Người Ninh Hải kể về Nguyễn Văn Thiệu

Huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận có núi Mặt Quỷ, Đá Chồng, những cái tên nghe rất lạ. Người dân ở đây nói rằng những ngọn núi này gắn liền với những chuyện truyền khẩu về ngày tàn của Nguyễn Văn Thiệu. Có thể đó là những câu chuyện mang màu sắc tâm linh, hoặc là sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa thiên nhiên và cuộc sống.

Điềm báo hòn Đá Dao

Ông Trịnh Cường ở khu phố Khánh Giang, thị trấn Khánh Hải năm nay 76 tuổi dẫn tôi lên núi Đá Chồng. Hiện nay khu vực này đã trở thành Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ với một loạt các chùa uy nghiêm cùng không gian hữu tình đang xây dựng, khi hoàn thành sẽ là khu du lịch tâm linh lớn nhất cả vùng. Nằm dưới chân núi có một tảng đá hình tam giác nhọn, màu đất sét, chiều ngang cỡ 6m, chiều cao 3m. Đây được gọi hòn Đá Dao bởi hình dáng tựa lưỡi dao. Ông Cường lại chỉ ngọn núi Mặt Quỷ đối diện cách đó chừng 1km, nơi có hòn đá tựa mặt quỷ. “Mặt Quỷ kị Đá Dao”, từ lâu người ta kháo nhau nhà Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu ở sát núi Mặt Quỷ nhưng vẫn yên ổn lại thăng quan tiến chức nhanh là nhờ có Đá Dao. Vậy mà năm 1974, nó bỗng đổ, cứ như ai dùng một sức mạnh cơ học nào bật xuống.


Núi Mặt Quỷ ở Tri Hải, Ninh Hải.

Ông Cường nhớ lại: “Cỡ 4 giờ chiều tôi ra sân bóng thì nghe một tiếng rền rất to. Ngước nhìn lên thấy rõ hòn Đá Dao sụp xuống, chỉ còn trơ phiến đá làm đế. Mọi người chạy lên xem rất đông, xôn xao về một điềm báo gì đó. Điều dễ thấy nhất là không bao lâu Tổng thống Mỹ Ních-xơn từ chức. Trên địa bàn Ninh Hải lại xảy ra nhiều sự kiện lạ lùng khác. Sâu bọ ở đâu xuất hiện nhiều vô kể, băng qua đường nhựa và cầu Lăng Ông. Kế đến là vụ bướm bay từng đàn rợp trời. Đây cũng là năm Tổng thống Thiệu có lệnh tổng động viên. Thanh niên, học sinh, sinh viên đều bị huy động ra trận. Con trai ông Tám Sinh gần nhà tôi làm lính tò te, chủ yếu canh gác trong làng, vậy mà đùng một cái bị đẩy ra trận, 3 ngày sau thì chở xác về. Không khí tang tóc bao phủ các nhà, tiếng khóc ai oán vang khắp nơi”.

Điều gì đến đã đến. Trước sức tấn công như vũ bão của miền Bắc, chính quyền Miền Nam phải sụp đổ, ngày 16-4-1975, giải phóng Ninh Thuận, 21-4, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, 25-4, Thiệu trốn khỏi đất nước, qua Đài Loan, sau đó đến Anh và cuối cùng định cư ở Mỹ, chết năm 2001, lúc 78 tuổi.

Khu mộ lạnh khói hương, ngôi nhà cũ xuống cấp

Bà Trương Thị Thiềm (còn gọi là bà Mười Ngọc) ở thôn Tri Thủy, xã Tri Hải trước đây làm cán bộ hợp pháp, sau làm công an xã, ở gần nhà Nguyễn Văn Thiệu, chỉ dãy mộ xen cỏ lúp xúp, hoang vắng phía sau trường THCS Lý Thường Kiệt nói: “Đây là mồ mả phía nhà ông Thiệu, gồm các cụ tổ, ông bà nội và các anh chị mất lúc trẻ. Trước giải phóng, khu này lúc nào cũng có hai lính canh, lăm le súng ống, nay cả nhà ra nước ngoài, ông bà không ai hương khói, bao nhiêu năm đất lấp gần hết. Trước đây thấy mười mấy mộ, nay chỉ đếm được vài cái”.


Ông Trịnh Cường kể chuyện về cựu Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu.

Hôm tôi về Ninh Hải thấy có một vài người từ xa đến thăm ngôi nhà của Nguyễn Văn Thiệu ở Tri Thủy, chủ yếu họ đi thăm, tắm biển ở Ninh Chữ rồi nhân tiện đến đây. Anh Lê Văn Tiến, Phó chủ tịch xã Tri Hải cho biết: Thỉnh thoảng vẫn có người hiếu kì, kể cả nước ngoài đến hỏi han. Ngôi nhà tường xây, cột gỗ, lợp ngói theo kiểu xưa, trong nhà chẳng có gì đặc biệt, không chạm trổ hay điêu khắc để có thể chiêm ngưỡng. Nhà chính khá rộng rãi, ít hư hỏng hơn trong khi nhà dưới và nhà bếp xuống cấp nặng. Theo anh Tiến, sau giải phóng, huyện tiếp quản làm nhà trẻ, sau đó cho các hộ khó khăn ở tạm, khi nào làm được nhà mới thì bàn giao lại cho người khác. Cứ thế mấy mươi năm nay, đã có nhiều hộ sử dụng ngôi nhà này, vừa ở vừa bảo quản, sửa chữa nhỏ, quét vôi ve, lợp lại ngói đã mục nát...

Người Tri Hải đã khép lại quá khứ, dù nơi đây vẫn tồn tại một ngôi nhà của một cựu tổng thống .

Bài và ảnh: Hà My