kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: Mẹ con lạc nhau hơn 30 năm, tìm được.

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Mẹ con lạc nhau hơn 30 năm, tìm được.

    Đây là một câu chuyên có thật bên Mỹ hồi năm ngoái, nay xin chia sẻ lại.

    - Cô bé gái ngày nào năm nay cũng bước qua tuổi 40. Bà mẹ trẻ thời xưa này cũng trên 60 tuổi. Cho tới tuần trước đó, cả hai đều chưa biết người kia đã qua Mỹ. Nhưng, vượt qua mọi mặc cảm và ngỡ ngàng, lau đi những giọt nước mắt đã tuôn ra quá nhiều sau hơn 30 năm bặt tin ở Sài Gòn, giờ đây, hai mẹ con cùng ôm chầm lấy nhau trong nụ cười và ánh mắt yêu thương của tình mẫu tử.


    Hai mẹ con gặp lại giữa Little Saigon, hơn 30 năm sau
    khi bị thất lạc ở Việt Nam.


    Nhìn họ, tôi thấy lòng rưng rưng. Bước chân vào nghiệp làm báo, tôi đã không ngờ có lúc mình lại trở thành cầu nối và chứng nhân cho cuộc trùng phùng kỳ lạ này.
    Người mẹ, bà Cát Thị Thọ, ở Little Saigon, và người con gái, chị Nguyễn Thị Thu Hằng, ở San Jose, đều nói với tôi rằng họ ngỡ “cứ như giấc chiêm bao.”
    Ðược sự đồng ý của những người trong cuộc, xin gửi đến độc giả hành trình đi đến cuộc tao phùng, để cùng ngẫm nghĩ và chia sẻ, để cùng thấy rằng cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ đến kỳ diệu.

    Từ một bản tin nhỏ
    Ngày 8 tháng 2, 2010, trên báo Người Việt có bản tin ngắn “Ðàn ông Việt cầm dao rượt mẹ, bị bắt.” Ðó chỉ là một bản tin ngắn tôi viết, không đề cập đến tên tuổi của người “đàn ông Việt cầm dao,” hay của người mẹ bị rượt, mà chỉ thuật lại những điều tai nghe mắt thấy trong lúc cảnh sát còn đang bao vây ngôi nhà ở gần Little Saigon. Ngày hôm đó, cảnh sát còn từ chối không tiết lộ danh tánh hai người liên quan.



    Bức hình và bài báo trên đã khiến người “con rể”
    nghĩ đây là mẹ vợ mình
    .

    Hai ngày sau, theo tin từ cảnh sát Wesminster, Người Việt tiếp tục cung cấp thêm chi tiết về tên họ của người đàn ông bị tâm thần trong bản tin trên. Theo tin từ phía cảnh sát, người thanh niên cầm dao tên Paul Ðức Vũ, bị bệnh tâm thần. Bản tin này không đưa tên bà mẹ.
    Tuy nhiên, tới trưa Mùng Ba Tết, ngày 16 tháng 2, bà mẹ tự tìm đến tòa soạn Người Việt với mục đích cải chính cho con trai mình. Bà tên Cát Thị Thọ. Bà gặp phóng viên Hà Giang, và chị viết về cuộc nói chuyện với bà Thọ trong bài mang tựa đề “Tiếp câu chuyện ‘người thanh niên cầm dao rượt mẹ’”. Trong bài bà nói cậu con trai bị bệnh tâm thần phân liệt nhưng không gây hại cho ai.
    Như trăm ngàn sự kiện tương tự khác, câu chuyện có lẽ cũng chỉ dừng lại ở đó và chìm vào quên lãng ngay chốc lát bởi còn nhiều thứ để người ta phải suy nghĩ và quan tâm hơn trong cuộc sống thường nhật của mình.
    Thế nhưng, đúng 10 ngày sau khi bà Cát Thị Thọ xuất hiện trên mặt báo, một câu chuyện lạ lùng khác lại diễn ra.

    Cú điện thoại “tìm mẹ vợ”

    Mười ngày sau bài viết của chị Hà Giang, tức là hơn nửa tháng sau bản tin đầu tiên tôi viết, một cú điện thoại gọi vào tòa soạn vào chiều thứ Sáu, 26 tháng 2.
    Làm một phóng viên, tôi đã tiếp nhiều cuộc điện thoại của những người không quen gọi đến. Nhưng không có cú điện nào giống như cú điện thoại đó.
    Từ đầu dây bên kia, giọng một người đàn ông lạ hoắc đầy vẻ phấn khích, cho biết, ông ta tình cờ đọc báo Người Việt Online. Và ông nói:
    “Nếu tôi không sai thì người phụ nữ tên Cát Thị Thọ trong bài ‘Tiếp câu chuyện người thanh niên cầm dao rượt mẹ’ hình như là mẹ vợ của tôi.”
    Tôi ngạc nhiên với chữ “hình như” - và hỏi:
    “Hình như là mẹ vợ của anh?” tôi ngồi thẳng lại để nghe tiếp cuộc điện thoại.
    Người đàn ông nói, vợ ông và “mẹ của cổ” đã thất lạc nhau mấy chục năm. Hôm nay, “tự dưng tôi muốn tìm hiểu xem bà ngoại của con mình là lai Tàu hay Tây mà có cái họ lạ quá, nên tôi lên Internet gõ tên mẹ vợ thì nó dẫn link đến bài báo này. Không chỉ giống ở cái tên rất đặc biệt, mà nhìn hình, tôi thấy bà Cát Thị Thọ cũng rất giống vợ tôi. Con trai tôi cũng có cái mũi giống bà Thọ nữa.”
    Ông ta nói vậy và nhờ nhà báo có cách nào tìm giùm địa chỉ hay số điện thoại của “bà mẹ vợ” hay không.
    Tôi xin ông số điện thoại để gọi lại khi có tin tức. Ông xưng tên là T.N. và cho số điện thoại. Tôi hỏi tên vợ ông là gì, thì ông T.N. nói, “Tạm thời tôi không thể cho chị biết được. Chị chỉ cần hỏi là có phải bà Thọ có một đứa con gái thất lạc ở Sài Gòn không là được rồi. Tôi chỉ sợ có thể bà ta không nhận con mình.”
    Tôi gác máy khi lòng còn nhiều nghi hoặc. Sau khi báo cho chủ bút biết, tôi chạy xe sang nhà bà Thọ. Tôi chưa từng gặp bà ngoài đời. Hôm tôi đến làm tin người thanh niên cầm dao rượt mẹ, ngôi nhà bị cảnh sát bao quanh, tôi chỉ gặp cảnh sát và hàng xóm.
    Tới nhà bà Thọ, không có ai ở nhà. Tôi ghi lại mảnh giấy nhắn bà gọi điện thoại cho tôi ngay khi có thể vì “báo Người Việt có chuyện nhờ cô giúp đỡ.”

    Linh cảm “nó là con tôi”
    Tới chiều hôm sau, bà Thọ gọi cho tôi. Sau khi đã mào đầu “nếu có gì không đúng, mong cô bỏ qua,” tôi hỏi ngay câu ông T.N. nhờ: “Có phải trước đây cô có một người con gái ở Sài Gòn không?”
    Tôi nghe như giọng bà sửng sốt. Bà nhắc lại từng chữ một, “Tôi có một người con gái ở Sài Gòn?”
    Tôi thuật lại cho bà Thọ nghe cuộc điện thoại với ông T.N., người nhận là con rể của bà. Tôi chưa dứt lời, bà Thọ đã thốt lên, “Vậy là nó còn sống ư? Tôi đã đi tìm tung tích nó mấy chục năm nay...”
    “Vậy đúng là cô có người con gái bị thất lạc?”
    Tôi hỏi lại.
    “Tôi không biết có phải chính xác là nó không. Nhưng tôi linh cảm là nó, là con tôi. Nhưng có thể nó chẳng nhìn tôi đâu. Bao nhiêu năm rồi...” Giọng bà hơi chùng xuống. Cả người tôi như nổi gai.
    “Chuyện đời nhiều sự ngang trái lắm, cô ơi. Tôi vẫn luôn mang mặc cảm lương tâm, sự ăn năn của một người mẹ đã không làm tròn bổn phận với con mình. Cho nên giờ đây có biết tung tích nó chưa chắc tôi đã dám nhìn nó đâu.”
    Việc bà nói ngay mình là một người mẹ “có tội với con” cho tôi, một người xa lạ, nghe, khiến tôi càng cảm thấy lúng túng. Tôi hỏi tên con gái bà.
    “Nó tên Nguyễn Thị Thu Hằng. Ðó là tên tôi đặt cho nó. Bây giờ nó còn giữ không thì tôi không biết.” Bà trả lời tôi bằng giọng xúc động.
    “Con cô năm nay bao nhiêu tuổi?” - “Nó tuổi Dậu.” - “Vậy là chỉ sanh năm 1969?” - “Tôi không nhớ là 68 hay 69, nhưng tôi biết nó tuổi Dậu.”
    Bà cho tôi số điện thoại nhà lẫn cell phone.
    Tôi gọi lại cho ông T.N.
    “Có phải vợ anh tên là Nguyễn Thị Thu Hằng, tuổi Dậu không?”
    “Sao chị biết?”
    Ông T.N. hỏi lại một cách ngạc nhiên.
    “Người mà ông nhờ tôi tìm nói cho tôi biết.”
    Ông ta nói như reo, “Vậy là đúng là bà ta rồi phải không?”
    Tôi thuật lại cho ông ta nghe những điều bà Thọ nói.
    “Tôi có thể nói chuyện với vợ ông không?”
    Tôi đề nghị.
    Sau một thoáng lúng túng, người đàn ông cho biết ông ta và cô Hằng đã chia tay từ 6 năm về trước.
    “Ông và chị Hằng đã chia tay, vậy lý do gì bây giờ ông lại tìm mẹ vợ ông?”
    Tôi sửng sốt.
    “Thực ra tôi đã muốn tìm mẹ vợ lâu rồi nhưng vợ nói ‘không.’ Còn vừa rồi thì tôi chỉ muốn biết bà ngoại của con mình là ai thôi,” ông ta giải thích.
    Tôi hỏi thêm và được biết vợ chồng họ sang Mỹ từ năm 1997, do “ba vợ” bảo lãnh và “ba vợ” đã mất năm 2003. Ông T.N. cũng cho tôi biết tên tuổi “ba vợ” ông.
    Tôi xin số điện thoại cô Hằng. Ông bảo để suy nghĩ rồi gọi lại. Tôi cảm thấy câu chuyện bắt đầu có những điều không bình thường.
    Tôi gọi ngược lại cho bà Thọ, hỏi bà có biết tên tuổi người mà ông T.N. gọi là “ba vợ” của mình không.
    Vừa nghe tên, bà Thọ kêu lên, ‘Ðó là bố con Hằng. Vậy là đúng rồi. Không thể sai đi đâu. Bây giờ ông ấy đang ở đâu?”
    Nghe tôi nói người đó đã mất, bà kêu lên, “Trời ơi, tôi đã linh tính như vậy. Ông ấy chết ở Mỹ hả cô? Thế còn Hằng bây giờ như thế nào? Nó đang ở đâu?” Bà hỏi dồn dập.
    Tôi nói cho bà nghe những gì tôi biết và hứa sẽ gọi lại khi liên lạc được với con gái của bà.
    Tôi lại bấm số phone của người tên T.N. một lần nữa để thuyết phục ông cho tôi số điện thoại của cô Hằng.
    Ông ta đồng ý, cho tôi số điện thoại cô Hằng, với số vùng ở San Jose. Nhưng ông lại nói, “Chị có thể gọi cho cô ta. Tôi nói trước, chị phải khéo lắm mới có thể thuyết phục được cô ta nhận lại mẹ của mình. Tôi hy vọng là chị làm được.”
    Tôi nhăn mặt, “Tại sao mẹ con thất lạc mấy chục năm giờ có tin lại không nhìn là sao?”
    “Ừ, có nhiều chuyện.
    Chị cứ gọi đi.” Người đàn ông trả lời.
    Chiều Thứ Bảy, tòa soạn báo Người Việt rất vắng. Tôi bước ra ngoài hít thở không khí trong một tâm trạng hoang mang.
    Quay vào, tôi gọi số cô Hằng ở San Jose. Tín hiệu từ đầu dây bên kia cho tôi biết: điện thoại tắt máy.
    Tôi để lại lời nhắn. Sau đó, tôi vào gặp tổng thư ký, kể lại câu chuyện.
    Tổng thư ký gọi cho chủ bút. Hai sếp cùng quyết định: bằng mọi cách tôi phải liên lạc với cô Hằng, chậm nhất là đến hết ngày Chủ Nhật. Nếu không, Thứ Hai tôi sẽ phải lên San Jose, và ngồi canh ở nhà chị![/SIZE]
    Last edited by chi2730; 02-04-2012 at 08:30 PM.
    Cầu sanh Tây Phương!.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Tự truyện đầu tiên của một nhà ngoại cảm Việt Nam 2011
    By maiduyen22 in forum Ngoại cảm - Khả năng đặc biệt
    Trả lời: 23
    Bài mới gởi: 13-10-2012, 07:36 PM
  2. Ý nghĩa của 64 quẻ và 384 hào
    By Bin571 in forum Dịch Học
    Trả lời: 13
    Bài mới gởi: 08-07-2012, 04:04 PM
  3. Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân
    By trango in forum Sách Tôn Giáo
    Trả lời: 11
    Bài mới gởi: 14-03-2012, 01:31 AM
  4. BỨC ẢNH PHÉP LẠ ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP
    By duyenduyen in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 13
    Bài mới gởi: 23-12-2011, 12:44 AM
  5. Trả lời: 48
    Bài mới gởi: 29-04-2011, 12:15 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •