Tác giả: Nguyễn Ngọc Mai
Tạp chí VHNT số 332, tháng 2-2012


Lên đồng hầu bóng là một dạng thực hành tín ngưỡng dân gian có từ cổ xưa, cũng là một hiện tượng văn hóa được khá nhiều các học giả quan tâm nghiên cứu. Nhiều giá trị của nghi lễ này đã được lý giải như: giá trị văn hóa thể hiện ở góc độ diễn xướng, giá trị tâm linh thể hiện ở khả năng nhập thần, giá trị thẩm mỹ thể hiện ở hình thức nghi lễ... Bài viết này khai thác ở khía cạnh những tác động của nó đến đời sống tâm, sinh lý các chủ thể đồng như một nghiên cứu bổ sung về công năng trị liệu của nghi lễ.

Nghi lễ lên đồng hầu bóng xưa kia ở đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB) là một dạng thực hành nghi lễ mang đậm tính ma thuật, trong đó các đồng là người trực tiếp ngồi đồng, thôi miên hoặc tự ám thị, đưa cơ thể vào trạng thái biến đổi ý thức. Với trạng thái ý thức đặc biệt đó, nhiều đồng có thể cảm nhận được linh hồn hay nhận được năng lượng vũ trụ mà huy động khả năng siêu thường như: siêu nghị lực - năng lượng vượt trội trong chống chọi với sự đau đớn (dùng kim xuyên qua má, kiếm đâm qua bụng, uống nước sôi, đi trên than lửa, nuốt lửa, rạch lưỡi...), siêu thị lực, siêu trí nhớ, tiên tri,... Những chủ thể đồng dạng này được dân gian gọi là đồng mê và cho rằng họ bị thần nhập, vì thế những việc họ làm (múa kiếm, múa đao, bắt tà, trị bệnh...) chính là sự thị uy, tỏ oai linh của các vị thần. Khoa học ngày nay đã hé lộ bức màn bí mật này và lý giải về những khả năng đặc biệt của các đồng, thực ra đó chỉ là hiện tượng năng lượng từ vô thức được huy động mà bột phát, trỗi dậy và phát huy được một số tính năng, công năng. Đương nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra với những cá nhân có đặc điểm nhân cách và những tâm sinh lý khác thường, dân gian quen gọi là những căn đồng. Sự xuất hiện trạng thái bất bình thường này ở các đồng có thể coi là hiện tượng tâm linh năng lượng, chỉ xảy ra ở những môi trường đặc biệt: không gian tâm linh (có tác dụng chuyển hóa ý thức); các yếu tố phụ trợ: lửa, hương, chất kích thích, âm nhạc... (có tác dụng tạo đà, kích thích cho tiềm thức trỗi dậy). Cơ bản và quan trọng nhất vẫn là bản thân những người đồng, trong cơ thể tiềm tàng căn tính đặc biệt để có thể xuất hiện khả năng tâm linh khi gặp môi trường thuận lợi. Họ là những nhân tố hiếm và không phổ biến. Những đồng này rất được ái mộ và kính nể, uy lực của họ, vì thế, thường xuyên được củng cố qua những lần lên đồng bắt tà, trị bệnh.

Tuy nhiên, các nghiên cứu về nghi lễ chỉ thực sự sôi nổi khi các hoạt động thực hành tâm linh có điều kiện trỗi dậy trong những năm đổi mới. Dư âm về tính năng cứu sinh của lên đồng cũng vì thế mà lan tỏa và truyền đi. Kinh tế thị trường với những tác động mạnh mẽ của nó lên nhiều mặt của đời sống xã hội và tâm lý, tâm linh con người cũng làm cho căn bệnh stress, trầm cảm, nhiễu tâm trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Đây là mảnh đất màu mỡ cho việc thực hành nghi lễ lên đồng. Số lượng các chủ thể gia nhập đồng ngày một đông đảo, các cuộc lên đồng hầu bóng, bắt tà trị bệnh, lên đồng biểu diễn xa hoa và đầy tai tiếng ngày nay vẫn diễn ra ở hầu khắp các di tích lịch sử văn hóa phía bắc, nhất là khu vực đền Trần, phủ Giầy (Nam Định), đền Vua (Thái Bình), đền Sòng (Thanh Hóa), đền Ông Mười (Nghệ An) vào các dịp tháng 3, tháng 8, tháng 10 âm lịch. Sự phục hồi hàng nghìn điện thờ tư gia có tổ chức lên đồng trong những ngõ phố của Hà Nội và nhiều đô thị lớn đã khiến không ít người hoang mang về tác dụng cứu sinh của việc thực hành nghi lễ. Sự ra đời của trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người và dự án nghiên cứu khả năng đặc biệt trong hệ thống thờ Mẫu càng củng cố cho vai trò người thần dựa của các chủ thể đồng. Việc xuất hiện đây đó một số hiện tượng đồng có khả năng tâm linh cũng đã và đang làm nhiều nhà khoa học và các nhà quản lý văn hóa lúng túng trong ứng xử với lên đồng thời hiện đại. Vấn đề không chỉ là làm thế nào để nhận biết được lên đồng có xuất hiện tâm linh năng lượng và lên đồng diễn xướng; giá trị đích thực của nó là những gì. Hiểu được nghi lễ, đánh giá được giá trị cũng là cách để có thể quản lý, bảo tồn và phát triển được hiện tượng văn hóa đặc biệt này.

Thực tế nghiên cứu điền dã liên tục trên địa bàn ĐBBB từ 1998 đến nay của tác giả cho thấy lên đồng hầu bóng thời đổi mới (từ 1990 trở lại đây) đại bộ phận có khuynh hướng là những hoạt động diễn xướng văn hóa tâm linh. Các căn đồng hiện đại với những khăn áo huy hoàng phô trương rực rỡ chủ yếu thực hành nghi lễ để vào vai các vị linh thần mà tự thưởng cho mình những giờ khắc thoải mái thăng hoa bởi cung đàn tiếng hát và sự sùng bái nhất thời của các con nhang đệ tử. Nhiều đồng còn tìm thấy ở đây một phương tiện để hóa giải những ẩn ức tâm lý cá nhân. Tuy nhiên, không vì thế mà các giá trị của lên đồng trở nên mai một. Bên cạnh những giá trị về văn hóa diễn xướng, âm nhạc..., lên đồng ngày nay vẫn có những giá trị nhất định đứng từ phương diện trị liệu tâm sinh lý.

Nếu hiểu sự khủng hoảng như là những dấu hiệu bất ổn, mất cân bằng thì trị liệu là quá trình phục hồi cho những biểu hiện mất cân bằng đó, lên đồng hiện nay chính là hình thức trị liệu như thế. Không giống như các hiện tượng shaman, lên đồng với mục đích sử dụng nghi lễ vào chức năng chữa bệnh chiếm một tỷ lệ không nhiều và không phổ biến, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là nó không tồn tại chức năng chữa bệnh. Có thể nhận thấy hầu hết các bệnh được chữa trong lên đồng đều là những bệnh có nguồn gốc, hoặc liên quan đến hệ thần kinh con người. Chia theo bộ môn nghiên cứu nó thuộc về tâm lý học thần kinh và tâm thần học. Những biểu hiện bệnh như bết tóc, điên dở, hay ngất xỉu, thường xuyên đau đầu, nặng đầu, ốm vặt… mà các con bệnh mắc phải trước khi gia nhập đồng thực chất vẫn là một dạng bệnh phát sinh do tâm lý, tinh thần bị khủng hoảng (y học gọi là bệnh tâm căn).

Chữa bệnh tâm căn là một bộ môn không mới trên thế giới, nhiều trường phái khác nhau đã hình thành và cũng đúc rút thành nhiều liệu pháp áp dụng cho những đối tượng bệnh khác nhau: hóa dược, sốc điện, bơm khí não, tâm lý nhóm, phục hồi chức năng... Trong đó, liệu pháp tâm lý vẫn gây nhiều tranh luận nhất về tính hiệu quả của nó. Ngay từ những năm 20 TK XX nhóm phân tâm với những điển hình như Freud, E.Fromm... đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về phương pháp chữa bệnh này. Mặc dù vậy, việc áp dụng liệu pháp tâm lý trong chữa bệnh tâm căn ở Việt Nam cũng không phổ biến. Sử dụng liệu pháp tâm lý kết hợp kinh nghiệm dân gian trong chữa bệnh này lại càng ít ỏi.

Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, tri thức dân gian chỉ bằng những tác động cụ thể vào tâm lý, ý thức qua phương pháp giao tiếp nội tâm cũng có thể làm cho ngườì bệnh trở về trạng thái bình thường. Trị liệu trong lên đồng cũng có thể hiểu ở dạng tương tự. Qua nghiên cứu các nạn nhân mắc các chứng bệnh tâm căn, stress, nhiễu tâm... đã được các đồng thày chữa trị cho khỏi và trở lại bình thường, chúng tôi thấy họ đều bắt đầu bị phát bệnh từ khi cuộc sống cá nhân có những đột biến tâm lý, thậm chí gặp những cú sốc bất thường. Đó là trường hợp của đồng H, khi chồng chết đột ngột do bị tai nạn; đồng N luôn bị đau đầu do áp lực của gia đình nhà chồng về việc chị không thể có con; đồng Th đang gặp lúc làm ăn khó khăn thì chồng ngoại tình; số khác lại bị những bệnh tật chữa lâu khỏi và dân gian cho rằng họ có căn đồng và bị thánh chọn làm ghế, bị ma Phạm Nhan ám... Tóm lại, trước khi tham gia thực hành nghi lễ, các đồng nhóm này đều ở vào trạng thái tâm lý tình cảm tiêu cực. Bị reo rắc ý tưởng có căn họ bị chế ngự bởi tình cảm tôn giáo, đó là sự phụ thuộc, lo lắng và sợ hãi, bất an. Tâm lý học tôn giáo gọi là trạng thái tình cảm âm tính. Khi đến với một đồng thày, được gia trình đồng, sau một thời gian theo thày đồng thực hành nghi lễ, đại bộ phận họ đều thấy thoải mái, thanh thản, khỏe ra. Trải nghiệm của các chủ thể lên đồng cho thấy thực hành nghi lễ lên đồng có tác dụng trong việc chuyển đổi trạng thái cảm xúc.

Việc chữa bệnh ở các căn đồng có thể coi là quá trình định hướng niềm tin và chuyển hóa trạng thái tâm lý thông qua cơ chế diễn xướng nghi lễ. Khi đến với nghi lễ lên đồng hầu bóng, các đồng đã trực tiếp trải nghiệm và lĩnh hội được sự thanh thản, thoải mái trong và sau nghi lễ. Tất nhiên còn phải kể đến sự tham gia và hiệu quả đặc biệt vào quá trình này của các hệ thống thanh âm khiến nhiều người nhạy cảm có thể có ngay được cảm xúc tích cực ở mức độ đỉnh cao, để rồi kết thúc cuộc hầu đồng họ lấy lại được tâm thế thăng bằng, sự thanh thản thoải mái, sáng suốt và hưng phấn. Điều này có tác dụng chuyển hóa các trạng thái tâm lý tiêu cực trước khi lên đồng sang dạng tâm lý tích cực trong và sau khi lên đồng, có tác dụng mạnh trong việc củng cố niềm tin tôn giáo vốn trước đó chỉ là mơ hồ.

Quá trình chuyển đổi cảm xúc tuân theo 3 giai đoạn phát triển khác nhau trong thực hành nghi lễ (1). Như vậy, nếu giai đoạn một là cảm xúc âm tính thì giai đoạn hai là cảm xúc chuyển sang dương tính ở cường độ cao, giai đoạn ba vẫn là cảm xúc dương tính nhưng mức độ trung bình, tạo cho con người trạng thái bình ổn, thanh thản, thoải mái. Trong môi trường đặc biệt, những xúc tác như nhạc cụ gõ, màu sắc rực rỡ, âm nhạc, lời ca, hương khói, chất kích thích (rượu, thuốc…) và những vũ điệu tự do đưa con người về trạng thái thiền động trong cộng đồng cùng cảnh ngộ, họ được chia sẻ, ủng hộ, tung hô, đóng vai trò như là “nhân tố phụ trợ có vai trò thúc đẩy và gây thuận lợi cho một trạng thái biến đổi ý thức xuất hiện”(2). Thậm chí với những chủ thể nhạy cảm, trong trạng thái lên đồng, hoạt động ý thức yếu đi và thu hẹp giao diện hoạt động nhường chỗ cho hoạt động vô thức chiếm ưu thế, tạo ra trạng thái ngây ngất. Chức năng trị liệu hay việc điều chỉnh hệ thống tâm sinh lý là nằm ở chỗ kết hợp được cả hai thái cực của đời sống tâm sinh lý: một bên là sự nghiêm túc, chặt chẽ, bên kia là sự nồng nhiệt, hồn nhiên đầy sức sống... Với tác dụng này, thực hành nghi lễ đã giúp cá nhân giải tỏa và phóng thích xúc cảm bị o bế do hiện thực cuộc sống cá nhân gây ra, nhiều trường hợp quá nhạy cảm còn có thể khai mở các huyệt đạo mà đạt được thăng hoa. Cơ chế này có tác dụng rất tốt trong việc điều chỉnh sự hoạt động của các nơron thần kinh và giúp phục hồi những tổn thương thực thể. Rất có thể cơ chế này đã chữa khỏi những bệnh nhân tâm thần thể nhẹ. Một số chứng bệnh khác, dân gian hay gọi là chứng bệnh điên dở, thường xuất hiện ở các thanh niên nam nữ ở độ tuổi phát dục cũng hay được các đồng thày chữa trị bằng nghi lễ lên đồng. Thực chất, đây là chứng nhiễu tâm, do chủ thể bị cuốn vào tình cảm với người khác giới, nhưng bị người đó bỏ rơi. Khi bị người tình bỏ rơi, người bệnh trở nên mất thăng bằng, chỉ sống với những kỷ niệm về người yêu cũ, luôn hình dung thấy người đó, truyện trò với người đó, thậm chí cả những cử chỉ âu yếm với người đó.

Những thông tin này cho thấy họ phát bệnh đều do những căn duyên về mặt tâm, sinh lý, những cú sốc về tình cảm khiến họ lâm vào trạng thái vừa đau khổ, nuối tiếc vừa phẫn uất, căm giận mà không biết hướng vào ai. Tâm lý này kéo dài khiến họ mất cân bằng, nên rất dễ dẫn đến những biểu hiện bất bình thường, tuyệt vọng, sợ hãi và hậu quả là khó lường. Trong phân tích về tình trạng tâm lý này của những bệnh nhân mắc chứng nhiễu tâm, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận: “Lo hãi là công thức chung nhất của sự tuyệt vọng mà chúng ta có thể trải qua. Nhưng lo hãi lại là một cái gì hơn thế nữa, đây là một tình huống mà nếu kéo dài thì sẽ đẻ ra những rối loạn của tâm lý và của sự cân bằng tinh thần, mà những rối loạn ấy dễ trở thành có sức tàn phá không thương xót”(3), “lâu dần người bệnh không còn kiểm soát được ý thức về cuộc sống và những mối quan hệ hiện tại mà lệ thuộc hoàn toàn vào biểu tượng mà người bệnh tôn thờ. Tình trạng này kéo dài với một cường độ không giảm sẽ làm tê liệt óc phán đoán của người bệnh làm cho họ không còn khả năng yêu thương, thấy mình như một đứa trẻ luôn bất an và sợ hãi”(4).

Trong tình huống ấy, ở Việt Nam, thông thường những người bệnh sẽ gặp phải một trong hai phương án ứng xử của gia đình. Họ bị cộng đồng và người thân cho là điên, tâm thần khiến xúc cảm của họ càng bị đẩy lên đến đỉnh điểm, biểu hiện bằng cách chửi bới, căm ghét ngay cả người thân của mình. Biểu hiện này càng được xung quanh khẳng định là điên và tất yếu họ được đem đi bệnh viện tâm thần. Một số khác do gia đình có niềm tin tôn giáo cao nên cho rằng người thân của mình bị ma làm và chọn phương án chạy chữa bằng các thủ thuật tâm linh, đưa họ đến các đồng thày và không ít người đã trở về trạng thái bình thường và được cứu thoát.

Thực tế cho thấy, đồng thày chỉ có thể chữa cho những người mới ở giai đoạn đầu của thời kỳ khủng hoảng tâm lý, họ vẫn có ý thức và thời gian tỉnh táo, cân bằng nhiều hơn thời gian loạn trí. Chúng tôi nhận thấy, hầu hết các đồng thầy đều ít nhiều có vốn tri thức y học dân gian, trước khi chữa bệnh cho các con bệnh, họ đều hỏi nguồn cơn rất kỹ bởi chỉ nắm chắc nguyên nhân gây bệnh, các thày mới có thể áp dụng biện pháp trị liệu thích hợp cho từng người. Quá trình tham vấn cách chữa bệnh của các đồng thày rất đa dạng, mỗi người có cách riêng, nhưng phương pháp dùng hình nhân thế mạng rất phổ biến (phương Tây gọi là dùng mẹo phù thủy). Hình nhân được đem vào nghi lễ và được coi như kẻ phản bội. Các thày đồng trong khi hành lễ đã gọi tên, kể lể, thậm chí chửi mắng, nguyền rủa hình nhân, sau đó là những động tác như đánh đập, thậm chí là giết chết hình nhân trước mặt người bệnh. Bằng cách đó, người bệnh tìm thấy đồng minh, trải được mọi ngóc ngách của lòng mình và thậm chí thỏa mãn được sự trả thù (cho dù là hành vi ước lệ). Việc sử dụng cách tra tấn hình nhân trước mắt người bệnh thực ra là một dạng kỹ thuật phù thủy nhằm gợi dậy những hình ảnh cũ và thông qua đó giúp con bệnh thoát khỏi tình trạng bất lực hiện thời. Nhờ phương pháp này mà người bệnh hoàn toàn chấm dứt được mối liên hệ với biểu tượng cũ, rũ bỏ được những ràng buộc vô lối với biểu tượng và tỉnh ngộ. Trong trường hợp nhiễu tâm ở thể nhẹ, các con bệnh sẽ khỏi chứng điên loạn.

Với phương pháp gợi mở những uẩn khúc, đi vào bên trong xúc cảm của người bệnh, nhiều đồng thày có kinh nghiệm đã làm được điều mà ít nhiều y học hiện đại từng bó tay. Ở những trường hợp khác, các tín đồ đến với đồng thày vì tâm lý mình có căn, lo sợ sẽ bị thần linh bắt về hầu hạ tứ phủ (đồng nghĩa với cái chết và sự lìa bỏ vĩnh viễn những lợi lộc trần thế). Trong tâm trạng bất an, họ gặp các đồng thày, được tư vấn phải qua một lễ tiễn căn để hóa giải cơ duyên với thần thánh bằng vật chất. Đồng thày, trong nghi lễ với vai trò trung gian giữa thần và người, chuyển ý muốn, lời cầu xin và lễ vật lên thần thánh. Tâm lý con người ngoài đời được phóng chiếu vào tâm lý các thần thánh. Họ tin vật chất sẽ hóa giải mọi ràng buộc (đây cũng là nét trội của tâm lý con người thời nay). Như vậy, đồng thày và những bí quyết nghề nghiệp đã thành công trong nghệ thuật giải tâm lý ám thị. Tuy nhiên, điều thấy rất rõ là họ không chỉ chấm dứt việc chữa bệnh ở đó, mà sau khi người bệnh đã bình phục, bao giờ các đồng thày cũng phán rằng người đó có căn đồng và cần phải được gia trình đồng thì mới khỏi hoàn toàn. Về mặt tâm lý, đương nhiên các thân nhân người bệnh sẽ tuân thủ theo chỉ dẫn của các đồng thày, việc gia đồng trình lính và tự thực hành nghi lễ lên đồng là điều không tránh khỏi. Quá trình chuyển hóa cảm xúc từ trạng thái âm tính sang dương tính khi chịu thụ lễ và tự thực hành nghi lễ đã góp phần tích cực vào hóa giải âu lo, tạo trường cảm xúc thanh thản cho các căn đồng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, lòng tin vào sự tồn tại của thần linh và khả năng tiếp xúc giữa người trần và thần linh qua người lên đồng cũng góp phần làm bình ổn tâm lý. Tất cả những yếu tố đó khiến các cá nhân cho dù đã từng là nạn nhân của sự mất mát, thiệt thòi, đau khổ đều có thể trút bỏ, hóa giải được những khúc mắc, trắc ẩn của lòng mình mà đón nhận một cuộc sống mới có ý nghĩa hơn trong cộng đồng xã hội.

Tóm lại, thực hành nghi lễ lên đồng không phải là một trị liệu hướng đến sự hoàn thiện tuyệt đối, song cũng là một phương cách giúp những con bệnh thay đổi nhận thức, cảm nghiệm năng lực sống mới mạnh mẽ và có ý nghĩa hơn trong cộng đồng ít nhiều chia sẻ những cảnh ngộ. Thông qua những biểu tượng tâm linh, các đồng thày có kinh nghiệm đã xác nhận lại vai trò xã hội của mình. Điều này làm nên giá trị hiện hữu của thực hành nghi lễ lên đồng.

_______________

1. Vũ Dũng, Tâm lý học tôn giáo, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001.

2. Trần Mạnh Cường, Nhận xét đặc điểm biến đổi ý thức của trạng thái lên đồng ở các lễ hội vùng Nam Định, Luận văn Ths chuyên ngành tâm thần học, Hà Nội, 1999.

3. Stafford David Clard, Freud đã thực sự nói gì, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 1998.

4. Freud.S, C.Jung, E.Fromm, R.Assagioli, Phân tâm học và văn hóa tâm linh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002.
Bài viết : Sưu tầm

Ảnh : Bản Đền Linh Long Vương