Bài viết về ý kiến của phong thủy gia: Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Các huynh đệ xem và tự nhận định.

Phong thủy gia Nguyễn Vũ Tuấn Anh: Khu vực Ba Vì không đủ "tụ khí"


Xét từ quan điểm cá nhân nghiên cứu dưới góc độ phong thủy, tôi không tán thành đưa trung tâm hành chính quốc gia vào khu vực Ba Vì.

Phần 1: Kinh Dịch có nguồn gốc từ Việt Nam?

Hiện nay dư luận đang rất quan tâm đến chuyện đặt trung tâm hành chính quốc gia về chân núi Ba Vì. Từ góc độ khoa học phong thủy, ông có thể nói gì về điều này?

Tôi có đến xem mô hình quy hoạch Hà Nội, theo cảm quan riêng - có thể rất chủ quan, vì tôi không được trực tiếp cung cấp thông tin nào cụ thể - thì với cách đặt trung tâm hành chính ở đó, có thể là người quyết định đặt ở vị trí này có tư duy về phong thủy. Đằng trước có hồ Đồng Mô, đằng sau tựa núi Ba Vì, ở giữa có khoảng đất trống, đặt trung tâm hành chính quốc gia vào đó.

Nhưng tôi e rằng, đó là kiến thức sai. Vì khu vực này khí chất rất hẹp, không đủ tụ khí. Xét từ quan điểm cá nhân nghiên cứu dưới góc độ phong thủy, tôi không tán thành đưa trung tâm hành chính quốc gia vào khu vực này.

Hầu hết các thành phố lớn trên thế giới nằm ở hữu ngạn sông nếu nhìn từ đầu nguồn xuống. Trong lý luận phong thủy của tôi, khí gặp gió thì tán, gặp thủy thì tụ. Trong sự vận động của trái đất ngược chiều kim đồng hồ, thì bên hữu ngạn sông khí tụ, bên tả ngạn thì khí tán.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Ảnh: LAD

Vậy ông có suy nghĩ gì về hướng quy hoạch cho phù hợp với khoa học phong thủy?

Từ thời điểm đặt thành Đại La đến nay đã hơn ngàn năm, khí đã tụ nhiều. Do đó tôi tán thành với quan điểm mở rộng Thủ đô. Nhưng mở như thế nào lại là chuyện khác. Tất nhiên không thể cố chấp là phải dồn mọi thứ vào khu khí tụ. Nguyên tắc căn bản nhất là phải tôn trọng sự hòa nhập với thiên nhiên cao.

Hiện nay nhiều người đòi trung tâm hành chính phải chuyển về gần Hồ Tây. Những người có kiến thức sơ sơ về phong thủy cũng đều biết là nơi gần hồ nước lớn thì đều là nơi tụ khí, âm dương hài hòa. Nhưng vùng đất đó, khí tụ đến đâu thì chưa hẳn là lấy hồ nước đó làm trọng tâm, có thể lùi lại, tiến lên, sang phải trái tùy tính toán cụ thể.

Còn những thảo luận về vấn đề trục Thăng Long - một dự án lớn của Thủ đô, ông có ý kiến như thế nào?

Khí sinh ra sự tương tác của các vật thể. Sự di chuyển vận động trên con đường tạo ra khí. Nếu con đường càng thẳng, luồng xung xát khí càng mạnh. Bởi vậy, trong phong thủy thường kiêng con đường thẳng đâm thẳng vào nhà.

Nếu mình muốn làm con đường thẳng, phải tùy vào con đường đó đâm vào đâu. Xấu tốt là quan niệm của con người, chứ bản thân thiên nhiên không có vấn đề đó. Con đường tạo ra xung xát khí, chưa hẳn là xấu. Phải xem con đường đi vào đâu, nối với cái gì thì trở thành tốt.

Tôi chưa có ý kiến cụ thể về con đường này vì chưa được xem kĩ lưỡng toàn bộ các quy hoạch xung quanh nó, và chưa thật hiểu ý đồ của người vẽ dự án.

Sẵn lòng chia sẻ "Luận tuổi Lạc Việt"

Một câu chuyện khác cũng rất thú vị là, trong dân gian hiện đang phổ biến cách tính tuổi tác để quyết định nhiều việc lớn trong cuộc đời theo phương pháp Âm dương, vậy làm thế nào để xác định được cách tính toán có đúng không?

Tôi cũng trăn trở là nhiều người chỉ học sách và đem ra áp dụng cứng nhắc, có khi đúng khi sai. Nhưng vì họ có tâm, và khách quan, không ảnh hưởng lớn lắm đển quan hệ xã hội.

Song cũng có người dùng điều này để mưu lợi bản thân và dọa dẫm thân chủ, thì rất không tốt.

Tôi mong muốn có những nghiên cứu đích thực và phổ biến để dẹp mê tín dị đoan. Để xem cho chính xác, chẳng hạn chỉ để bốc được một quẻ dịch thì cần những nhà chuyên môn nghiên cứu rất lâu và phải có kinh nghiệm.

Còn những cách tính tuổi vợ chồng lấy nhau có hợp hay không, thì thực ra rất khập khiễng. Tôi có quan điểm là yêu nhau cứ việc lấy. Không có vợ chồng nào khắc nhau cả.

Bằng chứng là tôi đã làm những thống kê tuổi vợ chồng rất là khắc, thậm chí cả tuổi tôi và bà xã tôi, trong sách nói là rất xấu. Nhưng thực tế là nhiều cặp vợ chồng rất giàu có hạnh phúc.

Tôi tìm hiểu ra một phương pháp nữa là luận tuổi Lạc Việt. Xác định rằng đứa con trong gia đình ảnh hưởng đến hạnh phúc như thế nào.

Kết luận của tôi là yêu nhau cứ việc lấy, miễn là sinh tuổi con đừng khắc tuổi mẹ. Nhiều người không biết, cứ kiên quyết là tuổi này không được lấy tuổi kia, gây nên sự chia ly đau lòng cho nam nữ.

Cái lý của việc tính tuổi để kết hôn là gì? Và cái không hợp lý của nó là gì?

Có nhiều phương pháp tính tuổi vợ chồng. Người ta chia tuổi người nam và tuổi người nữ ra 8 cung bát quái. Phối 8 cung lại ra quy ước tốt xấu, tổng cộng 64 trường hợp. Trong trường hợp sự kết hợp ra ô xấu, thì họ đưa ra kết luận là cặp này lấy nhau sẽ xấu.

Phương pháp tính khác là Cao Ly đồ hình, dùng thập thiên can của người nam, phối với 12 địa chi của người nữ, ra 120 trường hợp tuổi nam nữ lấy nhau.

Ngoài ra, còn có cách tính 12 địa chi phối với 12 địa chi, ra 144 trường hợp.

Với dữ kiện ban đầu chỉ có như vậy, thì các kết quả không thể vượt quá con số trên. Nhưng thế giới có ít nhất có 6 tỉ người, tính tối thiểu là có 1,5 tỉ cặp vợ chồng. Nếu cứ tính theo kiểu tốt xấu như các phương pháp trên, thì không lẽ có nửa số vợ chồng lấy nhau phải nghèo hoặc gặp hoạn nạn ngay? Điều này vô lý ngay trên thực tế và dễ dàng thấy sai.
Nhưng cách tính dân gian lại có một cơ sở trên thuyết Âm Dương ngũ hành như trên vừa nói. Vậy từ đó, tìm ra một phương pháp đúng như thế nào?

Qua tính toán, tôi thấy là tuổi người con út ảnh hưởng rất lớn. Có những cặp vợ chồng lấy nhau, nếu xét tuổi theo phương pháp cũ thì rất xấu, và ngược lại.

Tôi đã ứng dụng luôn để khuyên nam nữ yêu nhau thì cứ lấy, chỉ căn làm sao để có đứa con hợp với tuổi mẹ. Vì người nữ trong thuyết Âm dương ngũ hành, thuộc về âm - âm là sự tăng trưởng, nền tảng gia đình.

Thực tế là cách tính tuổi tác để kết hôn đã gây đau khổ chia rẽ cho nhiều đôi nam nữ. Nó tuy không được nói trên thông tin đại chúng, nhưng lại phổ biến ngấm ngầm nhiều đời nay và rất khó thay đổi.

Cá nhân tôi rất sẵn sàng chia sẻ phương pháp của mình, không cần bản quyền, để giúp mọi người hiểu hơn.

Về mặt lý thuyết, đối với những vấn đề đã tiên tri được, bản thân người nghiên cứu và dự đoán trước được sự việc, có cách gì để thay đổi trong tương lai không?

Điều này rất phức tạp. Chẳng hạn, tôi và 2 người nữa đã dự đoán được cuộc chiến tranh Iraq sẽ xảy ra, nhưng sức mình không thay đổi được. Chỉ trừ phi những điều dự đoán này được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những người có trách nhiệm, thì có thể hành động để hạn chế bớt.

Biết trước là một chuyện, điều kiện tác động lại là chuyện khác.