Tản mạn đời thường:
Chuyện mùa Phật đản 2556 Phật lịch và Vu lan 2012

Chuyện thứ nhất: Đạo Phật trường tồn và duyên lành
đạo Phật tại Việt Nam.

Đạo Phật ngày nay dưới ánh sáng của Phật pháp đã và đang được tỏa hương lành qua bao thăng trầm của vạn vật, vũ trụ, nhân sinh trên khắp thế gian, năm châu bốn biển mười cõi phương trời v.v. không kể màu da, dân tộc.

Từ một ngôi chùa tại nơi đất Phật sinh ra (“Việt Nam Phật quốc tự”) tại Nê-pan, nay đã có cả một quần thể tập hợp các ngôi Phật tự của các quốc gia, dân tộc. Chính từ nơi linh thiêng Đản sinh: Vườn LÂM-TỲ-NI, thành Xá vệ xưa, cơ duyên đạo Phật đã đến với đất nước ta, dân tộc Việt Nam ta từ hàng ngàn năm nay, thậm trí đã từng có thời gian được tôn vinh là “Quốc giáo” với bao vị chân sư đắc đạo, giúp vua hiền trị vì đất nước, trở thành trụ cột của triều đình phong kiến Việt Nam như các thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần. Yên Tử - chùa thiêng, nơi đức vua Trần Nhân Tông cuối đời cũng sẵn sàng từ bỏ ngôi báu về đây tu đạo – lập “phái Thiền Trúc Lâm” trở thành “Điều Ngự Giác Hoàng” giống như câu chuyện xưa, ngài thái tử Tất Đạt Đa nơi thành Xá vệ đất Phật!

Đúng là “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên” như trong bài thơ thiền “Cư Trần Lạc Đạo” của đức vua Trần Nhân Tông xưa để lại cho đời. Và rồi cũng từ cái tùy duyên đó mà Việt Nam năm 2008 đã được chính thức chọn làm nơi tiến hành tổ chức Đại lễ Phật đản (VESAK) với sự góp sức công quả của nhiều bậc đại sư của trên 70 quốc gia từ Âu sang Á đến dự Đại lễ khi đạo Phật đã được Liên hiệp quốc chính thức công nhận.

Đây chẳng há là câu chuyện hỷ lạc của mọi Phật tử Việt Nam ở mọi miền, trong và ngoài nước cũng như các Phật tử trên toàn thế giới hay sao? Và cũng chẳng phải chỉ là chuyện vui của những người “con Phật” mà thực tế là niềm vui, là duyên lành cho bách tính, muôn dân – trăm họ người Việt Nam chúng ta ở thời đại khoa học, kỹ thuật phát triển như vũ bão ngày nay những vẫn có được ánh sáng huyền diệu của ngọn hải đăng Phật – Pháp soi đường phải không các bạn.

Nam mô A di đà Phật
Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật
Nam mô tác đại chứng minh hoan hỷ Phật.

Chuyện đại lễ Phật đản VESAK 2008 tuy đã qua, nhưng dư âm dương thế và cõi hư không thì còn mãi. Những năm gần đây, mỗi khi Tết đến xuân về, nơi nơi chùa chiền từ Thủ đô Hà Nội đến khắp các chốn thị thành và cả những miền quê xa xôi hẻo lánh đều hướng về nơi Cửa Phật, để nguyện cầu Tam Bảo – Chư Phật mười phương gia hộ cho “Quốc thái Dân an”, đất nước thanh bình, thịnh trị, để mãi mãi “vững thưở âu vàng” như khúc khải hoàn ca của triều Trần thế kỷ XIII sau ba lần đại thắng quân xâm lược Nguyên – Mông. Đồng thời đây cũng là chúng ta muôn người như một làm theo di nguyện của Bác Hồ kính yêu khi Người trước lúc “đi xa” vẫn mang nặng nỗi đau tâm nguyện mong sao khắp nơi hang cùng ngõ hẻm không còn cảnh đói nghèo, ai ai cũng được no cơm ấm áo, trẻ em đều được học hành.

Cũng là chưa đủ, nếu như chỉ có chuyện đầu năm lễ chùa cầu “Quốc thái, Dân an”.... Đất nước ta ngàn năm văn hiến nhưng cũng đầy thử thách gian nan “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, kẻ thù ngoại bang rình rập xâm lăng, để rồi đau thương chìm đắm ngàn năm bị đô hộ, 100 năm bị nước mất nhà tan dẫn đến cảnh mẹ chờ con, vợ chờ chồng, tiễn người thân ra trận nhưng mãi mãi không thấy trở về.... Tất cả những thử thách khắc nghiệt của lịch sử dân tộc trên mảnh đất hình chữ “S” đến nay tuy đã được đắp bù bằng niềm vui vỡ òa ngày 30-4-1975, khi non sông qui về một mối, nhưng vẫn còn đó nỗi đau nhân quần khi còn biết bao vong linh các anh hùng liệt sỹ, tử sỹ.... dù bất cứ lý do hoàn cảnh nào đã phải hy sinh, bỏ mạng nơi chân trời góc biển, núi rừng, sông suối, dù đã có phần mộ hay không có phần mộ v.v. rất cần được toàn dân nguyện cầu cho sớm siêu thoát, sớm được về miền Tây phương cực lạc như phát nguyện của Đức Phật Adiđà sẵn sàng hóa độ chúng sinh, nhất là mỗi dịp mùa Vu lan báo hiếu.

Đây chẳng đích thực là một nét đẹp văn hóa Tâm linh của dân tộc Việt Nam hay sao? Xin tất cả các Phật tử, tu sỹ tại gia cùng đạo hữu muôn người, muôn nhà cùng suy ngẫm, cầu nguyện hướng về mùa Phật đản năm nay, năm 2556 Phật lịch cũng như mùa Vu lan 2012 sắp tới, trong bối cảnh đất nước ta nói riêng và cả thế giới nói chung còn có rất nhiều biến cố khôn lường.

Chuyện thứ hai: Tâm linh toả sáng trong hào quang Phật – Pháp
mỗi mùa Vu lan báo hiếu tại nước ta ngày nay.

Tôi có được một người bạn cao niên (thành thực mà nói thì cũng chưa dám mạo muội ngộ nhận là “bạn” vì đúng ra vị cao niên này vốn là một giáo sư, tiến sỹ khoa học, nơi nghiên cứu lĩnh vực văn hóa, lịch sử Việt Nam) do “nhân duyên” đã tặng tôi bản “Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo” gồm 6 chương, 41 điều. (Bản Pháp lệnh này do nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ngày 18-06-2004. Đó là bản “Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 qui định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 29-06-2004, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký lệnh số 18/2004/L/CTN về việc công bố Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong Pháp lệnh nêu trên có các qui định cụ thể, rõ ràng, chi tiết những điều được và không được làm cũng như những quyền được phép bảo vệ, tôn trọng và phải thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và ý thức chấp hành pháp luật. Ví như tại Điều 1 và Điều 3 khẳng định “công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào. Nhà nước đảm bảo quyền tự do ấy (Điều 1). Hoặc “Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thể hiện sự tôn trọng tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng, thờ cúng thần, thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử. văn hóa, đạo đức xã hội” (Điều 3).

Nhân đây với câu chuyện này tôi cũng chỉ muốn tri ân với vị cao niên họ Phan đã tặng tôi “món quà quí” và tự tôi thấy phải có bổn phận chia sẻ món quà này với tất cả những ai muốn quan tâm, muốn biết, và thậm trí cả những ai không muốn biết về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo này để thực hiện.

Chuyện thứ ba: Chuyện buồn ngày giỗ Tổ không nên quên
đối với chúng tôi và chúng ta…

Thôi thì trước hết tôi xin mạn phép tổ tiên dòng họ của tôi để làm phiền các quí vị, bạn đọc giúp tôi giải tỏa nỗi bức xúc. ấm ức này.

Số là vừa qua, ngày 04-05-2012 (tức ngày mồng 2 tháng 4 âm lịch). Dòng họ tôi có ngày chính kỵ - cát nhật (tức ngày chính giỗ) cụ Cửu Tổ (cụ Tổ đời thứ 9). Cũng cần nói thêm rằng đến nay dòng họ chúng tôi đã phát triển thành nhiều ngành, chi, nhánh và đang ở đời thứ 18 (ngành trưởng) theo như gia phả gốc bằng chữ Hán – Nôm vẫn còn được lưu giữ.

Giỗ tổ vốn là chuyện bình thường như mọi dòng tộc và tùy điều kiện, khả năng khác nhau, mỗi nơi, mỗi họ đều có các cách thức tổ chức, thực hiện nghi lễ riêng. Giống như cả nước ta những năm gần đây đều tổ chức trọng thể ngày Quốc giỗ tổ Hùng vương 10-3 để toàn dân trong và ngoài nước cùng hướng về nguồn cội “uống nước, nhớ nguồn” như “chim có tổ, người có tông”.

Thông thường một số năm trước đây trong họ chúng tôi, do các cụ cao niên tạm thời định ra việc “Hợp tế” giỗ tổ vào ngày 29-03 (thực ra theo gia phả thì ngày giỗ cụ Thủy tổ phải là ngày mồng 4 tháng 11 âm lịch). Năm nay (2012) ngày Giỗ tổ 29-3 không phải là ngày nghỉ (thứ bảy, chủ nhật) nên con cháu chắt trong họ từ nơi xa (Hải Phòng, Hà Nội) vì nhiều người đang trong tuổi làm việc tại các cơ quan nhà nước nên rất khó khăn về dự Giỗ Tổ (đây là cụ Cụ Tổ đời thứ 7). Vì lẽ đó, tại quê nhà (Xóm C.B., làng Đa Sỹ thuộc huyện Đường Hào xưa). Các cụ cao niên trong họ chỉ thực thi theo thông lệ, sẵm sửa lễ vật, hoa quả thắp nhang hương tại nơi có Nhà thờ Tổ xưa (nay đã bị phá). Đồng thời có bàn bạc cùng vị “thế trưởng tộc họ” chuẩn bị cho ngày Đại lễ vào ngày mồng 2 tháng 4 (âm lịch) đó là ngày chủ nhật, tạo mọi điều kiện cho con cháu các chi, ngành ở mọi nơi xa, gần về dự lễ tế Tổ. Điều này đã được thông báo đến khắp mọi nhà, mọi chi, ngành trong dòng tộc. (Cũng xin nói thêm là ngày mồng 2 tháng 4 âm lịch thực ra là ngày chính giỗ cụ Tổ đời thứ 9 – người trực tiếp có công xây đắp nền móng ngôi Từ đường của dòng họ trên 300 năm nay, vì cụ đã từng có thời gian dài làm quan thời Hậu Lê, giữ chức Tham chính Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Nguyễn tướng công - hiệu “Giản Kính”, húy Kim Tương (thường được gọi là cụ Tả Thái). Cụ cũng đã từng là người được đặc cách tiếp cận với vua và có 11 năm giữ quốc ấn, không để lại điều tiếng tăm... Công đức của Cụ cũng từng được ghi tại Văn bia ở Văn Miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, vì khi tu sửa Văn Miếu Mao Điền, đã tìm thấy văn bia ghi rằng: Cụ Tả Thái đã công đức 1600 viên gạch và 3 mẫu ruộng; còn với làng, xã, tổng, Cụ cũng là người được ghi tên đầu tiên cùng với một số vị cao niên trong làn xã ở mặt sau “Sắc phong” của vua ban cho dân làng được thờ phụng tượng Pháp Vân, Pháp Vũ và Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại chùa cổ (Đại Bi Tự) và Đình làng Đa Sỹ (nay là chùa Thứa, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Tiếc là những năm kháng chiến chống Pháp, các sắc phong vua ban không còn nữa, nhưng tượng Phật quí thì vẫn còn.... Hiện nay Chùa Thứa đã được công nhận là di tích lịch sử và nghệ thuật tại quyết định số 74-VH/QĐ ngày 02/02/1993 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin.

Tôi chỉ là phận con cháu, hậu duệ không dám tự ý khua môi múa mép, ngoa ngôn mà chỉ dám xin phép tổ tiên mạo muội lược ghi đôi điều trong cuốn “Gia phả” gốc của dòng họ do cụ tổ Tứ Đại của tôi (tức cụ tổ đời thứ 12 của dòng họ), đã dày công bỏ ra 20 năm biên chép cuốn gia phả bằng chữ Hán – Nôm này, và đến năm 1952 được một người con trai thứ 3 của cụ dịch từ chữ Hán – Nôm ra chữ Quốc ngữ để con cháu sau này không biết chữ Hán – Nôm “có cơ sở tiện tra cứu”.

Chuyện cụ tổ đời thứ 9 của dòng họ chúng tôi sơ lược là thế, và có lẽ cũng chẳng có gì đáng nói ở những trang viết này. Song thật xót xa và đau lòng khi chuyện đã xảy ra vào đúng ngày giỗ cụ tức ngày mồng 2 tháng 4 (âm lịch) vừa qua, vì cỗ bàn, oản quả, nhang hoa dâng lễ, không được dâng lên bàn thờ tổ trong Từ đường mà phải đem ra bày lễ tại nơi ngôi mộ cụ tổ đời thứ 11 của dòng họ trong khu vực đất hương hỏa xưa của tổ tiên chúng tôi để lại tại thôn Bưởi, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng yên ngày nay.

Vì sao lại như vậy? Xin thưa bà con, cô bác, anh chị em con cháu trong dòng tộc - những người không có điều kiện về dự giỗ Tổ hôm mồng 2 tháng 4 (âm lịch) vừa qua – và cũng xin thưa cùng quí bạn đọc gần xa về sự bất kính này của chính cha-con người ở trong khu nhà thờ họ lúc đó đã đang tâm khóa trái cổng, không cho phép mọi người vào dâng lễ tế tổ. Thậm trí còn bất luân, trái đạo tuyên bố “Hôm nay không phải là ngày giỗ nào!!!” Than ôi!

Cúi xin tổ tiên trên cao xanh chứng giám tội “bất hiếu” này, như trong di chúc của cụ tổ Tả Thái – đời thứ 9 đã để lại và đã được ghi rõ tại điều 1 trong 10 điều di chúc xin nói ở phần sau.

Cũng phải nói tiếp vì sao có chuyện này? Xin thưa điều này cũng chưa thể và cũng chưa tiện viết ra đây vì lẽ “môi hở răng lạnh”. Chỉ có thể nói rằng đất hương hỏa của tổ tiên, nơi có ngôi từ đường “NGUYỄN-KIM-TỪ” (bằng chữ Hán-Nôm, gốm nung, màu xanh lam trên đỉnh nóc nhà thờ họ Nguyễn Kim) đã từng tồn tại hàng trăm năm qua, nay không còn nữa.

Cụ Tả Thái quan – Nguyễn tướng công, húy Kim Tương, sinh năm Bính Dần (1746) và mất ngày mồng 2 tháng 4 năm Mậu Dần (1818), hưởng thọ 73 tuổi. Nay mộ chí vẫn còn. Khi ngoài 70 tuổi, cụ đã hội các con để phân chia tài sản, ruộng đất trong “Chúc thư” như sau: Ngày tháng 3 niên hiệu Gia Long thứ 17, nay ta ngoài 70 tuổi, mình đương bị mỏi, thuốc men không đỡ... vậy hội các con quân chia các hạng tài sản ..... nếu ai có lòng tham, tranh lẫn phần nhau là tội bất hiếu. Phần chia kê sau đây:

1 “Một tòa từ đường 3 gian nhà ngói” và một khu vườn đất, cây cối .... để làm của hương hỏa, cả họ phụng thờ không ai được tự ý chuyển mại .... (Tất cả di chúc của cụ Tổ để lại có 10 điều. Nhưng nay phần đất hương hỏa theo di chúc của cụ Tổ để lại đã bị cha con người giữ quyền “thế trưởng tộc dòng họ” lén lút làm “sổ đỏ”, chiếm dụng trái phép làm tài sản riêng, mặc dù vẫn đang có nhà cao cửa rộng khang trang liền kề đất của ngôi nhà thờ họ xưa. (Ghi chú: Trưởng tộc đã là liệt sỹ chống Pháp, còn người con trai duy nhất của trưởng tộc hiện cư trú tại Ca-na-đa từ trước ngày 30-04-1975).

Câu chuyện thứ ba nhưng lại là câu chuyện buồn, câu chuyện riêng của dòng họ chúng tôi, nhưng cũng liên quan đến Điều 1 và Điều 3 Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo của nhà nước ta, nên tôi tự đáy lòng mình muốn được chia xẻ cùng toàn thể bà con, cô bác, anh chị em, con cháu nội ngoại trong dòng tộc cũng như với tất cả bằng hữu, độc giả xa gần, những ai muốn biết, muốn xẻ chia trong mùa Phật Đản 2556 (Phật Lịch) và mùa Vu Lan báo hiếu năm nay – Nhâm Thìn (2012) sắp tới.

Cúi xin tổ tiên trên cao soi xét tấc lòng, công tội, cháu con, vị tha dạy bảo cách làm người để cháu con mãi mãi, đời nối đời cung kính, phụng thờ, để nhớ câu “Tiên tổ phúc đức thiên niên thịnh, Tử tôn hiếu thảo vạn đại xuân” nhằm góp phần làm tỏa sáng tâm linh đất Việt và truyền thống tốt đẹp “thờ phụng tổ tiên” của dân tộc ta đã có từ hàng ngàn năm nay. Như vậy cũng có nghĩa mỗi người chúng ta được hướng tâm mình về cõi Phật để triết lý Đạo Phật mãi mãi trường tồn nơi chúng sinh – nhân loại.

Nam mô Adiđà Phật – xin hãy tôn trọng sự thật,
Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni Phật – xin hãy trả cho lịch sử sự thật của đời sống thật với nhân loại và mỗi dòng tộc.
Nam mô, nhờ ơn tiên tổ “Đức Lưu Quang”

Hà Nội, tháng 5 năm 2012
Nguyễn Lương Tâm (Họ Nguyễn Kim)

Mọi sự chia sẻ xin được gửi theo email: nguyenphuc.thieu@yahoo.com