Hội ngộ.
Dẫu vẫn còn những dỗi hờn của một đứa con luôn khắc khoải trong lòng mơ ước được mẹ tìm đến, nhưng trong lần nói chuyện này, tôi nhận ra được chị Hằng đã thay đổi rất nhiều. Chị hỏi thăm về mẹ nhiều hơn, bộc lộ những suy nghĩ về mẹ trìu mến hơn. “Nói vậy thôi chứ mình thương mẹ mình lắm. Lúc nào mình cũng nhớ bà, và bao giờ trong lòng mình bà cũng là người đẹp nhất,” chị nhìn nhận.
- Cuộc chia ly đã 30 năm. Nỗi ray rứt, và lòng mặc cảm, cũng đã 30 năm. Giây phút tao phùng không phải là điều dễ cảm nhận. Nhưng họ, người mẹ và người con gái, cuối cùng cũng đã gặp nhau.
Cuộc tao phùng như thể giúp “gỡ bỏ một bản án 30 năm” trên vai người mẹ. Và đây, họ đã gặp lại nhau, như thế này...
Họ thực sự là mẹ con!
Ngày Thứ Hai tiếp theo, với tôi, là một ngày khá nặng nề.
Nặng bề bởi áp lực tâm lý.
Một bên tôi làm nhiệm vụ của một đứa con “bị chối bỏ,” đi tìm xem cảm xúc thật của người mẹ đối với mình ra sao. Một bên tôi mang trách nhiệm mà chủ bút và tổng thư ký đã giao. Tôi không thể làm họ thất vọng.

Tôi gọi điện thoại xin được đến nhà nói chuyện với người mẹ, là bà Cát Thị Thọ. Sự đối thoại trực tiếp sẽ cho tôi những cảm nhận cần thiết.
Trong lần nói chuyện này, bà mẹ vừa kể vừa trả lời một số những thắc mắc của tôi chung quanh chuyện bà đã đi tìm Hằng (con gái bà) như thế nào, bằng cách nào.
Tôi kể bà nghe những điều con gái bà đã tâm sự với tôi. Bà lắng nghe chăm chú, như nuốt từng lời, rồi khi xuýt xoa, “Tội nghiệp nó quá!” rồi khi như nói với mình, “Ông trời vẫn còn ưu đãi tôi, nên đã cho tôi một đứa con như vậy.”
Trong lúc nói chuyện, có những suy nghĩ, những câu nói bà Thọ thốt ra khiến tôi phải kêu lên, “Trời, sao cách cô nói chuyện giống y chang chị Hằng vậy!”
Tôi hỏi cảm xúc của bà như thế nào khi nhận được tin của người con gái sau hơn 30 năm bặt tin.
“Hồi hộp trong cái an tâm vì biết con mình còn sống. Vui trong lòng, cảm thấy nhẹ nhàng rất nhiều, dù là tôi không gặp nó,” bà nhìn thẳng vào mắt tôi, trả lời.
“Tại sao cô không nghĩ là sẽ gặp con mình?” Tôi hỏi một cách dè dặt. Bà đáp không giấu diếm, “Không dám gặp chứ không phải là không gặp. Mặc cảm của người mẹ thiếu bổn phận với con làm tôi không dám gặp nó. Tôi tiếp tục, “Nếu bây giờ chị Hằng đến gặp cô thì sao?”
Bà nhìn tôi không chớp mắt, thấp giọng, “Tôi cũng không biết nói sao nữa, không biết mình như thế nào nữa. Mừng thì mừng rồi đó. Nhưng sẽ ngỡ ngàng. Tình máu mủ không bỏ được nhưng mình còn mang nhiều mặc cảm, nhiều dấu hỏi nên vẫn còn vẫn còn e ngại.”
Tôi hiểu, mặc cảm của “người mẹ thiếu bổn phận” khiến bà luôn chùng bước, thế nhưng khi tôi nói, “Chị Hằng cứ luôn hỏi ‘Tại sao mẹ không đi tìm?’, trong khi cô lại bảo là có tới. Tức là ai cũng có những gút mắc trong lòng vậy tại sao không gặp nhau để mà giải tỏa hết?”
Bà Thọ lập tức đáp ngay không chút đắn đo, “Ðược, vậy thì tôi sẽ gặp để nói cho nó hiểu.”
Trước khi chấm dứt cuộc nói chuyện gần một tiếng rưỡi, tôi xin bà cho tôi chụp hình để gửi cho người con gái. Bà mẹ đồng ý.
Tôi ra về mang trong lòng cảm giác vừa vui lại vừa có gì đó thật buồn. Vui vì nghĩ họ sẽ gặp nhau, một ngày nào đó, tôi chưa biết, tôi không cố tình thúc đẩy chuyện đó. Buồn vì một cái gì đó hơi mông lung, hơi thuộc về cảm tính. Bà mẹ không vồn vã, vồ vập hỏi tin tức con mình, trừ khi tôi kể thì bà hỏi. Một cái gì đó cứ ngăn lại không cho bà cái quyền chủ động hỏi thăm.
Thêm nữa, bà Thọ lại dường như chẳng nhớ chính xác một số cột mốc thời gian, như bà không thể nhớ ngày tháng sanh đẻ của con mình. Bà chỉ nhớ, “Tôi nhớ tôi sanh nó vào mùa Thu, và vì mong nó xinh đẹp nên tôi đặt nó là Thu Hằng.” Sau một thoáng ngồi nhớ lại, bà Thọ cho biết thêm, “Sanh nó xong rồi thì mới ăn Trung Thu.”
Về đến tòa soạn, tôi email gửi hình cho người con gái. Trong email, tôi hẹn tối sẽ gọi điện cho chị. Tôi đã gọi, cả hai lần, điện thoại chị đều tắt máy.
Tôi hơi hoang mang, biết đâu sau khi bình tĩnh, chị lại rơi vào trạng thái “cảnh giác,” như chị đã nói, “Tôi không tin ai hết. Tất cả đều là kẻ nói dối.” Nếu quả thực như vậy thì...
Nhớ câu nói nức nở của chị Hằng lần trước, “Ðến ngày sanh tháng đẻ của mình, tôi cũng không biết chính xác. Khai sanh tôi không có tên cha tên mẹ đi làm, mà là do bà nội đi khai. Bà nhớ ngày nào thì khai ngày đó...” tôi gọi điện cho má tôi. Tôi hỏi, “Má có nhớ ngày sinh tháng đẻ của tụi con không?” Má trả lời, “Sao lại không?” Tôi ngồi thừ một lúc.
Tôi gọi cho mẹ một người bạn và cũng hỏi câu ấy. Khi nghe bà trả lời, “Không nhớ đâu!” Tôi như reo lên, “Thiệt hả? Mà sao bác không nhớ vậy?” Mẹ của người bạn giải thích lý do.
Tôi thở phào. Cuộc đời vốn đa dạng. Không thể lấy suy nghĩ của mình mà gán ghép và phán đoán người khác.
Tôi tiếp tục chờ đợi sự hồi âm từ người con gái.
Và, tôi chực muốn khóc khi nhìn thấy email của chị vào trưa Thứ Ba. Chị hẹn tối đi làm về sẽ gọi nói chuyện với tôi.
“Có thể cho mình xin số phone của mẹ không?”
Cuộc nói chuyện qua điện thoại lần thứ hai giữa tôi và chị Hằng cũng kéo dài khá lâu. Tôi lại kể cho chị nghe những điều tôi cảm nhận được sau khi ở nhà mẹ chị về, những câu nói, những suy nghĩ của mẹ chị, cả những lúc bà cứ gọi tôi là “Hằng.”
Ðứa con, từ đầu dây bên kia, dường như cũng háo hức và hồi hộp lắng nghe, để sau đó lại thở dài và buông tiếng, “Vậy là bạn đến tìm mẹ mình chứ mẹ không hề gọi hỏi thăm mình trước, đúng không? Mình đã biết rồi, đây chỉ là một sự tình cờ. Mẹ không bao giờ tìm mình hết.”
Nghe chị nói, tôi muốn kêu trời.
Tôi cứ để cho chị tiếp tục giãi bày hết những tâm tư, những điều chất chứa bấy lâu trong lòng chị. Những điều dồn nén trong mấy mươi năm qua, đâu dễ gì trút ra hết được trong một ngày, một buổi.
Dẫu vẫn còn những dỗi hờn của một đứa con luôn khắc khoải trong lòng mơ ước được mẹ tìm đến, nhưng trong lần nói chuyện này, tôi nhận ra được chị Hằng đã thay đổi rất nhiều. Chị hỏi thăm về mẹ nhiều hơn, bộc lộ những suy nghĩ về mẹ trìu mến hơn.
“Nói vậy thôi chứ mình thương mẹ mình lắm. Lúc nào mình cũng nhớ bà, và bao giờ trong lòng mình bà cũng là người đẹp nhất,” chị nhìn nhận.
Chị nói chị đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần những bài báo có nhắc đến mẹ chị và Duy, đứa em cùng mẹ khác cha, cũng như cứ ngắm nghía mãi những tấm hình tôi chụp mẹ chị.
Chị cho tôi biết, “Một ngày nào đó, mình sẽ xuống thăm mẹ mình nhưng chưa phải là tuần này” bởi “khó khăn lắm mình mới lấy được hẹn cho con mình đi khám mắt ngày Thứ Bảy.”
Nghe chị Hằng nói vậy, tôi chỉ cười, nhưng trong lòng đã tin chắc: tôi sẽ gặp mặt chị trong một ngày rất gần.
Trước khi tôi tắt máy, chị hỏi nhỏ, “Có thể cho mình xin số điện thoại của mẹ được không?”
Tôi thở phào.

Cuộc hội ngộ sau hơn 30 năm
Khi tôi báo lại cho chủ bút và tổng thư ký tòa soạn nghe diễn tiến câu chuyện, họ cứ hỏi, “Có chắc là hai mẹ con rồi chứ?”
Sao lại không chắc chứ! Tôi tin họ có những điều mà người ta vẫn gọi là “thần giao cách cảm.”
Ngay khi tôi vừa đặt chiếc phone nói chuyện với người con gái xuống, cầm chén cơm chưa kịp và vào miệng thì chuông điện thoại lại inh ỏi: người mẹ gọi. Ðây là lần đầu tiên bà Thọ chủ động gọi cho tôi.
Giọng nói vẫn cho thấy bà đang ở một tâm trạng không như bình thường, vừa vui mừng, vừa âu lo thấp thỏm. Tôi cười hỏi, “Sao cô? Có chuyện gì mới không cô?” Giọng bà trả lời nghe rất tội nghiệp, “Vẫn chưa có động tịnh gì. Vẫn chưa nghe Hằng gọi.”
Tôi hí hửng khoe, “Cô ơi, con phải cúp máy đây, bởi chị Hằng có thể sẽ gọi cho cô ngay bây giờ.”
Tôi nhận ra sự cuống quít nơi người mẹ. Tôi cười một mình và nghe như mắt mình cay cay.
Sáng Thứ Tư, chị Hằng gọi cho tôi. Chị lặp đi lặp lại hoài câu, “Mình cám ơn bạn, cho tất cả.”
Nghe vậy, tôi biết: mẹ con họ đã nói chuyện với nhau!
Ngay sau đó, bà Thọ cũng gọi cho tôi. Giọng bà rộn rã, “Trời ơi, cảm giác của tôi bây giờ như thể một bản án suốt mấy mươi năm qua luôn đeo trên người nay được gỡ xuống. Ngỡ ngàng không biết phải nói như thế nào nữa. Tôi thực sự không thể nào tưởng tượng được khi từ đầu dây bên kia tiếng nói, ‘Con, Hằng đây.’”
Cảm nhận niềm hạnh phúc vô bờ từ mẹ con họ, tôi cũng nghe lòng mình thênh thang, nhẹ nhõm.

Tôi được biết, sau đó, họ đã gọi điện nói chuyện liên tục với nhau ngay khi có thể. Người em gái cùng mẹ khác cha với chị Hằng, tên Thanh, cũng đang ở Mỹ, nghe bà Thọ báo tin, đã gọi điện nói chuyện với chị Hằng. Mọi rào cản dường như đều bị xóa bỏ.
Hai ngày sau, tôi đã không hề bất ngờ khi nghe tin: mẹ con họ sẽ gặp nhau vào sáng Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010, tại nhà người mẹ ở Little Saigon.
Như đã nói, khi bước chân vào nghề báo, tôi đã không ngờ có lúc mình lại là cầu nối và chứng nhân cho những phút giây hội ngộ kỳ lạ như thế này.
Tôi không thể diễn tả cảm xúc của mình khi nhìn cảnh người mẹ mang ra chiếc áo khoác tự tay mặc và cài nút cho đứa con gái, đứa con mà khi bà rời xa nó, nó chưa đến tuổi lên 10. Tôi nhìn gương mặt người con gái vừa thẹn thùng vừa lấp lánh niềm hạnh phúc mà cảm thấy một điều gì đó thật ấm áp cũng đang lan tỏa trong người mình.
Tôi nhìn đứa con trai của chị, cháu ngoại của bà với nụ cười thường trực trên môi. Tôi nhìn người con trai “bị tâm thần phân liệt” ngỡ ngàng nhìn người đang tự giới thiệu “chị là Hằng, là chị của em nè.”
Tôi nghe chị Hằng kể cho mẹ nghe, “Tối qua, Giang đã gọi nói điện nói chuyện với con hơn 2 tiếng đồng hồ.” Giang là đứa em cùng mẹ khác cha mà chị Hằng đã biết từ bé, hiện đang về Việt Nam nghỉ phép. Hằng nói hai chị em họ đã nói chuyện với nhau rất vui, cùng nhắc lại những ký ức xa xưa, như thể đã không hề có khoảng cách chia ly hơn 30 năm.
Thứ Bảy, ngày 6 tháng 3 vừa qua, ngày mẹ con họ gặp nhau, không phải là một ngày nắng đẹp, nhưng tôi biết: Giông bão đã qua rồi.
Từ một đứa vốn luôn mang mặc cảm lẻ loi, cô độc, nay, chị đã có mẹ, có 3 người em, có một gia đình.

Bà mẹ không chỉ gặp lại người con gái sau bao năm biền biệt, mà nay còn có thêm thằng cháu đã 16 tuổi, sẵn sàng gọi “bà ngoại” không chút ngại ngần.
Chỉ vỏn vẹn một tuần, thế giới dường như thay đổi. Những mối thâm tình tưởng chừng đã hoàn toàn đứt đoạn từ phía bên kia đại dương, nay lại được hàn gắn ngay trên mảnh đất tạm dung này, sau hơn 30 năm.
Những ẩn ức, những nỗi niềm, những nhớ nhung, những hờn giận, tất cả đã trôi qua.
The end.