Trước khi Đạo Phật truyền bá đến nước ta, thì tín ngưỡng của người Việt là "Tứ Pháp" và "Tứ Bất Tử"

1-"Tứ pháp" là danh từ để chỉ các nữ thần trong tín ngưỡng Việt Nam gồm: Mây-Mưa-Sấm-Chớp, đại diện cho các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong xã hội nông nghiệp ngày xưa. Sau này khi Phật giáo vào Việt Nam thì nhóm các nữ thần này được biến thành Tứ pháp với truyền thuyết về Phật Mẫu Man Nương.

Liên quan đến tín ngưỡng thờ nữ thần còn có hệ thống các chùa gọi là Tứ pháp, hiện chỉ thấy trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Các vị nữ thần đó gồm :

* Pháp Vân (nữ thần mây)
* Pháp Vũ (nữ thần mưa)
* Pháp Lôi (nữ thần sấm)
* Pháp Điện (nữ thần chớp)

Hệ thống chùa thờ Tứ Pháp còn ở một số vùng Bắc Bộ như sau:

Đầy đủ và quan trọng nhất là ở Thuận Thành, Bắc Ninh:

* Chùa Dâu (tên chữ Hán là Diên Ứng, Cổ Châu, Thiền Định) thờ Pháp Vân, nên gọi là bà Dâu
* Chùa Đậu thờ Pháp Vũ, nên gọi là bà Đậu
* Chùa Tướng (chùa Phi Tương) thờ Pháp Lôi, nên gọi là bà Tướng
* Chùa Dàn (chùa Xuân Quang) thờ Pháp Điện, nên gọi là bà Dàn

Chùa Đậu ở Bắc Ninh đã bị Pháp phá hủy, nên pho tượng Pháp Vũ đem về thờ chung trong chùa Dâu. Ngoài 4 chùa trên, còn chùa Tổ Mãn Xá(chùa Phúc Nghiêm) thờ Man Nương.

Ở Hà Nội:
* Chùa Keo (Sùng Nghiêm) Gia Lâm thờ Pháp Vân, nên gọi là bà Keo
* Chùa Nành (Ninh Hiệp) xã Ninh Hiệp thờ Pháp Vân, gọi là bà Nành
* Chùa Sét (Đại Bi) thờ cả Tứ pháp

Trong các chùa thờ những nữ thần này, tượng của các nữ thần được tạc với kích thước to lớn hơn rất nhiều so với các tượng Phật. Hệ thống chùa Tứ pháp là chứng tích cho sự kết hợp giữa Phật giáo với các tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc nguyên thuỷ ở Việt Nam.

2- "Tứ bất tử" là tên gọi chung của bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam, đó là Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Công chúa.

* Tản Viên Sơn Thánh, hay Sơn Tinh, là vị thần núi Tản Viên (Ba Vì), núi tổ của các núi nước Việt Nam. Tản Viên tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai.
* Thánh Gióng, hay Phù Đổng Thiên Vương tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm.
* Chử Đồng Tử, (còn được gọi là Chử Đạo tổ) tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân, và sự sung túc giàu có.
* Liễu Hạnh, hay Mẫu Thượng Thiên, tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, phúc đức, văn thơ.

Trong bốn vị trên, ba vị nam thần đầu tiên theo truyền thuyết có từ thời Hùng Vương, và đã được thờ ở rất nhiều nơi từ rất lâu. Riêng Mẫu Liễu Hạnh là phụ nữ duy nhất, mới được đưa vào hệ thống thần thánh từ đời Hậu Lê.