Căng thẳng vì học, lại bầm dập người vì cúng đuổi ma
10/05/2010 0652
-"Nhiều học sinh do chịu sức ép học tập nhiều quá, bị rối loạn tâm thần nhưng bố mẹ lại cho rằng con mình bị ma làm nên mời thầy cúng đến cúng bái, khiến con trở thành nạn nhân của cuộc chiến đuổi tà ma".




"Khi con có biểu hiện của rối loạn do học nhiều, bố mẹ lại không tin con mình bị tâm thầm. Gia đình tự đi mua thuốc về cho con dùng, cúng bái linh đình, uống thuốc nam, bùa chú… đến khi không thể cứu vãn được mới đưa con vào viện thì bệnh của các cháu đã nặng." - Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần - viện thường xuyên tiếp nhận các cháu bị rối loạn sức khỏe tâm thần chia sẻ.

Là con bác sĩ mà vẫn bị thuê thầy cúng đốt tiền đuổi ma

V.T.Ng. (15 tuổi, Quảng Ninh) vừa học giỏi vừa xinh gái. Mặc dù chỉ học lớp 10 nhưng Ng. đã đi ôn thi lớp 12 chuẩn bị cho việc vào đại học của mình.

Gia đình có bố làm bác sĩ, cũng có của ăn, của để nên việc chính của Ng. là học. Hàng ngày, bố mẹ luôn tạo ra cho Ng. một ánh hào quang, biết mình là niềm tự hào của rất nhiều người nên Ng. dành tất cả thời gian cho việc học.

Ng. không chơi bời, không nói chuyện, tiếp xúc với ai, ở trường về nhà lại đóng cửa, một mình trong phòng học. Bố mẹ em cách ly em hoàn toàn với xã hội bên ngoài.

Những lần không làm được bài cô giáo giao là Ng. cảm thấy bị sốc. Lâu dần, em bị mất ngủ, khóc khóc, cười cười.

Mặc dù, bố Ng. làm bác sĩ nhưng lại không tin con mình bị tâm thần. Cả nhà ai cũng cho là em bị ma làm nên quyết định mời thầy cúng về lễ bái trừ tà ma.

Thầy cúng đã dùng gậy đánh thâm tím cả mặt mày, chân tay của em. Trong khi đốt tiền để đuổi ma, thầy cúng đã làm mặt em bị bỏng nặng. Biết không thể nhờ thầy cúng chữa, gia đình mới đưa em vào Viện Sức khỏe Tâm thần. Khi đó, em đã bị thương cả thể chất lẫn tinh thần.

Mời thầy cúng về để bắt ma cho con (Ảnh minh họa)


Cũng giống trường hợp của Ng., em Nguyễn Thị D. (16 tuổi, Thanh Hóa) học rất giỏi, ngoại ngữ nói lưu loát. Gia đình D. cũng khá giả, cả nhà chỉ có mình D. đi học nên sức ép lên em ngày càng lớn.

Hai năm trước, em bị rối loạn tâm thần. Thay cho việc đưa con đi gặp bác sĩ, bố mẹ em đã mời thầy về cúng bái hết cả trăm triệu, bệnh vẫn không khỏi. Gia đình bán cả nhà đi để chữa cho em bằng thuốc tây y rồi thuốc nam y.

Hai năm ròng cúng bái, trên người D. đeo tới hơn hai mươi cái bùa, người gầy teo tóp, nằm li bì. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, bệnh của em đã quá nặng. Em phải điều trị mất hơn 50 ngày trong bệnh viện.

30% trẻ bị tâm thần là do bố mẹ

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, có tới 30 % là lỗi do bố mẹ o ép các cháu quá lớn. Là người trực tiếp điều trị cho các cháu bị hoảng loạn tâm thần, bác sĩ Dũng cho biết, bố mẹ luôn tạo ra cho con mình ánh hào quang về việc học, thế nhưng lại chỉ cho con bước tiến và chặn bước lui của con. Chính vì niềm tin của bố mẹ, các cháu cố gắng học trong khi điều kiện sinh hoạt thấp kém, không có kế hoạch học tập khoa học nên dễ bị rối loạn.



Nhiều cháu đã trở thành nạn nhân ánh hào quang bố mẹ mang lại


Đã thế, khi các cháu bị mất ngủ, mệt mỏi, không làm được bài thì thầy cô và phụ huynh lại cho rằng do các em mải chơi. Điều đó càng như thêm dầu vào lửa cho bệnh rối loạn tâm thần của trẻ.

Bác sĩ Dũng lý giải ở trẻ vị thành niên, cơ thể các cháu còn chưa ổn định về mặt sinh lý kết hợp với sức ép, điều kiện sinh hoạt thấp dễ bị rối loạn về mặt sinh hoạt như rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm xúc, hoang tưởng, rối loạn hành vi…

Phương Thúy