Dù không cắt đứt được khí thiên tử, nhưng những chiêu trấn áp của Tần Thủy Hoàng cũng khiến mảnh đất Nam Kinh mắc phải lời nguyền, tất cả những triều đại đóng đô trên mảnh đất này đều không tồn tại được lâu, thậm chí bị tiêu diệt rất nhanh và cực kỳ thảm khốc.

Người Trung Quốc xưa quan niệm, muốn thay đổi địa vị, phong thủy của một vùng đất, có ba cách. Một là thay đổi dòng chảy của sông, hai là trấn khí ở những ngọn núi lớn, ba là đổi tên để làm thấp danh vọng của nó. Tần Thủy Hoàng vì muốn trấn áp triệt để khí thiên tử ở Nam Kinh nên thực hiện cùng lúc cả ba biện pháp trên.
Hành động đầu tiên của Tần Thủy Hoàng là thay đổi dòng chảy của dòng sông Tần Hoài. Sông Tần Hoài vốn có tên ban đầu là “Tàng Long Phố”, là một dòng sông đóng vai trò quan trọng trong giao thông đường thủy của Nam Kinh. Đây chính là con sông đã sản sinh ra nền văn minh lục triều và văn hóa đế vương ở mảnh đất Nam Kinh. Đồng thời, đây cũng là con sông “tiết khí”. Vào năm Minh Đế thứ 2 nhà Đông Tấn, khi Thẩm Sung, Tô Tuấn làm loạn, đã có hơn 3.000 người nhảy xuống sông Tần Hoài tự sát.
Đầu nguồn của sông Tần Hoài bắt nguồn từ hai nơi. Phía Đông bắt nguồn từ Mao Sơn còn phía Tây thì bắt nguồn từ Lô Sơn. Khi hai nhánh này chảy tới núi Phương Sơn thuộc địa phận Giang Ninh thì hợp làm một. Theo truyền thuyết thì con sông này vốn không chảy qua Nam Kinh, tuy nhiên Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh cho quân lính đào khoét núi Phương Sơn để con sông này chảy lên hướng Bắc, đi xuyên qua thành Nam Kinh, từ đó tạo nên sự xung đột và đẩy toàn bộ vương khí tồn tại ở Nam Kinh ra ngoài.





Tây An
Vì vậy, người ta nói rằng, sở dĩ dòng sông Tần Hoài ngày nay chảy lên hướng Bắc và qua Nam Kinh là do Tần Thủy Hoàng thay đổi dòng chảy nhằm trấn áp vương khí của Nam Kinh. Con sông “Tàng Long” này cũng vì thế mà bắt đầu có tên là Tần Hoài.
Một điều khiến nhiều người thắc mắc là vì sao thuật sỹ của Tần Thủy Hoàng lại lựa chọn Phương Sơn mà không phải là một ngọn núi nào khác. Điều này cũng có liên quan tới phong thủy. Phương Sơn còn gọi là núi Thiên Ấn, là một ngọn núi lớn ở ngoại thành phía Nam của Nam Kinh. Ngày nay, ngọn núi này nằm ở bên bờ sông Tần Hoài, thuộc địa phận thị trấn Đông Sơn, khu Giang Ninh, là một trong những mảnh đất đắc địa về mặt phong thủy của Nam Kinh.
Vì vậy, xung quanh bốn phía của ngọn núi này đều được người ta lựa chọn làm nơi chôn cất của dòng họ mình. Ngọn núi này có dạng hình vuông, đứng thẳng, đỉnh khá bằng phẳng, vì vậy mới có tên là Phương Sơn (núi vuông). Ngoài ra, vì bốn phía đều vuông vắn, giống như một chiếc ngọc tỉ bằng đá tự nhiên nên người ta mới gọi nó là Thiên Ấn Sơn. Ngọc tỉ là ấn tín của Hoàng đế. Cách gọi này hình thành kể từ thời nhà Tần trở đi, và chỉ có ấn tín của Hoàng đế mới được gọi là ngọc tỉ, giống như cách Hoàng đế tự xưng mình là “trẫm”, chỉ duy nhất Hoàng đế được sử dụng.
Ngọn Phương Sơn còn có một “long nhãn” chính là con suối Bát Quái trên ngọn núi này. Con suối này không bị ảnh hưởng bởi sự hạn hán của thời tiết, lúc nào cũng có nước chảy. Điều kỳ lạ chính là, toàn bộ đất ở Phương Sơn đều có màu đen, chỉ có duy nhất đất ở xung quanh chân núi là có màu đỏ rực rỡ. Vì vậy, người ta mới gọi đất ở xung quanh ngọn núi này là “mực đóng dấu”.
Ngày nay, những người tới Phương Sơn đều có thể nghe một truyền thuyết rất phổ biến như sau: Một ngày, Ngọc Hoàng Thượng Đế lấy chiếc ấn vàng của mình ra chơi, không may lỡ tay đánh rơi xuống hạ giới.
Chiến ấn vàng rơi đúng vào vị trí của núi Phương Sơn ngày nay, hóa thành một ngọn núi. Do vậy, ngọn núi này mới có hình dạng vuông vắn đặc biệt như vậy. Sau đó, Ngọc Hoàng phái hai vị Điện tiền thị vệ là Thanh Long và Hoàng Hổ xuống trần gian để bảo vệ ngọn núi này. Đây là lý do vì sao ở phía Đông và phía Tây Phương Sơn có hai ngọn núi tên là Thanh Long và Hoàng Hổ. Chính vì vậy, xét từ góc độ nào, Phương Sơn cũng là một ngọn núi thiêng.
Theo những câu chuyện dân gian còn lưu lại, sau khi “đuổi” vương khí ra khỏi Nam Kinh bằng cách thay đổi dòng Tần Hoài, Tần Thủy Hoàng vẫn sợ như vậy chưa triệt hết nguồn khí thiên tử nên đã dùng roi thần tự tay mình đánh thẳng vào ngọn núi này để trấn áp khí thiêng. Đây là chiêu thứ hai trong việc trấn áp khí thiên tử của Tần Thủy Hoàng. Ban đầu, Tần Thủy Hoàng định dùng “roi thần” chặt đứt phần chân núi.
Tuy nhiên, roi quất xuống không đủ mạnh nên chân núi không đứt mà chỉ làm đứt phần sườn núi. Nửa phần trên bay về hướng Đông Nam hơn 30 dặm, rơi xuống hồ, trở thành màu đỏ như máu nên gọi là Xích Sơn.
Còn nhiều phần nhỏ hơn, bay ra xa khoảng 10 dặm, hình thành Thổ Sơn, Trúc Sơn, Đại Sơn,… Đòn trấn áp của Tần Thủy Hoàng cũng khiến hai ngọn núi Thanh Long và Hoàng Hổ hợp làm một, tiến sát lại núi Phương Sơn. Tần Thủy Hoàng thấy vậy, dùng roi thần đánh tiếp khiến hình thành Bán Biên Sơn.
“Long nhãn” cũng bị Tần Thủy Hoàng làm cho “bị thương”, không ngừng chảy “nước mắt”. Đây chính là suối nước nóng Thang Sơn mà sau này Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh rất thích tới để tắm khi chính quyền Quốc Dân Đảng còn đóng ở Nam Kinh.
Điều đương nhiên, đây chỉ là câu chuyện được lưu truyền trong dân gian. Còn địa hình của Phương Sơn và những ngọn núi xung quanh là do kết quả vận động địa chất hàng trăm, hàng ngàn năm. Làm sao một người trần mắt thịt như Tần Thủy Hoàng lại có thể dùng roi mà sắp xếp được. Tuy nhiên, truyền thuyết này cho người ta thấy rằng, vào thời bấy giờ, chắc chắn Tần Thủy Hoàng đã tìm mọi cách để trấn áp “khí thiên tử” ở ngọn Phương Sơn này.
Chiêu thứ ba của Tần Thủy Hoàng để trấn áp khí thiên tử nơi đây chính là thay đổi tên gọi để hạ thấp uy vọng của mảnh đất này. Trong quan niệm phong thủy truyền thống của Trung Quốc, tên gọi có một vai trò cực kỳ quan trọng. Vì vậy, sau khi đã “chặt đứt” khí thiên tử của Nam Kinh, để trừ hậu hoạ một cách vĩnh viễn và cũng là để người ta quên hẳn mảnh đất này, Tần Vương đã quyết định đổi tên Kim Lăng thành Mạt Lăng.


Đội binh mã đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Mạt Lăng có ý nghĩa gì? Đây có thể nói là cái tên không hay ho nhất trong lịch sử của Kim Lăng và Nam Kinh ngày nay. Người Trung Quốc có thành ngữ nói rằng “Mạt mã lệ binh”, nghĩa là trước khi chiến tranh, cho ngựa ăn no, mài sắc binh khí. Mạt Lăng, trong mắt của Tần Thủy Hoàng, chỉ là nơi mà ông ta cho ngựa ăn. Chiêu này của Tần Thủy Hoàng cực kỳ thâm hiểm. Sau khi con người đã tàn phá, làm hỏng toàn bộ thiên tử khí của mảnh đất này thì biến nó thành nơi để gia súc sinh sống.
Cho tới tận ngày nay, dải đất Giang Tô vẫn còn giữ tập quán nuôi ngựa. Sau khi gian thần thời Nam Tống là Tần Cối chết, nơi đây cũng bị dân chúng biến thành nơi nuôi ngựa để xỉ nhục họ Tần. Sau khi đổi tên, Tần Thủy Hoàng nhập Mạt Lăng vào Chương quận. Đến thời Tây Hán, Mạt Lăng mới được tách ra thành một quận riêng. Tới năm 128 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế trao Mạt Lăng cho con trai là Giang Đô Vương gọi là Mạt Lăng Hầu.
Tuy nhiên, có lẽ việc trấn khí thiên tử của Tần Thủy Hoàng đã không đạt được mục đích như mong muốn, thậm chí còn quay lại phản tác dụng với chính bản thân ông ta. Sau khi dùng đủ chiêu trò trấn áp khí thiên tử của Nam Kinh, cũng trong chuyến Đông du lần đó, Tần Thủy Hoàng đột nhiên lâm bệnh nặng rồi qua đời. Tệ hơn nữa, sau đó chỉ vỏn vẹn 3 năm, triều Tần do ông ta lao tâm khổ tứ gây dựng đã bị đánh đổ.
Điều quan trọng là, mặc dù Tần Thủy Hoàng tìm mọi cách để trấn áp, song khí thiên tử của Nam Kinh dường như không hề bị tiêu diệt. Tới thời kỳ nhà Hán, đã có đạo sỹ nói: “Vùng Giang Đông có khí thiên tử”. Quả nhiên, chưa tới 500 năm sau đó, từ Nam Kinh đã xuất hiện vị Hoàng đế đầu tiên. Đó là chuyện xảy ra vào năm 229 khi Tôn Quyền xưng đế tại Vũ Xương, không lâu sau đó thì dời đô về Nam Kinh.
Sau đó, khi con cháu Tư Mã Ý đánh bại Thục, Ngô, thống nhất Trung Quốc, thành lập nhà Tây Tấn được 50 năm thì bị diệt vong. Hoàng thất triều Tây Tấn là Tư Mã Duệ tới Nam Kinh thì phát hiện ở ngọn Tưởng Sơn ngoại thành phía Đông có mây tím xuất hiện. Một đạo sỹ nói, đây chính là “khí thiên tử của Giang Đông”.
Duệ mừng lắm, bèn dừng lại ở Nam Kinh rồi lên ngôi Hoàng đế, sáng lập ra triều Đông Tấn, kéo dài hơn trăm năm tại đây. Cũng bắt đầu từ đây, Nam Kinh trở thành mảnh đất đế kinh được nhiều triều đại lựa chọn làm trung tâm chính trị của quốc gia mình. Cho tới thời hiện đại, chính quyền Dân quốc cũng lựa chọn Nam Kinh làm thủ đô. Tuy nhiên, người ta nói rằng, dù không cắt đứt được khí thiên tử, nhưng những chiêu trấn áp của Tần Thủy Hoàng cũng khiến mảnh đất Nam Kinh mắc phải lời nguyền, tất cả những triều đại đóng đô trên mảnh đất này đều không tồn tại được lâu, thậm chí bị tiêu diệt rất nhanh và cực kỳ thảm khốc.