Chuông- một loại pháp khí của Phật giáo

Chuông, tiếng Phạn gọi là ghanta, ở Trung Quốc dịch là chung, khánh, là pháp khí dùng để gõ thông báo giờ giấc làm Phật sự và để tập hợp mọi người trong chùa. Chuông chùa khởi nguồn từ ấn Độ, gọi là ghanta, khi truyền vào Trung Quốc mới gọi là chung.



Ở Trung Quốc thời Hoàng đế đã có thợ đúc chuông, vốn là nhạc khí để tế tự, yến hưởng, như ở thời Tây Chu có loại “biên chung”(1). Sau khi Phật giáo truyền nhập vào Trung Quốc thì chuông mới trở thành pháp khí hành lễ trong chùa. Khi triệu tập mọi người, ở ấn Độ thường gõ chuông làm bằng gỗ. Còn Trung Quốc thì thay bằng chuông đồng. Trong Tăng Nhất A Hàm Kinh, quyển 24 nói rằng: A Nan đi lên giảng đường, tay cầm ghanta và nói: Ta nay gõ trống của Như Lai, từ nay về sau các đệ tử của Như Lai nên tập trung đầy đủ. Bấy giờ, ông lại đọc kệ rằng:

Hàng phục ma lực

Trừ kết vô hữu dư.

Lộ địa kích ghanta

Tỳ khưu văn đương tập.

Chư dục văn pháp nhân,

Độ lưu sinh tử hải,

Văn thử diệu hưởng âm,

Tận đương văn tập thử.

(Có nghĩa là:

Hàng phục bọn ma quái
Trừ sạch không còn gì.

Mặt đất gõ ghanta

Tỳ khiêu nghe nên đến.

Những người muốn nghe pháp,

Để qua biển sinh tử,

Nghe thấy âm diệu kì,

Tất cả nên tập hợp).

Về nguồn gốc ghanta, sách Ngũ Phần Luật, quyển 18 ghi: “Thời Phật Đà, có một lần tăng đoàn làm lễ bố tát(2) chưa thể kịp thời tập hợp, bèn tới một nơi hoang vắng toạ thiền hành đạo. Khi đó Đức Phật bèn bảo rằng phải gõ ghanta, hoặc gõ trống, thổi ốc để tập hợp. Cũng sách đó lại viết: “Các vị tỳ khiêu không biết làm thế nào để dùng gỗ làm ghanta, vì thế bạch với Đức Phật. Đức Phật nói: trừ cây sơn và các loài cây độc ra, còn các loại cây gõ phát ra tiếng, đều có thể làm được”.

Đại Trí Độ Luận quyển 2 nói: “Đại Ca Diếp đến đỉnh núi Tu Di gõ chuông đồng”. Qua đó có thể thấy đời sau cũng dùng đồng tạo chuông. Theo Đại Tỳ Khiêu Tam Thiên Uy Nghi, quyển hạ thì có 5 việc cần gõ ghanta, đó là:

1. Khi hội họp thường kì.

2. Khi ăn sáng.

3. Lúc ăn tối.

4. Khi trở về cõi Niết Bàn.

5. Mọi chuyện vô thường.

Về chủng loại nhìn chung chuông gồm hai loại: phạn chung và hoán chung.

1. Phạn chung còn gọi là đại chung, điếu chung, chàng chung, hồng chung, kình chung bồ lao, hoa kình, hoa chung, cự chung, v.v… Phần lớn làm bằng đồng xanh, rất ít làm bằng sắt. Thông thường chuông cao khoảng 150cm, đường kính 60cm. Phía trên có quai chuông khắc hình đầu rồng. Phần dưới là hình hai toà sen đối nhau, gọi là bát diệp. Từ toà liên hoa trở xuống gọi là thảo gian. Mép viền dưới gọi là câu trảo. ở trên có hai phần là ao chứa và núm vú. Núm vú có hình nhỏ nhô lên, bọc vòng quanh, lại liên kết với chàng toà (toà hoa sen) tạo ra góc giao thoa, gọi là cà sa, lại gọi là lục đạo. Ngoài ra, bên cạnh núm tay quai có một lỗ hình tròn, thông với bên trong. Loại chuông này treo ở lầu chuông. Vì nó báo thời gian toạ thiền sớm tối nên được gọi là định chung. Nó còn báo cho mọi người đến tăng đường nên gọi là nhập đường chung dùng để tập hợp đại chúng hay báo thời gian sớm tối. Nếu căn cứ vào âm thanh của nó còn được gọi là kình âm… Đời sau hay khắc chữ trên mặt trơn nhẵn của chuông.

2. Hoán chung còn gọi là bán chung, tiểu chung, phần lớn đúc bằng đồng thau, cao khoảng từ 60-80cm, được treo trong góc của Phật đường. Vì nó được dùng để thông báo sự bắt đầu của công việc hội họp trong chùa nên cũng được gọi là Hành sự chung.

Về cách gõ chuông, sách Hành Sự sao chép: “Khi Phật còn tại thế, chỉ có cách gõ ba tiếng”. Sách Ngũ Phần Luật chép: “Gõ ba hồi”. Về cách gõ ba hồi, sách Tứ Phần Luật Sớ Sức Tông Kí viết: “Mới gõ thì thừa mà nhẹ, dần dần tăng lên dồn dập mà mạnh, đến khi sắp dừng thì gõ nhẹ rồi thôi, gõ đủ thế gọi là một hồi. Cứ gõ thế cho đủ ba lần gọi là ba hồi. Sau khi gõ xong ba hồi, lại gõ mạnh 3 tiếng hoặc gõ mạnh 2 tiếng hoặc gõ mạnh 1 tiếng để biểu thị tiếng chuông chấm dứt”.

Ở Trung Quốc, cách gõ chuông tuỳ theo tông thái, tuỳ từng khu vực mà có sự khác nhau, nhưng thông thường lấy 3 tiếng để bắt đầu, rồi 2 tiếng liền nhau để kết thúc. Số lượng tiếng chuông cần gõ trong thông lệ là 18 tiếng, cũng có thể gõ 36 tiếng hoặc 108 tiếng. Trong đó có lí do của việc gõ 108 tiếng có thể là ứng với các con số 12 tháng, 24 tiết khí và 72 thời hậu. Cũng có sách giải thích là để trừ bỏ 108 loại phiền não, vậy nên chuông thờ Phật còn có tên gọi là bách bát chung. Trong các ngôi chùa của Thiền tông, chuông được treo ở thiền đường, tăng đường, trai đường nên có tên gọi là tăng đường chung, đường chung, trai chung; chuông được treo ở điện thờ Phật thì được gọi là điện chung. Sư tăng có chức phận gõ chuông được gọi là chung đầu. Thế nhưng khi gõ chuông, cần giải thích trong kinh luận mà nghiệm chứng. Sau khi gõ chuông lễ Tam bảo rồi thì có nghi thức đứng nghiêm chỉnh khấn rằng: Con gõ tiếng chuông này, xin mời tăng chúng mười phương, hễ ai nghe thấy, xin đến hội họp, cùng hưởng lợi lạc. Lại xin rằng các chúng sinh chịu khổ sở, đều được yên lành.

Về cách tạo chuông: chuông có thể được làm bằng gỗ, đá hoặc đồng, nét khắc rất tinh xảo, và thường có minh văn. Ngay ở thời Lục Triều đã có gác chuông. Trên chuông cũng có khắc minh văn. Chẳng hạn như năm Thiên Hoà thứ 5 (566) đời Bắc Chu, vua Chu Vũ Đế soạn bài Đại Chu hị giáo chung minh; năm Lân Đức thứ 2(665) đời Đường, vua Đường Cao Tông soạn bài Đại Đường Hưng Thiện tự minh chung, Kinh đô Tây Minh tự minh chung.

Từ đời Bắc Chu trở về sau, việc chế tạo chuông chùa cũng còn rất nhiều phiền phức. Ngoài ra, ở quả chuông chùa Hàn San ở Tô Châu có khắc bài thơ Phong Kiều dạ bạc của nhà thơ Trương Kế đời Đường, cũng hết sức nổi tiếng. Lại nữa, theo sách Nhập Đường Cầu Pháp Tuần Lễ Hành Kí quyển 3 của sư tăng người Nhật tên là Viên Nhân cũng thấy viết: “ở núi Ngũ Đài có hang Gác Chuông, đó chính là nơi Văn Thù Bồ Tát thị hiện ở gác chuông vàng”.

Hàn Quốc xưa nay đều rất chú trọng nghệ thuật đúc chuông, như ở Tân La vào niên hiệu Huệ Cung Vương thứ 7 (tức năm 771) đúc chuông chùa Thái Đức, gần đây, chuông được treo ở lầu chuông bên ngoài Nam môn Khánh Châu. ở Nhật Bản, bao nhiêu chuông đưa từ Trung Quốc sang đều được xem như là quốc bảo. Chẳng hạn như chuông ở Thần cung Phong Tiền Vũ Tá, thần Cung Lưu Cầu, chùa Phi Tiền Huệ Nhật, chùa Viên Thành gần bờ sông, v.v…

Nhìn chung, đối với việc tu đạo, chuông có ích lợi rất lớn. Tăng Nhất A Hàm Kinh nói nếu khi gõ chuông thì hết thảy một điều xấu xa, mọi nỗi phiền khổ đều bị ngăn chặn. Sách Sắc tu Bách Trượng Thanh Quy quyển 8, chương Pháp khí nói: “Đại chung là hiệu lệnh chốn tùng lâm. Buổi sớm gõ chuông giúp phá tan đêm dài; buổi chiều chuông ngân làm giác ngộ ngõ tối”. Truyền thuyết kể rằng nước Cổ Nguyệt Chi có chiến tranh với nước An Tức, người bị giết hại có đến 90 vạn. Vì lí do ác báo, những người này sau khi chết hoá thành con cá lớn nghìn đầu, kiếm đeo quanh thân. Hễ cứ chém, đầu lại mọc ra, vô cùng ghê sợ. Để chấm dứt nỗi khổ sở này, người ta phải thỉnh cầu các vị la hán thường xuyên gõ chuông để xua đuổi tà ác.

Chính vì chuông có nhiều công đức, lợi ích như vậy nên khi thỉnh chuông người ta thường tụng chung thanh kệ để cầu quốc thái dân an, mọi phiền não tiêu tan để được viên thành Phật đạo.

Ánh Hồng (dịch từ Thế giới văn hóa tôn giáo - Trung Quốc)

1. Biên chung: tên một loại nhạc khí, gồm nhiều chuông đồng treo trên một thanh gỗ để ngang. (Theo Từ nguyên-Thương vụ ấn thư quán, xuất bản 1995).

2. Bố tát:một nghi thức của Phật giáo. Tăng ni xuất gia cứ nửa tháng một lần họp lại chuyên tụng giới, gọi là “thuyết giới”, cho là có thể tăng trưởng được thiện pháp (Theo Từ điển Nho Phật Đạo, Nxb. Văn học).

Khoan Xương