Chúng Sanh Trong Ba Cõi

Tiết mục:

I. Tam giới
II. Tứ sanh
III. Thất thú
IV. Sắc thân của hữu-tình
V. Thọ lượng của hữu-tình
VI. Thọ dụng của hữu-tình

Pháp tạng trích dẫn: Luận Hiển-Dương-Thánh-Giáo, Luận Câu-Xá, Kinh Giải-Thâm-Mật, Lục-Đạo-Tập, Kinh Trường-A-Hàm, Luật Tứ-Phần, Kinh Bồ-Tát-Xử-Thai, Luận Du-Già-Sư-Địa, Luận Bà-Sa, Luận A-Tỳ-Đàm, Kinh Khởi-Thế-Nhân-Bản, Luận Đại-Trí-Độ, Kinh Giảo-Lượng-Thọ-Mạng, Kinh Chánh-Pháp-Niệm.

Đề yếu: Do nghiệp sai biệt của loài hữu-tình, nên thế gian chia ra ba cõi: Dục-giới, Sắc-giới và Vô-sắc-giới. Dục-giới là nơi chúng sanh còn nhiễm năm dục lạc; Sắc-giới là nơi chúng sanh đã ly dục, nhưng còn có sắc tướng trang nghiêm của thân và cảnh; Vô-sắc-giới có thể gọi là tinh thần giới, vì nơi đây tuyệt tướng thân cảnh, người đồng bích lạc, cõi tợ hư không, duy có bốn ấm vi tế của chúng sanh. Các hữu-tình trong ba cõi chia thành bốn loại: loại sanh thai, loại sanh trứng, loại sanh nơi chỗ ẩm ướt và loại hóa sanh. Trong bốn loại nầy, y theo thứ tự cao thấp, lại có bảy nẻo: Trời, Tiên, Người, A-tu-la, Quỷ-thần, Bàng-sanh, Địa-ngục. Trong bảy nẻo, tùy theo nghiệp nhân lành dữ sai biệt, nên chúng sanh từ sắc thân, thọ lượng, cho đến sự thọ dụng, có xấu đẹp, dài ngắn, tinh thô, vui khổ không đồng. Trên đây là đại khái của sáu tiết trong bản chương.

Chúng sanh là chánh-báo, hoàn cảnh là y-báo; chánh-báo là phần chính, y-báo là phần phụ. Trong bản thiên diễn tả hữu-tình trước phần thế-giới do bởi ý nầy.