BÙA CHÚ NGÀY XƯA

Ngày xưa, đất rộng người thưa nên người Việt gốc Khơ me ở Châu Đốc, Sóc Trăng, Trà Vinh rất tin vào bùa ngải, là vật mà họ cho rằng có pháp thuật trừ ma, đuổi qủi, làm mê hoặc người khác.

Các Pháp sư dầy công tu luyện đều có thần lực huyền bí để “cấp” cho người cần bùa. Họ lấy việc cho, gỡ, bỏ bùa làm sinh kế, gặp lúc phất to, mua được cả ruộng vườn, dựng nhà như bậc phú gia.

Cũng có người sống ẩn dật tận non cao, thỉnh thoảng “giúp” một vài người cần bùa gọi là duyên mới gặp. Các Pháp sư cho bùa ngải dưới nhiều hình thức như:

- Xâm bùa trên thân thể: Họ dùng mũi kim cắm ở cán gỗ, xâm lên người từ độ tuổi vị thành niên những chữ Phạn và hình thần Bà la môn. Vị trí xâm thường ở cùi chỏ, đầu gối, bả vai để bảo vệ khỏi gãy xương, bị đòn không biết đau.

- Cho bùa trên khăn, trên vải: Vẻ trên khăn tay để bỏ túi, trên vải bằng chiếc khăn quấn cổ và trên áo lót. Dùng vải trắng nhuộm màu xanh lá, người mặc áo hay giữ khăn bùa khi đi làm ăn thì gặp vận may, lúc về nhà xếp lại để trên bàn thờ, hằng tháng phải cúng lạy vào ngày 8 và 15.

- Sáp bùa: Làm bằng sáp ong tẩm mùi thơm đựng trong hộp gỗ hình tròn như trái quít, phía dưới đựng sáp, phía trên làm nắp đậy xoay theo trôn ốc.

- Tượng Phật: Để trong hộp gỗ đựng sáp hoặc đeo trên cổ. Tượng làm bằng ngà voi cụt, răng voi, nanh heo rừng, răng của sải cả trong chùa hoặc răng của ông bà cha mẹ.

- Tóc Đanh: Là loại tóc tự nhiên quắn dính liền nhau khó thể chải gỡ được. Người có tóc Đanh phải mang lấy, nếu dùng dao kéo cắt bỏ thì bị đau như cắt vào da thịt.

- Khắc bùa trên miếng chì: Là lối giữ bùa phổ biến nhất. Người xin bùa mang miếng chì đến nhờ Sư định ngày làm lễ. Sư hơ chì trên lữa, dùng búa đập dẹp cắt từng miếng dài 5cm, ngang 3cm và vẽ trên một mặt với cây viết đầu bằng sắt nhọn.

- Kim loại vàng bạc: Người ta còn xin Sư cho hột xoàn hay kim loại vàng bạc vào trong mình để khi bị thương tích thì các vật quý nầy “chạy” đến chỗ vết thương “đỡ đòn” hoặc có thể biết trước giờ gặp nạn khi có dấu hiệu của cây kim chích nhẹ trong người.

- Uống thuốc gồng: Chế nước thuốc cho người uống để da thịt cứng rắn, lưỡi dao đụng đến thân thể người được uống thuốc gồng như chạm vào miếng cao su.

- Viết trên giấy: Bùa còn được viết trên giấy vàng xếp nhỏ lại trong bọc vải, kết với hai đầu dây ngũ sắc se lại, đeo trên cổ như dây chuyền.

- Bùa khắc gỗ: In màu đen trên giấy hồng đơn dán hoặc treo trước cửa nhà, nhất là vào dịp tết. Theo tôi được biết nội dung trong lá bùa như sau:

Tứ tung ngũ hoành
Tà thấy tà tránh
Qủi thấy qủi dời
Tinh thấy tinh đi
Người thấy người sợ
Thái thượng lão quân
Cấp cấp như luật lịnh.

Các pháp sư tay cầm 3 cây nhang đang cháy vẽ bùa lên không khí, múa may khi trị bệnh cho người và đọc thần chú như: Long hổ cốt hóa thần hộ thân.

Nhiều Pháp sư cậy tài làm xằng bậy, ăn tiền giúp kẻ hại người rồi chuốc lấy quả báo phải bị ốm đau, bùa hành đâm ra điên loạn hoặc tàn phế suốt đời, khiến cho nhiều người không dám nối nghiệp. Đã có không ít Pháp sư tự giải nghệ chuyên lo làm ăn lương thiện, từ chối làm ác.

Ngày nay, khoa học phát triển, con người nhận thức rõ hơn về các nguyên nhân gây ra bệnh, các hiện tượng xảy ra trong tự nhiên và xã hội, sử dụng bùa chú là mê tín nên bùa chú ngày nay mai một, ít người biết đến.