Trung Quốc chuẩn bị 'đánh úp' biển Đông?
Cập nhật lúc 44 AM, 10/04/2012

Những sự kiện tranh cãi gần đây tại biển Đông và biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và các láng giềng cho thấy Bắc Kinh “chứng nào tật ấy”, không bao giờ ngừng các hành động khiêu khích, thậm chí, có khả năng họ triển khai các cuộc tấn công bất thình lình trong các vùng lãnh hải tranh chấp.

Ầm thầm chuẩn bị tấn công bất thình lình?

Theo các báo cáo thăm dò và khảo sát của phương Tây và các quốc gia trong khu vực, Tây Thái Bình Dương chứa trữ lượng dầu và khí đốt vô tận. Trữ lượng tài nguyên ở khu vực này, trong các báo cáo thăm dò của Trung Quốc thậm chí, luôn cao hơn bất cứ báo cáo nào khác. Do đó, Bắc Kinh cho rằng nếu có thể kiểm soát được khu vực này, họ sẽ không phải đau đầu bận tâm về việc làm thế nào để thỏa mãn cơn thèm năng lượng của nền kinh tế, và do đó, vấn đề an ninh năng lượng sẽ được đảm bảo. Theo ước tính của Trung Quốc, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ở Tây Thái Bình Dương có thể đủ cho Trung Quốc “dùng xả láng” trong hơn 60 năm.

Với khoản tiền “khủng” theo các tuyên bố chính thức là 100 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng năm 2012 (nhiều nhà phân tích khẳng định con số thực còn cao hơn rất nhiều), Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang nỗ lực gia tăng sức mạnh và các khả năng cần thiết để các yêu sách liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực và vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc được đảm bảo và được tôn trọng.
Trung Quốc không tiếc "tiền tấn" hiện đại hóa quân đội. Ảnh minh họa: CNBC.

Các thành tựu đáng kể trong công cuộc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc được thể hiện thông qua các tên lửa đạn đạo chống hạm mới – có khả năng buộc Mỹ phải suy nghĩ thận trọng trước khi quyết định đưa lực lượng vào giải cứu các đồng minh trong khu vực trong trường hợp một cuộc chiến giữa Trung Quốc và họ bùng lên.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng không tiếc tiền của đầu tư mở rộng kho máy bay chiến thuật mặt đất và các tên lửa hành trình có cánh đối hạm chưa kể lực lượng tàu chiến và tàu ngầm hạt nhân cũng được chú trọng phát triển.

Không thể không kể đến sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng tàu khu trục hải quân tàu đổ bộ mới cũng như các trực thăng mẫu hạm có khả năng chở hàng nghìn hải quân Trung Quốc nhanh chóng đổ bộ tới các hòn đảo tranh chấp.

Không dừng lại ở đó, nếu không có gì thay đổi, tháng 8 năm nay, Bắc Kinh sẽ đưa tàu sân bay đầu tiên mang tên Thi Lang vào hoạt động – gia tăng đáng kể sức mạnh hải quân của Trung Quốc.

Trong khi đó, hàng loạt các bài bình luận trên các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc, đáng chú ý nhất là tờ Global Times – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, khái niệm về “các cuộc chiến quy mô nhỏ” gia tăng kể tăng kể từ năm 2011.

Đáng chú ý, đầu tháng ba vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố quân đội Trung Quốc cần chuẩn bị tốt hơn cho các "cuộc chiến tranh cục bộ".

Từ những dấu hiệu trên, hàng loạt các chuyên gia trong một bài phỏng vấn với Asia Times nhấn mạnh rằng tương lai, Trung Quốc có thể phát động các cuộc tấn công quân sự giới hạn.

Theo Steve Tsang, Giám đốc Viện chính sách Trung Quốc thuộc ĐH Nottingham, tin rằng Trung Quốc có thể khởi động một cuộc chiến bất thình lình và quy mô nhỏ nhằm vào Philippines và Việt Nam.

“Khởi động cuộc chiến chống lại Việt Nam chỉ làm an ninh ở Đông Nam Á và Đông Á bất ổn hơn. Trung Quốc không dễ chiến thắng Việt Nam. Dù vậy, họ rất có thể phát động một cuộc chiến như thế”, ông Steve Tsang nhấn mạnh.

Ông Tsang cảnh báo, tấn công Việt Nam hoặc Philippines sẽ đẩy các quốc gia ASEAN đến chỗ phải tìm đến Mỹ cầu viện.

Tuy nhiên, ông Tsang nhấn mạnh, Hàn Quốc sẽ không phải là mục tiêu bất chấp các cuộc chiến ngôn từ gần đây với Trung Quốc sau vụ một quan chức Viện Hải Dương học nước này tuyên bố bãi đá ngầm Ieodo chắc chắn là một phần lãnh hải thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

“Việc Trung Quốc tính chuyện triển khai hoạt động quân sự chống lại Hàn Quốc là quá nguy hiểm và không được bất cứ ai khoan dung. Mỹ có vai trò rất lớn ở đây và sẽ ngay lập tức gây áp lực lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để ra một lệnh ngừng bắn”, ông Tsang tuyên bố thêm.

Trong khi đó, James Holmes, một Phó Giáo sư nghiên cứu Chiến lược của Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định Bắc Kinh có thể sẽ thành công nếu tấn công Philippines.

“Bắc Kinh sẽ khởi động bất cứ cuộc chiến tranh quy mô nhỏ nào khi có thể. Sức mạnh quân sự vượt trội của họ dựa trên các loạt vũ khí như tên lửa đạn đạo chống hạm sẽ mang lại ưu thế cho Trung Quốc trong suốt cuộc chiến”, ông Holmes giải thích.

Như vậy, rất có thể trong tương lai, biển Đông sẽ lại dậy sóng bởi các cuộc tấn công bất thình lình và quy mô nhỏ của Trung Quốc.