Với sự trả lời của Krishnamurti

- Chúng tôi tới để trình bày với ông về vấn đề của chúng tôi. Chúng tôi ghen tuông -- tôi thì không nhưng ấy là nói về vợ tôi kìa. Dù trước kia nàng không có thói ghen lộ liễu như bây giờ, tuy nhiên, trong lòng nàng vẫn luôn luôn có nỗi niềm ghen tuông ngấm ngầm. Tôi không nghĩ rằng tôi đã làm điều gì khiến cho nàng có lý do để nổi ghen, nhưng nàng tìm ra lý do, thưa ông.

- Ông nghĩ rằng có lý do nào đó để nổi ghen sao? Có nguyên nhân cho sự ghen tuông sao? Và sự ghen tuông sẽ biến mất khi người ta tìm ra nguyên nhân sao? Ông có thấy rằng ngay như ông có biết được nguyên nhân, thì sự ghen tuông vẫn cứ còn tiếp diễn dài dài chăng? Chúng ta đừng mất công đi tìm nguyên nhân, mà nên hiểu bản chất của chính thói ghen tuông. Như ông nói, người ta có thể nổi ghen vì bất cứ chuyện gì; ghen tị là chuyện để mà cảm thông, không để tìm xem nó là cái gì.

- Tôi bị tật ghen tuông ám ảnh từ lâu rồi. Khi chúng tôi kết hôn, tôi không được biết rõ về chồng tôi, cho nên như ông thấy chuyện đã xẩy ra, từ sự không tin hiểu nhau đó, nỗi nghi kỵ, ghen tuông cứ len lén, từng chút, triển nở dần trong lòng tôi, như khói lan trong bếp.

- Ghen tuông là một trong những cách để nắm giữ người đàn ông hoặc đàn bà, phải vậy không? Chúng ta càng ghen tuông, thì cái cảm giác về quyền sở hữu càng gia tăng. Sự có sở hữu cái gì đó mang đến cho chúng ta niềm vui. Nói lên rằng mình là sở hữu chủ độc quyền, dù chỉ là sở hữu con chó, cũng khiến cho chúng ta ấm áp cõi lòng và cảm thấy thoải mái. Sự độc quyền đồ sở hữu đem lại an toàn, bảo đảm cho chúng ta. Làm chủ cái gì đó khiến chúng ta cảm thấy mình quan trọng; và chính sự tự thấy mình quan trọng ấy đã là cái mà chúng ta bám chặt lấy, không muốn mất. Nghĩ rằng mình sở hữu, không phải chỉ là cái bút chì hoặc cái nhà, nhưng sở hữu một người, khiến chúng ta cảm thấy vững vàng và toại nguyện lạ lùng. Thói ghen tuông không phải đến từ người khác, mà chính vì cái cảm giác về giá trị, về sự quan trọng của tự thân chúng ta mà ra.

- Nhưng tôi không coi mình là quan trọng, tôi là kẻ vô danh tiểu tốt; chồng tôi là tất cả cuộc đời tôi. Ngay đến các con tôi cũng chẳng đáng kể.

- Chúng ta đều chỉ có một thứ để mà gắn chặt cuộc đời vào, dù mang các hình thức khác nhau. Bà bám chặt vào ông chồng, người khác bám vào con cái, rồi lại có những người khác nữa bám vào niềm tin nào đó. Tuy hình thức thì khác nhưng nội dung thì cũng giống nhau thôi. Không có cái để mà bám víu vào, chúng ta cảm thấy lạc lõng biết bao trong cuộc đời, phải vậy không? Chúng ta sợ cái cảm giác quá đơn độc. Chính nỗi sợ hãi ấy tiềm ẩn lòng ghen tuông, ghét bỏ, đau khổ. Ghen tuông và ghét bỏ không khác nhau nhiều đâu.

- Nhưng chúng tôi yêu nhau.

- Nếu yêu tại sao bà có thể ghen? Chúng ta không yêu, đó là phần đáng buồn của câu chuyện. Bà đang sử dụng chồng bà, cũng như chồng bà đang sử dụng bà, để cùng vui thú, để có đôi có cặp, không cảm thấy cô đơn. Có thể bà không được gì nhiều, nhưng ít ra bà cũng có người để cùng nhau qua ngày. Sự cần thiết và sử dụng hỗ tương này chúng ta gọi là yêu.

- Thế thì thật là kinh hãi.

- Không kinh hãi đâu, chỉ có là chúng ta chẳng bao giờ nhìn thẳng vào thực tế mà thôi. Chúng ta nói là kinh hãi, đặt cho nó cái tên rồi vội vã quay đi phía khác -- đó là điều mà bà đang làm.

- Tôi biết, nhưng tôi không muốn trực diện. Tôi muốn cứ tiếp tục sống như từ hồi nào tới giờ, dù như thế có nghĩa là tôi vẫn giữ thói ghen tuông, vì tôi không thể thấy điều gì khác trong cuộc đời nữa.

- Nếu bà nhìn rộng ra, thấy được những cái khác trong cuộc đời, thì bà có thể chấm dứt được sự ghen tuông đối với chồng bà, được không? Nhưng rồi bà cũng sẽ lại bám víu vào cái khác, y như hiện nay bà đang bám víu vào ông nhà, rồi thì bà cũng lại sẽ nổi lòng ghen tuông với cái đó y như hiện nay vậy. Bà muốn tìm một cái gì đó để thay thế vai trò của ông nhà, không phải là muốn thoát khỏi tật ghen tuông. Tất cả chúng ta đều như vậy: trước khi liệng bỏ cái này, chúng ta muốn có cái khác để đặt niềm tin rất chắc vào đó đã. Chỉ khi nào bà hoàn toàn buông xả, không nắm chắc vào cái gì, thì khi đó sẽ không có chỗ cho bà ghen tuông nữa. Có lòng ghen tị khi có sự nắm giữ, khi bà cảm thấy bà có cái gì đó. Thói độc quyền là cái cảm giác về sự chắc chắn này; có sở hữu là có ganh tị. Quyền sở hữu sinh ra tật ganh ghét. Thật ra thì chúng ta rất chán ghét cái mà chúng ta đã có, điều đó biểu lộ trong sự ghen tuông. Ở đâu có mặt thói sở hữu thì ở đó không thể có tình yêu. Chiếm hữu tiêu diệt tình yêu.