Vừa đọc được một đoạn thấy cũng hay trong cuốn "Đạo lý thực nghiệm 1" trong tủ sách TTH, xin trích dẫn cho mọi người cùng đọc.


THỜ PHƯỢNG - CÚNG KIẾN

Đạo đức không buộc ai thờ phượng cúng tế. Ai muốn thờ thì thờ, không thờ thì thôi. Đạo chỉ bắt buộc con người phải làm việc lành, lánh việc dữ, rửa lòng cho trong sạch.
Trái lại luật Tôn-giáo buộc con người thờ phượng, cúng kiến. Thờ phượng có hai ý nghĩa: trước là tỏ dấu biết ơn, hai là để bắt chước gương lành.
Ta phải thờ Trời, thờ Phật, thờ ông bà cha mẹ, bởi vì các đấng ấy có công sanh sản Linh hồn ta, xác thịt ta và dìu dắt ta vào đường chánh giáo. Nếu ta không thờ phượng thì ta là người vong ân bội nghĩa. Song có hai cách thờ phượng: một là thờ trong lòng, hai là thờ có tỏ lộ ra bề ngoài. Người biết Đạo rồi thì thường thờ ở trong lòng, còn phần đông thiên hạ, khi muốn thờ thì phải cất chùa, nhà thờ, lập miễu, dựng trang, lên tượng, v.v…
Vì cớ đó mới xảy ra sự chê bai, kích bác lẫn nhau, do các tín đồ theo tôn giáo khác nhau. Những người thờ phượng có phô bày ra bề ngoài thì nói những người không làm vậy là không biết tôn kính, không có lòng thành. Còn những người thờ trong lòng thì chê người thờ hình tượng là dị đoan, mê tín, vì hữu hình hữu hoại. Những hình tượng do mình tạo ra rồi mình vái lạy, tôn kính, thờ phượng là trái với Đạo lý, v.v. . .
Nhưng mỗi cách thờ phượng, có một sự ích lợi riêng của nó, Hình vẽ, tượng, trang thờ, bàn thờ là những vật cụ thể ở trước mắt ta, mỗi ngày vô ra ta đều nhìn thấy, nó giúp cho ta nhớ đến Trời, Phật, Chúa, Tiên, ông bà v.v. . . Ta nhớ đến công đức và ân huệ của các Ngài đã giúp đời. Ta nhớ đến tánh vị tha, lòng từ bi, bác ái của các Ngài để bắt chước theo. Nó nhắc cho ta khỏi quên các đấng ta tôn kính, thờ phượng. Như thế chỉ hữu ích chớ không có hại.
Rồi đến một ngày kia, khi chẳng có những vật thờ phượng trước mắt mà họ vẫn nhớ đến các đấng đáng kính ấy, thì họ đã đi khá xa trên đường Đạo đức.
Còn người nào không tạo lập những nơi thờ phượng, không có hình tượng mà vẫn bền lòng trì chí tu hành, tham thiền nhập định, tập luyện hạnh kiểm, thành kính các đấng Chí Tôn nơi lòng, thì cũng vẫn được tiến hóa trên đường Đạo vậy.
Thờ phượng là một việc rất tốt, nhưng phải hiểu ý nghĩa của sự thờ phượng mới tránh khỏi sự mê tín dị đoan. Cúng tế cũng vậy.
Tỷ như vào chùa cúng Phật, cầm một bó hoa để trên bàn Phật hay cắm một cây nhang trong lư hương, đó là tỏ dấu biết ơn Phật, đã ra công khó chỉ tám đường chánh cho con người tu hành để mau thoát khỏi biển trầm luân khổ não, chớ không phải vào lạy Phật, đem dâng lễ vật cúng dường cho Phật thì Phật ban ân huệ cho mình được giàu có, chức trọng quyền cao, cùng là hết bệnh hoạn, còn không cúng Phật thì Phật không thương xót. Vào nhà thờ dâng lễ Chúa cũng với tấm lòng thành biết ơn Chúa.
Nếu thờ phượng cúng kiến Trời, Phật, Chúa với ý tưởng đổi chác thấp kém là làm mất phẩm giá các Ngài, vì ta còn mong các Ngài ăn của hối lộ, tưởng lầm là có cúng kiến thì các Ngài mới cứu độ ta.
Sự thật thì Trời, Phật, Chúa, Tiên, Thánh luôn luôn vô tư, từ bi bác ái, không vì lẽ có thờ phượng cúng tế mà giáng phước, cũng không vì thất lễ mà gieo họa. Người trần còn tham lam, ích kỷ, vị tình, vị nghĩa, thù hận nhỏ nhen, rồi tưởng Trời, Phật cũng có lúc vui, lúc buồn, lúc giân, lúc ghét, lúc thương, đủ thất tình lục dục như mình, mới bày ra cúng tế linh đình để cầu phúc, tránh họa.
Không phải dâng lễ vật nhiều mà được phước lớn, còn lễ ít thì phước nhỏ. Cao quí chỉ ở chỗ có lòng thành kính mà thôi. Nhưng nếu mình cúng tế luôn mà cứ làm quấy, làm ác, thì Trời Phật nào cứu độ qua khỏi nạn tai được.
Luật Nhân Quả không bao giờ sai lầm, hễ làm lành thì được phước, làm dữ thì mắc họa. Trời, Phật, Tiên, Thánh không có thưởng, cũng không phạt ai, họa phước xảy đến là tùy theo hành động, lời nói, hay tư tưởng của ta từ nhiều kiếp trước cho đến bây giờ; không ai đền tội thế cho ta được, mà cũng không ai có quyền xá bỏ tội lỗi của ta.
Thờ phượng ông bà là để ghi nhớ ơn tổ tông của mình đã ra công khó nhọc tạo ra sự nghiệp, truyền lại cho mình. Nếu không có ông bà cha mẹ thì đâu có xác thân nầy đây, nên ta nhớ ơn, đó là ý nghĩa chính của sự thờ phượng, chớ không phải thờ phượng để tới ngày cúng giỗ thì ông bà mình hiện hồn về hưởng lễ vật cúng tế, còn không cúng kiến mỗi ngày thì hồn ông bà mình ở âm-phủ bị đói khát, như người ta hiểu lầm.
Người xưa bày ra lục lệ cúng kiến Tổ Tiên ông bà vào ngày giỗ, ngày Tết, là cố ý bắt buộc con cháu, đến ngày đó đều tựu về đông đủ, trước hết là để sum hiệp với nhau, thêm tình thân mật, sau để nghe người trưởng tộc, hay những người lớn tuổi nhắc nhở lại những công đức, các tài năng của ông bà, nhờ đó con cháu mới giữ tròn được tiết tháo của ông cha, chớ người chết đâu còn xác thân mà ăn uống như chúng ta.
Vậy sự cúng kiến là một cách tỏ lòng nhớ ơn những người mà mình tôn trọng kính mến, chớ không phải lo lót, hối lộ để khỏi tội và gặp phước, vì ý nghĩ đó còn tham lam, ích kỷ quá, cũng không phải sợ hồn ông bà đói khát ở cõi Trung-giới.
Nếu ai dùng thần nhãn để nhìn xem và nghiên cứu các cuộc tế lễ trang nghiêm, trọng đại, sẽ thấy hiện ra màu sắc rực rỡ, một thần lực mạnh mẽ vô cùng, nhất là lễ tế Trời, tế Nam-giao. . . .
Những người đến dự lễ đều có những tư tưởng phức tạp, xen lẫn thành kính, sợ sệt, quí mến, tin cậy đấng mà họ cúng tế đó, (như Trời Đất, ông Thần, Thành Hoàng, ông Quan Công, bà Chúa Xứ vân vân. . . .) với những ý muốn nhờ các Ngài cứu độ cho tai qua, nạn khỏi, phước lành đem đến, họa dữ tống đi, hầu hết là những tư tưởng ích kỷ, tham lam, không cao thượng. Nhưng lần lần, nhờ các lời dạy dỗ của các vị Giáo-Chủ, những vị chơn tu soạn ra những bài cầu nguyện mẫu mực đúng đắn, khiến cho người dự lễ nhiễm được ý niệm vị tha, chẳng những cầu xin cho mình được hưởng phước mà luôn cả dòng họ, người sống cũng như người chết cho đến tất cả thiên hạ đều được hưởng ân lành. Các dân tộc dã man, nhờ ánh sáng văn minh, nên cũng hủy bỏ tục giết đồng nam, đồng nữ để tế thần-linh. Nhờ đó, các cuộc cúng tế có ý nghĩa tốt đẹp hơn xưa.
Trong một cuộc cúng tế, dầu lớn hay nhỏ, dầu chánh đáng hay có tính cách dị đoan, cũng có hiện ra một thần lực mạnh mẽ, vì có sự tập trung tư tưởng, nhơn dịp nầy các vị Phúc thần, các vị Tiên Thánh sẽ dùng sức mạnh đó để ban rải ân huệ ra khắp nơi, thúc đẩy nhơn loại làm lành, lánh dữ, mến Đạo, thương người.

THẮP NHANG - THẮP ĐÈN

Tại sao trong lúc cúng kiếng phải thắp nhang, đèn? Không ai buộc phải thắp nhang đèn lúc cúng tế. Song le, tục lệ đó đã có lâu đời rồi và cũng không ai rõ lý do. Khi thấy nơi nào có đốt nhang là nơi đó chắc có sự cầu nguyện, vái van. Nếu có nhang thơm hay xông trầm tức thì mùi thơm làm tan khí trược, như thế chỗ mình thờ phượng hoặc cúng tế được tinh khiết, không còn hôi hám. Nên đốt nhang trầm, nhang thơm mới tốt, chớ nhang thường, không mùi thơm thì đốt đã tốn tiền mà không ích lợi gì. Nhưng nhiều người nói đã quen thấy cây nhang cháy thắp trên bàn thờ, nếu ngày nào không có đốt nhang thì lòng buồn bực, bâng khuâng, nên dầu nghèo nàn, cũng phải nhín tiền mua nhang để thắp. Để bàn thờ hương tàn khói lạnh thì chịu không được.
Người già cả xưa thường nói: ban ngày ở dương gian là ban đêm ở âm phủ, nên đốt đèn trong lúc cúng tế ban ngày. Nhưng chúng ta có thể hiểu nghĩa bóng như vầy: ánh sáng giọi ra thì bóng tối tan đi, cũng như Chơn lý đến thì sự dốt nát mê muội tiêu mất; cái đèn là hình bóng của Chơn lý. Cúng kiến mà thắp đèn là trong sự cúng kiến có Chơn lý.

TẠI SAO THẮP NHANG MỘT CÂY HOẶC BA CÂY
(mà không thắp 2 cây)

Thắp một cây nhang là để tượng trưng hình bóng của Đức Thượng Đế. Ngài là Đấng độc nhất vô nhị. Còn ba cây là hình bóng BA NGÔI của Đức Thượng Đế.
Đạo Thiên Chúa gọi là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.
Bà-la-môn thì Brahma, Vishnu và Siva.
Thông-Thiên-Học thì gọi là 1er Logos, 2e Logos, 3e Logos (Ngôi thứ nhứt, Ngôi thứ nhì và Ngôi thứ ba).
Phật Giáo thì có Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng.
Nho Giáo thì có ba Nguyên Lý chánh: Thái Cực, Lưỡng Nghi và Tứ Tượng. Tam-Tài là Thiên, Địa, Nhơn. Tam Quang: Nhựt, Nguyệt, Tinh. Số 3 là một con số thiêng liêng.