Nhân lúc nông nhàn, vào mục này thấy hay quá, khuyetdanh cũng xin góp vui vài câu chuyện về sự đời để anh em ta cùng tham khảo nghiền ngẫm về cái sự đời muôn màu, muôn vẻ quanh ta…


VÀNG ƠI


Ở vùng quê nọ, có anh chàng họ Đỗ. Sau ngày cha mẹ mất, cả hai vợ chồng đã ra sức cày bừa, chăm sóc đồng ruộng mà cuộc sống vẫn chẳng thấy khấm khá. Đêm ấy bên nhau, họ cùng thao thức và cùng đi đến quyết định sẽ bán toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn để ra tỉnh mưu sự kinh doanh. Bởi “Phi thương bất phú”, và “giàu có nhà quê không bằng ngồi lê ở tỉnh”.

Thế rồi, bên bán là họ Đỗ, bên mua là người họ Lạc. Công việc giao tiền, nhận quà của đôi bên được tiến hành hoàn toàn suôn sẻ. Người ra đi, kẻ mới đến trong bữa rượu tay cầm tay, cốc chạm cốc, ngọt lời cầu chúc mong nhau làm ăn phát đạt. Họ còn trân trọng nhận lời kết nghĩa anh em, buồn vui, vinh hiển có nhau… và nặng lời thề thốt: Nếu kẻ nào vì đồng tiền, phân bạc mà ăn ở hai lòng thì trời chu, đất diệt!

Thế rồi, vào một buổi chiều cách đó không lâu, gia đình nhà họ Lạc có việc đào đất để sửa lại cây cột cổng, thì trời ơi: Một hủ vàng mười đầy ắp! Chàng họ Lạc bèn cho tìm chủ cũ để trả.

Thấy vậy, bằng những lời lẽ chân thành, chàng họ Đỗ - chủ nhà cũ xua tay nói:

-Ơ hay, anh nói gì mà lạ thế! Nhà và đất tôi đã bán cho anh. Nếu anh đào đuôc một hũ vàng, chứ anh đào được cả mười hũ vàng, thì số vàng ấy vẫn thuộc về anh.

Thế nhưng, chàng họ Lạc lại cho rằng:

-Đã đành là tôi mua nhà, mua đất chứ tôi không hề mua cái hũ vàng này. Ôi có lẽ nào nó lại thuộc về người chủ mới là tôi – mà nó phải thuộc về chủ cũ là anh!

-Không! Không, hũ vàng đó không phải là của tôi!

-Tôi cũng nghĩ như vậy! Hơn thế, lời thề năm xưa giữa tôi và anh: Kẻ nào tham lam, ăn ở hai lòng thì Trời sẽ chu, Đất sẽ diệt còn đây…

Cả hai bên cứ thế nhường nhau. Cả hai đều thể hiện cách sống không vì vật chất!

Cho mãi đến khi bóng chiều đã ngã, màn đêm đã buông rồi mà hủ vàng vẫn chưa biết thuộc về ai!

Thôi thì, cả hai bên nhất trí hẹn để ngày mai tiếp tục luận bàn.

Đó là thời kỳ của Nghĩa Tình Đạo Lý

Song nào có ai hay, qua một đêm – Vâng, mới chỉ qua có một đêm thôi, mà hôm sau đất trời đã chuyển sang cái thời kỳ: Tiền! Tiền là trên hết!

Ôi, cái mặt trái của nó đã làm cho quan hệ vợ chồng, cha con ruột thịt…đâu còn thắm thiết!!! Tình làng xóm, nghĩa họ tộc…chỉ một ly đất giọt tranh mà đánh nhau sứt đầu mẻ trán, hoặc thưa kiện hơn thua!

Y hẹn, sáng sớm tinh mơ hôm sau, cả hai cùng gặp lại. Chàng họ Lạc mua đất nói:

-Người anh em kết nghĩa thân thiết ơi! Suốt đêm tôi đã suy nghĩ kỹ, thì đúng như lời của anh nói hôm qua: Đất tôi đã mua thì hũ vàng này phải thuộc về tôi!

-Sao lại có chuyện lạ kỳ như vậy. Chàng họ Đỗ cãi. Bởi cũng trong đêm qua tôi khẳng định lời của anh hôm qua: Anh chỉ mua đất chứ không mua vàng. Vậy hủ vàng này thuộc về tôi! Anh phải trả cho tôi là đúng.

Thế rồi, hết ngày hôm ấy họ cứ thế mà lý sự. Cả hai đều khẳng định hủ vàng đó phải thuộc về mình. Thậm chí không có sự dung hòa chia đôi hoặc chia ba…Bởi trong đầu óc, trong lương tâm của bọn họ bây giờ chỉ còn thấy Vàng và Tiền!

Suốt buổi chiều hôm ấy, rồi cả ngày hôm sau, họ lôi cha mẹ, họ lôi ông bà tổ tiên năm đời, mười đời của nhau mà chửi bới.

Ngày hôm sau nữa cả vợ con hai bên nhà họ cũng đều có mặt để mà cãi lộn, để mà tranh chấp. Cuối cùng tất cả bọn họ, kẻ tay gậy, người gạch đá…Họ cứ thế lăn xả vào nhau. Người gẫy chân, kẻ vỡ đầu. Cho mãi tới khi cả hai bên đều kiệt sức, họ mới giật mình nhìn lại, thì hỡi ơi hủ vàng đã bị kẻ thứ ba cuỗm mất tự khi nào!

Hũ vàng đã bị mất, nó cũng đồng nghĩa với quan hệ những tưởng tốt lành của họ, kể cả nghĩa tình với họ hàng làng xóm cũng không còn! Có chăng với họ chỉ là sự hận thù, chua chát! Để rồi phía cuối của một nẻo đường, ngày cũng như đêm cả hai đều mặt mày nhợt nhạt, thất thần. Cả hai đều ngơ ngác không chịu về nhà, mặc cho vợ con vỗ về an ủi. Cả hai đều không còn nhớ mình là ai, bởi họ nhìn đâu cũng chỉ thấy màu sắc chói lọi của vàng!

…………..

(St)