Ta đã từng rong ruỗi bao cõi phù sinh

Mãi xoay vần trong cuộc lữ duyên tình

Bên ráng đỏ, bên màn sương u uất

Bóng rũ mờ, lệ nhỏ khúc trường chinh.

Chiếc lá xanh hằn lên trang sử Việt

Dấu chân trần im đậm nét lao - vinh

Vòng dịch chuyển xoay vần, ta gục ngã

Bên triền non, suy ngẫm cuộc tử - sinh.




“Chích lý thiên trùng ẩn ước triêu huy tà cốc khẩu.

Song kiều tuyệt lãnh mông lông thệ thủy trục vân không”.

Một chiếc dép đi nghìn trùng, thấp thoáng nắng mai nghiêng cửa động. Đôi cánh non trên vạn nẻo, mịt mù nước cuộn đuổi trời mây. Hình ảnh bay bổng nên thơ trên của thầy Nguyên Chứng đã gợi trong tôi hình ảnh Tăng sĩ một thân một bát, cô thân chích lý để đi tìm sự tịch mịch tối thượng. Để rồi, trong lộ trình hướng về giải thoát, mỗi kiếp người là lữ khách bôn ba giữa quê hương để tìm lại chính mình.

Ta đã từng rong ruỗi bao cõi phù sinh

Mãi xoay vần trong cuộc lữ duyên tình

Bên ráng đỏ, bên màn sương u uất

Bóng rũ mờ, lệ nhỏ khúc trường chinh.

Chiếc lá xanh hằn lên trang sử Việt

Dấu chân trần im đậm nét lao - vinh

Vòng dịch chuyển xoay vần, ta gục ngã

Bên triền non, suy ngẫm cuộc tử - sinh.

Trên triền non giữa mây núi, ta nằm nghe gió thổi vi vu bản nhạc quê hương. Cuộc đời phù sinh ảo mộng một con đường, mấy nỗi niềm khi hơi thở là con thuyền chóng vánh. Một hơi thở dài nặng trĩu bóng hoàng hôn, con đò xưa trên dòng sông trắng xóa, mãi đậu bến cũ chờ người lữ khách qua sông. Bóng tha nhân nhạt nhòa cuối trời đông, ôm mộng mị để nhận chân mộng mị và ngoài thân ai bảo chẳng còn thân.

Những chiếc lá xanh ôm trọn khúc dân ca quê mẹ. Chưa kịp gầy, cơn gió nhẹ đã đưa về khúc hát chia ly. Ngẫm nghĩ chuyện chi cho dòng đời bớt khổ, thấy chạnh lòng cơn gió động lao xao. Cuộc tử sinh ai khéo dệt chiến bào, làm chùn bước hình bóng người cuối phố.

Để từ đó, trong cuộc chơi sanh tử trăm năm, biết mấy ai nhận chân được thực tại. Một hạt sương sớm còn vương, một tiếng chuông khuya ngân nga giữa biển đời ảo mộng để dệt khúc vô thường, như một lời mời chàng Cùng tử đang tha hương lữ thứ về quê hương đích thực. Đừng lang thang tìm kiếm của báu, vì gia bảo đã có sẵn trong nhà. Gia trung hữu bảo hưu tầm mích. Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền. Bây giờ chỉ còn mỗi một việc là dừng bước chân phiêu lãng để thấy được kho báu đó bằng cách phát khởi tâm Bồ đề mà lên đường thể nghiệm sự giác ngộ. Chỉ có thế, khi ánh nắng chiều soi bóng, những con sóng vươn mình trên đại dương bao la, như bỡn cợt kiếp người hòa cùng một tiếng mõ trưa, giữa làng quê tĩnh mịch, vang vọng như tiếng hải triều, như gọi lữ khách tha hương niệm Tâm kinh Bát nhã để qua cầu sắc - không.

Vậy, Bồ đề tâm là gì mà chúng sanh phải phát khởi để đi về cảnh giới giác ngộ?

Đó là chí nguyện nóng bỏng của một chúng sanh tự thấy mình đang sống trong cảnh tối tăm, giữa đọa đày khổ nhục, mong tìm một con đường sáng không những để giải thoát bản thân khỏi những đe dọa áp bức mà còn là để giải thoát cho tất cả những người cùng cảnh ngộ. Bồ đề tâm, đó là ý chí kiên cường bất khuất của một người bị cột trói trên ngọn lửa rực cháy, bị chà đạp dưới những sức mạnh tàn khốc của tham vọng điên cuồng của chính ta và của một tập thể ma quái chung quanh ta[4].

Và Bồ đề tâm vốn là mấu chốt của sự tu tập, là đích đến và cũng là điểm khởi hành. “Đối với người học Phật, phát Bồ đề tâm không những là bước đầu mà còn là căn bản, không những là căn bản mà còn là cứu cánh”[3].

Cho nên, phát Bồ đề tâm, nói đơn giản là trước hết lập cái chí nguyện mong cầu tuệ giác Vô thượng Bồ đề, kế đó phát triển tuệ giác ấy, cuối cùng phát hiện bản thể của tuệ giác ấy là chân như. Giai đoạn trước hết, chí nguyện mong cầu tuệ giác Vô thượng Bồ đề có hai tính chất mà thành ngữ thường nói là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Như vậy, phát Bồ đề tâm không những là bước đầu mà còn là căn bản, không những là căn bản mà còn là cứu cánh.

Thế nhưng, hạt giống Bồ đề này chúng ta gieo ở đâu, vùng đất nào giữa biển đời nhiều nỗi truân chuyên này?

Hạt giống Bồ đề không được gieo vào một cánh đồng trừu tượng nào xa xôi, cũng không chỉ đợi được gieo vào một vùng đất hứa thần thoại nào khác, mà nó được gieo xuống ngay trên sa mạc sanh tử này, khô cằn với những đau khổ triền miên của chúng sanh này. Rồi hạt giống ấy cần phải được tưới bằng nước ngọt của từ bi để lớn mạnh, để đến thời trổ hoa giác ngộ[4].

Để rồi, trong Thắng man giảng luận, Bồ tát Di lặc nói với Thiện Tài: “Bồ đề tâm là hạt giống của hết thảy Phật pháp. Bồ đề tâm là ruộng phước vì nuôi lớn pháp bạch tịnh. Bồ đề tâm là cõi đất lớn, vì nâng đỡ hết thảy thế gian. Bồ đề tâm là tịnh thủy, vì rửa sạch tất cả cáu bợn phiền não...” [4]. Chính vì thế, Bồ đề tâm cần được nuôi dưỡng bằng chất liệu Đại bi và Đại trí.

Mà Đại trí là biểu hiện chỗ sở chứng của Phật. Đại bi biểu hiện thế giới phương tiện độ sanh của Phật. Chỗ sở chứng và thế giới phương tiện độ sanh này, cả hai đều là Bất tư nghì và đều cùng trong cảnh giới của vô lượng và vô ngại. Cho nên tuy nói hai mà thực ra không phải là hai. Đại trí thành tựu từ Đại bi; và Đại bi hóa hiện từ Đại trí. Nếu không có Đại trí thì cũng không có Đại bi, vì Đại bi tâm chỉ có thể hưng khởi từ trí quán chiếu vô ngại, lìa thoát mọi cực đoan đối đãi của Vô - Hữu, Đoạn - Thường, Sanh - Diệt...Và ngược lại, nếu không có Đại bi thì cũng không có Đại trí, vì Trí tuệ Bát nhã chỉ có thể chứng nhập bằng con đường của bi nguyện rộng lớn trùm khắp pháp giới vô lượng [1].

Rốt cùng, phát khởi, nuôi dưỡng và giữ gìn Bồ đề tâm, “ngoài nỗi khổ sinh tử mà mình mục kích và ý thức, có hai chuyện mà Kinh Luật đề cập nhiều nhất, đó là tự biết mình có thể làm Phật và tha thiết hơn cả, nghĩ đến sự suy tàn, hay tương lai của Phật pháp”[3].

Vì vậy, sau khi đã phát khởi và nuôi dưỡng Bồ đề tâm, chúng ta cầu mong đức Phật chứng giám cho sự nghiệp hoằng pháp để báo Phật ân đức “Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh, ngũ trược ác thế thệ tiên nhập, như nhất chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ Nê Hoàn”. Nghĩa là lại cúi đầu cung thỉnh đức Thế Tôn vì con mà chứng minh, thế giới đầy dẫy năm sự nhơ bẩn, con xin nguyện bước vào trước để hóa độ. Nếu như có một chúng sanh nào chưa thành Phật thì trọn đời con không nhận cảnh giới an lạc của Niết bàn. Hay như ngài Địa Tạng “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật - Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề”…

Và chúng ta biết, phát khởi Tâm bồ đề là thể hiện chí nguyện hoằng pháp, dẫu đó là con đường vạn dặm, con đường đầy dẫy nội ma ngoại chướng, nhưng là đệ tử của Phật, là hậu duệ của Ngài Phú Lâu Na,[2] chúng ta không nên nản lòng.

Giờ đây, những trang sử Phật giáo đã được các Thánh Tăng, các Bồ tát viết bằng chất liệu Từ bi, Trí tuệ và Hùng lực, cần phải được tiếp nối bởi những người con Phật chúng ta. Chúng ta hãy lên đường, đi để thấy, đến để thấy, để làm trong sáng niềm tin của mình, và mang niềm tin ấy đến cho nhiều người. Chúng ta hãy đi khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, đến với những người cùng khổ, những người bị đọa đày bởi từng miếng cơm manh áo; đến với những người sống trong bóng tối dày đặc của vô minh, những người bị bủa vây bởi những tâm thức cuồng loạn để chia sẻ niềm vui nỗi buồn, những khổ nhọc của hình hài, những đọa đày của tâm trí, để có thể giúp họ khai sáng tâm thức và khi tâm thức họ được khai sáng thì mọi sự ngay trong bản thân cũng như bên ngoài của họ hoàn toàn thay đổi, thay đổi một cách kỳ diệu...[5]

Tóm lại, với sự phát khởi và gieo hạt giống bồ đề giữa biển đời nhiệt não, chúng ta hãy lên đường để xiển dương tôn chỉ giải thoát và giác ngộ, bật đèn soi đường chỉ lối cho chúng sanh trong mọi nẽo trầm luân, như bản hoài bao đời của chư Phật.

Thích Thông Đạo

Tài liệu tham khảo:

[1] Thích Tín Nghĩa, Cốt tủy nghi lễ Phật giáo, Hội Phật giáo Ba la mật.

[2] Thích Nhất Hạnh, Đường xưa mây trắng - theo gót chân Bụt, Lá bối xuất bản lần hai, San Jose 1992.

[3] Đại sư Thật Hiền, Văn khuyến phát Bồ đề tâm, Trí Quang dịch

[4] Tuệ Sỹ, Thắng Man giảng luận, Ban tu thư Phật Học Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức, Pl.2544 - 2001.

[5] http://www.phatviet.com/ nghiencuu/tsnc04/nc4.htm