Ðịa linh nhân kiệt

Tác giả : Sầu Riêng



1. 1

Ðã từ lâu chúng ta vẫn thường nghe mọi người nhắc nhở nhóm từ “Ðịa linh nhân kiệt”. Nhóm từ này thật ra không có gì khó hiểu , nó thường được dùng để nói về một nơi chốn nào đó,chốn đã sản sinh ra nhiều người tài giỏi.

Khoan, khoan, bạn đừng vội rầy tôi “Tưởng gì, điều đó ai mà không biết, có vậy mà cũng nói”. Tôi chưa nói hết mà bạn. Ðã đành ai cũng biết như vậy, nhưng có ai thử ngồi suy nghĩ tại sao, địa - đất đai, chỗ này linh mà chỗ kia không linh, cái gì đã khiến cho địa linh, và địa linh thì có liên quan gì đến nhân kiệt.

Nếu như có người hỏi rằng: Này bạn, nghe nói ngôi chùa cổ cả ngàn năm kia linh ứng lắm hay là nghe nói miễu bà chúa Y, X… thiêng lắm,ai muốn mua may bán đắt đến mượn tiền ấy về đầu tư sẽ được như ý, hoặc giả chùa Ông của người Hoa vốn thờ ông Quan Công, mà ông Quan Công này chết đến nay gần hai ngàn năm rồi nhưng người Hoa họ vẫn cứ tin là ông ta hiển linh nên mỗi khi cần thương lượng về hợp đồng thương mại người Hoa thường kéo đến chùa Ông thương lượng và ký kết, theo sự hiểu biết của bạn, bạn có tin điều này không?

Tại sao có và tại sao không?

Theo bạn, bạn nghĩ thế nào?


Riêng đối với tôi, tôi sẽ trả lời rằng: “Tôi tin chốn ấy quả là có linh thiêng, vì sự thật hiển nhiên, không linh thiêng thì ai mà đem tiền bạc của cải đến để dâng cúng, không phải chỉ có một hay hai người, mà hàng trăm, hàng ngàn người, từ năm này qua năm khác,kéo dài cả trăm năm rồi cả ngàn năm, nhưng mà tôi không tin có một linh hồn của ông Quan Công hay linh hồn của bà Chúa Xứ hoặc là một Phật ông, Phật bà nào còn tồn tại mà ở mãi trong ngôi chùa, ngôi miếu đó để phù trợ cho nhân gian cả. Nói như vậy không có nghĩa là tôi phỉ báng thánh thần mà trái lại tôi vẫn tin cõi đời này có rất nhiều loại chúng sinh như lời Phật dạy”. Hơn nữa, bạn vẫn biết rõ rằng đức Phật không hề giáng họa hay ban phước cho ai cả,hoạ hay phước là do con người tự gieo và gặt lấy.

Bạn sẽ hỏi tôi: “Ồ, nếu bạn nói vậy thì làm sao linh,cái gì khiến cho cuộc đất , ngôi miếu, ngôi chùa đó trở nên linh ứng?”

Hì hì, tôi sẽ kéo tay bạn lại, ấn bạn ngồi xuống ghế đây, rồi ta từ từ phân tích,bạn sẽ hiểu ngay, đơn giản lắm thôi. Ờ mà muốn giải thích cái này, tôi xin phép bạn cho tôi nói lan man qua lãnh vực phong thủy chút xíu. Tôi thật cũng không phải là người am tường về môn phong thủy đâu, chẳng qua mới bắt đầu nghiên cứu chút đỉnh mà chơi thôi,và đây cũng chỉ là những vấn đề căn bản ai cũng biết, không cần phải là người chuyên môn mới hiểu .Và tôi cũng chỉ là căn cứ vào sách vở mà tôi được đọc thêm thắt chút suy luận của riêng tôi thôi, bởi vậy cũng chưa chắc là tôi đã đúng, đem nói với bạn thì cũng không ngoài mục đích …mời bạn …suy luận tiếp tôi. Ơ, mà nói cái này lại có dính dấp tới …khoa học nữa rồi. Ậy, bạn đừng có sốt ruột,nói chuyện này giống như vừa nhâm nhi vừa nói chuyện trên trời dưới đất, trúng …đâu thì… trúng vậy mà.

Sở dĩ tôi phải nói lòng vòng một chút là tại vì vắn tắt quá thì bạn sẽ khó hiểu ý tôi bởi nếu đi xa hơn, rộng hơn một chút thì nó lại còn có …bà con với cả ba nhà Phật, Khổng và Lão nữa đó bạn à .

Này nhé,hiện tượng trước mắt rõ ràng nhất là bạn đang xử dụng máy vi tính và bạn đã bấm chuột vào đúng võng trạm này, võng đàn này, võng mục này thì máy bạn mới hiển thị được những dòng chữ này phải không ? Như vậy có nghĩa là bạn đã tìm đúng tần số thích hợp trên cái mạng lưới sóng mênh mông rồi chứ gì. Nghĩa là khoa học đã áp dụng những nguyên lý của sóng mà phát chế ra đủ thứ phương tiện cho đời sống. Tóm lại không tin có sóng là không nói chuyện được đâu đó bạn. Xong rồi đấy nhé, bây giờ ta quay sang phong thủy.

A ! Cái món phong thủy này mới dài dòng đây, nhưng mà bạn đừng lo,tôi sẽ cố gắng tóm tắt rất gọn để cho bạn dễ dàng thấy được vấn đề chính yếu mà tôi muốn trình bày.

Khi nói đến phong thủy thì phải nhìn nhận cái “hạt nhân của phong thủy là khí thời xưa,trường thời nay”. Vậy khí là gì đây. Khí, thật ra nó chỉ là một loại vật chất tất cả những người bình thường không sao nhìn thấy được.Người xưa chia vật chất thành hai bộ phận, một bộ phận là “hình” có thể nhìn thấy được,sờ mó được; một bộ phận khác là “khí” không nhìn thấy,không sờ mó được nhưng vẫn tồn tại một cách khách quan. Nói một cách bao quát, đại khái hơn một chút là “hình” và “khí” là hai hình thức biểu hiện của cùng một loại vật chất, “hình” và “khí” có thể chuyển hóa lẫn nhau, tụ thì thành “hình”,tán thì hoá “khí”.Nên nhớ khí đây không phải là không khí mà ta thở ra hít vào mỗi ngày đâu nhé.Trung y gọi “khí” là vật chất tinh vi, Ðạo gia gọi “khí” là vật chất cực nhỏ nên có thể chuyển động được.(Một Ðạo gia sớm có vũ trụ quan – Trang Tử - cho rằng “Bản nguyên của muôn vật trong trời đất là KHÍ là ÐẠO.)

Cái quan niệm “ tụ thì thành hình,tán thì hoá khí” của người xưa gần đây được nhìn nhận phù hợp với kết quả của các công trình nghiên cứu vật lý đã tìm thấy rằng vật chất tồn tại dưới hai hình thái: một là dưới dạng thực thể do hạt cơ bản tạo thành,hai là dưới dạng trường mà cảm quan của con người không sao phát hiện được. Cần chú ý rằng, đây là hai mặt của cùng một sự vật, hình thể và trường luôn gắn chặt với nhau, trong những điều kiện nhất định có thể chuyển hóa lẫn nhau. Do trường động sẽ thành sóng( chẳng hạn trường điện từ dao động sẽ thành sóng điện từ) vì thế trường và sóng thật ra là một.

Và mọi vật chất hiện hữu trên thế gian này đều có trường khí bao bọc, hay đúng hơn là một dạng sóng nào đó bao bọc. Ở con người nó được gọi là trường nhân thể.

Các công trình nghiên cứu khoa học đã cho hay ở ngoài cơ thể chúng ta quả có bộ áo trong suốt giống như sương mù, mắt không nhìn thấy, tay không sờ thấy,gồm có ba lớp tưa như áo lót, áo mặt trong , áo khoác ngoài vậy. Ðương nhiên bộ áo này chỉ có những người có công năng đặc dị hoặc đã khai mở “thiên mục” là có thể nhìn thấy, còn “người trần mắt thịt” phải dựa vào các thiết bị vật lý mới có thể nhìn thấy được.Ðó chính là trường khí của con người, là trường nhân thể.

Trường nhân thể có nhiều điểm đặc biệt hơn trường khí của các loại vật chất khác mà đặc điểm rõ rệt nhất là tính có thể điều khiển được nó,nghĩa là có thể dùng ý thức điều khiển khí, một đặc điểm khác là tính hữu cơ của nó, nghĩa là nó được sản sinh ra từ tế bào,acid amin, protein, nhân tế bào đặc biệt là từ mã di truyền AND, acid dezoxibonucleic.
Trường nhân thể hay gọi tóm tắt là trường khí này có chứa một năng lượng mà các nhà nghiên cứu gọi là trường năng lượng nhân thể hay trường năng lượng sinh học có thể đo được bằng máy móc.
Các nhà khoa học đã dùng ống nhân quang(photomultiplier)và kỹ thuật xử lý ảnh vô tuyến đã ghi lại được trường năng lượng sinh học bao quanh cơ thể con người.
Ðiều đáng nói là các quan sát thực nghiệm đã cho thấy sự biến đổi cường độ của trường này có liên quan đến tâm lý và tình hình sức khỏe của cơ thể. Trạng thái tâm lý đề cập đến ở đây chính là khâu “Ðiều tâm” trong khí công. Các kết quả cho thấy trạng thái tâm lý của những người có trường năng lượng tương đối mạnh phù hợp với yếu lĩnh điều tâm của khí công . Nhất là có những người trường năng lượng tồn tại kéo dài sau 15 – 20 phút mới mất.
(Việc phát hiện ra hiệu ứng lưu giữ trường năng lượng sinh học này giúp ta hiểu được cái bí mật che phủ cách chữa bệnh bằng bùa ngải trong y học cổ truyền Trung Quốc,cách yểm bùa trừ tà của Ðạo Gia, những công phu thượng thừa và những công năng đặc dị trong khí công.Sẽ nói thêm về bùa chú và khí công ở đoạn dưới)

Ngày nay con người dần dần nhận ra rằng, cái gọi là linh khí, hào quang chính là trường năng lượng của con người được ý nghĩ chỉ huy .Trường năng lượng sinh học(một tên gọi nôm na khác là Nhân Ðiện) này có thể thẩm thấu vào khoảng không và vào mọi vật thể, nó vừa có tính điện từ lại vừa không có tính điện từ .Thực nghiệm đã chứng minh con người có thể hấp thụ năng lượng ở trường vũ trụ lại vừa có thể bức xạ năng lượng vào trường vũ trụ. Thế nhưng trường năng lượng sinh học của con người mạnh hay yếu tùy thuộc vào thể chất và chức năng sinh lý của từng ngưòi, đặc biệt liên quan mật thiết với trạng thái tinh thần của mỗi cá nhân. Tóm lại, việc nghiên cứu và đo đạc trường sinh học chứng minh rằng trong cơ thể con người có tồn tại một trường năng lượng chịu sự chỉ huy của ý nghĩ của mình, có tồn tại mối quan hệ giữa cơ thể, trạng thái tinh thần và các tín hiệu của trường năng lượng vũ trụ.Trường nhân thể là sự thể hiện những đặc trưng của một loại năng lượng vạn năng; loại năng lượng này gắn chặt với sự sống của con người; nó được mô tả như một vật phát sáng,vật phát sáng này bao bọc và xuyên qua cơ thể con người, đồng thời phát ra những bức xạ vốn có riêng của nó, loại năng lượng này có thể làm cho con người tương tác với nhau trong một khoảng cách nhất định.

Ảnh hưởng của ý niệm đối với khí rất to lớn và là nguyên nhân quyết định sự việc. Ý niệm được chia thành hai loại: Thiện và ác, ác niệm có thể dẫn đến độc hại. Người ta đã làm một thực nghiệm về tâm lý và phát hiện rằng: Khi con người có mầm mống ác niệm thì về sinh lý có thể gây ra sự thay đổi hóa học và làm cho một loại dịch thể nào đó chuyển hóa thành độc tố xâm nhập vào các bộ phận của cơ thể con người, từ đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ðiều đó đã được chứng minh qua thí nghiệm như sau: Ðặt một ống thủy tinh cho đối tượng thí nghiệm hít thở vào thiết bị làm lạnh, hơi thở đó gặp lạnh thì ngưng kết ở thành ống. Nếu tâm lý người làm thí nghiệm bình thường thì nước ngưng kết ở thành ống thủy tinh sẽ trong sáng, không có màu sắc. Nếu tâm lý người làm thí nghiệm có sự tức giận, sợ hãi, đố kỵ, oán hận…Thì hơi nước ngưng kết có những mầu sắc khác nhau. Qua phân tích về hóa chất cho thấy trong đó có cả những chất độc hại có thể dẫn đến chết người.Tụ khí khi đố kỵ có thể gây độc làm chết một con chuột. Trái lại, ý niệm lương thiện có thể nâng cao được sức miễn dịch của cơ thể. Ðiều này có thể chứng minh thuyết “ Tướng tùng tâm sinh, tướng tùng tâm diệt” về mặt thể lý

Người ta lại dùng một thiết bị có lắp các tế bào quang điện khuếch đại để quan sát trường năng lượng của cơ thể người trong phòng tối. Trong lúc tham gia thực nghiệm, những người lo sợ hồi hộp, các tín hiệu thu được cho thấy trường năng lượng tăng cường rất ít, thậm chí có khi còn thu được giá trị âm, trở thành người “năng lượng thấp” hoặc “hấp thu năng lượng” và lẽ tất nhiên năng lượng mà họ hấp thu sẽ cùng một loại với năng lượng của cơ thể họ đang có,nghĩa là ảnh hưởng xấu cho trường khí cơ thể, còn một số ít người tham gia thực nghiệm với thái độ tích cực phối hợp, tư tưởng nhập tĩnh cao độ thì trường năng lượng tăng cường rõ rệt,và trường năng lượng mạnh mẽ này có tính cách bức xạ và khống chế, khuất phục được những trường năng lượng yếu kém chung quanh, chính vì vậy mà khi đến viếng thăm chùa chiền, Phật tích hoặc gần gủi với những bậc tu hành chân chính đạo cao đức trọng, ta cảm thấy tâm tư nhẹ nhàng, thoải mái, bình an là vì trường năng lượng tốt đẹp to lớn mạnh mẽ của các nơi chốn ấy, của các ngài đã tác động lên chúng ta .Và cũng chính vì vậy nếu như các bậc tu sĩ ấy vì một lý do nào đó phải hoàn tục và ra làm thương mại thì rất dễ dàng và mau chóng thành công.
A ! Như vậy coi như tạm xong phần phong thủy nhưng cũng có liên hệ đến khoa học rồi đấy bạn ạ. Nhưng bạn vẫn còn thắc mắc rằng cái này có dính dấp gì tới chuyện linh không linh phải không ạ ?

Rõ ràng là có chứ sao không . Này nhé, đã bảo là ý nghĩ của con người sẽ tác động lên trường năng lượng nhân thể khiến cho nó có thể mạnh hay yếu hơn có phải không.Một con người trong lúc thành tâm thành chí có phải là một hình thức “điều tâm” không? Phải quá đi chứ. Mà con người khi đã đi đến chùa miếu để cầu xin van vái điều gì đó tất nhiên là phải có lòng tin mới đi chứ.Khởi đầu những nơi chốn linh thiêng đó thật sự cũng có một vài hiện tượng linh ứng xảy ra bởi trường năng luợng còn tồn tại đâu đó của những vị tu hành đạo cao đức trọng đã rời bỏ thế gian khiến cho con người sinh lòng tin tưởng. Chính cái lòng tin của một người,hai người,ba người khi đến đó để cúng bái,cầu xin đã tạo ra một trường năng lượng mới vừa thẩm thấu vào không gian quanh đó lại vừa tác động trở lại vào trường năng lượng của cơ thể con người,khiến con người cảm thấy có điều ứng nghiệm xảy ra, trường năng lượng mới này dần dần được khuếch tán mạnh mẽ hơn bởi vì ai đến đó cũng mang niềm tin đến và khi ra về cũng mang theo về ít nhiều năng lượng đã thu nhập từ nơi đó, trải qua ngày tháng chất chồng trường khí của những nơi thờ phượng đó trở thành linh thiêng ,thậm chí có những vật vô tri cũng được thẩm thấu trường năng lượng bởi sự va chạm lâu dài thí dụ như quyển kinh, cái chuông cái mõ chẳng hạn, đó cũng là một hình thức nén khí mà đôi khi người ta dùng những vật đó để trừ tà rất là hiệu nghiệm.

Do đó ta có thể kết luận rằng những cuộc đất được con người khai thác ,sống chết với nó càng lâu càng dài sẽ có những điều kiện phong thủy sản sinh ra con người tài giỏi nhiều hơn những cuộc đất mới khai thác.Và con người được sinh ra, lớn lên trong môi trường đất đai có trường khí linh thiêng, ngay từ khi còn trong bụng mẹ đã hấp thu được cái trường năng lượng tốt rồi thì không vượt bực hơn những người ở nơi khác sao được.Và còn điều đáng nói nữa là trường khí hay nôm na là sóng có tính chất thu hút những dạng sóng khác cùng tần số với nó(Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu).Dựa theo những khám phá trên,một con người sau khi rời bỏ thế gian thì mới đầu cái trường khí vẫn còn đó,trường khí này không có vật chất để trụ vào thì theo khuynh hướng tự nhiên nó dễ dàng bị thu hút,kết nạp vào những vật chất có cùng dạng sóng bao bọc. Trường khí thanh, nhẹ do bởi con người lúc còn sống có nhiều thiện niệm thì được thu hút đến những vùng,nơi, vật chất có trường khí thanh, nhẹ giống như nó. Trường khí ô trọc, nặng nề do bởi con người lúc còn sống có nhiều ác niệm thì cũng sẽ bị thu hút vào những vùng, nơi,vật chất có trường khí nặng nề như nó.Nguyên lý này có thể giải thích thuyết nhân quả bởi vì đã đành con người nhận chịu cái quả xấu là do gieo nhân xấu,bản thân người đó sẽ nhận lãnh quả báo về sau (có thể là kiếp khác), nhưng vì hành động không thiện làm cho trường khí bị ảnh hưởng và nó thu hút những trường khí cùng loại đến phát tác vào những vật chất chung quanh bắt đầu thành tựu nơi đó chẳng hạn như con,cháu, thế hệ sau của người đó, và khi thế hệ sau đó nhận chịu những hệ quả xấu mà chính bản thân thế hệ sau đã gieo nhân trong quá khứ thì người làm cha mẹ, ông bà của thế hệ sau có thể dửng dưng được hay không ? Người của thế hệ trước nhận cái quả gián tiếp và người thế hệ sau nhận cái quả trực tiếp .

Ðiều kiện phong thủy đã đành là cũng lệ thuộc dáng núi hình sông mà un đúc nên những loại trường khí tốt cho lãnh vực này hay lãnh vực khác nhưng nếu không có cái nhân tốt để cho trường khí tốt có cơ hội thẩm thấu vào và phát triển mạnh mẽ hơn thì làm gì địa mà linh cho được. Ta phải nhìn nhận một điều rằng đất đai miền Bắc và miền Trung ,nhất là miền Bắc , là đất cũ lâu đời, con người sinh sống ở đó, trường khí trải ra đó quanh đi quẩn lại đã hơn cả ngàn năm, biết bao anh hùng hào kiệt đã được sinh từ đó và cũng đã được vùi lấp trở lại mãnh đất đó thì không trách gì người Bắc,người Trung dễ dàng thăng tiến trên mọi lãnh vực. Tuy là vậy nhưng cũng không có nghĩa là những miền khác không sản sinh được nhân kiệt, điều này còn phải xét điều kiện trường khí của từng gia đình, giòng tộc nữa. Cho nên cũng không lấy làm lạ khi một gia đình nếu kém phần âm đức mà có được một ngôi đất tốt thì cũng trở thành vô dụng ,đôi khi còn bị phản tác dụng nữa là khác.


2. 2

Khí công và bùa chú.

Khí công cũng là một phương pháp vận dụng và phát huy năng lượng trường sinh học.Thật ra đây cũng là áp dụng kết quả của việc hành thiền mà thôi.Hãy đọc một đoạn “ Ngoại đạo thiền” được trích ra từ bài “ Mười tông phái Phật giáo ở Trung Hoa” của HT Thích Thiện Hoa trên trang nhà Ðạo Phật Ngày Nay dưới đây.

Xét về bản chất, nhìn chung bùa là vật dẫn khí trung gian, chú là tín hiệu. Còn bộ mặt thật của bùa chú là toàn bộ kỹ năng khéo léo của việc luyện khí, nhất là phóng ngoại khí. Việc tìm tòi ngoại khí được thực hiện bằng hai con đường, một là thí nghiệm bằng vật lý, hai là thí nghiệm bằng sinh vật. Thực nghiệm ngoại khí bằng sinh vật đã chứng minh được rằng ngoại khí có thể diệt trùng “hay” cũng có thể làm cho vi khuẩn phát triển (cái “hay” là do ý niệm thiện hay ác).

Người ta còn chứng minh rằng khi phát khí vào nước thì nước trở thành nước khí công hoặc còn gọi là nước mang tín hiệu,có trường năng lượng, thêm một điều nữa là “Nước khí hóa”,có trường năng tín hiệu có thể tồn tại lâu dài, có thể thấm thấu vào nước chung quanh chưa mang khí làm cho nó nhiễm khí và có tính chất như nhau.Vấn đề quan trọng là người phát khí vào nước đã dùng ý niệm nào để phát.

Thực ra nước khí hóa ngày xưa đã có,người dân tộc Khương(dân tộc thiểu số của Trung Quốc) đã giữ được một số phương pháp chữa bệnh thời nguyên thủy trong đó có phương pháp chữa bệnh bằng nước khí hóa. Ðối với những trường hợp như ngoại thương, gẫy xương thì nhà khí công phun nước khí hóa vào sẽ khỏi đau và ngừng chảy máu. Nước khí hóa còn giải thích một số hiện tượng thiên nhiên. Ví dụ “người báo” là một loại bệnh ở vùng rừng rậm Phi Châu.Da dẻ toàn thân của người bệnh có màu vàng,nổi lên những khoang vằn của con báo. Rô-Y, một người hướng dẫn viên du lịch của Zaia. Một lần anh ta đi sâu vào trong rừng rậm khát khô cả cổ, anh đã uống một ngụm nước ở trong một cái hang, về sau mới biết là có những con báo đã tắm trong cái hang có nước đó. Vì thế anh ta biến thành người báo, suốt ngày gầm rú, đòi ăn thịt sống và được gửi vào khu bảo vệ động vật.Vậy thì thứ nước mà báo thường tắm là thế nào. Như mọi người đều biết, vạn vật đều có ngoại khí, chỉ có điều là mạnh yếu khác nhau mà thôi. Như vậy con báo cũng không ngoại lệ ,thứ nước mà những con báo đã tắm tất nhiên bị khí của báo khí hóa, Rô-Y uống phải thứ nước đó nên mắc bệnh.

Nếu nói bùa là vật dẫn trung gian của khí thì cần phải chứng minh khí có tính chất tồn trữ hay hiện tượng ghi nhớ. Việc xử dụng bùa , ngoài việc xử dụng ngay tại chỗ như vẽ lên chỗ đau còn có loại đốt thành tro rồi uống hoặc đeo vào người.Các loại bùa đặt trong nhà, dấu dưới gầm giường đều xử dụng phương pháp tồn trữ khí. Còn như sự tồn tại của khí trong bùa đã đốt thành tro thì hơi khó hiểu nhưng người ta cũng đã chứng minh được song song với quy luật phổ biến của vật lý học và sinh vật học: “Ðồng tính thì đẩy nhau, dị tính thì hút nhau.”Người ta làm thí nghiệm bằng một đôi rắn cái và đực. Họ đem đốt hai con rắn đó thành tro, rồi đặt vào giữa hai ngọn nến, khi thắp nến lên thì xảy ra một hiện tượng kỳ lạ. Ngọn lửa của hai cây nến tuy có khoảng cách nhất định nhưng đã dần dần sát vào nhau và thẳng đến nỗi liền với nhau thành một ngọn. Nhưng nếu dùng tro rắn cùng loại ( như đực với đực, cái với cái) thì hiện tượng này không xảy ra. Giá trị của thực nghiệm ấy không chỉ nói lên tro vẫn còn mang tính tồn trữ khí và tín hiệu mà còn nói lên thuộc tính âm dương cũng có thể tồn trữ.Việc vẽ bùa lên giấy cũng áp dụng phương pháp nén và tồn trữ khí vì khi vẽ một đạo bùa, người vẽ phải tập trung tinh thần, vận khí truyền vào chữ viết. Thí nghiệm phát hiện vết mực được viết trong trạng thái khí công thì cũng có thể giống như nhà khí công, luôn luôn phóng ra ngoại khí, hơn nữa nó còn sinh ra các loại hiệu ứng với vật chất. Ðiều có ý nghĩa hơn là bản phục chế của vết mực cũng vẫn tồn tại tín hiệu khí. Lẽ tất nhiên là người vẽ bùa phải là người có công năng luyện tập lâu dài thì sự nén khí mới có hiệu quả, còn đối với một nguời bình thường có vẽ đúng hình dạng của loại bùa thì cũng không có kết quả gì.

Song song với phương pháp điều tâm để nén khí áp dụng trong việc xử dụng bùa người ta còn cần phải có lời chú tương ứng phối hợp thì lực của khí mới mạnh mẽ. Muốn điều chỉnh tâm lý nhập tĩnh, có nhiều công pháp đã áp dụng không ít ngôn ngữ. Tất cả những ngôn ngữ ấy gọi là chú. Bùa và chú gắng chặt với nhau không thể chia cắt được.Những kinh nghiệm của người xưa chứng tỏ lời chú ban đầu có thể phát ra thành tiếng, về sau yêu cầu chỉ nói lầm rầm tự nghe là đủ,lúc này đã gần giống như ý niệm,thầm niệm mà ngày nay chúng ta thường nói tới.

Khi luyện khí công đối với người mới học thì người ta thường thông qua lời nói để dẫn dụ tập tĩnh, đó chẳng qua là một loại bùa bằng lời. Ngôn ngữ là ý nghĩ thành lời, còn ý nghĩ là ngôn ngữ không lời. Mỗi một từ dù có nói ra hay không thì nguồn gốc của nó vẫn là sự tư duy trong đại não. Còn biểu hiện của bùa bằng lời thực chất là bùa bằng ý. Vậy thì tín hiệu của ngôn ngữ có sức mạnh hay không ? Một học giả của Trung Quốc qua nghiên cứu đã phát hiện: Lực và tín hiệu có cùng một bản chất. Lực căng của cơ bắp, lực tiếp xúc, lực chấn động,lực bức xa.v.v…Gần đây trong việc nghiên cứu về các mối quan hệ giữa lời nói với sóng điện não và từ trường của não ở một đại học Hoa Kỳ, người ta phát hiện được khi một người nghĩ thầm một từ nào đó thì có thể đo được bản đồ từ trường não đối ứng bằng từ kế siêu dẫn trên một người thí nghiệm khác mà hai người không hề tiếp xúc với nhau.Như vậy là khi con người suy nghĩ về một từ thì lập tức có một trường năng lượng tương ứng xuất hiện – đó là từ trường. Thế thì có loại từ ngữ và trạng thái tâm lý nào tương ứng có lợi cho việc tăng cường từ trường của não?

Trong quá trình đo thí nghiệm, người ta cũng phát hiện hai loại tình hình khác nhau . Một loại là do tâm thần lo lắng bất an đã làm cho trường năng lượng của cơ thể yếu đi. Ngược lại, một loại người được làm thí nghiệm có thể thả lỏng toàn thân , nhập tĩnh hoặc tính tình vui vẻ hoạt bát thì trị số trường năng lượng tăng lên một cách rõ rệt. Ðiều này thật dễ hiểu, vì lời nói có tính kích thích tốt thì có thể làm cho người ta thả lỏng cơ thể và nhập tĩnh. Loại ngôn ngữ có tính kích thích tốt này tương đương với ngôn ngữ dẫn dụ của khí công, ngược lại những ngôn ngữ có tính chất kích thích xấu thì có thể làm cho tâm thần con người bất an và làm cho trường năng lượng cơ thể suy giảm. Loại ngôn ngữ có tính chất xấu này tương đương với lời nguyền rủa khi muốn trừng trị ai đó. Lẽ tất nhiên là người xử dụng ngôn ngữ xấu để nguyền rủa sẽ nhận lãnh hậu quả xấu bởi vì ác niệm của họ. Các phương pháp khí công sở dĩ đều dùng những ngôn ngữ dẫn dụ tốt hoặc suy nghĩ thầm đều là có mục đích muốn nâng cao trường năng lượng của cơ thể người hoặc làm cho nội khí dồi dào lên. Còn để có một trường năng lượng cực lớn, có thể ảnh hưởng đến người khác, tức là có thể niệm chú sai khiến người, thì phải được mật truyền và được huấn luyện đặc biệt, có công năng đặc dị mới làm được.

Mọi người sẽ thắc mắc là tại sao có rất nhiều phù chú mang đậm màu sắc tôn giáo từ thời cổ đại mà không ai hiểu nổi, điều này sẽ giải thích ra sao? Ðúng vậy ,những lời phù chú ấy có cái thì dịch ý, nhưng tuyệt đại đa số là dịch theo âm,trong đó điển hình là Ðại Bi Chú.

Loại lời chú được nhập từ bên ngoài vào, ngoài tác dụng về mặt tín ngưỡng giúp cho người ta thả lỏng cơ thể,nhập tĩnh ra, điều chủ yếu hơn đó là tác dụng của phép khí công bằng lời, chúng ta cũng có thể gọi đó là phương pháp tăng cường năng lượng bằng sự rung động.Cơ thể con người được cấu tạo bằng rất nhiều hệ thống rung động,như sự rung động của thanh quản, của cơ tim,sự co bóp có tính chu kỳ của dạ dày, nhu động của ruột v.v…Nếu không có những rung động ấy thì cuộc sống cũng chấm dứt.

Ðiều bí mật của các lời chú đó là các âm “Ông” “A” “Mâu” “Hông”v.v…Những âm đó đã làm rung động một số bộ phận của cơ thể. Sự rung động này giúp cho trường khí đả thông được những các kinh lạc trong cơ thể khiến trường khí có thể luân lưu mạnh mẽ hơn .

Dựa trên những tính lý của sóng hay trường khí đó, ta có thể giải thích một số hiện tượng vẫn xảy ra trong đời sống hàng ngày mà ta chưa được hiểu cặn kẽ tại sao. Thí dụ trường hợp người ăn thịt chó, hễ đi đến đâu gặp chó là không cách nào tránh khỏi bị chó sủa dù lạ hay quen. Nó cứ sủa mãi cho tới khi người đó đi khỏi. Không phải là do đánh hơi như trước tới giờ người ta vẫn tưởng, mà vì con chó phát hiện được trường khí của đồng loại với nó nơi người. Con chó cũng như con báo đã nói trên kia đều có trường khí, mà trường khí của chó có thể thuộc dạng mạnh mẽ, nên người ăn thịt chó nuốt miếng thịt vào bụng và miếng thịt đã bị tiêu hủy rồi nhưng cái trường khí chó vẫn còn tích tụ quanh đó trong một thời gian nào đó. Ðặc biệt có những người xử dụng bùa ngải mà vô tình ăn phải thịt chó thì sẽ bị khốn đốn ngay lập tức, đó chẳng qua là một trường hợp …nhiễu sóng vì hai loại trường khí mạnh xung đột với nhau tức nhiên cơ thể con người bị ảnh hưởng mà gây ra tình trạng xáo trộn thể lý.Thậm chí trong giới thương buôn người ta còn tin ăn thịt chó là có thể…xua đuổi được điều xui xẻo. Nhưng xua đuổi theo phương pháp này là chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại về lâu về dài sau lưng. Cũng giống như nam giới người Hoa tin tưởng rằng chung đụng với trinh nữ sẽ gặp nhiều may mắn vậy,thật ra đây cũng chỉ là một phương pháp nạp khí cực dương để bổ sung cho trường khí của các ông,nhưng cách bổ sung dương khí này cũng thiếu thiện tính nên dù có hiệu quả, có lợi trước mắt nhưng cũng khó mà được vững bền dài lâu.Cách bổ sung trường khí tốt đẹp lâu bền chắc chắn đem lại lợi lạc cho bản thân mình, cho gia đình, cho xã hội là luôn nghĩ lành làm lành, tâm từ rộng mở, rải với tất cả mọi người mọi vật thì cái lợi lạc ta hưởng được về sau sẽ không bao giờ bị mất mát đi đâu. Những người luyện tập, xử dụng bùa ngải nếu vì tà tâm mà luyện thì dù có thành công trong một giai đoạn nào rốt cuộc rồi cũng bị hại trở lại không sớm thì muộn mà thôi.

Lại có trường hợp những nơi nào có người sắp qua đời thì chung quanh đó lập tức có …kên kên quà quạ xuất hiện ngay. Con người trong trạng thái sắp tắt thở sẽ phát ra loại sóng có tần số mà chỉ có giống kên kên hay quà quạ là phát hiện được mà thôi, không phải do đánh hơi gì cả. Còn có người có thân nhân ở xa qua đời bất thình lình được báo mộng trước khi được tin chính thức là vì con người sau khi tắt thở, sóng não còn tiếp tục phát cho đến 72 giờ sau mới chấm dứt, con người lúc sắp tắt thở đó ý tưởng tập trung về một người nào thì sóng não sẽ cảm ứng theo đó mà tìm đến trường khí của đối tượng kia. Hiện tượng này xảy ra đa số ở trường hợp những người còn trẻ, thể lực sung mãn, trường khí đang mạnh mẽ mà qua đời bất thình lình.

Nói tóm lại những hiện tượng mà từ trước đến nay người ta cho là huyền bí, khó hiểu dần dần đã được ánh sáng của khoa học soi rọi vào khiến cho mọi việc gần như được phơi bày rõ rệt.Có thể nói là nó nằm gọn ở trong một chữ “ Sóng” và những tính lý của nó .Tuy rằng những sự khám phá này chưa đi đến đâu, chưa giải thích được hết những hiện tượng siêu nhiên khác, nhưng mà qua đó ta có thể suy gẩm thêm để thấy rằng những điều này thật ra không có gì mới mẻ lắm đối với Ðạo gia, Phật gia.Có điều Ðạo gia, Phật gia chỉ cho chúng ta thấy hiện tượng mà không giải thích nguyên lý …căn cứ trên cơ sở khoa học như ngày nay cho nên người thế gian tầm thường như chúng ta đây,tin thì tin vậy nhưng vẫn còn mơ mơ hồ hồ không nắm được là tại sao , rồi đôi khi có những biến cố xảy ra trong đời làm thay đổi vận mạng con người, khiến con người đâm ra nghi ngờ,đi tới chỗ mất niềm tin, cho là lời của Phật gia, Ðạo gia không đáng tin cậy.Thật ra cũng không có Phật gia, Ðạo gia nào ban phước khi chúng ta làm lành, giáng họa khi chúng ta làm ác, mà mọi việc đều là do chúng ta tự tác động vào trường nhân thể của cơ thể khi chúng ta mới bắt đầu khởi lên một niệm thiện hay ác để rồi từ đó bức xạ hay hấp thu mà xảy ra những hiện tượng tiếp theo.

Nào, đây là những suy luận của tôi dựa vào những khám phá về sóng, trường khí, trường nhân thể v.v… của khoa học. Tin hay không tùy ở bạn, tôi không dành phần phải về tôi đâu, còn bạn thì thế nào, mời bạn …suy luận tiếp.

Tài liệu tham khảo:

- Ứng dụng thuật phong thủy dưới ánh sáng khoa học hiện đại. Nguyên tác Trương Huệ Dân. Bản dịch Trần Thanh,Nguyễn Thế Trường,Nguyễn Trọng Phụng. Ðại Nam xuất bản 1999. Hoa Kỳ.

- Nhân Ðiện,những phát hiện và ứng dụng. Nguyễn Ðình Phư.Nhà xuất bản văn hóa thông tin 1994. Việt Nam.


Bài "Ngoại đạo thiền" này trích một đoạn trong bài " Mười tông phái Phật Giáo ở Trung Hoa" của HT Thích Thiện Hoa trên trang nhà Ðạo Phật Ngày Nạy

I.- NGOẠI ĐẠO THIỀN

Trong phần ngoại đạo thiền này, chúng tôi muốn nói đến các loại thiền của ngoại đạo như đạo Tiên, đạo Bà la môn, các lối thôi miên, và những tà thiền định với mục đích không chơn chánh.

Sao gọi là không chơn chánh? -Theo quan niệm của đạo Phật thì những hành động gì không nhằm mục đích trau dồi tâm tánh, dẹp trừ phiền não hữu lậu, để cầu giải thoát sanh tử luân hồi, đều không là chơn chánh. Dựa vào quan niệm trên mà phê phán thì những tà thiền định hay những loại thiền định của ngoại đạo đều không chơn chánh; vì những người tu theo lối thiền định nầy chỉ nhắm mục đích cầu được sống lâu, cầu được khỏe mạnh, được thần thông biến hoá để dạo chơi thế giới,được những phép lạ, huyền bí để cám dỗ, mê hoặc người, hay được thần tiên để hưởng lạc thú tiêu diêu nơi tiên cảnh...

Bởi họ dụng tâm không chơn chánh, tu phương pháp không chơn tánh, nhắm mục đích thiển cận, bề ngoài và bị các phiền não tham, sân, si, làm động cơ thúc đẩy, nên các laọi thiền của họ không rốt ráo và toàn thiện được. Trước tiên chúng ta hãy nói đến các tà thiền định.

1.- Tà thiền định: Đọc các loại sách xưa, chúng ta thường nghe nói đến các loại cầm thú như: bạch xà, chồn cáo, qui, khỉ, vượn...tu luyện lâu năm trong rừng sâu núi thẳm, cuối cùng củng có những phép thần thông, biến hóa. Nhưng mục đích của chúng là cầu cho được nhiều phép tắc để được gần phụ nữ, nhiễu hại nhơn dân, hớp hồn hớp vía người lương thiện, để thỏa mãn thú tánh. Đó là những loài yêu tinh quỷ quái, mà ngày nay theo con mắt nhà khoa học thì khó có thể tin được là có. Nhưng có lẽ những người xưa muốn đặt ra câu chuyện yêu tinh quỹ quái như thế, để ngụ ý các loài thú, nếu tu luyện lâu năm cũng có thể phép thuật hơn người. Nhưng bởi chúng thiếu lòng nhân, thiếu thiện tâm cho nên phép thuật càng cao cường bao nhiêu càng gây tai họa bấy nhiêu.

Chúng ta cũng thường nghe thầy phù thủy luyện thiên linh cái (đầu lâu). Họ cũng tập trung tư tưởng, luyện phép tịnh tâm, và khi thành tâm, và khi thành công cũng sai được âm binh bộ hạ, được ma quỷ mách bảo cho các việc quá khứ, vị lai ...mà cũng tác oai, tác oai không ít.

Đó cũng là do tu định cả, nhưng bởi dụng tâm tà, nên gọi là tà thiền định, và kết quả là có hại cho mình và nhân quần xã hội.

Chúng ta hãy nghe lời Phật dạy.Ngài A-Nan trong kinh Lăng nghiêm về các lối tà thiền định:

" ..A-Nan! Nếu ông tu thiền định mà không đoạn lòng dâm, thì quyết đọa vào ma đạo, bực thượng thành ma chúa, bực trung thành ma dân bực hạ làm ma nữ. Vì gốc của nó là dâm, thì làm sao khỏi sanh tử luân hồi được?. "

‘’...A-Nan ! Nếu ông tu thiền định mà không đoạn đoạn tâm sát hại, thì chỉ đoạ vào thần đạo; bực thượng thành đại lực quỉ, bực trung làm phi hành dạ xoa và các quỉ tướng soái, bực hạ làm địa hành La sát và các quỉ thần...’’

‘’...A-Nan ! Nếu ông tu thiền định mà không đoạn trừ tâm trộm cướp thì quyết đọa vào tà đạo; bực thượng thành loài yêu tinh, bực trung làm ma quỉ, bực hạ làm người tà bị các tà ma nhập (đồng bóng)...’’.

2.-Thiền định của đạo Tiên: Theo các kinh sách của đạo tiên để lại, như kinh Huỳnh-đình, hay bộ Tánh mạng khuê chỉ v.v..thì con người sở dĩ sống được và minh mẫn là nhờ có đủ ba món: tinh, khí và thần. Tinh , khí là chủ cúa xác thân; Thần là chủ của mạng sống. Hể tinh thần lục dục quá mạnh thì tinh khí hao mòn: tinh khí hao mòn thì thân bị che lấp tối tăm, con người mất sáng suốt. Vì thế cho nên phải trừ dục tình để dưỡng tinh, luyện khí cho thân được cởi mở và phát hiện.
" Tiên đạo cho rằng khắp giáp thân thể con người đều có những cái huyệt, tức là những lỗ thông khí âm dương; huyệt ở chót bàn chân gọi là chi âm; huyệt ở đỉnh đầu là thiên thông. Khí đi trở lên là dương khí, khí di xuống là âm khí.

Người tu tiên cốt luyện cho âm khí mất đi, chỉ còn cái khí thuần dương đi lên đỉnh đầu, tức là có thần thông và đắc đạo. Vì sao phải trừ bỏ khí âm? Bởi vì âm khí là trược khí, làm cho nặng nề, tối tăm, ưa thích điều dâm dục , làm hao tổn tinh thần. Hể tinh thần hoằng dương tổn thì cái thần là cái linh động sáng suốt nhất, cũng là cái thông hiệp với trời đất, bị bế tắc". Vậy nên, kẻ phàm là kẻ còn nặng khí âm, còn bậc tiên chỉ còn là khí thuần dương mà thôi (1).

‘’Để luyện khí, người tu tiên có nhiều phép tu gần giống như phép tọa thiền, nghĩa là ngồi ở một nơi thanh tịnh, rồi tập luyện các phép như: ‘’Tọa công’’, ‘’Giao thiên trụ’’, ‘’Thiệt giải thấu yết’’.v.v..

Tóm lại những người tu theo đạo này, nếu chuyên tâm trì chí tập trung tư tưởng, luyện ‘’Tinh’’ hóa ‘’Khí’’, luyện ‘’Khí’’ hóa ‘’Thần’’, sau khi đã thuần thục, cũng được năm phép thần thông biến hóa. Họ trở thành tiên, có thể xuất thần bay đi dạo chơi các Thế giới. Hoặc họ hứng nước mặt trăng, luyện linh đơn để trị bệnh hay để uống cho được trường sinh bất tử thành địa tiên.

Những vị tiên này, rất tiếc là ngày nay, chúng ta không được thấy nên không dám chắc là có hay không. Nhưng dù có có đi nữa, thì trên lý thuyết, các vị này vì chưa được lậu tận thông, ‘’phiền não hữu lậu chưa hết’’ nên khi phiền não rối lên họ cũng bị đọa trở xuống, khi trường hợp ông Uất-Đầu-Lâm-Phách, hay ông Độc -Giác-Tiên-Nhân.v.v...Hơn nữa dù họ có luyện cái thân mình cho được trường sanh bất tử cũng không thể toại nguyện được, vì cái thân này là tứ đại giả hiệp, tất phải bị luật vô thường chi phối, không thể sống vĩnh viễn được. Nó lại là cái đãy gia chứa các vật bất tịnh thì dù có cung dưỡng cho mấy rốt cuộc rồi cũng bị tan rã. Bởi lẽ đó người tu hành phải xem nó như cái bè đưa qua sông, khi qua sông rồi, chẳng nên mến tiếc cái bè mà chẳng chịu lên bờ.

Trong bộ Qui-nguyên Trực chỉ, có kể chuyện ông tiên Lữ Đồng Tân, học trò của Tiên Hớn Chung Ly, sau khi đấu phép với Ng ài Huỳnh Long hòa thượng bị thua, ông đã bỏ đạo Tiên theo đạo Phật. Lý do sự đầu Phật là vì ông Lữ Đồng Tân tự nhận thấy mình đã dụng tâm sai và đã đi lầm đường tu hành. Do đó, ông đã làm bài thơ sau đây để nói lên sự sai lầm của ông:

Nguyên văn:

Khí khước biều nan, kích tý cầm
Như kim bất luyến hống trung câm
Từ tùng nhất kiến Huỳnh long hậu
Thì giác tùng tiên thố dụng tâm

Dịch nghĩa:

Bỏ lầu Linh dược ném đờn cầm.
Tôi nay chẳng tiếc nước miếng vàng (2)
Từ khi gặp Huỳnh Long hòa thượng
Mới biết từ trước dụng tâm sai.

(xem quyển Lữ Đồng Tân đầu Phật)

(1) "Yoga và tọa thuyền" trong đại chúng tuần sau, số 219

3.-Luyện Du già (Yoga). Yoga là một danh từ Ấn, gốc là chữ Yuj; Tàu dịch là Du già, nghĩa đen là ‘’tự đặt mình dưới một cái ách’’; nghĩa bóng là ‘’tự trói buộc cả tinh thần, thể xác vào một quy luật khắc khe’’ tự kiềm chế mình theo một kỷ luật đặc biệt, mà mục đích là tập trung toàn thể thân tâm làm một với bản thể của trời đất.
Du già cũng gọi là thuật luyện khí của Ấn độ, gần giống thuật luyện khí của đạo Tiên. Theo thuyết Du già trong thân thể con người có rất nhiều huyệt; trong số ấy có bảy huyệt từ hậu môn lên tới đỉnh đầu là quan trọng nhất. Bảy huyệt ấy nằm dài theo xương sống, và có một đường lên một đường xuống thông nhau. Vì sự si mê và các thứ dục vọng che lấp cho nên bảy huyệt ấy bị chướng ngại, khiến cho cái ‘’chơn quả’’ từ dưới ‘’hỏa hậu’’ (chổ hậu môn) không thể lên được. Nhất là vì thân thể không luyện tập, xương sống bị cong đi, các huyệt do đó bị bế tắc. Vậy muốn cho hoả hậu (tức là cái thần lực trong con người) được thông qua các huyệt, lên tới đỉnh đầu thì phải chú tâm luyện cho xương sống giản ra, các khớp xương được thông và thẳng.

Để đạt được mục đích nói trên, người luyện Du già phải tập nhiều tư thế, như tư thế ‘’giản lưng ‘’ tư thế ‘’lưỡi cày’’, tư thế ‘’trồng chuối’’ (trút đầu xuống dưới, trở chân lên trên trời), để cho hỏa hậu dể lưu thông tới đỉnh đầu.

Ngày nay Du già được phổ biến qua các nước Âu -Mỹ, gần như một phong trào. Phần đông cho đó là một phương pháp thể dục, để luyện cho thân thể được khỏe mạnh, trí huệ được sáng suốt, để tính toán và làm việc được nhiều và hiệu quả. Một số người đi xa hơn, muốn luyện Du già để được sống lâu, trẻ mãi, vượt ra khỏi những sự đòi hỏi của xác thân đầy dục vọng, thoát ra ngoài những nỗi lo âu, sợ sệt hằng ngày và sống một cuộc đời an vui, tự tại. Lại có một hạng người khác mong rằng Du già sẽ làm cho họ khám phá những năng lực tiềm tàng ẩn núp trong con người và làm cho họ trở thành những nhân vật phi thường, có những thần thông biến hóa, phép mầu chước lạ, họ cũng tập trung tư tưởng, định tâm chú ý như các lối tu thiền định; ngoài ra họ còn có tu tập một cách rất khổ sở, hành hạ thân xác, bắt nó chịu đựng những thử thách cực độ, như phơi nắng dầm sương, ngồi trên chông gai, đứng bằng hai tay, treo chân lên cổ, nhịn đói, nhịn khát,v.v...đó là những đạo sĩ người Ấn Độ thường gọi là ‘’pha-kia’’ (fakir).

Những người này khi tu đến mức độ cao, cũng có được những phép lạ, như dao chém không đứt, đâm không thủng, nhai ve chai, uống axit không sao, nằm ngũ một giấc luôn trong 3 tháng không ăn, không uống .v.v...

Nhưng dù họ thành công bao nhiêu đi nữa, thì cũng không thể thoát ngoài vòng trần tục liễu sanh thoát tử và minh tâm kiến tánh được (‘’Yoga và tọa thiền’’ trong Đại chúng tuần san, số 219)

(1) Nước miếng vàng: Đối với người tu tiên, thì nước miếng rất qúy, họ không bao giờ nhổ vì sợ tổn khí, và dùng nước miếng của mình để luyện thành linh dược

4.- Luyện thôi miên. đây cũng là một lối tu thiền của ngoại đạo, hiện nay rất thịnh hành trên thế giới. Nguyên tắc của phương pháp tu luyện này cũng là vận dụng tập trung tư tưởng vào một chỗ để cho tinh thần có sức mạnh sai khiến được sự vật. Người tập thôi miên, lúc mới đầu ngồi yên một chỗ, nhìn chăm chú vào một chấm đen vẽ ở trên tường, để cả tâm trí tập trung vào đó, ngoài ra không còn để ý vào một sự vật gì ở chung quanh nữa. Họ ngồi tập hàng giờ như thế, bao giờ tinh thần không còn tán lọan nữa, và có đủ sức mạnh để sai sử kẻ khác là họ thành công. Những người thôi miên giỏi, có thể dùng thôi miên để trị lành bệnh hay sai sử những người khác làm những chuyện phi thường, như xuất thân đi đến một xứ khác để thăm bà con, kể lại việc quá khứ hay tiền thân của một người khác.v.v...

Tóm lại, nhờ luồng điện tinh thần đã được tập trung thành sức mạnh, người thôi miên có thể bắt người khác làm những việc kỳ lạ theo ý muốn của mình. Nhưng vì lợi dụng, tâm không chơn chánh, chỉ tham cầu những điều huyền bí, mầu nhiệm bên ngoài, không lo dẹp trừ phiền não, hữu lậu, trau dồi tâm tánh bên trong, để được minh tâm kiến tánh nên không phải là chánh đạo. Đến khi phiền não hữu lậu nổi lên hoặc nhiễm sắc tham tài.v.v...thì các thần thông, diệu dụng đều mất hết. Bởi thế nên Phật dạy các đệ tử: ‘’ngộ được đạo thì tự nhiên sẽ có các thần thông. Nếu được thần thông mà chưa ngộ được đạo thì thần thông ấy có khi bị mất’’.