kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: BÀI “BÀN VỀ LONG MẠCH THĂNG LONG VÀ ĐỊA LINH BA ĐÌNH KỲ BÍ”

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định BÀI “BÀN VỀ LONG MẠCH THĂNG LONG VÀ ĐỊA LINH BA ĐÌNH KỲ BÍ”

    BÀI “BÀN VỀ LONG MẠCH THĂNG LONG VÀ ĐỊA LINH BA ĐÌNH KỲ BÍ”

    BÙI THÀNH PHẦN
    (Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển Nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam)

    Long mạch là khái niệm nói về hình thể sông – núi có mang Địa khí mạch. Địa Khí này có thể tác động đến môi trường xung quanh.

    Long mạch được tạo nên bởi sự vận hành của Thiên – Địa, Âm Dương, Ngũ hành, Bát quái, Thiên can – Địa chi… Con người chỉ có thể vận dụng chứ không có thể can thiệp thay đổi được nó. Đây là một “Bộ nhớ thần kỳ” của vũ trụ (Không gian – Thời gian) trong quá khứ – hiện tại – vị lai.

    Long mạch có thể đi cao như những dãy núi, dãy đồi và cũng có thể đi trên những thửa ruộng, cánh đồng hoặc như những con sông, dòng suối…

    Nó có thể xác định được qua hình dạng của những dải núi dãy đồi, dải đất, con sông, dòng suối… với dáng vẻ giống như con Rồng đang trườn bò, bay lượn hoặc nằm dấu mình, hoặc uốn khúc nhấp nhô lúc hiện, lúc ẩn…

    Long mạch có hai loại: “Sơn mạch”, “Thủy mạch”.
    Long mạch lại được chia ra thành: Thân long (Can long), Cành long (Chi long), Nhánh long (Cước long), Ngoặt long (Bàng long).
    Sách “Địa giải Huyền thư” nói rằng:

    - Nếu cuộc đất nào năm trên Đại Can long thì có thể hình thành nên Kinh sư (nơi đóng Đô) của một Đất Nước.

    - Nếu cuộc đất nào nằm trên Chi long có thể lập nên Thành phố, Đô thị của một cấp Tỉnh.
    - Nếu cuộc đất nằm vào Cước long thì có thể là Thị trấn, Xứ của một cấp Phủ, Huyện.
    - Nếu cuộc đất ở bên Bàng long thì có thể là nơi đóng trụ sở của một cấp Tổng, Xã.
    Đối với một quốc gia, nếu đã có Long mạch rồi nhưng vẫn còn đòi hỏi phải có ít nhất một Đại Can long với hình thể khúc chiết, vững vàng thì mới được coi là đất “Đế Vương”. Đây là điều kiện, là yếu tố tiên quyết để có thể lập nên Kinh sư của một quốc gia.
    Ví dụ: Nước Trung Hoa rộng lớn cũng có nhiều Đại Can long như các sông Hoàng Hà, Trường Giang, Áp Lục Giang,…

    Còn đất nước Việt Nam ta cũng có một số Đại Can long, như Sông Hồng là một trong số đó và đã tồn tại hàng nghìn năm nay.

    Khoa học về Long mạch có nhiệm vụ xem xét sự vận hành của “Tượng Khí” có liên quan đến Địa hình, Địa mạo, Phương vị và vị trí của các chòm sao đóng trên bầu trời…
    Nếu coi trời là “tĩnh” và đất là “động”, thì Long mạch được tạo nên bởi sự vận hành của “Khí”.

    Khí cũng có chỗ khai (mở), chỗ bế (tắc). Có nơi phát tán, có nơi ngưng tụ và lại có Khí cát (tốt), Khí hung (xấu)… biến ảo tùy thời. Như cũng ở trên mảnh đất này theo thế đất, hướng nhà… có thể thời kỳ đầu phát đạt nhưng sau lụi tàn dần (nghĩa là tiền cát – hậu hung). Ngược lại, có nơi mới đầu gặp nhiều hung họa, nhưng sau đó lại dần dần thịnh vượng lên (nghĩa là tiền hung – hậu cát)…. Cho nên các nhà phong thủy phải biết rõ điều này. Tuy nhiên thời gian nào cát, đến lúc nào hung… thì còn nhiều bí hiểm không thể biết chính xác được!

    Xin phân tích Long mạch Thăng Long với Địa linh Hoàng Thành tại mảnh đất Ba Đình như sau:

    Cuối năm 1009 tại Hoa Lư (Ninh Bình) Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế tức vua Lý Thái Tổ vị vua sáng lập ra Vương triều Lý (1009 – 1225).

    Thuở ấy, Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Cồ Việt dưới triều Đinh (968 – 979) và Tiền Lê (980 – 1009). Đây là một vùng núi sông hiểm trở thích hợp cho việc phòng thủ và tiến công quân sự của một nhà nước độc lập non trẻ mà luôn luôn phải đối phó với nhiều mối đe dọa của thù trong giặc ngoài.

    Với địa thế lợi hại của Hoa Lư nhà Đinh đã đánh bại và dẹp yên được 11 sứ quân cát cứ khác để lập nên nghiệp Đế, khôi phục và củng cố nền thống nhất quốc gia. Cũng tại Hoa Lư, Triều Tiền Lê đã đập tan nạn xâm lược của nhà Tống, bảo vệ vững chắc nền độc lập, mở đầu kỷ nguyên Đại Việt bách chiến bách thắng quân phong kiến xâm lược phương Bắc.

    Trong vòng 41 năm (968 – 1009) Kinh đô Hoa Lư đã xứng đáng với vị trí lịch sử mà Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành lựa chọn.
    Bước sang thời kỳ mới, thời kỳ phục hưng toàn diện, xây dựng đất nước trên một quy mô lớn và trước yêu cầu của lịch sử thì vị trí, địa thế của Hoa Lư không còn đáp ứng được vai trò là Kinh đô của nước nhà.

    Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) đã nhận thức sâu sắc điều này – Và Ngài cũng nhìn thấy ở thành Đại La, Đô cũ của Đại Vương Cao Biền(*) nằm trên Đại Can long là ngôi Địa linh có thể dựng Kinh đô được đến hàng vạn năm sau. Vì thế đầu năm 1010 chính Lý Công Uẩn đã tự tay viết Chiếu dời Đô về nơi có Long mạch lý tưởng ấy. Ngài vạch rõ: Thành Đại La “Ở trung tâm bờ cõi đất nước, được cái thế Rồng cuộn, Hổ ngồi vị trí ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc; tiện hình thế núi, sông sau trước… xem khắp nước Việt ta, chỗ ấy là nơi hơn cả, thật là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi Đô thành bậc nhất của Đế vương”.
    Từ đây thành Đại La được đổi thành Thăng Long và giữ vai trò kinh đô – Trung tâm chính trị – Hành chính Quốc gia ngàn năm văn hiến.

    Sau khi dời Đô về Thăng Long, Lý Thái Tổ đã cho xây dựng nhiều công trình quan trọng – đặc biệt như khu Cung điện của nhà Vua và Triều đình gọi là Đại nội. Bao quanh Đại nội và một vòng thành bảo vệ nghiêm ngặt được gọi là Cấm thành. Phía ngoài có vòng thành thứ hai gọi là Hoàng thành hay còn gọi là thành Long Phượng, hay Thăng Long thành, gọi tắt là Long Thành. Đây là khu vực Thành – Chính trị hay còn gọi là Thành thị Quân vương giữ vai trò là cơ quan đầu não của Nhà nước Trung ương tập quyền, trung tâm Chính trị của cả nước.

    Sau nhà Lý, tiếp đến nhà Trần, nhà Lê (Lê Sơ) – và kể cả nhà Nguyễn sau này… mỗi lần đổi thay triều đại, Thành đều có được sửa sang, tu bổ… nhưng vị trí thì không có gì thay đổi.

    Như vậy khi Hoàng Thành – Kinh đô của đất nước suốt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX đều được đặt trên khu vực đất thuộc Quận Ba Đình ngày nay. Tại đây và các vùng lân cận đã diễn ra không biết bao nhiêu sự kiện có liên quan đến vận mệnh của dân tộc và đất nước. Nơi đây đã trải qua những tháng – năm vinh quang hào hùng cũng như những thời khói lửa lầm than, theo những bước thăng trầm của lịch sử suốt một thời: Thăng Long – Đông Kinh – Hà Nội.

    Xin điểm lại một vài sự kiện đặc biệt đã diễn ra trên mảnh đất linh thiêng này:
    Thăng Long là một vùng đất “ngưỡng diện” (mặt ngửa lên trời) – sách Địa lý – Phong thủy gọi là “dương lai, âm thụ” – nghĩa là khí dương phủ xuống, khí âm ngẩng lên đón. Đất này mềm mỏng, khí ngưng kết ở bên trên, tiêu tán ở bên dưới. Địa huyệt ở nơi cao nhất – đấy là núi Nùng – núi này còn có tên gọi là Long Đỗ. Long Đỗ được phiên từ chữ nho mà ra, nếu dịch sát nghĩa là “bụng Rồng” chứ không phải là “rốn Rồng” – cụm từ “rốn Rồng” theo chữ nho là “Long Tê”. Tất nhiên cả khu đất rộng lớn là “bụng Rồng” ấy cũng có nơi hội tụ vượng khí lớn nhất, tốt nhất của cả đất nước sẽ là rốn Rồng – có lẽ vì cái lý ấy mà người ta đồng nhất bụng Rồng (Long Đỗ) với rốn Rồng (Long Tê) chăng?

    Vùng đất Hoàng thành Thăng Long ngược lại với Kinh đô Hoa Lư nơi mà Lý Công Uẩn lên ngôi trước đó: Hoa Lư có cái thế “âm lai, dương thụ”, là mảnh đất cương mãnh, khí tiêu tán ở bên trên và ngương tụ ở phía dưới. Huyệt vị ngưng kết ở nơi thấp nhất. Hoa Lư có lợi cho phòng thủ và tiến công trong hoạt động quân sự. Mảnh đất thiêng này có thể tạo lập nghiệp Đế vương, nhưng phúc trạch không dài. Ba triều Vua trước (Ngô – Đinh – Tiền Lê) đều là những nhà có võ công hiển hách nhưng không nhà nào kéo dài được quá ba mươi năm.

    Có lẽ điều này là nguyên nhân khiến Lý Thái Tổ – một vị Vua có tầm nhìn xa trông rộng đã quyết định dời Đô về Thăng Long – và Hoàng Thành được định ngay trên bụng con Rồng (Long Đỗ)? Đúng vậy, nơi đây đã không phụ lòng vị Vua anh minh ấy – Triều Lý tồn tại được 216 năm. Không những thế các triều đại nối tiếp với những vị Quân vương chính trực anh minh của triều Trần, triều Lê ngự trên mảnh đất này cũng được hưởng phúc trạch kéo dài.

    Địa Linh – Long mạch để lại phúc con người cũng có những điều kiện và không dành riêng cho một ai mãi mãi. Ở trên mảnh đất ấy phải là người có đức. Đức càng dày, càng kiên cố thì vận phúc càng kéo dài, chỉ đến khi nào đức cạn hết thì vận phúc cũng tuyệt theo.
    Mảnh đất Hoàng Thành ngày xưa – Ba Đình hiện nay chính là như thế – Nghĩa là nó cũng có một “mức hạn quy định” nào đó cho những “Nhà nào” ngự trên mảnh đất này.
    Xin dẫn dụ ra đây mấy triều đại đã từng ngự trên mảnh đất Hoàng Thành – Ba Đình như sau:

    1. Thời nhà Lý (1900 – 1225):

    Hoàng đế Lý Thái Tổ dời Đô từ Hoa Lư về Thăng Long thì cùng một lúc Ngài cho kiến thiết cung điện để làm nơi làm việc, nơi ở của Vua, Quan quý tộc và xây dựng Thành lũy bảo vệ. Đồng thời Ngài cũng cho người về quê xây tám ngôi chùa tại phủ Thiên Đức (Châu Cổ Pháp Bắc Giang – nay là huyện Từ Sơn – Bắc Ninh).

    Có phải Ngài đã biết rõ bí mật của mảnh đất kinh sư này chỉ có thể để cho Ngài và con cháu của Ngài làm Vua trọn vẹn ở nơi đây tám đời mà thôi, vì vậy Ngài cần chuẩn bị sẵn chốn ra về cho vong linh mình và con cháu? Quả thật, nhà Lý do Ngài sáng lập cho đến khi kết thúc trọn vẹn vừa đủ tám đời và làm chủ đất Đại Việt là 216 năm – có một năm cuối của Lý Chiêu Hoàng.

    Ngay cuối triều Lý, vua Lý Huệ Tông ở đời thứ tám, về cuối đời rượu chè say sưa tối ngày, không quan tâm gì đến triều chính, tuy không có giặc ngoài, nhưng trên mảnh đất Kinh kỳ cũng phải chịu bao phen binh đao do tranh giành quyền lực của các phe phái, nên từ năm 1216 – 1220 Vua phải bỏ dời Hoàng thành để ra Tây phù Liệt (Thanh Trì) xây Điện tạm – và Hoàng thành bị gọi là Cựu kinh (Kinh đô cũ) – từ đây bắt đầu báo hiệu cái “đức của nhà Lý” đã cạn và vận phúc sẽ tuyệt trong nay mai!

    Quả thực nhà Lý chỉ làm chủ Thăng Long được trọn vẹn tám đời – và con “số tám” này gần như là “con số định mệnh” của Thăng Long – một cái giới hạn mà không có một nhà nào trụ ở đây có thể vượt qua!

    2. Nhà Trần (1225 – 1400)

    Vua Lý Huệ Tông, vị Vua thứ tám đời nhà Lý về cuối chỉ đam mê tửu sắc, bỏ bê công việc Triều chính và vô trách nhiệm trong việc truyền ngôi cho người con giá thứ hai là Chiêu Thánh lúc đó 8 tuổi lên làm Vua – tức Lý Chiêu Hoàng – nào năm 1225, rồi đi tu ở chùa Chân Giáo – mọi quyền hành lúc này đều nằm trong tay Thái Sư Trần Thủ Độ. Nhân cơ hội “Trời cho”, dưới sự chèo lái tài ba, khôn ngoan dày dạn kinh nghiệm của một nhà chính trị, Trần Thủ Độ nhanh chóng tạo nên mối duyên tình giữa Lý Chiêu Hoàng với Trần Cảnh (cháu của ông) thành vợ chồng và lập tức sau đó Lý Chiêu Hoàng lại truyền ngôi cho chồng vào ngay năm 1225 định mệnh ấy.

    Như vậy nhà Trần đã giành được cơ nghiệp từ tay nhà Lý một cách hòa bình, hợp pháp.
    Nhà Trần tồn tại được trên đất Hoàng Thành 174 năm cũng với tám đời và 12 vị Vua, cụ thể:
    - Đời thứ nhất: Trần Thái Tông – Trần Cảnh (1225 – 1258).
    - Đời thứ hai: Trần Thánh Tông (1258 – 1278).
    - Đời thứ ba: Trần Nhân Tông (1278 – 1293).
    - Đời thứ tư: Trần Anh Tông (1293 – 1314).
    - Đời thứ năm: Trần Minh Tông (1314 – 1329).
    - Đời thứ sáu: Trần Hiến Tông (1329 – 1341).
    Trần Dụ Tông (1341 – 1369)
    Trần Nghệ Tông (1369 – 1372)
    Trần Duệ Tông (1307 – 1374)
    Tất cả 4 vị vua đời thứ 6 này đều là con của vua Trần Minh Tông.
    - Đời thứ bảy: – Trần Phế Đế (1377 – 1388)
    - Trần Thuận Tông (1388 – 1398).
    Hai vị Vua đời thứ bảy này là con chú con bác.
    - Đời thứ Tám: Trần Thiếu Đế (1398 – 1400)

    Nhà Trần cũng ngự được tám đời ở trên đất Hoàng thành. Nhưng đến đời thứ sáu thì cái đức của nhà Trần bắt đầu cạn (từ Trần Nghệ Tông), Phúc Trạch ngày một mỏng dần và thời vận đã đến kỳ kết thúc. Mấy đời sau Vua tôi còn đấy nhưng thực ra chỉ là “hư vị” nên phải dời xa Hoàng thành Thăng Long – mảnh đất thiêng – để cho cơ đồ xuống dốc không phanh – con cháu bị triệt hạ một cách tàn khốc và hàng loạt quần thần trung thành với nhà Trần bị giết chết, cuối cùng toàn bộ cơ đồ nhà Trần rơi vào tay Hồ Quý Ly.

    3. Thời nhà Hồ (1400 – 1407).

    Hồ Quý Ly cướp được ngôi nhà Trần và cũng thực hiện được một số cải cách mang tính tích cực, quyết đoán với một bản lĩnh phi thường. Nhưng nhìn tổng thể thì những việc làm ấy chỉ có lợi cho họ Hồ nhiều, còn lợi ích Quốc gia dân tộc chẳng là bao.
    Đối với Kinh thành Thăng Long, họ Hồ cũng rất kỵ nơi mảnh đất thiêng này và có một số việc làm xem ra mạo phạm, như:

    Cho xây Kinh Đô mới ở An Tôn, Vĩnh Lộc Thanh Hóa, lấy tên là Tây Đô, sau đó ép Vua Thuận Tông phải dời Kinh thành Thăng Long vào Tây Đô. Rồi đổi tên Thăng Long thành tên Đông Đô – đây thực chất là Hồ Quý Ly đã hạ bệ Thăng Long – không để Thăng Long là Kinh đô trung tâm của đất nước nữa. Không những thế, sau khi lên làm Vua, ông còn đổi cả tên nước từ Đại Việt thành nước Đại Ngu.

    Chính vì đức ngắn, phận mỏng, xử sự với Kinh thành quá tệ bạc… nên nhà Hồ chỉ tồn tại được 7 năm với hai đời vua là: Hồ Quý Ly( 1400 – 1401), Hồ Hán Thương (1401 – 1407).
    Nhân đây tác giả có đôi điều bình luận về danh tự Đông Đô, như sau:

    Ngày nay nhiều người ngộ nhận rằng Đông Đô là một cái tên được sinh ra từ những chiến công hiển hách, chói sáng của dân tộc! Vì thế họ ca ngợi và xếp ngang với Thăng Long – Hà Nội. Họ không biết thời gian tồn tại của Đông Đô rất ngắn trong lịch sử và cũng không có một chiến công nào trong thời kỳ đó. Không những thế Hồ Quý Ly đoạt quyền một cách tàn bạo, làm nhiều điều tàn ác, rũ bỏ Kinh thành – vùng đất thiêng liêng – làm dân chúng oán hận và không được lòng dân. Do vậy, khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, Hồ Quý Ly không thể tập hợp được lực lượng toàn dân đánh giặc. Ngay như Hồ Quý Ly giao nhiệm vụ cho người con trưởng là Hồ Nguyên Trừng xây thành, đắp lũy đánh giặc, Hồ Nguyên Trừng đã phải thưa: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không mà thôi!”.

    Chính vì vậy, chỉ một thời gian ngắn, nhanh chóng cha con Hồ Quý Ly đều bị quân Minh bắt sống (tháng 6 – 1907), nhà Hồ sụp đổ hoàn toàn và để nhà Minh biến nước ta thành Quận, Huyện của họ suốt 20 năm – Ngay như cái tên Đông Đô cũng bị đổi thành Đô Quan và là sào huyệt cai trị của quân giặc xâm lược – xem ra như thế thì Đông Đô đâu xứng đáng để mà ngợi ca.

    4. Triều Đại Lê Sơ (1428 – 1527)

    Ông tổ dựng nghiệp của triều đại Lê Sơ là Lê Lợi. Lê Lợi chính thức lên ngôi Vua tại Điện Kính Thiên – thuộc thành Đông Đô. Ngài đặt lại tên nước là Đại Việt (1428) – sau đó hai năm thành Đông Đô được đổi thành Đông KinhĐông Kinh là kinh đô chính thức của Triều đại Lê Sơ (97 năm)- cũng như còn được kéo dài nhiều năm sau này nữa.
    Triều đại nhà Lê võ công thật hiển hách. Nhưng các đời Vua về sau xử lý công việc có nhiều sai lầm. Triều chính ngày một thối nát, giết hại trung thần, phạm nhiều tội ác… nên có nhiều vị Vua ở ngôi ngắn, chết non chết yểu – Đặc biệt vào đời vua thứ bảy có hai vị là Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng đều bị Mạc Đăng Dung giết chết – cơ nghiệp nhà Lê mất vào tay Mạc Đăng Dung năm 1527.

    Như thế là Triều Lê Sơ tồn tại được 99 năm với bảy đời và 10 vị Vua.
    Có câu hỏi đặt ra: Tại sao Triều Lý, Triều Trần đều ngự được ở Hoàng thành Thăng Long đến tám đời, mà Triều Lê Sơ chỉ được bảy đời?
    Theo như người đời kể lại rằng:

    Vào năm 1419 giặc Minh vây chặt nghĩa quân Lam Sơn ở núi Chí Linh. Lê Lợi và các tướng sỹ vô cùng khốn đốn, có nguy cơ bị tiêu diệt. Lúc đó Lê Lai xin đóng giả “Bình định vương Lê Lợi” xông ra mở đường cứu chúa Lê Lợi. Lê Lợi đã hứa nếu thành công, sau này hoàn thành đại nghiệp ông sẽ chia đôi giang sơn cho Lê Lai? Nhưng rồi vào một ngày của năm 1427 Lê Lai đã bị chính Lê Lợi giết chết và bị tịch thu toàn bộ gia sản, với lý do: “Vì Lai cậy có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn?!” (Đại Việt Sử ký toàn thư tập 2, trang 47).

    Người đời còn cho rằng Lê Lợi giết chết Lê Lai và ông đã tự triết giảm đi một đời Đế Vương của con cháu mình để trả lại cho Lê Lai.

    Trong dân gian còn có câu vè: “Hăm mốt Lê Lai, Hăm hai Lê Lợi” là nói về những ngày giỗ của hai Vị và cho rằng: Lê Lai phải được hưởng ngày cúng giỗ trước Lê Lợi – bởi vì nếu không có Lê Lai thì sẽ không có Lê Lợi (Lê Lợi mất vào ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu – 1433).

    Nếu với cái lý trên đây thì Triều đại Lê Sơ vẫn đủ Tám đời được ngự trên mảnh đất Hoàng thành và Thăng Long cũng thật nghiêm khắc, nhưng cũng thật công bằng làm sao!
    Xin giới thiệu sơ đồ Triều Lê Sơ như sau:

    - Đời thứ nhất : Lê Lai ( – 1427)
    - Đời thứ hai : Lê Thái Tổ – Lê Lợi (1428 – 1433)
    - Đời thứ ba : Lê Thái Tông (1433 – 1442)
    - Đời thứ tư : Lê Nhân Tông (1442 – 1459)
    - Đời thứ năm : Lê Thánh Tông (1459 – 1497)
    - Đời thứ sáu : Lê Hiến Tông (1497 – 1504)
    - Đời thứ bảy : Lê Túc Tông (1504 – làm vua được 6 tháng)
    Lê Uy Mục (1504 – 1509)
    Lê Tương Dực (1509 – 1516)
    Ba vị vua này là anh em con chú con bác.
    - Đời thứ tám : Lê Chiêu Tông (1516 – 1522)
    Lê Chiêu Hoàng (1522 – 1527).
    Hai vị vua này là anh em ruột.

    Triều Lê Sơ kết thúc vào năm 1527. Tuy nhiên Triều Lê còn nối tiếp đến thời Lê Trung Hưng, nhưng không được tính cho Triều Lê Sơ, bởi các vị này không phải là con cháu đích tôn của Lê Lợi và cũng là hư vị, phải sống phiêu bạt, không ở Kinh thành Thăng Long.

    5. Triều Mạc và các Triều đại sau.
    - Triều Mạc (1527 – 1529):

    Mạc Đăng Dung quê Cổ Trai, Nghi Dương, Hải Dương là cháu đời thứ bảy của cụ Mạc Đĩnh Chi.

    Khi cướp được cơ nghiệp nhà Lê, lập ra nhà Mạc chiếm giữ Thăng Long được hơn 60 năm (1527 – 1592). Nhưng miền địa linh ghê gớm Hoàng thành không phải là đắc địa để có thể dung nạp và ban phúc trạch lâu dài cho nhà Mạc.

    Nhận rõ điều này, nên Mạc Đăng Dung đã về quê ở Cổ Trai, xây dựng Kinh đô (gọi là Dương Kinh) – lấy danh nghĩa là “Thanh viện cho Thăng Long” nhưng thực chất Mạc Đăng Dung rất sợ cái “Long mạch Hoàng thành”.

    Với hơn 60 năm ngồi trên ngai vàng mà cha con Mạc Đăng Dung phải có trên 50 năm phiêu bạt ra khỏi Hoàng thành Thăng Long. Vì vậy nói về giới hạn cư ngụ tại đây thì cha con Mạc Đăng Dung còn xa mới đạt được cái giới hạn “tám đời” và hàng trăm năm tồn tại như nhà Lý, nhà Trần đã có.

    - Triều Hậu Lê (Lê Trung Hưng) – hay còn gọi là thời kỳ Nam – Bắc Triều (1533 – 1584).

    Sau năm năm, kể từ ngày bị nhà Mạc cướp ngôi, đến năm Quý Tị (1533) nhà Lê lại được dựng lên với một vị Vua lúc đó vẫn còn đang ở trên đất nước Lào – đó là Lê Trang Tông – các nhà sử học gọi thời này là Lê Trung Hưng (Hậu Lê) để phân biệt với thời Lê Sơ trước đó.

    Nhà Hậu Lê tồn tại song song cùng nhà Mạc (1533 – 1592), nhà Trịnh – nhà Nguyễn (1592 – 1789). Đây là giai đoạn của cuộc nội chiếnNam- Bắc Triều và Trịnh – Nguyễn phân tranh… gây nên bao cảnh lầm than đau thương khôn cùng cho nhân dân.
    Ở thời kỳ này Thăng Long thực chất nằm trong tay Chúa Trịnh và trong dân gian cũng có lời sấm truyền nói về gia tộc nhà chúa như sau: “Phi Đế, phi Bá quyền khuynh thiên hạ, truyền được tám đời, trong nhà dấy vạ!”.

    Đúng như lời sấm truyền, quyền hành của gia tộc Trịnh bắt đầu từ Thái vương Trịnh Kiểm đến đời Trịnh Sâm vừa được tám đời thì nhà Chúa xảy ra biến loạn và phúc hết vận cũng bị tuyệt theo – Chúa vẫn là Chúa không phải là vua khi nào.
    - Chẳng riêng gì họ Mạc, họ Trịnh, các đời sau cũng có những anh hùng – hào kiệt của đất nước nổi lên nhưng họ cũng rất ngại gần mảnh đất “Địa linh Hoàng thành – Ba Đình” này. Họ cũng dựng được lên nghiệp Đế Vương nhưng kinh đô thì được dựng ở những nơi khác, như:

    +Nhà Tây Sơn (1778 – 1802): kéo dài 24 năm, lập đô ở Phú Xuân (Huế) sau chuyển về Phượng Hoàng Trung đô (thành phố Vinh – Nghệ An).

    + Nhà Nguyễn (1802 – 1945): Nhà Nguyễn có công lớn trong việc mở mang bờ cõi, thống nhất được đất nước từ Lạng Sơn đến Hà Tiên, phúc phận cũng được hưởng tới 143 năm. Nhưng nhà Nguyễn vẫn không dám quay về Kinh đô Thăng Long mà định Đô tại Phú Xuân (Huế). Không những thế họ còn tìm mọi cách làm cho mảnh đất Thăng Long này “bớt thiêng” đi, cụ thể:

    Tháng 7 – 1802 Nguyễn Ánh (có sự hỗ trợ của Pháp) diệt xong nhà Tây Sơn, lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Gia Long, đóng đô ở Phú Xuân (Huế).

    Với Kinh thành được nhà Lê đặt tên là Đông Kinh đã kéo dài được hơn 100 năm, nhưng cho đến thời Lê – Mạc, tiếp theo là thời Trịnh – Nguyễn thì Đông Kinh lại thường được nhắc đến với cái tên Thăng Long.

    Lo sợ lòng dân vẫn yêu quý Thăng Long và không phục nhà Nguyễn, Nguyễn Ánh đã đổi Đông Kinh – Thăng Long thành “Bắc Thành”. Tuy vậy Thăng Long lại càng được nhắc nhở thường xuyên hơn. Đến năm 1806, Nhà Nguyễn đổi tên Bắc Thành trở lại “Thăng Long” nhưng chữ “Long” bây giờ mang nghĩa là “thịnh vượng” chứ không mang nghĩa “Rồng” như thời nhà Lý đã đặt.

    Vào cuối năm 1802, Gia Long cử một đoàn sứ thần do Lê Quang Định làm Chánh sứ sang nhà Thanh xin phong Vương và đổi tên Đại Việt thành “Nam Việt”. Nhà Thanh cho rằng tên Nam Việt sẽ lẫn với tên của Triệu Đà, nên đổi thành “ViệtNam”.

    Đến năm 1831 con trai của Gia Long là Minh Mạng cải tổ bộ máy hành chính đất nước, trong đó ông đã hạ “Trấn thành Thăng Long” xuống thành “Lỵ sở của tỉnh Hà Nội” với quy mô cũng bị thu hẹp lại. Và Hà Nội tồn tại từ đó cho đến nay với bao thăng – trầm của lịch sử dân tộc.

    Cũng chính cách hành xử trên đây của nhà Nguyễn, nên nhà Nguyễn cũng nhận lấy hậu quả nặng nề. Con cháu thì nhiều vợ, đông con, mà vẫn tuyệt tự. Để rồi nhà Nguyễn sụp đổ hoàn toàn và phải chạy ra nước ngoài nương thân, bỏ xác…, ví như: Vua Minh Mạng có tới hơn 400 vợ, 142 con, để rồi đến vua Triệu Trị cũng có tới 103 vợ mà không con, phải nuôi 3 người con nuôi làm Hoàng tử; Sau nữa đến vua Khải Định (không phải là cháu đích tôn của Minh Mạng) cũng có 12 vợ mà vẫn vô sinh.

    Đông cung Thái Tử Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại) vị Vua cuối cùng của nhà Nguyễn, cũng là vị Vua cuối cùng của thời đại phong kiến Việt Nam – không phải là con của Vua Khải Định – rồi cũng bỏ đất nước đi và chết ở đất Pháp vào ngày 31 – 7 – 1997 (ngoại ô Paris).

    6. Thời đại Hồ Chí Minh.

    Nhận rõ vị trí và tầm quan trọng Kinh thành Thăng Long – mảnh đất Địa Linh – sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Bác Hồ đã lập tức chọn ngay vườn hoa Ba Đình để ra mắt Chính Phủ nước Việt Nam mới. Chiều ngày 2 – 9 – 1945 hàng triệu người đã tụ hội về Ba Đình dự mít tinh thực hiện “Lời thề Độc Lập” – mở ra kỷ nguyên Độc lập – Tự do – Hạnh phúc của cả nước.

    Chính tại mảnh đất Ba Đình lại mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược để rồi kết thúc bằng chiến thắng lịch sử “Điện Biên chấn động địa cầu”.
    Ba Đình cũng là nơi phát đi lời hiệu triệu của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”… để rồi Thăng Long – Hà Nội lại đi đầu trong cuộc kháng chiến “chống Mỹ cứu nước” góp phần cùng nhân dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” giải phóng Miền Nam thống nhất nước nhà.

    Bước vào thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Để kế tục truyền thống lịch sử, ngay trên mảnh đất Ba Đình , ngày 20 tháng 6 năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 108/1998/QĐ-TTg: “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội đến năm 2020”. Nghị quyết ghi rõ sẽ xây dựng và phát triển một số trung tâm công cộng của Thủ đô, trong đó Ba Đình là: “Trung tâm hành chính – chính trị Quốc gia”- còn khu vực hồ Hoàn Kiếm là “Trung tâm hành chính – chính trị” của Thủ đô Hà Nội.

    Đây là một quyết định đúng đắn đã kế thừa truyền thống của Hoàng thành Thăng Long – Ba Đình lịch sử – anh hùng của Thủ đô anh hùng, Thủ đô vì hòa bình.

    Những lời cuối của bài viết

    Dẫu rằng lịch sử không thiếu gì những điều trùng lặp ngẫu nhiên vô cùng kỳ lạ và đặc biệt lý thú… song những điều cụ thể đã được kể ra trên mảnh đất thiêng Ba Đình này là có thật – và được lặp đi lặp lại nhiều lần thì có thể lại là tất nhiên, vì vậy chẳng nên coi thường!

    Lịch sử diễn ra trên mảnh đất Ba Đình, một ngàn năm qua cho thấy:
    Chỉ đến khi nào đất nước ở vào thời vận suy vi, hoặc chính thể đã đến thời suy mạt thì vị trí “Trung tâm chính trị – hành chính của đất nước” mới không xứng đáng để tồn tại trên mảnh đất này, còn nếu chính thể vẫn tốt đẹp thì không dễ gì đổi dời – bởi vì ở đó là sự kết tụ “hồn thiêng sông núi” trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

    Chúng ta cũng biết rằng chẳng có gì là mãi mãi – mảnh đất Ba Đình lịch sử và anh hùng cũng vậy – nhưng nếu biết tôn trọng lịch sử, rút ra bài học của lịch sử và xử lý vấn đề trước – sau cho đúng đắn thì đó là nền tảng, là đạo lý làm người trước vận mệnh của Quốc gia – dân tộc!

    (*): Sách Phong thủy – Địa lý có ghi:

    Năm 700, Việt Nam còn bị đô hộ của nhà Đường ở phương Bắc. Lúc đó Đường Trung Tông đổi tên nước là “An Nam đô hộ phủ” và cử Cao Biển sang cai trị. Cao Biển là nhà Địa lý – phong thủy nổi tiếng của Nhà Đường lúc bấy giờ – trước khi sang Việt Nam Vua Đường gọi Cao Biển đến và dặn dò: “Trẫm nghe An Nam có nhiều quý Địa kết phát tới Thiên tử, sản sinh ra nhiều nhân tài, anh kiệt nên luôn luôn chống đối. Qua đó khanh nên tường suy phong thủy kiểm lãm sơn xuyên và làm tờ biểu tấu kèm lời diễn các cuộc đất bên An Nam gửi về cho Trẫm xem. Mặt khác khanh phải đem tài kinh luân, đoạt thần công, cải Thiên mệnh, trấn áp các kiểu đất lớn, đó là nhổ cỏ thì nhổ cả gốc để tránh hậu họa sau này”.

    Khi Cao Biền sang nước ta, ông đã thực hiện lời dặn dò đó của Vua Đường.
    Cao Biền đã tìm ra 27 cuộc đất kết phát lớn có thể tới ngôi Đế vương và hàng ngàn ngôi đất nhỏ có thể kết phát ra các anh tài thông minh tuấn kiệt, tiến sỹ, thần đồng, anh hùng, hào kiệt không sao kể cho hết – “Thật là Địa linh phát nhân kiệt đáng để nước Tàu nể sợ”.
    Một mặt Cao Biền làm biểu tấu về nước cho vua Đường, một mặt ông ta tìm cách yến trấn Long mạch…

    Trong đó Cao Biền đặc biệt chú ý đến ngôi đất ở thành Đại La (tức Hoàng Thành Thăng Long sau này) có thể sẽ là Kinh đô cho các vị Đế vương kéo dài tới mười vạn năm – nên tìm cách trừ khử.

    Vị thần cai quản thành Đại La (thành Thăng Long) là thần sông Tô Lịch, được Cao Biền mời về bàn cách dựng đàn tế, cầu mời Thần đến, rồi dùng gươm có máu gà chém cho mất thiêng và yểm bùa trên dòng sông Tô…

    Thần sông Tô Lịch về nhưng không để cho Cao Biền thực hiện dã tâm trừ khử mà Ngài hóa thành con ngựa trắng phi thẳng lên trời. Sau này các vị vua nước ta nhớ ơn Thần sông Tô Lịch đã giữ được kinh thành nên lập đền thờ Ngài và gọi tên là “Đền Bạch mã” – nay ở số nhà 74 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm. Sông Tô Lịch do thần Bạch Mã cai quản được dẫn mạch từ núi Tản Viên – còn gọi là núi Ba Vì – Thần Tản Viên cũng được Cao Biền mời về để trừ khử, nhưng thần Tản Viên biết nên không xuất hiện và âm mưa thâm độc của Cao Biền cũng không thành công?!
    Last edited by Bin571; 06-06-2012 at 12:35 AM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Kiến thức và nghệ thuật tôn lư hương trong gia đình.
    By minhthien in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 27
    Bài mới gởi: 19-05-2013, 04:14 AM
  2. Bí ẩn cuộc sống sau khi chết!!! (Tổng hợp)
    By dc_bac in forum Chuyện Ma, Quỉ
    Trả lời: 22
    Bài mới gởi: 17-12-2012, 11:36 AM
  3. Trả lời: 22
    Bài mới gởi: 01-06-2012, 11:51 AM
  4. Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 24-06-2011, 10:10 PM
  5. Trả lời: 48
    Bài mới gởi: 29-04-2011, 12:15 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •