Địa đạo bí hiểm chưa từng biết đến dưới lòng Hà Nội

Một ngách khác của địa đạo

Nằm ngay dưới nền khu di tích đình Quán La (Xuân La - Tây Hồ), cửa của địa đạo được xem là có tuổi thọ lên tới cả ngàn năm này được rất ít người biết tới. Nhiều người phán đoán địa đạo đặc biệt này dài hàng chục km và được nối từ Xuân La tới tận nội thành Hà Nội. Xung quanh địa đạo này cũng có nhiều câu huyền tích ly kỳ được người dân truyền miệng.

Khu di tích đặc biệt

Địa đạo đình Quán La tuy chưa từng được công bố rộng rãi nhưng với những người dân địa phương thì địa đạo trên không còn xa lạ. Cửa địa đạo nằm ngay sát bên hông hậu cung của đình Quán La. Với một cửa chính và 3 ngách nhỏ, địa đạo chạy sâu dưới nền ngôi đình. Theo hồ sơ di tích lưu giữ thì đình Quán la vốn được xây dựng trên nền một quả núi đất cao. Núi đất này nằm trong quần thể "thất tinh", có nghĩa là 7 quả núi. Những quả núi này nhô hẳn lên cao giữa một vùng hoang vu rộng lớn nên trở thành vị trí rất đắc địa cho việc trấn giữ kinh thành và phòng thủ từ xa. Các quả núi còn lại ứng với vị trí của chùa Khai Nguyên, cây đa và cây thị cổ thụ ngàn tuổi... hiện nay ở Xuân La.

Địa đạo kể trên là những hang hình vòm cuốn với gạch múi bưởi xếp đều đặn. Theo quan sát của chúng tôi, những viên gạch này còn có hình ô trám. Theo bác Nguyễn Văn Lương - Thủ từ đình Quán La, một số viên gạch phía bên trong địa đạo còn có chữ.

Căn cứ vào những viên gạch vừa được tìm thấy dưới nền đình, nhiều ý kiến cho rằng đình được xây dựng từ thế kỷ 15 - 16. Tuy nhiên, tại đây người ta cũng phát hiện ra nhiều viên gạch mang hình rồng và được cho là gạch gắn với sự phát triển của thời Lý. Cũng có những giả thuyết cho rằng đình Quán La được xây dựng từ thời Đường với mục đích làm đàn cầu đảo ( Đàn Thất Tinh) nhưng đến thời Lý thì chùa đã được các vua nhà Lý cho chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc sửa chữa, tu tạo....

Các tài liệu chính thức tại đình Quán La hiện cũng không có kết luận nào về niên đại của ngôi đình cũng như địa đạo nằm dưới nền của đình. Các tài liệu chủ yếu cho thấy đình Quán La thờ một nữ thành hoàng làng có tên là Duệ Trang. Người phụ nữ này được cho là có công lớn trong việc đánh giặc, giữ nước và từng hoá tại khu vực đình ngày nay. Tại di tích đình Quán La hiện còn giữ được 19 đạo sắc phong. Sắc phong sớm nhất là năm Thịnh Đức nguyên niên (1653) đời Lê Thánh Tông, sắc phong cuối cùng là sắc phong Đồng Khánh năm 1887. Các sắc phong đều ghi, phong Duệ Trang liệt nữ tôn thần, trung dũng, võ mục, trinh thuần, thuần ghi trạch dân Thượng đẳng thần, hộ quốc tý dân...

Với đặc điểm có địa đạo nằm dưới nền đình, đình Quán La còn được nhiều người gọi là "đình hang".

Những huyền tích ly kỳ

Bác Nguyễn Văn Lượng và những viên gạch cổ
Ông Nguyễn Văn Chinh (79 tuổi) - người làng Xuân La cho biết, ông nội của ông Chinh cũng không biết địa đạo này có từ bao giờ. Từ ngày nhỏ, ông Chinh cũng thường xuyên đi vào địa đạo này chơi đùa cùng đám trẻ trong làng. Ông kể, đám trẻ chỉ thường chạy vào sâu chừng 30m vì phía bên trong quá tối, đường ngày càng hẹp và thấp dần nên không dám đi tiếp. Nếu muốn vào được những đường nhỏ này sẽ phải cúi người xuống chui vào vì do thời gian nên các đường này đã bị đất bùn bồi đắp. Phần hang đi lại dễ cũng phải dùng nến soi mới nhìn thấy đường. Tại đây, một số ngách có thể thông nhau và tiếp tục có những cửa toả đi các nơi.

Xung quanh sự tồn tại của địa đạo này có nhiều câu chuyện truyền miệng. Có truyền thuyết nói là huyệt đạo do Cao Biền cho đào để yểm trấn; cũng có truyền thuyết nói là địa đạo được xây dựng từ thời Lý dài hàng chục km nối từ Xuân La, một tiền đồn phía Tây kinh thành Thăng Long đến với khu vực Cấm Thành tại Cửa Bắc và 4 hướng khác... Cũng có giả thuyết cho rằng, một trong những ngách của địa đạo này kéo tới Gò Dàn, một căn cứ hậu cần thời Lý, cũng là nơi giam giữ tù binh Chiêm Thành; ngách thứ hai chạy đến phía Chợ Cáo, Xuân Đỉnh; thông ra hồ Tây.... Cũng có truyền thuyết cho rằng Thánh Gióng khi đánh giặc Ân cũng đã dừng chân ở đây, mặc dù không phải là nơi phát xuất thần tích Thánh Gióng, nhưng nhà Lý đã cho xây dựng tại Xuân La, cách đình Quán La khoảng 200m đền thờ Sóc Thiên Vương để tăng thêm thần uy cho tiền đồn phòng thủ này. Có thể tiền đồn này được nối với Cấm Thành, bằng hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất. Hay còn có giả thuyết cho rằng địa đạo và đình Quán La chính là một ngôi mộ cổ thời Đông Hán.

Mọi suy đoán về lịch sử, xuất xứ của địa đạo và đình Quán La vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Chỉ có những giả thuyết về chiều dài của địa đạo là có một phần căn cứ bởi người dân quanh vùng này từng nhiều lần đào được các viên gạch múi bưởi xếp theo hình vòm cuốn giống cửa địa đạo trong lúc xây dựng nhà cửa hoặc làm đồng áng. Tuy nhiên, những câu chuyện xung quanh địa đạo vẫn còn mang nhiều màu sắc huyền ảo, chưa rõ ràng.

Nhiều người dân làng Xuân La vẫn thường truyền miệng cho nhau nghe những câu chuyện kỳ bí về địa đạo Quán La. Có người kể, Quán La xưa kia nằm ngay sát sông Hồng nên vào mùa nước lên địa đạo cũng bị chìm trong nước. Có người đã từng thử tìm cửa ra của địa đạo trên bằng cách dùng một quả bưởi đánh dấu lại và thả xuống cửa địa đạo nằm bên hông đình và sau đó đã tìm thấy chính quả bưởi trên ở hồ Tây.

Lại có câu chuyện ly kỳ hơn, là vào thời Pháp thuộc, người dân từng nhìn thấy một cặp vợ chồng Tây cưỡi ngựa đi vào địa đạo và không thấy quay ra. Người làng bịt địa đạo lại từ sau sự việc ấy. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Chinh thì cho rằng đây chỉ là câu chuyện mà nhiều người nghĩ ra. Bản thân ông cũng không rõ thực hư về câu chuyện này bởi thời gian ông đi làm xa thì địa đạo trên được bịt kín lại. Ông phán đoán rằng, khi tu sửa đình Quán La, địa đạo được những người tu sửa đình bịt lại để an toàn cho quá trình xây dựng và sự tồn tại của đình.

Những di vật lạ có một không hai

Không chỉ có hệ thống địa đạo, đình Quán La còn ẩn chứa nhiều hiện vật và những câu chuyện ly kỳ xung quanh đình.

Ngoài dáng những đồ vật cổ kính, đình còn có một đôi linh vật mang dáng dấp "rồng chầu" khá lạ trước sân đình. Đôi linh vật này nếu gọi là "rồng" cũng không chính xác mà gọi là "lân" cũng không phải. Hai con mang những hoạ tiết khác nhau nên được nhiều người phán đoán là 1 con đực, 1 con cái. Ông Nguyễn Văn Lương cho biết cũng không có người nào trong làng xác định được đôi linh vật này xuất hiện từ khi nào và cũng không biết đích xác tên gọi của chúng. Bản thân ông cho rằng đôi linh vật này được làm bằng vôi pha với mật.

Nằm chếch bên tay phải của đình là một cây đa cổ thụ với gốc lớn tới hàng chục người ôm. Cây đa cổ này từng được các chiến sỹ Việt minh ta dùng làm nơi trú ngụ. Thân cây có những lỗ hổng lớn chạy từ gốc cho tới giữa thân. Nhiều chiến sỹ đã ẩn nấp trong thân cây đa này nhiều ngày và dễ dàng quan sát được địa bàn bằng cách trèo phía trong phần rỗng của thân cây lên trên ngọn đa. Cây đa nay vẫn sừng sững như những chứng tích của lịch sử.

Bên cạnh cây đa cổ, trước đền Quán La phía bên tay trái còn có một cây thị cổ, tương truyền đây là địa điểm ăn ở của các kỹ nữ Chiêm Thành thời Lý. Nhà Lý nam chinh và còn đưa về kinh đô những kỹ nữ Chiêm Thành tài sắc về Thăng Long. Cây thị này rất lớn và cũng có kích cỡ ngang ngửa với cây đa bên phải. Điều đặc biệt là hàng năm cây thị trổ rất nhiều hoa nhưng thường chỉ có một vài quả nhỏ, tròn xoe. Những quả thị này rất thơm và không ăn được bởi ăn sẽ bị đau bụng. Có những người dân sống trong làng còn chưa bao giờ nhìn thấy quả của cây thị này. Theo truyền thuyết cây thị là nơi tụ hồn của các kỹ nữ Chiêm Thành, các nàng phải sống nơi đất khách quê người nên đã bày tỏ sự trung trinh với quê hương mà không chịu kết trái nơi xứ lạ. Hiện dưới gốc cây thị vẫn có am thờ, có người nói là am thờ các kỹ nữ Chiêm Thành.

Hoàng Phương

nguồn: http://www.doisongphapluat.com.vn/St...zone=2&ID=3586