Khám phá bí ẩn nhà có mái hình mai rùa
07/05/2010 0623

- Trống đồng Ngọc Lũ và sử thi Đẻ đất đẻ nước đều phản ánh một sự thật về nhà mái vòm khum khum như mai rùa trong thời tiền sử. Điều đó càng củng cố niềm tin của chúng ta về một nguồn gốc chung của người Việt và người Mường từ thời đại Hùng Vương dựng nước.

Từ sử thi Đẻ đất đẻ nước


Trong sử thi Đẻ đất đẻ nước của người Mường có một đoạn nói về con rùa bày cho Thủ lĩnh Lang Cun Cần cách làm nhà để ở: "Bốn chân là bốn cột cái, cái mai là mái nhà, xương sống là đòn nóc, xương sườn là rui, miệng là cửa ra vào ở phía trước, đuôi là cửa ra vào ở phía sau...".

Truyền thuyết trên đây phản ánh một thực tế thời tiền sử: Những cư dân Việt - Mường cổ đã nhìn vào con rùa mà nghĩ ra cách làm mái nhà che mưa che nắng. Nhưng nếu như thế thì nhà sàn thời tiền sử phải có mái khum khum hình mai rùa, cửa ra vào phải ở phía trước và phía sau theo chiều dọc của nhà chứ không phải nhà sàn mái nhọn có bờ nóc như hiện nay.


Bề mặt trống đồng Ngọc Lũ (trong đó hình 1 là nhà mái khum như mai rùa và hình 2 là nhà mái nhọn có bờ nóc).


Tuy nhiên, ngày nay chúng ta đi khắp đất nước, tất cả các loại nhà sàn của các dân tộc từ phía Bắc vào phía Nam đều chỉ thấy nhà mái nhọn có bờ nóc chứ không thấy nhà sàn có mái khum khum như mai rùa.

Hai loại nhà sàn trên trống đồng Ngọc Lũ

Để ý trên bề mặt trống đồng Ngọc Lũ chúng ta thấy thể hiện bốn căn nhà sàn, trong đó có hai căn nhà mái vòm, được người xưa khắc họa theo lối trắc diện (tức mặt cắt - pro fill), vì vậy vừa nhìn thấy cột nhà, mái nhà, hai bên vách phía trong nhà và cả người đứng bên trong.

Nhìn mặt cắt ngang của nhà, ta thấy rất giống hình cắt ngang của con rùa, trên nóc là mai rùa khum khum. Hai bên vách cũng không thẳng đứng mà nghiêng về phía trong. Dưới bụng cũng hơi võng xuống như yếm rùa.

Còn loại nhà thứ hai được khắc họa theo lối trắc diện dọc: Hai đầu hồi có đầu đao cong vút lên. Trên nóc nhà là hình con chim đang đậu. Ngôi nhà sàn này gần giống như các nhà sàn ở miền núi hiện nay, tức là loại nhà mái nhọn có bờ nóc. Đối diện phía bên kia tâm trống cũng có một ngôi nhà thứ hai như thế.

Như vậy, trên bề mặt trống đồng Ngọc Lũ có bốn ngôi nhà: Hai ngôi nhà mái khum khum kiểu mai rùa và hai ngôi nhà mái dốc giống các ngôi nhà sàn hiện nay.

Từ những điều trên đây có thể nhận định: Thoạt đầu, con người làm nhà mái khum theo lối mai rùa; Dần dần, người ta thấy rằng làm nhà mái khum do độ dốc mái không lớn, dễ bị dột, nên người ta đã cải tiến làm nhà mái nhọn có bờ nóc.

Trường hợp này, mái nhà sẽ dốc hơn, đỡ bị dột hơn. Trên trống đồng Ngọc Lũ số nhà mái khum và mái nhọn như nhau chứng tỏ rằng đây là thời kỳ mà trong cộng đồng cả hai loại nhà cùng song song tồn tại. Niên đại của trống đồng Ngọc Lũ là 2.500 năm cách ngày nay, tức nằm trong khoảng niên đại của thời kỳ Hùng Vương.

Như vậy là vào thời kỳ Hùng Vương, trên đất nước ta phổ biến hai loại nhà sàn mái khum và mái nhọn; Trải qua hàng ngàn năm, nhà mái nhọn có bờ nóc ưu việt hơn, chiếm ưu thế. Nhà mái khum giảm dần, sau đó mất hẳn. Ngày nay, dấu vết còn sót lại của chúng là các mui thuyền. Mui thuyền nào cũng có hình khum khum như mai rùa. Nhà sàn của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày nay cũng thường mở cửa lên xuống ở đầu hồi, đây cũng là dấu vết của kiểu nhà hình mai rùa ngày xưa, tức là trổ cửa theo chiều dọc nhà.

Phan Duy Kha