BÀI SƯU TẦM :
THẤT SƠN THẦN QUYỀN - SỢI NỐI GIỮA THIỀN TÔNG VÀ MẬT TÔNG

Theo bài viết từ trang website Thư viện – Thích Nhất Hạnh thì:

Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi dịch theo chữ Hán là Diệt Hỷ, tức là niềm vui của tịch diệt. Tiếng Phạn là Vin(taruci).

Thiền sư Vin(taruci) tới từ miền Nam Ấn Độ, đi bằng đường biển, và năm 562 thì cập bến có thể là Quảng Châu hoặc Giao Châu, chúng ta không biết rõ. Khoảng mười mấy năm sau thì ở Trung Hoa có một Pháp nạn (xảy ra từ năm 574 cho đến năm 577) do vua Vũ Đế nhà Bắc Chu gây ra. Nhà vua ghét Phật giáo nên đàn áp Phật giáo, không cho làm chùa, không cho in kinh, không cho giảng Pháp, không cho mở Đại Giới Đàn. Vì vậy mà một số các thầy phải lánh đi.

Trong thời gian pháp nạn đó thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi có được gặp thiền Tổ thứ Ba ở bên Trung Quốc, tức là thầy Tăng Xán, hồi đó tổ cũng đang lánh nạn ở núi Tư Không. Đó là theo tài liệu của Thiền Uyển Tập Anh, có nghĩa là tập hợp những bông hoa đẹp nhất trong khu vườn thiền tập ở Việt Nam. Tên đầy đủ của sách là Đại Nam Thiền Uyển Tập Anh Ngữ lục.

Theo Thiền Uyển Tập Anh thì cuộc gặp gỡ giữa hai thầy Tăng Xán và Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi không kéo dài lâu. Trong lúc gặp gỡ thầy Tăng Xán có nói rằng “Thôi thầy đừng ở đây nữa, thầy nên đi về Giao Châu, yên ổn hơn để hành đạo”. Cố nhiên thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi nghe theo và đi về Giao Châu. Nhưng thầy không đi ngay. Theo Thiền Uyển Tập Anh thì mải đến năm 580 thầy mới về tới Giao Châu. Khi đến Giao Châu, thầy ở tại chùa Pháp Vân. Chùa Pháp Vân hiện còn ở miền Bắc Việt Nam. Có bốn chùa rất xưa ở Việt Nam là chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, và Pháp Điện.

(Ở đoạn gặp gỡ này, theo tư liệu của trang Wikipedia thì có sự liên hệ giữa Sư Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi với Tổ Tăng Xán như sau: Năm 574, Sư sang Trung Quốc và nhân đây có cơ hội yết kiến Tam tổ Tăng Xán tại núi Tư Không. Thấy cử chỉ uy nghiêm của Tổ, Sư bỗng đem lòng kính mộ, đứng trước vòng tay cung kính. Tổ vẫn ngồi im nhắm mắt không nói. Sư đứng im suy nghĩ giây lát bỗng nhiên tự ngộ, liền quì xuống lạy ba lạy. Tổ thấy vậy cũng chỉ gật đầu ba lần. Sư muốn đi theo hầu Tổ nhưng Tổ lại khuyên đến phương Nam giáo hóa.)

Cuộc hành trình tiếp theo của Sư Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi được trang Thư viện Thích Nhất Hạnh viết như sau:

Hồi đó ở Pháp Vân có một thiền sư Việt Nam đang dạy đồ chúng, tên là thiền sư Quán Duyên, có nghĩa là quán chiếu về 12 nhân duyên. Tên bình dân của chùa Pháp Vân là Chùa Dâu. Dâu ở đây là dâu nuôi tằm chứ không phải dâu Tây (fraise). Trong số đệ tử của thầy Quán Duyên có một thầy tên là Pháp Hiền. Thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi đã dạy thêm cho thầy Pháp Hiền, và cho thầy Pháp Hiền đắc pháp, tức là trao cho thầy một cái đèn để làm giáo thọ.

Khi thầy Quán Duyên tịch rồi thì thầy Pháp Hiền bắt đầu dạy chúng. Thiền Uyển Tập Anh có đoạn nói rằng các vị xuất gia theo học với thầy Pháp Hiền hồi đó lên tới 300 vị, có nghĩa rằng lúc đó chùa Pháp Vân chắc lớn lắm. Đến năm 594 thì thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi tịch. Đó là những con số mà Thiền Uyển Tập Anh đưa ra. Sách Thiền Uyển Tập Anh có nói rằng năm 562 thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi tới Trường An tức là tới kinh đô. Theo tôi thì những chi tiết này không được đúng lắm! Thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi có thể đến Quảng Châu hay Giao Châu sớm hơn.

Cũng theo Thiền Uyển Tập Anh, trước khi đến chùa Pháp Vân, thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi đã dịch hai kinh là kinh Tượng Đầu, tức là kinh Đầu Voi, và kinh Nghiệp Báo Sai Biệt. Khi tới Chùa Pháp Vân thì thầy dịch thêm một kinh nữa gọi là kinh Tổng Trì. Nhưng chúng ta lại có một tài liệu của Phật giáo Trung Quốc nói hơi khác. Đó là tài liệu Thích Thị Thông Giám của một thiền sư tên là Thích Bảo Giác, người Trung Hoa. Thích Thị tức là The ((kya Family. Thích thị Thông Giám có ghi chép về thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi và nói rằng năm 582 thì thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi vẫn còn ở bên Trung Hoa, chưa về đến Chùa Pháp Vân. Vào năm đó thì pháp nạn đã qua rồi, và vua Tùy Văn Đế là một người yểm trợ cho đạo Phật, xuống chiếu mời thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi về kinh đô để dịch kinh. Có nghĩa là trước khi tới Giao Châu thì thầy đã được vua Tùy Văn Đế mời về dịch kinh.

Vua Tùy Văn Đế cũng có mời một vị xuất gia khác người Tây Trúc tới dịch kinh với thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi, đó là thầy Pháp Trí, Dharma-j((na. Theo Thích Thị Thông Giám thì thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi chỉ dịch hai kinh Tổng Trì và Tượng Đầu mà thôi. Còn Nghiệp Báo Sai Biệt là do thầy Pháp Trí dịch.

Chúng ta nghĩ đứng về phương diện này thì Thích Thị Thông Giám nói đúng, tại vì khi tra cứu trong Đại Tạng Kinh thì Nghiệp Báo Sai Biệt Kinh là do thầy Pháp Trí dịch, còn Tổng Trì và Tượng Đầu là do thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi dịch. Các kinh đó vẫn còn ở trong Đại Tạng.

Một sai khác nữa là hai kinh Tổng Trì và Tượng Đầu đều được dịch tại kinh đô nhà Tùy. Trong khi đó thì Thiền Uyển Tập Anh lại nói rằng kinh Tổng Trì đã được dịch tại chùa Pháp Vân. Tuy vậy sự khác nhau đó không quan trọng lắm, dịch bên Trung Hoa hay dịch bên Giao Châu thì cũng được. Miễn là tên người dịch đúng thì thôi.

Như vậy chúng ta thấy có ba điều khác nhau giữa Thiền Uyển Tập Anh và Thích Thị Thông Giám: (i) Năm thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi đến Giao Châu; (ii) Tên người dịch kinh Nghiệp Báo Sai Biệt; và (iii) Nơi thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi dịch kinh Tổng Trì (tại kinh dô nhà Tùy hay ở chùa Pháp Vân?)

Khi thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi đến chùa Pháp Vân thì thầy được mời làm thiền sư khách. Trong thời gian đó thầy chú ý đến thầy Pháp Hiền. Hai người có trao đổi với nhau một câu chuyện và câu chuyện đó đã được ghi lại trong sách Thiền Uyển Tập Anh như sau:

Thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi thấy thầy Pháp Hiền mặt mày có vẻ sáng sủa, dễ thương cho nên hỏi: “Sư chú họ gì?” Chúng ta nên biết câu chuyện trao đổi này diễn ra bằng tiếng Hoa. Thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi lúc này đã giỏi chữ Hán lắm, tại vì thầy đã được vua nhà Tùy mời về kinh đô để dịch kinh. Đến Trung Hoa từ năm 562 và đến năm 582 tức là thầy có đến 20 năm để học, cho nên thầy rất giỏi tiếng Trung Hoa. Vì vậy khi nói chuyện với Pháp Hiền, vì chưa ở Giao Châu lâu nên có thể thầy đã nói bằng tiếng Trung Hoa. Có thể ngày xưa thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi có biết Giao Châu, nhưng chưa có dịp ghé thăm, nay được tổ Tăng Xán đề nghị nên thầy mới về Giao Châu. Khi đến, thấy đất Giao Châu hiền hòa, đẹp đẽ nên thầy quyết định ở lại.

Thầy Pháp Hiền là một người thông minh, lúc đó còn trẻ, ưa nói triết lý, nên khi được hỏi: “Sư chú họ gì?” Theo tiếng Hoa thì “họ” là “Tánh”, có nghĩa là Family name. Tánh cũng có nghĩa là nature, là bản tánh. Thầy tánh gì, tức là thầy họ gì? Thầy Pháp Hiền hỏi lại: Còn Hòa Thượng tánh gì? Có nghĩa là khi được hỏi họ tên mình là gì, thì mình chỉ muốn nói về triết lý thôi, nên mình hỏi lại “Bản tánh của Hòa Thượng là bản tánh gì?” Tức là hai người đứng trên hai bình diện khác nhau mà nói chuyện. Một người đứng trên bình diện rất thực tế: “Chú là họ gì?” Bên kia muốn chứng tỏ mình là một sư chú có tài, nên đã đấu lại: “Dạ còn Hòa Thượng tánh gì?” Lúc đó thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi mới nói rằng: “Thầy không có họ à?” Thầy Pháp Hiền trả lời: “Dạ bản tánh thì có chứ sao không, nhưng Hòa Thượng làm sao biết được bản tánh của con?” Một bên nói về họ, và một bên chơi chữ nên nhất định chỉ nói về bản tánh! Lúc đó thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi mới nghiêm mặt và nói: “Biết để làm gì?” Vì thầy lên giọng nên Pháp Hiền biết rằng đây không phải là một trò đấu lý để chơi, vì vậy thầy vội sụp xuống lạy thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi. Đó là cái không khí của lần gặp gỡ đầu tiên giữa hai người. Nó không được êm dịu lắm! Nhưng rốt cuộc thì tiền hung hậu cát, thầy Pháp Hiền đã trở thành đệ tử cưng của thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi.



Kinh Tượng Đầu, tên đầy đủ là Tượng Đầu Tinh Xá Kinh là một kinh thuộc về Văn hệ Bát Nhã. Tượng Đầu là một ngọn núi không lớn lắm, ở gần Gaya, gọi là Gayasisa, không xa Bồ đề Đạo tràng bao nhiêu. Khi đến thăm Bồ đề Đạo tràng xong, tiếp tục đi lên miền Bắc, thì chúng ta sẽ đi ngang qua núi Tượng Đầu, có lẽ núi trông giống đầu con voi, nên mới được gọi là núi Tượng Đầu.

Ngày xưa, sau khi Bụt thành đạo, ngài về vườn Lộc Uyển để tìm 5 người bạn tu. Sau khi độ được cho 5 người bạn tu và lập được tăng thân đầu tiên tại vườn Lộc Uyển thì ngài mới trở về Gaya, trở về làng Oâruvela. Nơi đó ngài gặp ba anh em ông Ca Diếp. Người anh cả là Ưu Lâu Trần Loa Ca Diếp, lãnh đạo 500 đệ tử theo môn phái thờ Thần Lửa, và Bụt đã hóa độ cho ông Ưu Lâu Trần Loa Ca Diếp. Ông quy y với Bụt, trở thành người xuất gia và đem hết 500 đệ tử về xuất gia với Bụt. Sau đó hai người em ông Ca Diếp cũng bắt chước, mỗi người đem đệ tử của mình đến qui y và xuất gia với Bụt. Vì vậy sau khi thu phục được ba anh em Ca Diếp, Bụt có tới khoảng 900 đệ tử. Lúc đó chỗ ở hơi chật cho nên Bụt dẫn cả tăng đoàn lên núi Tượng Đầu. Tại đây ngài giảng một kinh gọi là Kinh Lửa. Tại vì 900 vị đệ tử mới của Bụt, ngày xưa họ thờ Thần Lửa. Nếu chưa biết kinh đó, quý vị nên tìm đọc thêm. Trong bài giảng, Bụt nói rằng tất cả đang bốc cháy. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp, tất cả đều đang bốc cháy.



Đến năm Bụt hơn 70 tuổi thì giáo đoàn của Bụt bị chia rẽ trầm trọng, vì người em chú bác của Bụt tên là Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta). Hồi đó Đề-Bà-Đạt-Đa thuyết phục được hơn 500 vị xuất gia đi theo mình lên núi Tượng Đầu làm một căn cứ mới, một giáo đoàn mới, và Devadatta nói đây mới thật là Bụt, Bụt mới.

Lúc đó trong nước cũng có ông vua mới, tức là vua A-Xà Thế. Hai người đồng tình với nhau và nói rằng ông vua cũ và ông Bụt cũ lâu quá mà chưa nhường chức cho mình. Bây giờ thái tử giết vua để lên làm vua mới, còn tôi sẽ vận động để Bụt nhường chức cho tôi.

Devadatta là người cũng khá thông minh, khá giỏi, khá khôn khéo cho nên đã tạo dựng được một giáo hội độc lập, thân nhà nước, “giáo đoàn quốc doanh” ở trên núi Tượng Đầu! Mỗi ngày vua A-Xà Thế đều cho mấy chục chiếc xe ngựa đem phẩm vật lên cúng dường trên đó. Dĩ nhiên đi theo nhà nước thì thế nào cũng được ưu đãi hơn!

Các thầy ở núi Linh Thứu trình tự sự lên Bụt thì ngài nói rằng: Cứ để họ vậy, đừng nhìn vào đó mà ham, mình sống hơi nghèo nhưng như vầy là được rồi. Hóa ra chuyện xảy ra ngày xưa cũng giống như chuyện xảy ra ngày nay! Đó là nhân học kinh Tượng Đầu mà chúng ta nhắc đến chuyện xưa một chút.

Tượng Đầu Tinh Xá là một kinh có chủ đề thiền và chủ đề giác ngộ Bồ đề, thuộc văn hệ Bát Nhã. Còn kinh Tổng Trì là một trong những kinh đầu tiên của hệ thống Mật giáo. Vì vậy cho nên chúng ta biết rằng pháp thiền quán của đạo Bụt mà thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi đem vào Giao Châu hồi đó, có hai màu sắc: Màu sắc của Bát Nhã và màu sắc của Mật Tông. Có thể thầy là người đầu tiên đem những yếu tố Mật Tông vào trong đạo Bụt Việt Nam. Về sau cũng có những thầy khác đem yếu tố Mật Tông vào Phật giáo Việt Nam, nhưng thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi là người đầu tiên làm việc này.

Đoạn dẫn giải về nguồn gốc của Ngài Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi đến đây là hết. Nhưng phần kết của bài trên rất quan trọng khi nó nhấn mạnh rằng: “Vì vậy cho nên chúng ta biết rằng pháp thiền quán của đạo Bụt mà thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi đem vào Giao Châu hồi đó, có hai màu sắc: Màu sắc của Bát Nhã và màu sắc của Mật Tông. Có thể thầy là người đầu tiên đem những yếu tố Mật Tông vào trong đạo Bụt Việt Nam. Về sau cũng có những thầy khác đem yếu tố Mật Tông vào Phật giáo Việt Nam, nhưng thầy Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi là người đầu tiên làm việc này”.

Và đây cũng là lý giải cho sự khác lạ của môn phái Thất Sơn Thần Quyền ở khía cạnh kết hợp giữa Mật tông và Quyền thiền mà hiếm có môn phái nào có được.

Tags: hiện-tại, nguồn-gốc, tì-ni-đa-lưu-chi
ST