kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Lên đồng, di sản văn hóa hay mê tín dị đoan

  1. #1

    Mặc định Lên đồng, di sản văn hóa hay mê tín dị đoan

    Lên đồng, di sản văn hóa hay mê tín dị đoan? (1)
    Mê mẩn những màn lên đồng kỳ bí

    Thứ bảy 03/12/2011 22:32

    ANTĐ - Trời đã mát, năm cũ đã gần qua, Tết đã ngấp nghé ngoài ngõ, lòng mỗi người cũng ngấp nghé giao niên. Chùa, miếu, phủ đệ đã sửa sang, tô điểm. Và với riêng tôi, lại nhớ những buổi hầu đồng. Vốn xuất thân công giáo nhưng tôi mê hầu đồng từ bé. Một bà cô đàng ngoại có căn số sao đó, bỗng trở thành thanh đồng thường đưa tôi dự các buổi hầu đồng.




    Lộc thánh với hoa thơm, quả ngọt đã dẫn tôi vào thế giới kỳ bí với những vũ điệu lạ kỳ và giọng hát văn mê đắm. Tôi đã lặng người trước giá đồng quan lớn đền Tranh đao kiếm múa vù vù, và vỗ tay reo vui trước giá cậu Bé. Tôi cũng đã hét lên khi thấy một thanh đồng cầm hai cái dùi đâm thẳng vào má và nhắm nghiền mắt không dám nhìn thanh đồng cứ để hai cái dùi lủng lặng trên má mà nhảy múa. Mãi đến khi lớn lên và bây giờ về già trong tôi vẫn cứ nhói lên một câu hỏi: Vậy lên đồng, hầu bóng là gì? Mê tín dị đoan hay là di sản văn hóa?


    Hình như chính tôi cũng không phân biệt được. Nhưng suy cho cùng thì chính tôi cũng chưa hiểu mê tín dị đoan là gì. Mê tín thì có thể hiểu, đó là lòng tin mê muội vào những điều không có thực. Nếu vậy có thể nói 100% những người có hiểu biết đều mê tín. Còn dị đoan? Có thể từ này bắt nguồn từ chính tôn giáo của tôi, đạo công giáo? Đó là tin vào những điều không được giáo lý cho phép, mở rộng ra là tin, hoặc làm những điều trái với lẽ thông thường. Nhưng nếu vậy thì không liên quan gì tới những buổi hầu đồng rực rỡ sắc màu, đầy ắp âm nhạc và vũ điệu yêu quý của tôi. Bài viết này thực sự được viết trong tâm trạng như vậy.

    Lên đồng là gì?

    Theo Bách khoa toàn thư mở, lên đồng hay còn gọi là hầu đồng, hầu bóng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian (dòng Saman giáo) của nhiều dân tộc trong đó có Việt Nam. Về bản chất đây là nghi thức giao tiếp thần kinh thông qua một người, trong trường hợp này chính là ông đồng, bà đồng. Người ta tin rằng các vị thần linh (và có thể là hồn ma) có thể nhập vào một người trong điều kiện nào đó, dân gian gọi là có căn, có số và trong một hoàn cảnh nào đó, có thể là một buổi lễ, một khóa đồng... Thần linh qua người lên đồng có thể phán truyền, trừ tà ma, ban tài lộc, chữa bệnh v.v... cho những người dự lễ (dự đồng).

    Ở Việt Nam, lên đồng là lễ trọng của tín ngưỡng thờ Mẫu (hiện nay nhiều nhà nghiên cứu đã gọi là đạo Mẫu). Người trực tiếp lên đồng, tức là người được thánh thần nhập hồn vào gọi là thanh đồng. Nam giới làm thanh đồng được gọi là cậu, nữ gọi là cô. Hầu đồng trong đạo Mẫu (còn gọi là đạo Tứ phủ) các thánh nhập liên tiếp vào một thanh đồng, phán truyền và ban phát tài lộc (dĩ nhiên là đồ thật và có tính tượng trưng). Các thánh trong đạo Tứ phủ khoảng 50 người, hầu hết là các nhân vật theo các huyền thoại, có công với đất nước.

    Nhưng lên đồng còn có nhiều biến thể khác, như với người Việt có lên đồng Đức thánh Trần, gọi hồn, nhập hồn... với người Thái là lễ Một, người Mường là lễ Mời, người Tày là Then... Ở một số biến thể lên đồng như lên đồng Đức thánh Trần trước đây còn có những hành động như đi trên than hồng, xiên hình (dùng dùi đâm vào hai má, đâm vào mạng sườn), đai (dùng đây lụa thắt cổ)... Còn có một hình thức giống như lên đồng là hình thức nhập hồn, gọi hồn hiện đang phổ biến tại các trung tâm tìm mộ hiện nay là để cho hồn ma người chết nhập vào người sống phán truyền những điều người chết cần thông báo như hài cốt, của cải còn giấu...

    Những biến thể này rất khác với hầu đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu, mặc dù cùng chung một nguồn gốc Saman giáo. Chính những biến thể có nhiều hình thức ghê rợn, bạo lực hoặc quá kỳ bí dễ bị lợi dụng này đã làm xấu đi hình ảnh của hầu bóng. Như trên đã nói hầu bóng là nghi lễ chính của tín ngưỡng thờ Mẫu mà người chủ trì chính là thanh đồng. Tứ phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu chính là trời đất gồm có Thiên phủ do Mẫu thượng thiên cai quản trên trời, Nhạc phủ do Mẫu thượng ngàn cai quản vùng rừng núi, Thoải phủ do Mẫu Thoải cai quản vùng sông nước, Địa phủ do Mẫu địa cai quản về đất đai và dưới đất (âm phủ). Tuy nhiên chỉ có ba Mẫu: Thượng thiên, Thượng ngàn, Thoải là thờ trên chính điện, còn Mẫu địa thường thờ riêng cho nên người ta vẫn gọi là Tam tòa, tứ phủ là vậy.

    Thông thường thanh đồng phải là những người có căn đồng, nói theo ngôn ngữ hiện đại là dễ bị ám thị, hoặc tự ám thị. Người có căn đồng phải theo học thầy, tức là những thanh đồng lâu năm, biết hết các lễ nghi, các vũ đạo, thậm chí cả hát văn, biết các lề lối vào giá, ra giá, trang phục, bày lễ... Sau khi được thừa nhận có căn đồng, thanh đồng mới phải làm một lễ ra mắt, gọi là ra đàn. Có hai loại lễ ra đàn là đại đàn và tiến cẩn. Đại đàn là lễ ba ngày, tiến cẩn là lễ vắn (ngắn) một ngày. Sau đó đồng mới được gọi là thanh đồng. Mỗi năm thanh đồng phải lên đồng ít nhất một lần (vấn, khóa).

    Theo tín ngưỡng thờ Mẫu, hiện nay hầu bóng có 36 giá, tức là có 36 vị thánh thường nhập vào các thanh đồng trong lễ hầu bóng. Các vị thánh nhập về làm 36 giá, gồm có: Tam tòa Thánh mẫu, Ngũ quan từ đệ nhất đến đệ ngũ: quan lớn tuần tranh, mười một giá chầu từ chầu bà đệ nhất đến chầu bà Bắc Lệ, phủ quan hoàng có 10 vị nhưng thường hầu giá 3 vị Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười. Các Cô có 12 cô nhưng thường hầu giá 3 cô: cô Bơ, cô Chín, cô Bé. Các Cậu gồm có 4 cậu: Cậu Cả, cậu Hai, cậu Ba và cậu Bé.

    Mỗi vị thánh lần lượt nhập vào thanh đồng, tuy nhiên rất ít thanh đồng hầu đủ 36 giá. Thường họ chỉ hầu 6, 9, 12 giá tùy vào căn mệnh của họ. Mỗi giá đồng thanh đồng mặc trang phục khác nhau phù hợp với vị thánh sắp nhập vào họ. Ví dụ Mẫu thượng thiên áo đỏ, Mẫu thượng ngàn áo xanh, Mẫu Thoải áo trắng. Mỗi lần thánh nhập và sau đó ra đi, gọi là thăng, kết thúc một giá đồng. Sự khác biệt giữa hầu đồng tín ngưỡng thờ Mẫu và các loại lên đồng khác của Saman giáo chính là rất nhiều các vị thánh lần lượt nhập vào thanh đồng trong một lễ hầu bóng. Đến vị thánh nào nhập vào, thanh đồng ăn mặc và múa mô tả các hoạt đồng và tính cách của vị thánh đó, trong tiếng nhạc, tiếng hát văn ca ngợi công đức của vị thánh. Quá trình múa hát, thanh đồng do tự ám thị trong khung cảnh lễ hội với nhau và tiếng hát, gần như nhập vai vào vị thánh và vì vậy hoạt động, múa rất tự nhiên.

    Nét đặc sắc của lên đồng, được nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài quan tâm chính là chầu văn. Nếu hầu bóng là nghi lễ chính của tín ngưỡng thờ Mẫu, thì chầu văn chính là nhạc lễ của tín ngưỡng này. Bởi có tính dân gian, truyền khẩu là chính vì vậy hát văn có nhiều làn điệu, có nhiều dị bản cả về ca từ lẫn giai điệu. Khi kết hợp với không khí hầu bóng với khăn chầu, áo ngự với hương khói và cả không khí phấn khích của dàn nhạc, các nghệ sĩ hát văn nhiều khi ngẫu hứng cải biên thêm bớt hoặc bỗng thêm vào làn điệu của các loại dân ca khác như quan họ, ca Huế... đều được cả. Chính vì vậy trong hát văn hầu bóng người ta thấy đâu đó cả chèo, tuồng, dân ca ba miền. Đó là một loại dân ca mở, luôn luôn tiếp nhận và phát triển.

    Tóm lại hầu bóng, lên đồng với thời gian từ hai giờ đến mười hai giờ, mỗi vấn hầu bóng với sự tham gia của hàng trăm người thật sự là những cuộc diễn xướng dân gian lớn nhất của dân tộc ta. Với tất cả những gì chúng ta đã thấy, hầu bóng, lên đồng thật sự là di sản văn hóa. Chính vì vậy Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian đã từng đề nghị lập hồ sơ lên Unesco công nhận hầu bóng là di sản phi vật thể của nhân loại. Nhưng đề nghị này chưa được các cấp có thẩm quyền chấp nhận. Lý do chính: còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Cũng phải thôi, chính người viết bài này, cũng còn đang phân vân: di sản hay là mê tín dị đoan?
    (còn nữa)
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Lên đồng, di sản văn hóa hay mê tín dị đoan? (2)
    Mượn cớ "nhập đồng", áp vong lừa đảo

    Chủ nhật 04/12/2011 16:51
    ANTĐ - Như trên đã nói, mê tín dị đoan vốn là một khái niệm hơi mơ hồ. Nhưng trong Pháp lệnh tôn giáo tín ngưỡng năm 2011 hiện đang có hiệu lực ghi rất rõ: “Nhà nước ngăn cấm những người sử dụng hình thức tôn giáo tín ngưỡng để mưu cầu những lợi ích bất chính, làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, tới an sinh xã hội”.




    Mê tín dị đoan?

    Nhưng trong chuyện lên đồng như hiện nay thì có quá nhiều hiện tượng vi phạm pháp lệnh này. Hiện nay phong trào áp vong, nhập hồn, một kiểu Saman giáo đang trở thành “mốt” ở phía Bắc. Ngoài một số người có khả năng ngoại cảm chưa giải thích được, hầu hết các trường hợp áp vong tìm mộ là lừa đảo gây thiệt hại về tài sản, nhiều trường hợp ảnh hưởng đến sức khỏe, như trường hợp của cả nhà bị lạm dụng áp vong dẫn đến bệnh tâm thần gây xôn xao dư luận vừa qua. Các trường hợp nhập hồn, lên đồng phán truyền, bói toán, lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản xảy ra thường xuyên tại các nhà cô đồng, ngoại cảm rởm ở khắp nơi mà báo chí đã từng lên tiếng.

    Trong các trường hợp hầu bóng Đức thánh Trần, đâu đó vẫn còn các hoạt động xiên hình, rạch lưỡi, thắt cổ gây kinh hoàng và tác động không tốt tới sức khỏe tâm thần người tham dự. Đặc biệt trường hợp rạch lưỡi phun máu vào giấy bản, sau đó lấy giấy dính máu làm bùa chữa bệnh, trừ tà ma. Các bùa này danh nghĩa không phải mua nhưng tín chủ phải cúng lễ hết nhiều tiền. Không chữa được bệnh, lại mất vệ sinh, gây thiệt hại tài chính cho người bệnh. Rõ ràng đây không chỉ là hoạt dộng mê tín dị đoan mà là hành vi vi phạm pháp luật.

    Tôi đã tham dự một vấn chầu Đức Thánh Trần ở Chí Linh (Hải Dương). Thanh đồng ăn mặc như võ tướng. Phường tuồng múa võ trước điện thờ trong tiếng nhạc, tiếng trống thúc dồn dập. Đặc biệt do thắt lưng quá chật, thanh đồng thiếu máu lên não, mặt tái xanh, mắt thất thần trông như ma quỷ. Một lát, thanh đồng rút hai xiên hình bằng đồng sáng loáng đâm thẳng vào hai má. Lạ thay không có giọt máu nào chảy ra. Nhưng không lâu, thanh đồng hú lên một tiếng thè lưỡi ra, dùng một con dao nhỏ rạch vào lưỡi. Tất cả đàn sáo, cung văn lặng ngắt. Có người bưng một chiếc mâm phủ đầy giấy bản lên trước điện. Thanh đồng chúm miệng phun phì phì... máu lẫn nước bọt phun đầy ra mâm giấy. Tôi chán ngán quay ra. Nghe nói mỗi tờ giấy bản dính máu đó, các tín chủ muốn có phải dâng cho thanh đồng một triệu đồng. Giấy bản làm bùa đó mang về đốt ra tro, hòa với nước lã uống vào, có thể bách bệnh tiêu tan, vạn bệnh tiêu trừ. Thật là hoang đường.

    Chính những hạt sạn này đã là tiền đề cho việc Nhà nước ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định về việc cấm các hoạt động lên đồng. Nghị định này quy định nếu người nào tổ chức lên đồng sẽ bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Tuy nhiên, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cũng có văn bản giải thích việc cấm lên đồng chỉ là cấm các hoạt động lên đồng phán truyền. Ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VH-TT&DL đã nói rõ: “Quan điểm của Bộ VH-TT&DL là những tri thức văn hóa dân gian thì phải bảo tồn, phát huy. Những yếu tố mê tín thì phải ngăn chặn. Cấm hầu đống là cấm phần mê tín trong hầu đồng. Trong dân gian có thể gọi theo nhiều cách nhưng văn bản pháp luật chúng tôi gọi là lên đồng phán truyền”.

    Khái niệm lên đồng phán truyền chỉ tất cả các loại lên đồng, nhập hồn, vong nhập... mà sử dụng việc lên đồng, nhập hồn để phán truyền lời của thánh thần, hồn ma phát bảo nhiều việc thế sự hoặc bói toán, hoặc chữa bệnh... Đây là một quyết định cần thiết để gạn đục khơi trong cho hầu bóng, một diễn xướng dân gian có một không hai trên thế giới này của tín ngưỡng thờ Mẫu.

    Nhưng không chỉ có vấn đề về mê tín trong các lễ hầu bóng, những vấn đề về nếp sống, cũng cần được chỉnh đốn. Trước hết là vấn đề đốt mã. Tôi đã từng dự những vấn hầu ở phủ Dầy mà trong vấn đốt tới 8 con ngựa mã to hơn cả ngựa thật, 12 thuyền rồng lớn và hàng núi vàng mã. Có những vấn hầu tung lục hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng với mệnh giá tiền thấp nhất là 50.000 đồng. Sau nữa là trật tự trong các lễ hầu đồng. Nếu chúng ta đi dự lễ hội Phủ Dầy đầu tháng 3 âm lịch chúng ta sẽ gặp những đêm có 30-40 vấn hầu trong một đêm trong quần thể di tích Phủ Dầy. Do có hoạt đồng tung phát lộc bằng tiền thật nên mỗi vấn hầu là hàng loạt thảm cảnh tranh cướp tiền lộc rất phản văn hóa. Mặt khác do địa bàn chật hẹp, các nhóm cung văn ra sức tăng hết công suất cho vấn hầu của mình tạo ra sự ô nhiễm âm thanh khủng khiếp, làm giảm giá trị văn hóa của hầu bóng.
    (Còn nữa)


    Trần Việt
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 8
    Bài mới gởi: 24-06-2011, 09:21 PM
  2. Đạo Tạng Tử Vi Đẩu Số
    By VinhL in forum Tử Vi
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 17-06-2011, 12:22 PM
  3. Lên đồng : Đã phát triển chạm đến giai đoạn cuối .
    By damquangvinh in forum Đạo Mẫu,Đạo Tứ phủ
    Trả lời: 9
    Bài mới gởi: 24-05-2011, 08:58 PM
  4. Lên đồng 'tái sinh' 50 vị thánh thần
    By Bin571 in forum Đạo Mẫu,Đạo Tứ phủ
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 30-03-2011, 06:13 PM
  5. Mời tham gia giao lưu hát văn lên đồng lần 3 tại Hà Nội
    By mantico in forum Hội quán - Giao lưu - Gặp mặt thân mật
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 22-03-2011, 11:08 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •