Giỗ Tổ - ngày Quốc lễ cùng tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên

(PL&XH) - Ngày 10-3 (Âm lịch) nhân dân cả nước hướng về, tìm về, hành hương về miền đất thiêng Phú Thọ, nơi đặt Đền thờ Tổ thờ cúng Tổ tiên - Đó cũng là ngày Giỗ Tổ hàng năm của người Việt Nam.


Đất tổ Hùng Vương thuộc tỉnh Phú Thọ, nơi phát tích Nhà nước Văn Lang, cũng là cái nôi đầu tiên của Văn hóa Việt. Phú Thọ là địa bàn sinh tụ của các bộ lạc người Việt, đất bản bộ "các Vua Hùng dựng nước", nơi khởi nghiệp của triều đại, Nhà nước đầu tiên sau khi đã hợp nhất các bộ tộc thành Đại liên minh - Nhà nước Văn Lang ra đời, mang ý nghĩa sâu sắc, trở thành truyền thống văn hóa tâm linh, sự tri ân Tổ tiên, tín ngưỡng thờ phụng Tổ tiên. Truyền thống tri ân Tổ tiên cũng là niềm tự hào, ý thức bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống, những di sản quý giá được bồi đắp qua thời gian, qua nhiều thế hệ người Việt nhằm xác định cội nguồn dân tộc, điều thiêng liêng của mỗi bộ tộc, mỗi dòng họ người Việt. Tìm về cội nguồn cũng là tìm về cái gốc của dòng tộc, cái nôi của văn hóa vật thể và phi vật thể tạo nên cơ cấu làng bản của người Việt. "Cây có cội, nước có nguồn", "Uống nước nhớ nguồn" - Đó chính là tinh thần cơ bản của tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên từ thời nguyên thủy được tồn tại đến ngày nay, trước hết được thể hiện rõ ở mỗi gia đình với người gia trưởng, sau đó là dòng họ hay tộc trưởng. Ở dòng họ, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên có mối quan hệ làng bản. Từ đó, hình thành quan hệ gia đình - họ tộc - làng bản trong một nền văn hóa được gọi là Văn hóa lúa nước. Chính ở thời kỳ Văn hóa Văn Lang với cơ sở là kinh tế lúa nước đã ra đời khái niệm "tổ tiên", ý thức dòng tộc từ đó cũng đi tới tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là lớp người khai sáng.

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ về Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Ngày 10-3 (Âm lịch) nhân dân cả nước hướng về, tìm về, hành hương về miền đất thiêng Phú Thọ, nơi đặt Đền thờ Tổ thờ cúng Tổ tiên - Đó cũng là ngày Giỗ Tổ hàng năm của người Việt Nam. Các ngôi đền ở đây vẫn được gọi chung là Đền Hùng xưa có tên là "Hùng Vương tổ miếu" gồm 4 đền và 1 chùa được tọa lạc trên một quả núi cao có tên là Nghĩa Lĩnh, còn các tên gọi khác là Hùng Sơn, Huy Sơn, Bảo Thứu. Núi cao 175m so với mặt biển ở địa phận xã Hy Cương, huyện Lâm Thao nay thuộc TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Theo hướng Nam - Bắc còn núi Vặn cao 170m. Giữa núi Hùng và núi Vặn có núi Nỏn hay núi Út cao 154m. Cả ba ngọn núi đã tạo thành "Tam sơn cấm địa".



Đông đảo khách thập phương dự ngày Giỗ Tổ. Ảnh: TL


Từ chân núi đi qua cổng đền Hạ, tục truyền là nơi Tổ mẫu Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng. Cùng sân với đền Hạ là chùa Thiên Quang Thiền tự. Đền Trung thì ở lưng chừng núi. Đền Thượng ở đỉnh núi có tên là Kính thiên Lĩnh điện và Cửu trùng Tiên điện là đền chính, nơi thắp hương cúng Tổ, diễn ra các nghi lễ tưởng niệm các Vua Hùng. Bên đền Thượng có lăng Hùng Vương mà dân vẫn thường gọi là mộ Tổ. Chân núi phía Đông Nam có đền Giếng thờ hai vị công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa là con gái Vua Hùng thứ 18. Đền Thượng là trung tâm khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được tôn tạo giữ nguyên kiến trúc cổ, có sân rộng để khách thập phương về hành lễ nhưng không được vào các gian thờ. Bên hồ nước lớn mang tên Lạc Long Quân có dựng phù điêu Hồ Chủ tịch nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong.

Nhìn chung, các công viên, khu hành lễ, khán đài, sân khấu, vườn cây lưu niệm... đã tạo cho khu di tích lịch sử Đền Hùng cảnh quan khang trang, tráng lệ tôn nghiêm và linh thiêng cùng với môi trường xanh mát, là nơi thờ cúng Quốc Tổ (Tổ tiên) của người Việt.



Lễ rước tại Đền Hùng. Ảnh: TL


Ngày 19-9-1954 Bác Hồ đã nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô Hà Nội sau 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, với chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu, sau khi thăm các Đền, Bác Hồ xuống khu đền Giếng rồi nói với các chiến sĩ: "Đây là Đền Hùng, nơi thờ Tổ tiên của Bác cháu ta, nhân dân ta. Bác cháu ta gặp nhau ở đây cùng một tấm lòng thành kính viếng thăm Đền thờ và mộ Tổ, đó là việc rất có ý nghĩa. Uống nước nhớ nguồn, về đây các chú hãy ghi nhớ điều đó. Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Các Vua Hùng là Tổ tiên của cả nước đã trải qua bao gian lao để dựng nên đất nước này mà ngày nay chúng ta thừa hưởng. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Vậy chính Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã khẳng định: "Các Vua Hùng là Tổ tiên cả nước" và bày tỏ lòng tri ân thành kính Tổ tiên: "Trải qua bao gian lao để dựng lên đất nước này... có công dựng nước" từ đó xác định nghĩa vụ thiêng liêng của cháu con là "giữ lấy nước".

Ngày 6-2-1969, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thắp hương tại Đền thờ Tổ, đã nói: "Dân tộc Việt Nam luôn giữ vững một truyền thống có ý nghĩa hay và đẹp vô cùng, tưởng nhớ Tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước. Vua Hùng là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam lúc dân tộc ta trở thành một nước, đó là nước Văn Lang. Trải qua mấy nghìn năm biết bao thế hệ, biết bao biến đổi mà người Việt Nam vẫn tưởng nhớ Vua Hùng với tất cả tình yêu và lòng tin. Ngày nay, tình yêu và lòng tin đó lại càng sâu sắc và đẹp đẽ".

Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công một năm, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam do Hồ Chủ tịch đứng đầu đã cử cụ Huỳnh Thúc Kháng - Bộ trưởng Bộ Nội vụ về làm lễ tại Đền Hùng (1946) dâng lên bàn thờ Tổ tiên tấm bản đồ Việt Nam và một thanh kiếm, bày tỏ ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam của Chính phủ và nhân dân trước bàn thờ Quốc Tổ.

Năm 2005, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã khánh thành đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ ở núi Vặn. Năm 2009, cũng tại đây khánh thành đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân ở đồi Sim với khuôn viên 140.000m2, tượng Lạc Long Quân với chất liệu đồng nặng tới 3.000kg.

Ngày 13-2-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm và làm việc tại tỉnh Phú Thọ, đến khu di tích lịch sử Đền Hùng. Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc, khi thấy các di tích lịch sử và các công trình văn hóa thường xuyên được quan tâm tu bổ, xây dựng và khẳng định: "Đền Hùng là điểm hội tụ và thăng hoa của những giá trị văn hóa bất diệt của dân tộc ta. Về dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng là nghĩa cử cao đẹp của đạo lý uống nước nhớ nguồn, là biểu hiện sâu sắc của tinh thần cộng đồng dân tộc, thể hiện rõ niềm tự hào, sức mạnh vô địch của khối đoàn kết toàn dân".

Đất nước đã trải qua hơn 25 năm đổi mới và hội nhập. Đổi mới và hội nhập không chỉ đem lại sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội mà còn là sự phát triển ngay cả đời sống tâm linh, phục hồi và nâng cao các di sản văn hóa truyền thống, các giá trị tinh thần lành mạnh. Khu di tích lịch sử Đền Hùng và ngày Quốc lễ giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng xứng đáng với vị thế là Đền thờ Tổ Tiên cả nước, điểm tựa tâm linh toàn dân tộc. Các cơ sở văn hóa tâm linh đình, đền, miếu, chùa, nhà thờ dòng họ khắp cả nước được nâng cấp, nhân dân có điều kiện chăm lo việc văn hóa tâm linh.

Trong tâm thức mỗi người dân Việt, dù ở trong hay ngoài nước, Đền Hùng là nơi quy tụ cao nhất của tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, điểm hội tụ linh thiêng của tâm linh người Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên là đạo lý, biểu hiện nhân văn của người Việt Nam. Nhân ngày lễ Quốc Tổ Hùng Vương, cả nước hướng về đất Tổ, tìm về đất Tổ, tự hào vì cả thế giới duy nhất ở Việt Nam là có Đền thờ Quốc Tổ, có ngày giỗ Tổ, nơi không bao giờ tắt khói hương người dân đất nước, luôn tưởng nhớ và tâm niệm: "Các Vua Hùng là Tổ tiên cả nước" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã khẳng định.


Trí Hải