Giải nghĩa hệ thống tượng trong chùa miền Bắc

23/03/2012 0851

- Nhiều Phật tử khi bước chân vào trong chùa, nhìn thấy nhiều pho tượng được bài đặt ở nhiều nơi nhưng lại không phân biệt được pho tượng nào thờ vị nào.

Một ngôi chùa ở miền Bắc thường có bốn khu vực: Chính điện, Thiền đường, Nhà hành lang, Nhà tổ hoặc nhà trai.



Ban Tam Bảo tại chùa Đình Quán (Từ Liêm - Hà Nội) được phân lớp khác nhau.

Lớp cao nhất được gọi là Tam Thế Phật, bao gồm ba pho tượng ngồi ngang nhau ở nơi cao nhất trên bàn thờ, đại diện cho chủ Phật trong ba thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai.

Lớp thứ hai là tượng Văn Thù Sư Lợi - Phật Thích Ca - Phổ Hiền Bồ Tát.
Lớp thứ ba là tượng Quán Âm Nam Hải - Chuẩn Đề - Thế Chí Bồ Tát.
Lớp thứ tư là tượng Quán Thế Âm Thị Kính - Phật Di Lặc - Quan Âm Diệu Thiện



Tượng Phật Di Lặc, được diễn tả bằng một pho tượng có dáng thư thái, thanh thản, hết ưu phiền của bậc tu hành sắp đắc đạo thành Phật.
Hai bên ở Bái đường đặt tượng hai vị Hộ pháp, có ý nghĩa khuyến thiện và trừng ác để hộ trì Phật pháp. Tượng Hộ pháp thường được tạc rất to, theo kiểu võ sĩ cổ, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ, một vị tay cầm viên ngọc, một vị tay cầm binh khí, trong tư thế đứng hoặc ngồi trên lưng một con sân (một loại giống sư tử).



Hai bên ở Bái đường đặt tượng hai vị Hộ pháp

Một bên tượng thổ địa và một bên tượng Thánh tăng, lấy điển tích về cùng xuất hiện đồng thời chứng minh khi Đức Thích Ca vừa thành đạo. Trưởng giả Cấp – cô - độc, một nhân vật thời Thích Ca tại thế, đã mua một khu vườn cây xây tịnh xá, ngôi chùa rất to lớn đầu tiên trên thế giới, thỉnh Phật Thích Ca về thuyết pháp. Sau này ông được coi là người bảo vệ tài sản của nhà chùa. Vì vậy người ta gọi là Đức ông hay Đức chúa Già Lam Chầu Tể (thờ gian bên).



Trưởng giả Cấp Cô Độc hay còn gọi Đức Chúa Ông

Trong các ngôi chùa thờ Phật ở Việt Nam, nhà hành lang được xây rất linh hoạt: có thể là hai dãy nhà riêng để đi lại chạy song song ở hai bên nhà Chính diện, mà theo đó, đi vào nhà tăng (hậu đường). Tượng bày ở nhà hành lang là 18 vị La Hán (thập bát La Hán). Tượng tạc kích thước bằng người bình thường với các tư thế khác nhau. Vị ngồi trên tảng đá, vị ngồi trên gốc cây, lưng ngựa, lưng tê giác vẻ mặt suy nghĩ trầm mặc.



Hai bên hành lang là tượng thập bát La Hán, mỗi bên có 9 vị

Nếu thờ Tổ gọi là nhà Tổ, dùng trai tăng gọi là nhà Trai. Nhà Tăng thường được xây dựng sau chính điện nên còn gọi là hậu đường. Trên cao của gian giữa thờ hai tượng Thánh tăng A-nan-đa và sư tổ Bồ - đề - đạt - ma. Nhưng cách bài trí này còn phụ thuộc vào từng sơn môn của chốn tổ.



Ban thờ Tổ tại chùa Đình Quán bao gồm Tổ Bồ Đề Đạt Ma ở giữa và hai bên là tượng các Tổ của sơn môn

“Tuy nhiên cách bài trí các pho tượng là khác nhau còn phụ thuộc vào sơn môn của chốn tổ đó. Không phải chùa nào cũng có cách bài trí giống nhau” - Sư Cô Thích Tịnh Quán (chùa Đình Quán) cho biết.
(Bài viết có sử dụng tài liệu của Hòa thượng Kim Cương Tử)

Bùi Hiền