lênh đênh trên thuyền của một đoàn hát, để giữ thăng bằng trước những đợt sóng to đập vào mạn thuyền, Hồng Hy Quan đã chế tác môn võ công Hồng Gia quyền nổi tiếng về sau với nhân vật Hoàng Phi Hồng; con gái Miêu Hiển là Miêu Thiếu Hoa sanh được một nhân vật võ công tuyệt luân là Phương Thế Ngọc.


Võ sư Phùng Thiện Lương (trái) thị phạm cho môn sinh thế đá đoạt binh khí tại Công viên văn hóa Tao Đàn

Theo lệ, môn phái Bạch Mi chỉ truyền thụ cho người xuất gia. Tổ sư Bạch Mi truyền cho Quảng Huệ thiền sư, ông này trước khi viên tịch truyền lại cho Trúc Pháp Vân đại sư. Tuy nhiên, Trúc Pháp Vân đại sư đã phá lệ môn phái truyền cho một đồ đệ “ngoại đạo” là Trương Lễ Tuyền. Ông này sau đó dạy Thiếu Lâm Bạch Mi ở Hồng Kông, trong số các đồ đệ của Trương Lễ Tuyền có ba người rất giỏi là Huỳnh Thiệu Long, Lại Quý Đình và Tăng Huệ Bác. Võ sư Huỳnh Thiệu Long có hai đại đệ tử là Huỳnh Hớn (Huỳnh Thiếu Hùng) và Huỳnh Tân Tựu (bà con và cũng là sư huynh đệ với Huỳnh Thiếu Hùng). Sau khi thầy mất, hai đệ tử họ Huỳnh học thêm với sư phụ Tăng Huệ Bác.

Thiếu Lâm Bạch Mi du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1920 từ bốn võ sư Khưu Nhơn Hòa, Huỳnh Thiệu Long, Lại Quý Đình và Tăng Huệ Bác, nhưng không được truyền bá rộng rãi do chính quyền thực dân Pháp cấm đoán, đại sư Tăng Huệ Bác (người Quảng Đông) vào Chợ Lớn tổ chức dạy kín cho một số người thân, bạn bè ở đường Phùng Hưng, Q5. Tại đây, Tăng đại sư đào tạo nhiều học trò giỏi, nổi bật là Diệp Quốc Lương (đoàn lân Liên Thắng đường, trụ sở trên đường Hà Tôn Quyền, Q11), Huỳnh Thiếu Hùng (đội lân Quần Anh đường, đường Võ Trường Toản, Q5) và Trần Lâm - nổi tiếng với bài quyền Thập bát ma kiều - tuyệt kỹ công phu của Bạch Mi phái, võ sư Trần Lâm tạ thế năm 2007 tại căn hộ trên đường Dương Bá Trạc (Q8), hưởng thọ 84 tuổi.
Trước 1975, môn đồ võ phái Thiếu Lâm Bạch Mi nổi tiếng không chỉ về quyền, cước, binh khí mà còn có tài biểu diễn lân sư rồng, ngoài Liên Thắng đường, Quần Anh đường còn có Quần Thắng đường (của võ sư Huỳnh Quý Nam), Việt Thắng đường (do võ sư Lại Quý Đình phụ trách, sau ông truyền lại cho đại đệ tử là Huỳnh Hương Hoa), Kiến Anh đường (võ sư Từ Kiếm Minh), sau 1975 có thêm Hiệp Anh đường (võ sư Nguyễn Huệ Giai - học trò võ sư Diệp Quốc Lương phụ trách), Nam Cường đường (do võ sư Tăng Bỉ Đức - con trai sư ông Tăng Huệ Bác phụ trách), Việt Anh đường (võ sư Lý Dung Sanh), Lãnh Anh đường (võ sư Tăng Phật Linh), Toàn Thắng đường (võ sư Huỳnh An), Quốc Nghĩa đường (võ sư Nhậm Tường, Châu Chí Cường). Võ sư Diệp Quốc Lương qua đời năm 1978, nối nghiệp có bốn đại đệ tử là Trần Thiên Luân (đã mất), Khổng Thọ, Nhâm Phước Đường và Diêu Phước Dũng.


Cố võ sư Huỳnh Tân Tửu tại võ đường Thiếu Lâm Bạch Mi (Võ Trường Toản, Q5)

MÔN CÔNG PHU SỬ DỤNG “KÌNH”
Xuất phát từ “võ Phật” là Thiếu Lâm, võ phái Bạch Mi cũng giống như Côn Luân và Võ Đang (của đạo sĩ Trương Tam Phong) có cách thu nhận đệ tử rất nghiêm ngặt và hạn chế, hai trong 10 điều luật của Thiếu Lâm Bạch Mi là: “Hữu thân vô nghĩa bất khả giáo / Vô thân hữu nghĩa tắc khả truyền” tức là “Không truyền dạy cho bà con thân thuộc nếu họ kém đạo đức nhưng sẽ truyền dạy hết lòng cho người ngoài nếu họ có đạo nghĩa”.

Thiếu Lâm Bạch Mi là môn võ công nội gia quyền (thân thố phù trầm), đòn ngắn, thích hợp lối đánh nhập nội, đặc điểm sử dụng “kình” (nội lực phát ra từ trong cơ thể) vì thế rất ít nữ giới theo học. Vậy “kình” là gì? Theo võ sư Phùng Thiện Lương: “Môn sinh học Thiếu Lâm Bạch Mi cần phân biệt giữa Kình và Lực. Lực là hữu hình, khởi từ xương, truyền qua sống lưng vào vai mà phát ra. Kình là vô hình, khởi từ gân, truyền qua tứ chi mà phát ra. Lực vốn sẵn có và hiển lộ nên mang tính trực và hư vì vậy mới gọi chân lực là Trực lực hoặc Hư lực. Kình là một dạng lực thông qua rèn tập mà đạt tới nên ẩn tàng, mang tính hoành và thực, vì vậy Kình còn gọi là Hoành lực hoặc Thực lực”.


Ông Khổng Thọ - một trong bốn đại đệ tử của cố võ sư Diệp Quốc Lương

Võ phái Bạch Mi thuộc Thiếu Lâm Nam phái, chuyên sử dụng đòn tay, xuất chiêu thần tốc, chớp nhoáng, nhắm vào yếu huyệt đối phương, dựa trên nền tảng đặc trưng là “mã hậu” và “kình lực”, lừng lẫy chốn võ lâm Sài Gòn - Chợ Lớn qua các bài quyền, cước và binh khí như Tứ mã liên hoàn, Cửu bộ thôi, Thập tự quyền, Mãnh hổ xuất lâm, Đại tam môn, Thập tự ưng trảo khấu đả quyền, Đinh cước, Xuyên tâm cước, Bão cước, Tứ môn thương, Thập tự côn, Bạch Mi thanh phong kiếm (20 thế), Thanh long đao, Hoàng đầu, Thập bát ma kiều...
(Còn tiếp)