Ngày tận thế theo quan điểm của Phật giáo
Nguồn: http://dobatnhi.wordpress.com/2012/0...iem-phat-giao/

Chúng ta thường nghe các tín đồ Ki-tô giáo nói về ngày tận thế, về ngày phán xét, về sự hủy diệt hàng loạt… nhưng lại ít thấy kinh sách Phật giáo nói đến điều đó. Vậy thì Phật giáo quan niệm thế nào về sự hủy diệt của Trái đất trong quá khứ và tương lai?

Chu kỳ vũ trụ của của Phật giáo

Trong cách đo lường thời gian hiện đại, để định nghĩa một chu kỳ dài, thay vì nói 10 năm người ta gọi là 1 thập niên, 100 năm được gọi tắt thành 1 thế kỷ… tương tự, để tính những chu kỳ dài người Ấn Độ cổ đại gọi là “kappa” – tiếng Việt dịch là “kiếp”.

Có tất cả 3 loại chu kỳ (kiếp) thời gian được định nghĩa trong các kinh sách Phật giáo:

- Maha Kappa: Một chu kỳ lớn của vũ trụ gọi là Đại Kiếp;

- Antara Kappa: Nhỏ hơn Đại Kiếp là Trung Kiếp;

- Ayu Kappa: Nhỏ hơn Trung Kiếp là Tiểu Kiếp (hay Kiếp Người);

Thời gian của mỗi chu kỳ dài bao nhiêu năm?

* Ayu Kappa (Tiểu Kiếp): Trong tiếng Pali, chữ “ayu-kappa” theo nghĩa gốc có nghĩa là vòng đời hay tuổi thọ của một con người.Chu kỳ của Tiểu Kiếp chuyển từ cao đến thấp rồi đi từ thấp đến cao.

Vũ trụ sẽ bắt đầu chu kỳ Tiểu Kiếp với tuổi thọ con người là 84.000 tuổi, sau 100 năm sẽ giảm đi 1 tuổi, giảm đến khi còn thọ mệnh 10 tuổi thì chấm dứt giai đoạn đầu của chu kỳ Tiểu Kiếp (được gọi là “giảm kiếp”). Sang giai đoạn thứ hai, từ 10 năm, thọ mệnh của con người sẽ tăng dần đến 84.000 tuổi (được gọi là “tăng kiếp”) và đến đây 1 chu kỳ của Tiểu Kiếp sẽ kết thúc. [1]

Vào giữa giai đoạn chuyển tiếp giữa “giảm kiếp” – “tăng kiếp” tuy không tận thế nhưng loài người sẽ trải qua những đại nạn khủng khiếp như đói kém, dịch bệnh và chiến tranh; các tai kiếp này sẽ giết chết hơn 2/3 dân số trước khi chuyển qua giai đoạn “tăng kiếp”.

Theo cách tính trên thời gian của một chu kỳ Tiểu Kiếp là ((84.000-10)*2)*100 = 16.798.000 năm. [2]

* Antara Kappa (Trung Kiếp): Một chu kỳ của Trung Kiếp dài bằng 20 Tiểu Kiếp, khoảng 334 triệu năm.

Một chu kỳ của Trung Kiếp lại được chia ra làm 4 giai đoạn Thành (hình thành), Trụ (tồn tại), Hoại (hủy hoại), Không (thành hư không). [4]

- Thành Kiếp: Trong giai đoạn sơ Thành địa cầu có thể lỏng và thể khí, và từ thể lỏng khô cứng dần dần. Vì vậy mà người không thể ở được.

- Hoại Kiếp: Đến giai đoạn “Hoại”, trái đất bị phá hoại kịch liệt, dữ dội, người cũng không thể ở được. Theo sách nói, trong giai đoạn này, trái đất phải trải qua 49 lần hỏa tai lớn, 7 lần thủy tai lớn, một lần gió bão lớn (phong tai), sau đó đất bị băng hoại.

- Không Kiếp: Sau khi “Hoại kiếp” kết thúc thì bắt đầu “Không kiếp”, là kiếp không có vật gì tồn tại, thời kỳ này kéo dài 20 tiểu kiếp.

- Thành Kiếp: Sau chu kỳ Không Kiếp kéo dài, một địa cầu mới lại dần dần hình thành, vạn vật bắt đầu sinh sôi nảy nở.

Đại kiếp: Bốn trung kiếp gộp lại thành một đại kiếp, dài khoảng 1 tỷ 344 triệu năm.



Theo Kinh Phật, chúng ta đang ở vào chu kỳ của Tiểu Kiếp thứ 9, còn đến hơn 8 triệu năm mới hoàn thành Tiểu Kiếp thứ 9.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, tuổi thọ trung bình của nhân loại hiện nay (2009) là 69 tuổi [3]. Tức là chúng ta đang ở vào giai đoạn cuối của chu kỳ giảm kiếp và chỉ còn khoảng 5.900 năm nữa ½ giai đoạn của Tiểu Kiếp thứ 9 sẽ kết thúc. Tuy nhiên, cách tính này có thể gặp phải sai sót do cách quy đổi thời gian ở hiện tại – quá khứ và nó có thể đến sớm hoặc trễ hơn.

Do chúng ta đang ở Tiểu Kiếp thứ 9 nên còn 11 Tiểu Kiếp nữa mới hoàn thành chu kỳ 20 Tiểu Kiếp, tức là còn cách ngày tận thế khoản hơn 2 triệu năm. Nhưng điều đó không phải là tương lai sắp tới sẽ toàn màu hồng.

Theo Du Già Sư Địa luận, khi thọ mệnh của nhân loại giảm còn 30 tuổi (khoảng 3.900 năm nữa), sẽ xảy ra nạn đói kém dài trong bảy năm bảy tháng bảy ngày. Khi đó trời hạn hán quanh năm, nước ngọt biến mất, các loại ngũ cốc không thể nào trồng được… nên loài người chết đói vô số, xương phơi trắng đồng.

Khi thọ mệnh giảm còn 20 tuổi, lại xảy ra các trận đại dịch bệnh truyền nhiểm kéo dài trong bảy tháng bảy ngày, xác người chết ngập tràn từ thôn quê ra thành thị.

Đến khi tuổi thọ còn 10 tuổi, con người mới sinh ra đời liền biết đi, được vài tháng thì hệ sinh dục phát triển. Thời đó ngũ cốc mất mùa quanh năm, người ta sống bằng lúa lép và cây cỏ, không còn vải vóc để mặc… Nhiều thứ như mật, mía, dầu, muối… đều tuyệt chủng. Người ta lấy xương người chết phơi khô để thiết đãi nhau khi có tiệc tùng.

Thời này người ta đối đãi nhau bằng cái tâm sân hận. Trong gia đình cha con, anh em, vợ chồng… không còn hòa thuận; bên ngoài thì chiến tranh, cướp bóc, loạn lạc nỗi lên như ong. Rồi trong bảy ngày, nhân loại chìm trong cơn điên chém giết… người hung dữ nhìn thấy ai cũng là kẻ thù và tìm cách giết nhau bằng gạch, đá… người hiền lương thì chạy trốn vào rừng sâu núi thẳm. Bấy giờ thế giới chìm trong đống tro tàn đổ nát, đi ngàn dặm không nhìn thấy bóng người.

(còn tiếp)