kết quả từ 1 tới 20 trên 27

Ðề tài: Thảo luận Tâm linh - Phong thủy - Kiến trúc về Qui Hoạch Thủ Đô

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định

    Hà Nội sẽ có hầm đường bộ xuyên qua lòng... hồ Tây?
    Cập nhật lúc 06:40, Thứ Hai, 08/09/2008 (GMT+7)
    ,
    - Posco E&C vừa đề xuất với UBND TP Hà Nội dự án cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng, nối liền với một hầm đường bộ qua hồ Tây nhằm chia sẻ lưu lượng giao thông với cầu Chương Dương và tạo lập một hướng giao thông mới sang Đông Anh (Hà Nội)...

    Theo Posco E&C, đây sẽ là một dự án hợp tác giữa tư nhân và nhà nước, mà cụ thể là chính quyền Thành phố Hà Nội và Posco E&C cùng hợp tác đầu tư, thực hiện dự án và cùng chia sẻ lợi ích theo tỉ lệ vốn cổ phần. Trong đó, Posco E&C sẽ "đảm trách" vấn đề tài chính, qui hoạch, thiết kế và xây dựng, còn TP Hà Nội có trách nhiệm chấp thuận, đền bù, thu hồi đất, tái định cư và giải phóng mặt bằng.


    Sẽ có một hầm đường bộ xuyên dưới đáy hồ Tây (Hà Nội)? (Ảnh tư liệu dự án).



    Dự án này được chia làm 2 phần chính: cầu Tứ Liên, hầm đường bộ qua hồ Tây và kế hoạch phát triển đất phía đông Đông Anh (được coi là dự án phụ trợ để thu hồi vốn xây cầu và hầm kể trên bởi Posco E&C cho rằng cầu Tứ Liên sẽ không dễ thu phí giao thông và không có nguồn thu từ phí dịch vụ).

    Cầu Tứ Liên, theo mô tả của nhà đầu tư này trong đề xuất sơ bộ, là một cầu cáp dây văng có vị trí theo sát Qui hoạch tổng thể TP Hà Nội 1998, một đầu là khu vực đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ) và đầu kia tại quốc lộ 3 (huyện Đông Anh) với tổng chiều dài 6.810m. Tuy nhiên, phần cầu chỉ dài khoảng 2.590m và phần đường dài 4.220m.

    Việc xây dựng cầu Tứ Liên được coi là giai đoạn 1 của một trong hai phần dự án, với tổng chi phí xấp xỉ 395 triệu USD (cả xây dựng và đền bù). Nếu cộng cả tăng giá do lạm phát, lãi suất trong thời gian xây dựng và các chi phí khác thì tổng mức đầu tư cây cầu này có thể "đội" lên thành 594 triệu USD. Nhà đầu tư kỳ vọng việc đền bù sẽ hoàn tất 100% vào năm 2009 để sau đó có thể tiến hành xây dựng và hoàn thành cây cầu vào 2012.


    Phối cảnh cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng trong tương lai (Ảnh tư liệu dự án).



    Nối liền với cầu này, Posco E&C đề xuất xây dựng một hầm đường bộ qua lòng hồ Tây kéo dài, một đầu nằm trên phố Văn Cao (quận Ba Đình), đầu kia ở đường Nghi Tàm (kể trên). Nhà đầu tư cam đoan đường hầm này sẽ không can thiệp vào bán đảo Quảng An và có tổng chiều dài 3.020m (trong đó, chiều dài phần đường là 760m, phần cầu 2.260m).

    Hầm đường bộ qua hồ Tây được hoạch định là giai đoạn 2 của một phần dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 534 triệu USD (442 triệu USD xây dựng và 92 triệu USD đền bù). Rõ ràng, vì "chui" qua hồ nên khối lượng hộ dân phải di dời khi xây hầm này sẽ không "khổng lồ" như nhiều dự án đường bộ trên mặt đất.

    "Ngoài các cầu vượt sông Hồng đã xây dựng, hoàn thành xây dựng 2 cầu là cầu Thanh Trì (trên đường vành đai III) và cầu Vĩnh Tuy (trên đường vành đai II); triển khai xây dựng cầu Nhật Tân (trên đường vành đai II); đầu tư xây dựng mới các cầu trên đường vành đai IV và V là cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Vĩnh Thịnh. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện quy hoạch, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu việc đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên. Mặt cắt ngang các cầu xây dựng mới vượt sông Hồng có quy mô từ 6 ¸ 8 làn xe (không áp dụng cho cầu Tứ Liên)".

    Qui hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến 2020


    Song song với việc xây dựng cầu Tứ Liên và hầm đường bộ trên, Posco E&C đề xuất kế hoạch phát triển 2.170ha đất phía đông huyện Đông Anh thành một đô thị đa chức năng và cho rằng "cần sớm tiến hành bán đất nhằm giảm thiểu thiếu vốn và giảm lãi suất" dự án này.

    Sở dĩ khu vực này được nhà đầu tư "nhắm" vì nó nằm kế cận vùng nội đô, có tiềm năng trực tiếp kết nối với trung tâm Hà Nội rất thuận tiện khi cầu Tứ Liên và hầm qua hồ Tây (kể trên) hoàn thành.

    Nhà đầu tư tính toán rằng, bây giờ và cả tương lai, 2.170ha đất dự kiến phát triển đô thị để hoàn vốn BT của họ sẽ nằm trên trục giao thông chính Thái Nguyên - Đông Anh - nội đô Hà Nội - Hà Tây, khu vực vành đai 2, 3 và quốc lộ 5 kéo dài. Hơn thế nữa, nó có mặt nước rộng, kế cận sông Hồng, sông Đuống và đường thủy chạy dọc trục giao thông...

    Dự án đất này cũng được Posco E&C chia làm 2 giai đoạn: 420ha giai đoạn 1 đầu tư 210 triệu USD và 1.750ha giai đoạn 2 đầu tư 875 triệu USD. Nhà đầu tư cho rằng nếu dự án được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) sẽ giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho Chính phủ.

    Hoàng Huy

    http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/09/802536/



    ================================================== =======


    Hầm đường bộ xuyên lòng Hồ Tây, nên hay không?
    Cập nhật lúc 06:39, Thứ Ba, 09/09/2008 (GMT+7)
    ,
    - Việc Hà Nội sẽ có hầm đường bộ xuyên qua lòng Hồ Tây nhận được rất nhiều tranh luận của độc giả. Phần nhiều ý kiến cho rằng, hồ Tây là một địa điểm linh thiêng của Hà Nội, nếu làm đường hầm bộ dưới lòng hồ sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan. Chưa kể, Hà Nội còn "nợ" rất nhiều công trình đang dang dở, không nhất thiết phải mở thêm một dự án quá tốn kém như vậy...




    Sẽ có hầm đường bộ xuyên lòng Hồ Tây? Nguồn ảnh: dulichvietnam.com



    Không nên động vào "long mạch" hồ Tây!



    Hồ Tây là não tuỷ của Thăng Long - Hà Nội, nếu xây dựng đường hầm xuyên qua lòng Hồ Tây thì không những tổn hại nghiêm trọng đến thế "rồng chầu hổ phục" của vùng đất ngàn năm văn hiến, mà còn phá vỡ cảnh quan, môi trường. Vũ Thành Đạt, Thanh Trì - Hà Nộivtd21@

    Không cần thiết phải làm hầm xuyên qua Hồ Tây! Thiếu gì phương án khả thi khác mà lại đi xuyên qua lòng Hồ Tây, sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan và nhất là môi trường tự nhiên của Hồ. Thực là lạ, chúng ta đang ở đầu thế kỷ XXI mà còn phải chứng kiến sự xuất hiện của những dự án và phương án cầu đường như thế này?! Nguyen Ngoc Ngoan, Nguyen Trai, P.2, Q.5, TP.HCM, email: ngoan@...


    Tôi nghĩ, không cần phải thiết kế một cây cầu tốn kém đến như thế mà lại ảnh hưởng tới Hồ Tây linh thiêng, nơi đó là đầu rồng. Chỉ cần dịch chuyển mấy trăm mét để đầu cầu phía Nam cắm vào đường Lạc Long Quân, đầu cầu phía Bắc nối sang phần đất Đông Anh, thế là cây cầu vẫn rất đẹp mà lại giữ được Hồ Tây không bị xâm phạm, nơi đó rất linh thiêng, nơi tụ khí, sức mạnh Việt Nam đó. H.K.M


    Hồ Tây là trái tim của Hà Nội mới và địa điểm linh thiêng bao đời nay của đất kinh kỳ. Không nên động đến long mạch Hồ Tây. Với những cây cầu qua sông Hồng như hiện nay thì giao thông Hà Nội đâu có căng thẳng đến mức phải động đến long mạch Hồ Tây. Thu, Hàng Vải, email: thu@...

    Hồ Tây không quá rộng để phải chạy xe hàng giờ đồng hồ mới hết vòng. Chạy xe một vòng quanh Hồ Tây lại là một ký thú, một khoảnh khắc du lịch thú vị thêm nhiều hiểu biết. Vậy hà cớ gì, lại chui xuống lòng hồ cho tốn kém mà huỷ hoại tài nguyên môi trường. Ý tưởng làm đường xuyên lòng Hồ Tây là điên rồ. Cung Chính Đoàn, Hà Nội, email: ccdoan@...



    Nếu làm đường hầm này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh thái hồ Tây, điều này lợi ích của hầm sẽ không thể bù đắp được. Xét về phong thủy, hồ Tây là tứ thuỷ của Hà Nội, nếu đào hầm xuyên qua hồ khác gì phá vỡ long mạch của đất Thăng Long. Mong các nhà hoạch định của Hà Nội hãy nhìn cho kỹ cái lợi và hại của việc này với tầm nhìn chiến lược. Huy


    Cần xem lại tính hợp lý!

    Không biết Hồ Tây sâu bao nhiêu mét mà phải làm hầm ngầm. Liệu làm hầm và làm cầu, phương án nào hiệu quả hơn? Cần tính toán kỹ và đã đầu tư thì phải thu hồi vốn, người trả vốn này là Nhà nước, hay đúng hơn là nhân dân. Lê Sâm Lâm, email: lucsihailua@...

    "Tôi hơi bất ngờ khi nhìn thấy tiêu đề của bài viết và càng bất ngờ hơn khi đọc cả bài này. Tôi chưa bao giờ nghe và thấy ai đó xây dựng đường hầm qua lòng hồ, chỉ mới nghe nói xây dựng đường hầm qua lòng sông, dưới biển mà thôi (hoặc hiểu biết của tôi có hạn, chưa kịp cập nhật). Thiết nghĩ, đã là hồ cần gì phải xây bắc qua, sao lại không quy hoạch theo đường vành đai đi xung quanh hồ. Một dự án ngốn hàng tỉ đô như vậy nhất thiết cần phải xem xét, cân nhắc và tính toán kỹ. Không nên để việc xảy ra rồi mới nhìn thấy cái này, trông thấy cái kia. Mọi việc khi đó đã muộn rồi" - ý kiến của bạn Mai Hoàng, Bình Dương, email: maihoang36@...
    Nếu Hà Nội xây dựng đường hầm "chui" qua lòng Hồ Tây nối với cầu Tứ Liên... như dự án xem ra cũng "hay" vì Thủ đô ta lại có một công trình ngang tầm thế giới. Ở châu Âu - Mỹ việc xây cầu chui qua... biển người ta đã làm từ lâu, vậy vì sao ta lại không làm? Hải Phong, Hải Phòng, email: vuhienhp08@...

    Thiết nghĩ, việc xây dựng này là không cần thiết lắm. Chúng ta còn nhiều công trình cần xây dựng trước hơn là cái "hầm chui" chỉ để tiết kiệm vài phút đi vòng, trong khi cần xây nhiều cây cầu nhỏ ở các vùng quê cho các em học sinh đi học hoặc làm đường ở vùng sâu vùng xa. Xin đừng vẽ những dự án "lãng phí". Nguyễn Hải Huy, email: haihuy_12A7@...

    Có nhất thiết phải xây dựng một công trình quá tốn kém như thế không? Theo tôi, không nên vì: Hầm đường bộ xuyên qua Hồ Tây để giải quyết được việc gì? Hà Nội bây giờ đã được mở rộng rồi, còn nhiều công trình cấp thiết hơn để đầu tư. Cần có quy hoạch tổng thể, đừng làm manh mún, xé vụn quy hoạch ra như thế. B.K.T

    Không cần thiết phải có hầm xuyên lòng Hồ Tây vì quá lãng phí. Chỉ cần có cầu qua sông Hồng là quá tốt rồi. Chi phí làm hầm như vậy để cải tạo giao thông quanh Hồ Tây thì hơn. Trần Minh Nghĩa, Hà Nội, email: nghiadaisu@...

    Theo tôi, một hầm đường bộ qua lòng Hồ Tây là chưa cần thiết bởi khu vực Hồ Tây gần đê sông Hồng và cũng có nghĩa là ven đô. Chính vì vậy, tại đây không thể xảy ra tắc nghẽn giao thông nếu khai thác tốt các con đường hiện có. Một hầm dù là đường bộ hay đường sắt rất cần có quy hoạch cụ thể, khoa học và phải tận dụng tối đa giá trị sử dụng của nó. Đường giao thông trên mặt đất nếu quy hoạch sai thì có thể sửa được, còn dưới lòng đất thì đó là một điều cực kỳ lãng phí và ít có cơ hội sửa chữa.



    Theo tôi, Hà Nội nên xét đến một quy hoạch hầm đường bộ sau khi đã có quy hoạch Hà Nội mới. Theo đó hầm đường bộ này sẽ đảm nhiệm cả chức năng thoát nước cho thành phố và một số chức năng khác nữa. Vì vậy, việc thiết kế quy hoạch một hệ thống hầm đường bộ của Thủ đô là rất cần thiết. Ngô Bá Gắng, email: Gangnb@...

    Hà Nội còn nhiều việc khác phải làm


    Không cần thiết vì Hà Nội đã mở rộng rồi, thiếu gì đất cho quy hoạch đường mà tương lai Hồ Tây lại là trung tâm mới của Thủ đô, cảnh đẹp thơ mộng và đặc trưng vậy, hiếm nơi nào có được. Hãy giữ cho khu vực này được yên tĩnh, không nên xây dựng gì nhiều ở đây. Nguyen Hung, email: tata@...



    Theo tôi, hiện nay Hà Nội chưa cần thiết tập trung vào dự án quá lãng phí này, qua những hầm đi bộ mà hiện nay Hà Nội đã làm thì chưa thấy phát huy hiệu quả. Hà Nội hiện nay cấp bách nhất là phải hoàn thành ngay các dự án trọng điểm còn tồn đọng nhiều năm nay. Phát triển cơ sở hạ tầng thì phải đồng đều chứ không phải làm để phô trương. Ngo Lam, Cát Linh...

    Theo tôi, đây là một dự án hoang đường, thực tế cho thấy chỉ có mấy công trình cơ sở hạ tầng nhỏ con trong lòng thành phố mà kéo dài đến 2-3 năm không xong, vậy theo các bạn nghĩ thì công trình này sẽ kéo dài bao lâu và đã cần thiết chưa? Phan Long, Tây Hồ, Hà Nội, email: phanlong_vn@...

    Theo tôi, việc xã hội hoá xây dựng cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp đáng được mọi người hoan nghênh. Nhưng thiết nghĩ, thành phố Hà Nội nên khuyến khích những doanh nghiệp đầu tư hạ tầng để giải quyết việc tắc đường đang hằng ngày diễn ra trong khắp thành phố. Trước mắt, hãy làm trên mặt đất đã, sau khi bỏ tiền giải quyết được nhu cầu tối thiểu cho nhân dân được nhờ thì hãy làm đường chui xuống hồ. Vu Van Nhan, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, email: vuvannhan118@...

    Không biết Hà Nội thiếu đất đai đến nỗi nào, giờ Hà Nội đã rộng gấp 3 lần, sao lại còn phải động chạm đến các di sản cổ xưa. Hà Nội còn bao nhiêu con đường cần phải mở rộng, nâng cấp... sao chưa có ai động tới. Tóm lại, theo tôi, không cần thiết phải làm một hầm xuyên qua Hồ Tây. Vu Tran, Hà Nội, email: tranvukt81@...



    Theo ý kiến riêng của cá nhân tôi thì cần xem xét cho thật kỹ hơn dự án đầu tư hầm đường bộ xuyên lòng Hồ Tây. Hà Nội của chúng ta còn nhiều việc cần làm hơn là hầm đường bộ. Thử hỏi ai có thể trả lời được có bao nhiêu con đường trong Hà Nội cần làm cho hết thắt cổ chai?? Và hơn nữa, hầm đường Kim Liên bao giờ thì xong để đưa vào phục vụ giao thông? Các nhà quản lý nên đặt ra câu trả lời cho quy hoạch Hà Nội cụ thể và thiết thực hơn cho người dân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Xin cảm ơn!!! Hải Lâm, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, email: hailam_bvh@...

    vietnamnet.vn
    =================================================


    Đường hầm xuyên lòng hồ Tây: Đã sáng suốt, hợp thời chưa?
    Cập nhật lúc 09:28, Thứ Năm, 11/09/2008 (GMT+7)

    ,
    - Sáng đầu tuần, VietNamNet đưa tin có cái hầm xuyên qua lòng hồ Tây. Phải nói là tin này làm cho nhiều người khá ngạc nhiên… đến sửng sốt, nhất là đối với những ai quan tâm đến các vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị Hà Nội. Tuy vậy, dự án chọn thời điểm nào, ai làm và làm thế nào mới là chuyện bàn tính.


    Khả thi nhưng có hợp thời?

    Đó là ấn tượng đầu tiên khi biết tin này. Khi trải bản đồ quy hoạch giao thông HN nội ra thì thấy: Đây là con đường ngắn nhất nối trung tâm TP Hà Nội đến các đầu mối giao thông phía Bắc (Quốc lộ 3,5,18...), phía Tây nối với đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đặc biệt là nó có thể trở thành con đường bộ nhanh nhất đi từ Nội Bài - với kế hoạch trở thành sân bay quốc tế lớn nhất VN, về đến các khu vực có mật độ dân số tập trung, hoạt động sôi động nhất VN.

    Có thể so sánh nó với “Suốt Bắc Kinh” - hành lang giao thông lý tưởng nối sân bay quốc tế Bắc Kinh với trung tâm TP: Khả năng di chuyển khối lượng hành khách tập trung đông nhất trong thời gian ngắn nhất - một trong những thành tựu đáng tự hào trong các công trình phục vụ Olympic Bắc Kinh 2008. Như vậy, xét về mặt quy hoạch giao thông - đây là một ý tưởng sáng suốt.

    Ở góc độ kinh tế - xã hội, thì đây là phương án hết sức khả thi (tất nhiên dự toán cần chi li và nhiều đơn vị đấu thầu mới có giá thành hợp lý) do thấy rằng ở hai đầu cầu, mật độ dân cư còn thấp. Riêng giải pháp loại cầu nào thì ngoài chỉ tiêu kinh tế, còn cần xem xét các yêu cầu trị thủy sông Hồng và chiến lược khai thác giao thông thủy của sông Hồng và sông Đuống.


    Yếu tố văn hóa - lịch sử, theo cá nhân tôi không có vấn đề gì - miễn là đừng lấp thêm một phân vuông nào của hồ Tây nữa (tất nhiên nhỡ đào thấy Trâu Vàng dưới đáy hồ Tây thì không biết chuyện này sẽ dẫn đến đâu).

    Xem xét đến khía cạnh kỹ thuật, riêng cái tunnel đặt ngầm xuyên qua hồ Tây - vốn hình thành từ khúc sông Hồng xa xưa (nhìn bản vẽ phương án thì nó mới nằm ở lớp cát hay cát pha sét gì đó) nên cũng không có gì là khó. Hầu hết đô thị các nước quanh VN, loại này chi chít dưới lòng đất, nhiều nơi còn gặp nhiều vấn đề phức tạp hơn nhiều mà họ vẫn giải quyết tốt.

    Tunnel này nếu làm thì có thể là cái đầu tiên, sau này HN phát triển, không khéo sơ đồ tunnel ngầm chồng chéo, đan quyện vào nhau như đĩa mỳ spagety. Tóm lại, về mặt kỹ thuật là rất có thể.

    Tổng hợp các yếu tố trên cho thấy: Ý tưởng này rất sáng suốt, cần thiết và khả thi. Tuy vậy, dự án chọn thời điểm nào, ai làm và làm thế nào mới là chuyện bàn tính.

    Hà Nội đang cần nhất những gì?

    Hà Nội cần nhiều thứ, nhưng hỏi bất cứ ai phải ra đường mỗi ngày thì rất nhiều người sẽ ao ước: "Có lẽ cần nhất bây giờ là giải tỏa ách tắc giao thông khi giờ cao điểm". Ngay bây giờ cần lắm vài chục cái cầu vuợt qua các giao lộ đường xuyên tâm với vành đai, đặc biệt là các vị trí xung đột từ khu trung tâm ra vòng ngoài TP, mỗi cái có đến 10 - 20 triệu USD không? Giá mà mỗi năm làm được 5 - 10 cái thì ắt là nạn tắc đường không còn là nỗi ám ảnh của cả triệu người Hà Nội mỗi ngày.

    Nếu bạn có quyền lựa chọn giữa 20 cái cầu vượt và cái cầu Tứ Liên thì bạn cần cái nào trước? Vì cầu Tứ Liên có làm thì trước mắt sẽ dễ bán đất Đông Anh. Lẽ dĩ nhiên, kinh phí là từ quỹ đất mà ra, dự án nào cũng phải tính toán lợi nhuận sao cho hấp dẫn thôi.

    Hà Nội mở rộng nên có diện tích lớn gấp ba, nhưng không phải chỗ nào cũng giá trị như nhau. Trông về phía Tây đường còn loáng thoáng, nhưng bên kia sông Hồng mạng lưới ken khá dày. Ba cầu cũ, hai cầu mới mà thông suốt thì từ sân bay Nội Bài trở lại tự thế nó vẫn sôi động.

    Sông Hồng vẫn là trục trung tâm TP nhưng muốn nó giá trị thì phải di dân - đầu tư đúng tầm. Khó nhất là chuyện dịch cư mà dễ nhất là đưa bà con sang bên kia sông - nhiều lần HN đã chuyển dân sang đó ổn thỏa. Đương nhiên là vẫn phải có thêm cầu, nhưng đất đôi bờ đã là đất sạch thì có giá, thừa sức mà làm cả vài chiếc cầu to đẹp. Quỹ đất giá trị của TP không chỉ 2.170ha bên Đông Anh mà còn 1.700ha ven sông Hồng nữa.


    Một góc hồ Tây - Hà Nội. Ảnh: Vnanet
    Thế mới biết, HN cần lắm một bản kế hoạch khai thác quỹ đất đôi bờ sao cho hiệu quả mà lại "ấm lòng" bà con. Giá mà được như vậy thì chuyện dịch cư cũng nhanh mà tiền đầu tư cũng thu hồi sớm.

    Nhiều tiền rồi ta lại làm tunnel ngầm xuyên dưới hồ Tây. Có lẽ nhanh thì dăm năm mà chậm thì mươi năm nữa, kể thì hơi muộn nhưng chuyện gì cũng cần cân nhắc trước sau. Phát triển ra bên ngoài, đồng thời giãn mật độ bên trong. Nóng vội bán nhà sinh thái bên ngoài mà dân ken trong phố vẫn không đủ tiền mua để chuyển ra, e là trong chưa xong mà ngoài thì đã hỏng.

    Nhân thể bàn thêm về chuyện thu tiền qua cầu. HN ta phải thu phí mới được, càng thu nhiều thì cầu đường càng có cơ hội mở rộng (bù cho bà con nghèo đi xe buýt miễn phí 100%) chỉ thu ông nào chạy xe kiếm ra tiền hay có nhiều tiền chạy xe chơi.

    Xăng dầu lên giá, dân Malaysia tranh nhau đi xe buýt, nhiều đến mức Chính phủ phải nhanh chóng mở thêm tuyến và mua thêm xe (thu nhập của họ gấp 10 lần VN). Giàu như nước Mỹ, đất nước nhiều ôtô riêng nhất thế giới mà có TP người dân cũng tranh thủ đi xe đạp, chính quyền TP phải bổ sung luật lệ để bảo vệ người đạp xe.

    Đằng này, cái trục đường cao tốc nối khu vực sắp sửa tập trung toàn người giàu: Khu công nghệ cao Hòa Lạc với vô số dự án nhà vườn, biệt thự sinh thái hai bên đường từ Bắc Anh Khánh đến Đồng Trúc - Ngọc Liếp sang tận bên đất Hòa Bình cũ cũng còn mấy cái dự án như vậy... Thế mà tư vấn lại đặt vấn đề không thu phí…

    Thật là tính chưa hết, tính thế thì HN không bao giờ đủ tiền làm cầu đường.

    Cân nhắc ngần ấy yếu tố thì cá nhân tôi thấy: Dự án này đặt ra ở thời điểm này chưa thích hợp. Tính toán cần thêm cân nhắc và còn nhiều điều cần tìm hiểu kỹ hơn.

    Ở đâu ra mà có cái dự án hay thế?

    Một ý tưởng rất hay, rất cảm ơn người đưa ra cái phương án mới lạ. Báo đưa tin PoscoE&C là người đề xuất, lo tài chính, quy hoạch, thiết kế và xây dựng… có nghĩa là làm rất nhiều việc. Thương hiệu này được người HN biết đến từ hồi liên doanh với VINACONEX làm đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, rồi dự án đây đó ở Hà Tây cũ… Cái tên Posco khá quen thuộc với VN đã lâu là nhà sản xuất thép lớn của Hàn Quốc.

    Tuy vậy, trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, chúng tôi có tìm hiểu thông tin 100 hãng tư vấn hàng đầu (trên mạng) thì không thấy có cái tên này. Có báo giới thiệu là làm nhiều công trình ở Hàn Quốc và VN, nhưng lạ là muốn chiêm ngưỡng một vài sản phẩm (website PoscoE&C) thì chưa thấy.

    Biết rằng DN đang rất nỗ lực tại thị trường VN, đặc biệt ưu ái HN, nên chăng tự giới thiệu để nhiều người biết thêm, giống như nhiều văn phòng thiết kế có vài người, mở website của họ cũng thấy họ bày la liệt các bản vẽ: cái đã xây, cái mới dựng phối cảnh, chí ít thì cũng hiểu được tầm vóc đến đâu hay để mở rộng tầm mắt mà học hỏi.

    Ở một địa phương tại HN, gói thầu vài trăm triệu VNĐ đóng bàn ghế học sinh, DN cũng phải tự giới thiệu kinh nghiệm làm cho ai, bằng máy móc gì và khách hàng đã nhận xét sau mấy năm bàn ghế có hư hỏng không.

    Thiết nghĩ một dự án gần 1 tỷ USD thì nhà đầu tư, dẫu có khiêm tốn mấy thì cũng cho bà con biết đôi chút kinh nghiệm làm cầu đường, đô thị, dự án đã làm ở đâu, quốc gia nào và hiệu quả ra sao? Thêm hiểu biết cũng là thêm gần gũi.

    KTS. Trần Huy Ánh
    http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/09/803099/



    ==============================================

    Thư gửi ông Thủ tướng chính phủ

    Kính thưa ông Nguyễn Tấn Dũng- Thủ tướng nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi chỉ là một kẻ đang thất nghiệp. Nhưng tôi cũng giống như ông, giống bao người Việt Nam khác, chúng ta đều yêu nước và muốn đất nước phát triển.

    Tôi biết rằng theo chủ nghĩa Mác-Lênin thì những bộ môn huyền thuật bị coi là mê tín, không có cơ sở. Nhưng thưa ông, chúng ta không tin, không có nghĩa là nó không tồn tại; chúng ta không thấy, nhưng thực sự nó đang hiện diện ở đó. Tôi biết rằng phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng chúng ta không thể đánh đổi tất cả để lấy kinh tế. Có những công trình khi thi công thì khó khăn, nhiều sự cố đó là do phạm phải vấn đề về phong thuỷ, về tâm linh. Lại có những công trình thuận theo tâm linh được nhân dân ủng hộ giúp sức nên hoàn thành vượt tiến độ.
    Thưa ông, có những khu vực phát triển rất mạnh là nhờ họ áp dụng các bộ môn địa lý phong thuỷ, dịch lý tỉ như Hàn Quốc, Singapo, Hồng Kông vv...Tại sao Việt Nam chúng ta không làm như vậy? Đất nước chúng ta đã tồn tại cạnh Trung Quốc-một kẻ có tư tưởng bành trướng rộng khắp qua 4000 năm, đã đánh thắng 3 lần quân Nguyên Mông xâm lược, giữ gìn độc lập vẹn toàn lãnh thổ là vì sao? Đó là vì nhân dân chúng ta có lòng yêu nước quật cường, những vị vua sáng suốt,lại được các bậc đại thần, nhân tài trợ lực,
    và còn vì khi xưa các bộ môn huyền thuật có vị trí xứng đáng, được thần linh phò trợ.
    Tôi biết sẽ rất khó để lá thư này đến được tay ông,nhưng nếu ông đã đọc nó thì tôi chắc chắn ông sẽ có một cái nhìn khác về địa lý phong thủy và dịch lý. Khi ông ngồi trong văn phòng đọc lá thư này thì ngoài kia đang diễn ra bao sự kiện ảnh hưởng lớn đến linh khí của Việt Nam, đến vận mệnh của dân tộc. Con người Việt ta vốn cần cù sáng tạo, tràn đầy lòng yêu nước, nước ta lại ở vị trí thuận lợi để phát triển, chỉ còn thiếu những quyết định sáng suốt của ông là Việt Nam sẻ phát triển nhanh chóng, sẽ hóa rồng, sẽ bỏ xa những con rồng hiện tại
    Khi chính phủ coi trọng khoa học huyền bí, đặt cho nó một vị trí xứng đáng, thì sẽ có rất nhiều nhân tài giúp đỡ cho chính phủ để làm cho nước Nam ngày một giàu mạnh, ngàn năm vững bền.

    Cám ơn ông vì đã đọc những lời tâm huyết của tôi, chúc ông và các đồng chí trong lãnh đạo dồi dào sức khỏe để công hiến cho đất nước,cho dân tộc.........Mong chờ quyết định sáng suốt của ông.

    Hà Nội-28-9-2008
    Ký tên: Phạm Anh Đức

    các bác ơi cho em hỏi về email của thủ tướng hoặc địa chỉ văn phòng thủ tướng với quyết gưi cho ông Dũng cái này
    Last edited by Bin571; 24-04-2010 at 10:40 PM.
    Trên đời có hai loại người, loại người hiểu biết và loại người dùng hàng ngoại nhập.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Quảng Ninh - Phong Thủy Và Chiến Trận Tâm Linh.
    By dienbatn in forum Các bài của DIENBATN
    Trả lời: 26
    Bài mới gởi: 09-11-2010, 10:28 AM
  2. Tứ linh trong Phong Thủy
    By Bin571 in forum Phong Thủy
    Trả lời: 5
    Bài mới gởi: 09-08-2010, 07:31 AM
  3. hỏi về các linh vật phong thủy
    By tuan2811 in forum Hỏi Đáp PT của thành viên
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 31-08-2009, 10:57 AM
  4. Những linh vật trong Phong Thủy I
    By Bin571 in forum Phong Thủy, Địa lý
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 16-11-2007, 06:02 PM
  5. Xin hỏi các thầy về linh vật dùng trong phong thuỷ
    By de_tu in forum Phong Thủy, Địa lý
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 29-10-2007, 03:34 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •