Nguồn đọc thêm: Thà là người vô thần

Những tôn giáo lớn trên thế giới đều có những đức tin rất khác biệt với nhau về đạo nhưng tôn giáo nào cũng cho đức tin và con đường đạo của mình là chân lý tuyệt đối. Như Phật giáo Tiểu Thừa thì chỉ quan trọng có một mình Phật Thích Ca; Các vị Phật hay Bồ tát khác trong Phật giáo Đại thừa như Quan Thế Âm, Đức Phật A Di Đà … thì bị xem là tà thần vì những vị Phật đó không có trong kinh điển nguyên thủy (Tiểu thừa).

Phật giáo Đại thừa thì coi những người Tiểu thừa là thấp kém, đầy ngạo mạn và quá cực đoan trong cái chấp pháp và chấp ngã. Phật giáo nói chung (Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa) đều phủ nhận Thượng Đế (Đấng Tạo Hóa) cho nên xem những tôn giáo khác: Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, và Thiên Chúa giáo là tà đạo vì những tôn giáo này tin Thượng Đế là Đấng Tối Cao của vũ trụ.

Đức tin trong Thiên Chúa giáo cũng không đồng nhất giữa Công giáo và những giáo phái Tin Lành. Khối Công giáo tin vào Đức Mẹ đồng trinh trong khi các giáo phái Tin lành không chấp nhận giáo lý đó, thậm chí có một số giáo phái Tin Lành đã đi quá đáng khi cho rằng Giesu chính là Thượng Đế sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài chứ không phải chỉ là con của Đức Chúa Trời (Thượng Đế), là ngôi thứ hai trong ba ngôi.
Do Thái giáo thì chỉ tin vào Thượng Đế và không bao giờ công nhận Giesu là Đấng Cứu Chuộc. Vì vậy, các thầy cả Do Thái giáo đã lên án Giesu phạm thượng và yêu cầu chánh phủ La Mã đóng đinh Giesu trên thập tự giá.
Hồi giáo tôn tổ phụ Abraham của họ là tiên tri thứ nhất, sau là Noah, Moses, đến Giêsu và người thứ 5 là Mohamet. Họ cho rằng Mohamet là người tiên tri lớn nhất và cũng là người cuối cùng, sau này sẽ không còn tiên tri nào khác nửa (phải chăng là để giữ độc quyền cho Mahomet?)
Lịch sử cho thấy Hồi giáo và Thiên Chúa giáo tuy cùng thờ một Thượng Đế, có cùng một tổ phụ mà lại giết hại lẫn nhau qua biết bao cuộc thánh chiến từ xưa và vẫn tiếp tục đến ngày nay.
Bà-la-môn giáo hoặc là Ấn Độ giáo thì tin vào Brahma (Thượng Đế), cùng hai đấng thần linh: Vishnu và Shiva. Họ không tin vào ông Phật Thích Ca, Giesu hay Mahomet vì họ cho đó là những kẻ hậu sinh họ chưa từng và cũng không cần biết đến.

Xét như vậy thì tôn giáo nào cũng coi những tôn giáo khác là tà, ai cũng nói đến đạo với tâm chấp ngã chấp pháp, và nếu nói về đạo mà chỉ nói bằng đức tin không được kiểm chứng thì chắc chắn là họ sẽ tranh luận chuyện ta chánh ngươi tà với nhau cho đến ngày tận thế. Cho nên, mặc dù tôn giáo nào cũng dạy từ bi bác ái, vô ngã nhưng tôn giáo lại chính là nguồn gốc gây hận thù và chiến tranh.
Để tránh rơi vào mê tín và cuồng tín, người theo đạo cần phải tôn trọng sự thật và phải có lòng khoan dung, khi học đạo cần phải sử dụng lý trí và tinh thần khoa học chứ không thể chỉ dựa vào đức tin mà thôi. Người tu mà mê tín, cuồng tín, chấp pháp chấp ngã và ngu xuẩn đến nỗi đi đến hận thù bất cộng đái thiên với nhau thì thà là người vô thần còn tốt hơn là hữu thần. Ít ra người vô thần không có hận thù tôn giáo còn người hữu thần thì thường nhân danh Thượng Đế và Đạo để gièm siểm hoặc tiêu diệt lẫn nhau.

Và nếu như những gì tôn giáo nói đều toàn là những giáo điều huyễn hoặc thì câu nói của Karl Marx: "tất cả tôn giáo đều là thuốc phiện" cũng không phải là sai.