Mùa xuân, tháng hai, niên hiệu Thiên huống bảo tượng thứ hai (1096) vua Lý Thánh Tông thân dẫn quân theo dường biển đánh Chiêm Thành. Nguyên phi Ỷ Lan lúc ấy cũng vừa mới sinh hoàng tử thứ hai, được giao giúp việc nội trị ở Kinh sư (Thăng Long)

Quân sĩ rầm rộ kéo đi, đến biên giới, nhưng gặp phía Chiêm Thành phòng thủ kiên cố, nên phía Đại Việt đánh mãi không được.

Sợ ở Kinh đô có biến động, Lý Thánh Tông rút quân về Châu Cư Liêm để củng cố lực lượng, và nghe ngóng tình hình hậu phương.

Khi có tin từ Kinh đô tới báo mọi việc vẫn tiến triển tốt đẹp, dân chúng yên ổ làm ăn, không ở đâu có biến động gì, Lý Thánh Tông liền cho quân quay lại tiếp tục đánh. Đó cũng là theo kế sách của Lý Thường Kiệt "nhử cho địch vào thế bất ngờ, không kịp đối phó".

Nhưng đoàn thuyền của nhà vua vừa đến cửa Hoàn Hải, thì bỗng đâu mây đen kéo đến, trời đất tối sẫm. Rồi trong phút chốc, mưa to gió lớn, sóng biển dâng lên cuồn cuộn. Thuyền ngự, thuyền chiến, thảy đều nghiêng ngả chòng chành, không thể tiến lên được. Bất đắc dĩ, Lý Thánh Tông phải cho các thuyền tạm lánh vào cửa sông, neo đậu lại ở một bên bờ khuất gió.

Đêm ấy, trong thuyền ngự, nhà vua đang ngủ mơ màng, bỗng thấy một người con gái không biết từ đâu hiện ra, lại bước lên thuyền rồi tiến đến trước mặt ...

Nhà vua ngồi dậy để tiếp đón. Người con gái ước chừng 20 tuổi, nét mặt thanh thú, dáng điệu dịu dàng, trông chẳng khác nào một tiên nga, nhưng ăn vận lại giản dị, quần xanh áo trắng và không trang điểm gì. Nhà vua hơi có vẻ ngỡ ngàng, chưa biết phải xử trí thế nào, thì người con gái ấy đã nói:

- Tôi là linh khí của cõi đất ở nước Nam này. Tuy sinh ra từ đất, nhưng hồn lại lơ lửng trên cao, ở giữa chốn rừng xanh bạt ngàn. Thế rồi, bỗng đâu con tạo xoay vần, nay hồn tôi chơi vơi ở nơi sóng nước. Bệ hạ bây giờ hãy cho người đưa tôi lên thuyền, lần xuất chinh này có tôi âm phù, thế nào cũng toàn thắng.

Lý Thánh Tông im lặng lắng nghe, một tay đỡ lên cằm, như cử chỉ quen thuộc lâu nay mỗi khi Ngài gặp điều gì khó xử. quả thực, tuy đã nghe rõ, nhưng Ngài vẫn chưa hình dung ra nổi sự thể như thế nào. Ngài nhíu trán lại để suy nghĩ, nhưng ngay lập tức, đã thấy người con gái ấy vụt biến đi ngay.

Ngài thấy bàng hoàng cả người, bèn cho gọi ngay Tăng Thống Huệ Lâm lại thuyền để hỏi han nguyên cớ, tức là để "giải mộng" cho Ngài.

Nhà sư Huệ Lâm vốn nổi tiếng là một Đại sư thông tuệ, uyên bác, từ lâu được vua vời vào tham dự triều chính và phong chức "Tăng Thống", nay theo đi đánh dẹp cũng ví như là chỗ dựa tinh thần của Ngài vậy.

Sau khi nghe Lý Thánh Tông thuật lại giấc mộng, Tăng thống Huệ Lâm nói:

- Thần nói hồn ở trên cao, giữa chốn rừng xanh, chắc là hồn đã nhập vào thân cây cổ thụ. Lại nói nay hồn chơi vơi ở nơi sóng nước, thì tức la cây đã bị bão lớn đánh bậc gốc, hiên đang trôi nổi dập dềnh nhưng cũng chỉ quanh quẩn đâu đây, nên thần mới về để báo mộng. sáng sớm mai Bệ hạ hãy cho quân lính mang thuyền nhỏ đi tìm, ắt là sẽ tìm thấy thần.

Quả nhiên, đúng như lời Tăng thống nói, sáng hôm sau quân lính đi thuyền tìm thấy một thân cây cổ thụ có hình dáng và kích thước trông bề ngoài rất giống hình người, bèn đưa lại trình nhà vua. Lý Thánh Tông cả mừng, sai vớt lên bàn đặt trước thuyền ngự, rồi mời tăng thống Huệ Lâm đến thắp hương dâng lễ vật và tụng kinh cầu nguyện. Bài vị thờ thần ghi rõ là: "Hậu thổ phu nhân", theo như lệnh của nhà vua.

Sau khi cúng thần xong, mọi người thấy tự nhiên trời quang mây tạnh, sóng yên biển lặng. Lý Thánh Tông bèn hạ lệnh cho quân sĩ lên đường. Lạ thay, lúc ấy không có gíó thổi, vậy mà tất cả các thuyền đều lướt sóng băng băng.

Khi đỗ bộ lên đất Chiêm Thành, đại tướng tiên phong Lý Thường Kiệt đã dẫn đại quân xuất kỳ bất ý, đánh thẳng vào trại lớn của đối phương, nơi hành dinh của vua Chiêm Thành Chế Củ.

Đã tưởng quân Đại Việt rút cả về rồi, nên sau đó Chế Củ không cho phòng bị gì, vì vậy, chỉ sau một đợt chống cự yếu ớt, đã phải đầu hàng.

Chế Củ bị bắt, khi giải đến trước mặt Lý Thánh Tông, để chuộc khỏi tội chết, đã phải cất đất xin dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, và Bố Chính ...

Quân Đại Việt hoàn toàn thắng lợi, trở về vào tháng 6 năm ấy. Khi đoàn thuyền đến cửa Hoàn Hải, Lý Thánh Tông hạ lệnh cho dừng lại, bảo các thuyền ghé vào bến cũ neo đậu như lần trước.

Ý của nhà vua là muốn tổ chức ở đây một bữa tiệc để khao thưởng quân sĩ và dân chúng, đồng thời nhà vua sẽ dâng cỗ Thái lao (trâu, dê, lợn, mỗi thứ một con) để hậu tạ "hậu tổ phu nhân", rồi sau đó sẽ lập đền thờ thần vĩnh viễn ở đây. Thế nhưng, nhà vua chỉ vừa mới ban lệnh đó ra, đã thấy đất trời tối sẫm, rồi mưa to gió lớn đùng đùng, hiện tượng kỳ lạ hệt như lần trước.

Tăng thống Huệ Lâm thấy thế tâu rằng:

- Linh khí cõi đất của cả nước Nam này, tất phải được thờ ở chốn Kinh đô . vậy xin Bệ hạ hãy xuống lệnh cho rước thần về Thăng Long, để xứng đáng với địa vị cao quý của thần, rồi sẽ lập đền thờ sau vậy.

Lý Thánh Tông cho lời tâu ấy là phải, bèn ra lệnh bảo quân sĩ cứ giết mổ gia súc để tế thần ở nơi đã tìm thấy lần trước, rồi sau đó mọi người sẽ ăn mừng, còn chưa tổ chức lập đền thờ thần vội.

Lạ thay, khi lệnh ấy vừa ban ra, đã thấy trời quang mây tạnh trở lại.

Về tới Kinh đô , nhà vua sai chọn một khu đất cao ráo ở làng An Lăng (tức làng Láng) ven kinh thành, để làm nơi lập đền thờ Thần.

Đền đài nguy nga, tráng lệ. Tượng thần đặt trên ngai, được tạc lại chính từ gốc cây cổ thụ có hình dáng người đã tìm thấy ở cửa Hoàn hải khi trước. Từ mặt mũi cho đến hình dáng, trang phục của thần, đều giống y như người con gái mà nhà vua đã mộng thấy trong thuyền ngự khi tránh mưa bão trước đây.

Đền rất thiêng. Đầu năm mới nào nhà vua cũng cử quan đại thần đến để làm lễ quốc tế. Năm nào dân chúng làm ăn cũng thấy được mùa, sản vật trong nước dồi dào. Những khi hạn hán hay sâu bệnh, đến cầu đến cầu đảo cũng đều ứng nghiệm cả.

Ấy vậy mà, có kẻ bán bổ lại dám bảo thần chỉ là một khúc gỗ trôi được vớt lên thôi, vì vậy, đã phải chuốc lấy tai vạ. Tuy thần chẳng chấp những lời ấy, nhưng lệnh của nhà vua, và sau đó là lệnh của bà Ỷ Lan nhiếp chính, vốn là người cũng rất sùng lễ bái, nhưng lại có gan giết Dương Thái Hậu và 76 cung nữ vô tội, đã ban ra phạt rất nặng những người dám báng bổ này.

Đến thời Lý Anh Tông trị vì (1138 - 1175), khi ấy ngôi đền xây cất đã được trọn một trăm năm, trong nước xảy ra hạn hán lớn. Quần thần xin với nhà vua lập đàn Nam giao để tế trời, đồng thời với tế thần "Hậu thổ phu nhân" ở đền An Lăng, gọi là "phối thờ", "hợp tế".

Quả nhiên, sau đó được trận mưa to, lúa má hoa màu tươi tốt, dân chúng hồ hởi, vui mừng ... Vua Lý Anh Tông bèn gia phong cho thần thêm chữ "đại", gọi là "hậu thổ đại phu nhân".

Đến triều Trần, thần lại còn được trọng vọng hơn nữa. Năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) đời Trần Nhân Tông, phong thần là " Hậu thổ thần địa kỳ nguyên quân". Năm Hưng Long 21 đời Trần Anh Tông, gia phong thêm bốn chữ "Ứng thiên hóa dục". Còn tục lệ thờ cúng thần thì vẫn y theo như từ triều Lý: Đến tiết lập xuân, cùng với lễ quốc tế, đều "phải đem một con trâu bằng đất nặn, để ở dưới đền thờ thần" (lệnh có từ thời Lý Anh Tông).



(st)