Lại chuyện Thầy cúng chữa bệnh tâm thần
03/11/2008 9:40

Dùng biện pháp mê tín dị đoan để chữa trị sẽ gây hại rất nhiều: Vừa tốn công sức, tiền của, bệnh lại càng trầm trọng

Vừa qua, một nữ bệnh nhân tâm thần 17 tuổi, ngụ tại Nha Trang -Khánh Hòa đã tử vong do người nhà không đưa đến bệnh viện mà cho rằng bị “tà ma nhập” nên mời thầy cúng cầu thần thánh chữa trị. Theo kết luận giám định pháp y, nguyên nhân dẫn đến cái chết của bệnh nhân này là suy hô hấp do viêm phế quản; cơ thể bị thương tích do bị thầy cúng dùng roi đánh; bỏng 72% do bị châm nhang vào người...

Do... trời hành!

Nhiều gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần cứ cho rằng người ấy “bị trời hành” và mỗi gia đình thế nào cũng phải có một người như vậy. Người này có thể luôn còi cọc, xấu xí hoặc bị dị tật bẩm sinh hoặc chịu những căn bệnh hiểm nghèo rất khó cứu chữa. Trên phương diện tâm linh, nhiệm vụ “cao cả” của người “bị trời hành” ấy là gánh hết những xui xẻo, rủi ro, khổ sở, đau đớn cho các thành viên khác trong gia đình...

Bệnh nhân K. bị tâm thần phân liệt, anh bị ảo giác nội tạng và luôn cảm thấy rõ ràng có một con rắn đang nằm trong bụng mình. Vì vậy, K. luôn ở trong trạng thái sợ hãi. Bệnh tình của anh đã gây nên một cú sốc lớn cho gia đình, nhất là người mẹ. Cho rằng con mình “bị trời hành”, bà rất đau khổ, ngày đêm cúng bái. Trước sự lo lắng của các thành viên khác trong gia đình, mẹ K. lập tức nghĩ đến giải pháp cầu cứu thần thánh, bởi bà cho rằng có kẻ xấu nào đó đã “ếm” con rắn độc vào bụng con trai mình.


Sau hơn một năm ròng rã lặn lội nhiều nơi để tìm thầy chữa trị, gia đình K. sức cùng, lực kiệt, số tiền tích góp lâu nay hao tốn rất nhiều mà bệnh tình của K. vẫn chẳng hề thuyên giảm. Thấy con ngày càng trầm trọng mà thần thánh có lẽ cũng đã bó tay, mẹ K. mới đành miễn cưỡng quyết định đưa con mình vào bệnh viện chữa trị. Qua một thời gian điều trị ở bệnh viện, bệnh tình của K. đã thuyên giảm.



Cần kết hợp nhiều liệu pháp

Việc dùng những biện pháp mê tín dị đoan để chữa trị cho người bị bệnh tâm thần có tác hại rất nhiều mặt. Ngoài việc tốn công sức, tiền của, người bệnh ngày càng nặng thêm. Nhiều bệnh nhân tâm thần đã phát sinh thêm những thứ bệnh khác sau một thời gian cầu cứu thần thánh chữa trị, như chấn thương, tiêu chảy... Những bệnh nhân này bị bắt phải uống những loại bùa chú, nước thánh hoặc bị đánh bằng roi dâu ngâm nước tiểu, bị châm nhang lên cơ thể... nhằm “trục tà ma” trong người ra. Nhiều bệnh nhân tâm thần nhập viện sau khi bị đánh đến thâm tím cơ thể, trong đó có vết quá sâu đã nhiễm trùng, mưng mủ.

Theo quan niệm y học hiện đại, có những nguyên nhân chính để giải thích về việc một người nào đó bị bệnh tâm thần. Hoạt động tâm thần liên quan đến não bộ, chính vì vậy mà bệnh tâm thần phát sinh khi não bộ bị những tổn thương, như: chấn thương sọ não, nhiễm trùng, nhiễm độc... Các bệnh nội tạng, nội tiết đều có thể gây ra những rối loạn tâm thần ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Ngoài ra, tâm thần cũng là một bệnh do các nhân tố có hại từ môi trường gây ra, như: sang chấn tâm thần, điều kiện sinh hoạt vật chất, tệ nạn xã hội, áp lực công việc... Bệnh tâm thần còn phụ thuộc vào những yếu tố khác, như: sức khỏe toàn thân, giới tính, tuổi tác, đặc điểm nhân cách, loại hình thần kinh...

Tâm thần là một loại bệnh mà việc điều trị thường phải kéo dài, tốn kém, có trường hợp bệnh nhân dù đã hồi phục nhưng vẫn tồn tại những thiếu sót trí năng, rối loạn tác phong, nhân cách... Cách điều trị tâm thần hiện đại là điều trị ngoại trú trong cộng đồng và phối hợp nhiều biện pháp khác, như: dùng thuốc, tâm lý liệu pháp, phục hồi chức năng...

1/4 bệnh nhân tâm thần điều trị bằng mê tín dị đoan

Việc chữa trị bệnh nhân tâm thần là cực kỳ khó khăn và thường rất lâu dài. Bên cạnh đó, tư tưởng mê tín dị đoan vẫn tồn tại trong một bộ phận dân cư khiến việc điều trị cho bệnh nhân tâm thần càng thêm khó khăn. Khảo sát về bệnh nhân tâm thần phân liệt điều trị ngoại trú trên địa bàn TPHCM do Bệnh viện Tâm thần TP thực hiện cho thấy: Trước khi đi khám chuyên khoa, có khoảng 1/4 bệnh nhân tâm thần áp dụng các phương pháp mê tín dị đoan để điều trị. Sau một thời gian, khi bệnh không thuyên giảm, số bệnh nhân này mới được đưa đến bệnh viện tâm thần chữa trị. Song, vẫn có 8% tiếp tục chữa bệnh theo kiểu “trung dung”, tức vừa uống thuốc vừa cúng quảy cầu thần thánh, dùng bùa chú...

Theo Bác sĩ Lê Quốc Nam / Người Lao Động