Sự thật về "Minh Mạng thang"



“Minh Mạng thang” - một bài thuốc đông y được cho là liên quan đến sự nhiều vợ, đông con của Vua Minh Mạng triều Nguyễn - hiện đã được một công ty dược sản xuất đại trà hơn chục năm nay.


Tuy nhiên đến thời điểm này, có hay không “Minh Mạng thang” trong lịch sử vẫn đang còn là một dấu hỏi.
43 phi tần và 142 con
Theo Nguyễn Phúc Tộc Thế phả (NXB Thuận Hoá, 1995), Vua Minh Mạng sinh năm 1791, tên là Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ tư của Vua Gia Long. Ông lên ngôi vua năm 1820, lấy niên hiệu là Minh Mạng.
Cho đến nay, không có tài liệu cho biết cụ thể và chính xác chân dung, thể lực của ông thế nào ngoài các thông tin: “Thông minh, hiếu học, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung; rất siêng năng, thức khuya, dậy sớm xem xét công việc, có khi thắp đèn đọc sớ chương các nơi gửi về đến canh ba mới nghỉ”.
Nơi đây, ngày xưa là chỗ làm việc của Thái y viện triều Nguyễn. Ảnh: H.V.M
Trong cuốn “Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn” do Nguyễn Viết Kế sưu soạn (NXB Đà Nẵng, 1996; trang 22) viết: “Bình nhật, khi nghỉ ngơi, vua có 5 bà vợ hầu hạ: Một bà vấn thuốc têm trầu, một bà quạt, một bà đấm bóp, một bà ru và một bà để sai vặt.
Mỗi đêm, vua cho thái giám gọi 5 bà vào hầu. Mỗi bà một canh. Hết 5 canh thì danh sách các bà được chuyển giao cho Tôn Nhơn phủ giữ để tiện theo dõi việc khai hoa nở nhụy của các bà sau này”. Và theo danh sách này, Vua Minh Mạng có “quan hệ” với 43 phi tần và sinh hạ được 142 người con, trong đó có 78 hoàng nam, 64 hoàng nữ. Ông cũng là vị vua có nhiều phi tần và đông con nhất trong số 13 vua triều Nguyễn.
Tương truyền rằng, để Vua Minh Mạng có “sức đàn ông” phi thường, các ngự y trong triều đã nghiên cứu, bào chế những bài thuốc có tính năng tráng dương bổ thận cho thiên tử dùng. Các bài thuốc đó, ngày nay còn lưu truyền với tên gọi “Minh Mạng thang” gồm 20 bài (có tài liệu ghi 24 bài).
Trong đó, hai bài nổi tiếng nhất, được các thầy thuốc dùng chữa bệnh nhiều nhất hiện nay là “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” (một đêm quan hệ 6 lần sinh 5 con trai) và “nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử” (một đêm quan hệ 5 lần sinh 4 con trai). Xem ra Vua Minh Mạng cũng không thua kém gì thần Hercule trong thần thoại Hy Lạp: Một đêm quan hệ với 50 phụ nữ và có đến... 49 cô thụ thai(!).
Một bác sĩ Tây y cho rằng câu chuyện “lục giao” hay “ngũ giao” chỉ là sự ngoa dụ thường thấy trong lối văn cổ, vì đó là điều không tưởng. Bởi theo ông, mỗi lần giao cấu, con người chỉ bắn tinh khí ra khoảng 2 – 4ml và muốn làm thụ thai, mỗi mililít tinh khí phải chứa 100 triệu tinh trùng và số tinh trùng quái dị phải dưới 20%. Khối lượng và sự đậm đặc của tinh khí thường giảm xuống mau chóng sau nhiều lần giao cấu liên tục. Như vậy trong một đêm 5 lần 6 lượt tính giao thì những lần sau chỉ có mà... bắn súng nước!
Chân dung Vua Minh Mạng.
Tuy vậy, với tên thuốc và những dữ liệu liên quan đến chuyện phi tần, con cái của Vua Minh Mạng, nhiều người tin rằng “Minh Mạng thang” là một loại “dâm dược” kiểu như Viagra có thể giúp họ cải thiện bản lĩnh đàn ông. Mấy chục năm qua, không chỉ ở Huế mà khắp nơi trong Nam ngoài Bắc, cửa hàng đông dược nào cũng có riêng cho mình mấy bài “Minh Mạng thang” và sẵn sàng bốc cho ai có nhu cầu về ngâm rượu uống. Rượu “Minh Mạng thang” pha sẵn bán lẻ theo “xị” cũng có thể được chào hàng ở các quán rượu của nhiều địa phương.
Tại Huế - “quê hương” của “Minh Mạng thang” - năm 1998, Cty dược phẩm Thừa Thiên – Huế đã chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học: “Nguồn gốc bài thuốc “Minh Mạng thang” và đề xuất các bài thuốc phù hợp trong sản xuất rượu Minh Mạng”, sau đó cho sản xuất đại trà rượu này để bán ra thị trường. Mấy năm trước, “Minh Mạng thang” của Cty dược phẩm Thừa Thiên – Huế còn là sản phẩm “đặc thù” để làm quà tặng cho khách quý trong, ngoài nước của tỉnh.
Chưa tìm thấy nguồn gốc
“Minh Mạng thang” nổi tiếng là vậy, nhưng cho đến nay, các lương y ở Huế và cả nước chưa ai tìm thấy xuất xứ, nguồn gốc của bài thuốc. Nguyên nhân được lý giải rằng “Minh Mạng thang” là bài thuốc thuộc loại tối mật của triều đình nhà Nguyễn do các ngự y trong thái y viện bốc riêng cho vua, không ai được phép bắt chước, kể cả đại quan cận thần. Tuy nhiên, do thấy rõ công hiệu phi thường của “Minh Mạng thang” nên một số quan lớn trong triều đã “móc” nối với các ngự y trong thái y viện để lén lút sao phái thuốc đưa ra ngoài.
Bởi vậy các bài “Minh Mạng thang” được sử dụng lâu nay ở Huế chủ yếu là từ lưu truyền của một số gia đình và... sao chép trên các báo và tạp chí! Lương y Phan Tấn Tô - Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên – Huế - cho biết, lần đầu tiên ông tiếp xúc với phương thuốc “Minh Mạng thang” là từ sách “Những phương thuốc bổ và trường xuân trong y học cổ truyền Đông phương” của lương y Lê Văn Sơn, NXB Sông Bé, 1987. Còn theo tài liệu của chúng tôi, bài “Minh Mạng thang” được công bố sớm nhất là trên nhật báo Sống, Sài Gòn, 27.4.1968, gồm 25 vị thuốc.
Hiện tại, Hội Đông y Thừa Thiên – Huế đang thực hiện đề tài “Thu thập, biên dịch và đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn” theo đặt hàng của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhằm chuẩn bị việc phục hồi mô hình thái y viện, đưa vào khai thác du lịch.
“Chúng tôi đã lục tung tất cả các thư tịch liên quan đến thái y viện, thậm chí đã tiếp xúc với 300 châu bản là các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn, trên đó có châu phê và chữ ký của các ngự y, hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, nhưng vẫn không tìm thấy bài “Minh Mạng thang” - lương y Phan Tấn Tô nói. Trước đó, ông cũng đã tiếp xúc với các châu bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV ở Đà Lạt, nhưng kết quả cũng không có gì mới.
Vậy nên không lạ lắm khi nhiều người nghi ngờ về sự tồn tại và tính chân xác của “Minh Mạng thang”. Lương y Thích Tuệ Tâm - Giám đốc Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa ở Huế - là một trong những người sưu tầm được nhiều nhất các dị bản “Minh Mạng thang” (17 bài).
Ông cũng thường xuyên sử dụng hai bài “nhất dạ...” vừa kể để bốc cho người bệnh có nhu cầu từ nhiều năm nay. Ông bình luận: “Về mặt tính dược, đây chỉ là một bài thuốc thông thường, có chức năng bồi bổ khí huyết, bổ thận, tráng dương, không phải là thuốc hứng dục kiểu như Viagra hiện nay, nên không có gì đặc biệt lắm vì thuốc bổ thận tráng dương thì đông y có nhiều bài, trong đó có bài còn hay hơn Minh Mạng thang nhiều”.
Thêm nữa, trong hai bài “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” và “nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử”, thì chỉ có bài thứ hai (ngũ giao...) có nhiều vị thuốc thiên về bổ thận tráng dương. Còn bài đầu tiên (lục giao...) lại thiên về thu phong trừ thấp với nhiều vị thuốc trị đau lưng, nhức mỏi gân cốt. Ông phỏng đoán: “Theo tôi, việc Vua Minh Mạng có nhiều phi tần và sinh nhiều con, có thể là do ông bẩm sinh cường tráng và có năng lực đặc biệt trong chuyện đó chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào những bài thuốc này, có thể do đời sau gán vào cho ly kỳ mà thôi”.
Lương y Thích Tuệ Tâm một lần nữa khẳng định: “Minh Mạng thang” không phải là “dâm dược” mà là một bài thuốc bồi bổ nguyên khí, bổ thận tráng dương rất tốt cho sức khoẻ, dù trẻ hay già, có bệnh hay không có bệnh. Tuy nhiên, đây là bài thuốc cần có sự gia giảm tuỳ theo thời tiết và thể trạng của từng người (ví dụ mùa đông thì tăng thêm các vị nóng; người yếu thận thì phải tăng thêm các vị bổ thận; người không yếu thận nhưng bị phong thấp thì giảm bổ thận, tăng vị chống nhức mỏi...), nên muốn sử dụng hiệu quả thì phải tìm đến thầy thuốc bắt mạch kê đơn. Còn uống rượu sản xuất đại trà, hoặc tự mua về ngâm rượu uống thì hầu như không có tác dụng, và có khi còn tác dụng ngược...”.
Vậy là có hay không “Minh Mạng thang”, đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Nhiều vị lương y cho rằng việc tìm ra nguồn gốc “Minh Mạng thang” là cần thiết. Tuy nhiên, việc cần thiết hơn bây giờ là tìm hiểu logic chung của tất cả các bài thuốc có tên “Minh Mạng thang” được lưu truyền lâu nay để trên cơ sở đó không phủ nhận chúng và tìm cách để bài thuốc đó phát huy hiệu quả tốt hơn nữa.
Hoàng Văn Minh - LĐ