Ông Thần nước
23/05/2007


Tìm mạch nước bằng đũa L
(ANTG) Không hiểu có bí quyết gì, chỉ sau vài giây cầm hai que sắt, mỗi que dài 60cm uốn theo hình chữ L, ông Hòang có thể xác định chính xác chỗ nào có mạch nước ngầm hay không. Người dân Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An tôn ông là “Thần nước” và nhờ ông mà hàng nghìn người đã có nước để dùng. THUẦN VIỆT (Theo báo An Ninh Thế Giới - số 497 – ngày 22.10.2005



ÔNG “THẦN NƯỚC “Ở XỨ NGHỆ CHỈ VỚI ĐÔI QUE SẮT
Không giống như các nhà khoa học khi đi tìm nguồn nước, họ phải xác định địa tầng, địa chất, rồi bản đồ nọ bản đồ kia. Với ông, tất cả đồ nghề chỉ có 2 que sắt.Đôi que sắt này như được gắn mắt thần nhìn xuyên thấu lòng đất. Gần như ông chỉ trăm chỗ trăm trúng. Người dân xã Quỳnh Giang hẳn vẫn chưa quên đợt hạn hán đầu mùa vừa qua. Ruộng đồng thì khô cháy, giếng nước cạn kiệt, hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh thiếu nước sinh họat. Rất may là các gia đình có ông “Thần nước” nên tránh được cảnh xếp hàng đi mua nước. Anh Tường ở cùng xóm với ông có một giếng khơi, nhưng vì hạn hán đã cạn trơ đáy, phải mua nước máy để dùng. Nhưng còn nước cho chăn nuôi, anh không thể bỏ tiền ra để mua mãi được. Anh mới đến nhờ ông Hòang sang tìm giúp mạch nước. Sau vài giây đôi que sắt của ông Hòang đã chỉ đúng mạch nước nằm ở phía sau nhà anh. Và anh đào sâu 5m là mạch nước đã túa ra. Gia đình anh dùng cả vụ vừa rồi giếng vẫn không hết nước.
Thấy anh Tường đào giếng có nước, ông Thường hàng xóm của anh cũng tự đào một cái giếng, đào sâu 8-9m mà chẳng thấy có nước.Ông Thường lại sang cầu cứu ông “Thần nước”.Ông Hòang sang dò thử, và bảo mảnh đất nhà ông không có mạch nước,đừng đào giếng nữa phí công. Cha con ông Thường thấy ông Hòang bảo vậy chưa tin, vẫn quyết định đào thêm một giếng nữa cách chỗ cũ vài mét. Và kết quả cũng như lần trước. Nhiều người ở xã Quỳnh Giang cho rằng, chẳng qua ông Hòang ăn may chỉ đúng mạch nước, chứ chẳng có khả năng gì. Như trường hợp nhà ông Huân, nhà ông có giếng khơi trong và mát nhất làng.Ông Huân luôn tự hào với dân làng là giếng nhà ông không bao giờ hết nước và ông chẳng cần ai tìm giúp, vẫn có thể đào được giếng khác đầy nước. Niềm tự hào của ông kéo dài chẳng được bao lâu, năm nay hạn hán giếng nhà ông cũng hết sạch nước. Hai tháng đầu mùa hè, ông Huân phải mua 5 téc nước.Đợi mãi giếng vẫn chưa có nước mà tiền bỏ ra mua nước ngày một nhiều. Cuối cùng ông Huân cũng phải sang “rước” ông Hòang về nhà. Và cũng chỉ sau vài giây ông Hòang bảo mạch nước ở chỗ cũ vẫn còn nhiều. Quả như lời ông Hòang bảo, ông Huân đào thêm 3m ở cái giếng cũ, nước lại đùn lên. Giờ giếng nước của ông Huân luôn đầy và trong mát như xưa.
Đến nay, ông Hòang cũng chỉ nhớ mình đã tìm mạch nước cho bao nhiêu gia đình ở huyện Quỳnh Lưu.Ông kể, năm 1999 có một ông lão làm công tác từ thiện ở huyện đến nhờ ông đến trại phong Quỳnh Lập tìm giúp mạch nước. Vì hàng năm nay trại phong thiếu nước dùng. Nghe xong ông Hòang đến ngay, có điều ông dò cả ngày mà không tìm ra mạch nước. Sang ngày thứ hai, ông Hòang quyết định tìm mạch cách xa trại phong vài trăm mét. Và ông tìm thấy một mạch nước nằm trên sườn đồi.Ông Hòang bảo: Tìm được mạch nước ở xa trại phong mà tôi cứ áy náy mãi vì mọi người phải đi xa mới lấy được nước”. Tiếng lành đồn xa, người dân ở khắp nơi nghe tiếng ông “Thần nước” họ kéo đến nhờ ông. Có chuyến ông phải vượt hàng trăm kilômét đến tận xã Hương Thọ, huyện Huơng Khê (Hà Tĩnh) để dò mạch nước. Quả không hổ danh, ông đã tìm được một mạch nước lớn trong lòng núi đá giúp cả xã Hương Thọ dùng không xuể.

QÚA TRÌNH HÀNH NGHỀ
Sinh năm 1939, năm nay ông Hòang đã gần ở cái tuổi thất thập, dáng người ông nhỏ thó, nước da ngăm ngăm đen, cái trán nhẵn bóng. Nhìn ông người ta có cảm giác thời gian đã bỏ quên ông suốt cả 10 năm.Ông nhẹ nhàng mở tủ, lấy đôi que sắt dài khỏang 60 phân, uốn hình chữ L ra cho tôi xem. Với người khác đôi que sắt này cũng cũng chỉ là sắt mà thôi, còn đối với ông Hòang nó lại là “bảo bối”. Hai tay vừa chạm đôi que sắt, và đưa lên ngang người, sau 15 giây nó động đậy và cùng chỉ quay về huớng sau nhà ông. Thọat nhìn ông cầm đôi que sắt, tôi có cảm giác như ông dùng tay để di chuyển chúng. Thấy vậy tôi và anh bạn đồng nghiệp cũng cầm thử đôi que sắt, nhưng nó không nhúc nhích. Nhìn chúng tôi, ông Hòang cười:”Khi cầm đôi que sắt tôi thấy như có một luồng điện chạy trong người rồi chuyền đến hai que sắt. Rồi chúng di chuyển đến đâu là chỗ đó có mạch nuớc. Còn đôi que sắt không di chuyển là chỗ đó không có nước mô”.
Vừa nói dứt lời, ông Hòang liền dẫn chúng tôi ra chiếc giếng khơi đằng sau nhà thử.Ông cầm đôi que sắt đứng trước,đứng sau, quay trái, quay phải nó đều chỉ về phía giếng khơi. “Làm giếng khơi sau nhà không cảm thấy bất tiện sau”, tôi thắc mắc.Ông lại cười hóm hỉnh: “Vì chuyện này mà trước đây tôi và vợ con đã xảy ra trận “khẩu chiến” kéo dài hai tháng trời. Chẳng là cách đây 7 năm, cái giếng khơi trước nhà ông tự dưng hết nước. Vợ con ông thì đòi đào ngay một cái giếng ở cạnh cái giếng cũ cho tiện.Ông lại bảo đào ở sau nhà, vì ông có dò thử, trước sân nhà không có mạch nước ngầm. Vợ con ông phản đối cũng có lý vì nhà tắm, bể nước và công trình phụ đều làm ở trước sân, nay đào giếng ra phía sau nhà vừa tốn tiền xây nhà tắm mới lại vừ bất tiện. Hơn nữa, phải phá tường rào vừa xây cũng tốn khối tiền.Ông phải thuyết phục mãi vợ con ông mới đồng ý… Và quả như lời ông bảo, tốp thợ đào sâu được 5m thì nước ngầm đã trào lên. Gia đình suốt từ đó đến nay mà nước giếng không bao giờ cạn.
Thực ra “nghề” tìm mạch nước ngầm là do ông bố ông truyền lại. Bố ông tên là TRẦN TRẠCH sinh được hai người con ở đất Quỳnh Lưu.Theo lời ông kể, đợt hạn hán năm 1945 là khắc nghiệt nhất ở xứ nghệ, hệ thống ao hồ bị cạn kiệt mà nữa năm ông trời chẳng mưa khiến cây cối héo hon, gia súc, gia cầm chết hàng lọat. Con người cũng sống dỡ chết dỡ vì thiếu nước. Khi ấy ông Hòang còn là một cậu bé để chỏm, học hành rất sáng dạ. Hàng ngày Bố ông hay cho đi theo để tìm mạch nước. Khi ấy Bố ông dùng 10 đồng tiền trinh xâu lại với nhau bằng một sợi dây bả dài khỏang hơn mét.Ông Trạch buộc sợi dây bả vào cổ tay, một đầu buộc vào xâu đồng tiền rồi thòng xuống gần chạm mặt đất. Muốn tìm mạch nước phải đi chân đất, đi theo con đường chéo trên mảnh đất cần tìm, hễ chuỗi đồng tiền đó đung đưa về phía nào là phía đó có nước. Lúc đầu, mọi người chẳng ai tin Bố con ông làm được việc đó. Họ bảo Bố con ông là đồ dở hơi. Dò mãi, dò mãi cuối cùng ông Trạch cũng tìm được mạch nước ngầm ở sát chân núi đá thuộc địa phận nhà máy Ximăng Hòang Mai bây giờ. Nhờ vậy mà hàng nghìn người dân nơi đây thóat khỏi cơn đại hạn.Ông Hòang bảo, tôi cũng không biết Bố tôi học cách tìm mạch nước ngầm ở mô. Chứ chuyện tìm ra mạch nước ngầm ở chân núi đá Hòang Mai đến giờ vẫn có các cụ cao niên trong vùng còn sống làm chứng .
Từ đó, ông Hòang âm thầm thử nghiệm và tìm mạch nước giúp bà con. Cạnh ngôi làng ông ở có một núi đá. Dưới chân núi có vài chỗ bị khóet sâu để khai thác lộ ra một số mạch nước, sau đó lại bị đất và đá lấp kín lại.Ông lấy chỗ này làm nơi thử nghiệm rồi so sánh với mạch nước tại đây mà ông thấy tận mắt trước đó.Ông là người sáng dạ, nên khi Bố mất, ông đã nắm được “bí quyết” của nghề. Người anh trai của ông là Trần Thanh Đạt cũng biết làm nghề này, nhưng nay ông Đạt đã mất. Trong quá trình tìm kiếm ông đã nghĩ ra được cách tìm mạch nước mới bằng cách sử dụng đồng điện tử tìm mạch nước ngầm, cũng giống như cách sử dụng xâu đồng tiền. Khi đồng hồ đung đưa là ngay tại đó có mạch nước.
Hai năm trở lại đây, ông lại sáng tạo ra cách tìm mới, nhanh hơn và cũng chính xác hơn – đó là sử dụng hai que sắt như bây giờ… Thấy ông làm được, rất nhiều người tìm đến học nghề.Ông cũng nhiệt tình bảo ban họ, nhưng hầu như không ai làm được.Ông Hòang nói : “Tôi chẳng giấu nghề làm chi.Có điều không phải người nào cũng làm được, ngay cả mấy đứa con trai của tôi cũng vậy. Phải chăng cơ thể ông Hòang có điều gì đặc biệt tác động vào que sắt để tìm ra mạch nước ngầm? Điều này chưa ai khẳng định, nhưng việc làm của ông đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân ở địa phương.
Chúng tôi cũng mong nhận được những lý giải từ phía các nhà khoa học về hiện tượng này.


THUẦN VIỆT (Theo báo An Ninh Thế Giới)