BÀI SƯU TẦM:

MƠ HỒ…
Trong chính các học trò lâu năm ở hàng cao của môn này có nhiều nhận thức về nguồn gốc môn phái khác nhau. Nguyên nhân là do họ phần nhiều là học trò cũ của các học trò thế hệ đầu hoặc thứ hai của Trưởng môn nhân Nguyễn Văn Cảo, những người này thời kỳ trước không nắm rõ nguồn gốc môn phái.

Đặc điểm của các học trò trong môn này hầu hết cung kính, nể sợ quá mức vị trưởng môn nhân nên không mấy người dám hỏi thẳng, hỏi cụ thể, chính xác về môn. Học trò đời sau truyền cho học trò sau nữa cảm nhận và suy nghĩ về nguồn gốc của môn này theo suy đoán của họ – vì họ không dám hỏi trực tiếp.

Mặc dù vậy, trưởng môn nhân Nguyễn Văn Cảo lại không phải là người hà khắc, thậm chí, một số người đã từng tiếp cận ông Cảo cho biết, ông là người kín đáo nhưng rất bao dung. Sở dĩ có sự sợ hãi không cần thiết vì yếu tố của môn là tâm linh khiến nhiều học trò dè dặt, không dám hỏi hoặc người nọ nhìn người kia sợ nên cũng sợ theo thành ra cứ truyền miệng những hiểu biết không chính xác.

Không chỉ nguồn gốc của môn mà ngay các thủ tục, quy cách trong quá trình tu học cũng bị “tam sao thất bản” rất nhiều nên phổ biến trong nhân gian những thủ tục khá rườm rà khi nhập môn, dẫn đạo và thực hành công năng.

Cũng giống nhiều môn phái khác, các đệ tử rất ghét và thù địch những ai dám thẳng thắn nói hoặc bình luận về những điểm yếu, điểm mê hoặc của họ. Tuy nhiên, những người thật tâm muốn tìm hiểu chính xác môn này, khi tiếp cận vị trưởng môn đã nhận được giải đáp đầy đủ.

NGUỒN GỐC…

Trong khi phần đông đệ tử không rõ nguồn gốc thì một số đệ tử cao cấp cũng chưa rành. Nhiều người cho rằng, môn phái của họ do một vị Sư tổ sáng lập. Vị này là ai? Người Tây tạng? người Việt Nam? Đều có những lời đồn như thế. Tuy nhiên trưởng môn nhân Nguyễn Văn Cảo cho biết, môn phái này có 3 vị Sư tổ, đều là người Việt Nam, cùng học Phật pháp tại vùng núi Thất Sơn sáng lập ra môn phái này. Trước đó, cả 3 vị Sư tổ này đều theo học một môn phái của đạo Phật do một vị Sư giác ngộ người Thiên Trúc (Ấn Độ) sáng lập. Nơi ông Cảo và các sư huynh đệ đã luyện tập trước đây là vùng Bảy núi thuộc tỉnh Long An, miền nam Việt Nam. Môn phái này là một dòng phái của Quán Thế Âm Bồ Tát cho nên, vị Thượng sư này được thờ tượng ở các bàn thờ của môn, ở vị trí cao nhất.

Có nhiều người vô hiểu biết, nghe lõm bõm rồi cho rằng, Thất Sơn Thần Quyền của Việt Nam chẳng qua là môn Quyền thề của Trung Quốc. Nhưng theo tìm hiểu của người viết, Quyền thề của Trung Quốc là một môn phái lâu đời của các Đạo sĩ trong khi Thất Sơn Thần Quyền lại là môn mới hình thành và xuất phát điểm từ vùng núi Thất Sơn của tỉnh Long An trên cơ sở của hệ phái Tì Ni Đa Lưu Chi kết hợp giữa Thiền tông và Mật tông.

Theo Trưởng môn nhân Nguyễn Văn Cảo, người Trung Quốc không có môn phái Thất Sơn Thần Quyền. Trong số 3 học trò đầu tiên mà ông Cảo dạy có một người có nguồn gốc Trung Quốc là ông Hợi (học trò đầu tiên), hai ông tiếp theo là ông Cư và ông Mạc (người Phú Thọ).

BÊN NGOÀI…

Nhiều người đã từng tham gia viết bài, bàn luận về môn phái khá bí hiểm này, vì nó không công khai. Đa số họ là người không ở trong môn nên không biết gì cụ thể về môn này, cũng chỉ ù ù cạc cạc nghe đồn, nghe lỏm, được dự xem một số buổi tập ở các sân… cóp nhặt lại và tự cho rằng mình có hiểu biết đầy đủ về môn phái tâm linh này. Kỳ thực họ vô hiểu biết.

Có thể thấy một số bài viết của người vô hiểu biết bày ra ở một số trang mạng Cảm xạ học (http://www.camxahoc.com.vn/index.php...d=22&Itemid=51) với thái độ bài xích, bôi nhọ hoặc nhìn nhận vô cùng lệch lạc do vốn kiến thức về tâm linh sơ đẳng hoặc do thù địch.

Rất hiếm hoi mới tìm thấy một người nghiên cứu sách cổ, rất lâu năm ở Hà Nội nói về nguồn gốc môn phái Thất Sơn Thần Quyền khác đi. Theo tài liệu cổ mà ông này còn lưu giữ được, Thất Sơn Thần Quyền là một môn phái được cho là đã thất truyền ở Trung Hoa của Bồ Đề Đạt Ma Sư Tổ. Sau khi vị này vào Trung Hoa thì môn này được tiếp tục lưu truyền trong một thời gian rất ngắn và du nhập vào Việt Nam. Vùng du nhập cụ thể là Hà Nội, khu vực dốc Hàng Than, do một vị sư từ xa xưa kế thừa. Theo lý này, người ta còn hay gọi Thất Sơn Thần Quyền là Võ nhà chùa, vì thấy nhiều vị sư tập.

Đây là môn phái khá lạ ở Việt Nam. Nó là môn phái tâm linh thuộc dòng Mật tông – có sử dụng bùa chú. Nó có vẻ thuộc dòng Mật tông Tây tạng, nơi các vị Lạt Ma cũng sử dụng quyền thuật rất giỏi trong khi ở Việt Nam và Trung Quốc, Mật tông được biết đến ít gắn bó với quyền mà chỉ có thuật. Thất Sơn Thần Quyền ngoài thuật còn có quyền. Điểm khác biệt về quyền của môn tâm linh này so với Thiếu Lâm Tự là nó không có hình thế cụ thể để “bắt chước” theo. Các chiêu thức của nó tùy thuộc vào tâm thức của môn sinh trong khi thực hành mà xuất ra nên dù có tới hàng chục ngàn đệ tử nhưng đảm bảo không ai đi quyền giống ai. Chỉ có một người khẳng định có thể khiến cho hàng loạt đệ tử ra sân nhập thần và xuất quyền cùng một cách thức như nhau, đồng đều như các phái võ hay biểu diễn… đó là ông Nguyễn Văn Cảo.

LƯU TRUYỀN…

Có rất nhiều lưu truyền xung quanh môn phái này. Được biết, từ ông Cảo, môn phái này đã âm thầm đóng góp không nhỏ tinh hoa cho rất nhiều đệ tử là người trong quân ngũ, đặc biệt là thời chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979. Xa hơn nữa, ở vùng Bảy Núi, phái môn này đã đóng góp không nhỏ trong việc đào tạo một bộ phận thanh niên yêu nước biết đến quyền + thuật để chống lại thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Tuy là môn phái có biểu hiện rõ nhất về Quyền và Thuật nhưng giá trị tinh hoa của nó lại nằm ở yếu tố Tâm Linh Tối Cao mà tất cả những người đi tìm tới Chân lý, Giác ngộ đều cùng nhắm tới.

Hiện tại, rất hiếm hoi có thể tìm thấy một đệ tử của môn này chú tâm hoàn toàn vào yếu tố Tâm Linh Tối Cao để đạt đến Đại giác ngộ. Hầu hết họ chỉ chú trọng vào Quyền + Thuật, do đó, thái độ xem trọng, nể vì cũng thường dành cho những người có biểu hiện về Quyền giỏi hoặc Thuật giỏi.

Tags: hiện-tại, thất-sơn-thần-quyền, nguồn-gốc, tì-ni-đa-lưu-chi
Prev: SỰ KHÁC LẠ CỦA THẤT SƠN THẦN QUYỀN
BÀI SƯU TẦM TỪ CÁC NGUỒN TƯ LIỆU