Tia đất và"thầy phù thủy" Vũ Bằng


- Cuối năm 2009, tại Cục Địa chất Khoáng sản đã có Hội thảo về ‘Áp dụng phương pháp “Địa bức xạ” (tia đất) do tiến sĩ Vũ Văn Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nghiên cứu môi trường tia đất bảo vệ sức khỏe, báo cáo. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông. Sau đây là bài lược ghi cuộc nói chuyện đó. Có thể có một vài khái niệm, hiên tượng hay sự lý giải mới lạ, mang tính huyền bí, mong độc giả tham gia thảo luận.

PV: "Địa bức xạ" có phải là hiện tượng mới không, thưa ông?

TS Vũ Văn Bằng (TSVB): “Địa bức xạ còn có cách gọi phổ biến là tia đất của các nhà thăm dò tài nguyên khoáng sản. Đó là tổng hợp các tia phát ra từ vỏ cứng của trái đất lên mặt đất dưới dạng khác nhau. Nó bao gồm các bức xạ điện từ, hay tia phóng xạ nói chung, các dao động từ trường và trọng trường, các khí chất hóa học, mạch nước ngầm và nhiều người cho rằng có cả các tia từ mồ mả hài cốt nữa… Đây là phạm trù mới và hấp dẫn đang được nhiều nhà nghiên cứu ở các quốc gia khác nhau quan tâm.



Ông Vũ Văn Bằng báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dược


PV: Địa bức xạ có hại hay có lợi, thưa ông?

TSVB: Trong khoa học, địa bức xạ được các nhà thăm dò địa chất dùng như một công cụ để tìm kiếm kim loại, đá quý, khoáng sản, nước ngầm và các dị thường khác trong cấu tạo địa chất. Điều đó rõ ràng là có lợi.

Song trong đời sống bình thường, người ta còn quan tâm đến tác dụng của địa bức xạ (hay “tia đất”) đối với sinh hoạt của con người, như sức khỏe chẳng hạn. Và về mặt này, nó có hại nhiều hơn có lợi.

Ví dụ có những đoạn đường giao thông thường hay xảy ra tai nạn, như trên đoạn đường Pháp Vân – Cầu Giẽ (quốc lộ 1) tai nạn giao thông xảy ra với tần suất cao bất thường (18 vụ/năm). Nếu hiện tượng đó liên quan với tia đất, thì rõ ràng đó là cái hại của tia đất.

Một nạn nhân kể lại rằng, khi đi qua những đọan đường đó, trạng thái tâm thần của họ rất lạ. Họ không thể làm chủ được mình, không điều khiển được phương tiện giao thông vào đúng tuyến. Nhà Vật lý nổi tiếng GS.TS Lotz, Đại học Xây dựng Bibersesh, CHLB Đức, đã tiến hành khảo cứu tai nạn tại những nơi thường xảy ra tai nạn, ông kết luận: “Nguyên nhân gây tai nạn ở những nơi ấy là do tia đất”.

Tia đất có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Có nhiều trường hợp vị trí giường ngủ của các gia đình Việt Nam kê ở vị trí “đón nhận” các tia đất khiến người nằm giường đó ở trạng thái ốm không ra ốm, khỏe không ra khỏe. Tình hình sức khỏe của họ có thể được cải thiện sau khi tiến hành điều chỉnh vị trí của giường ngủ để tránh các tia đất này.

PV: Ông có thể nói rõ hơn, thưa ông?

TSVB: Theo nhà vật lý Paul Sheizer, từ độ sâu 500 mét, tia đất phát ra, xuyên lên mặt đất và tác động có chiều cao tới 30 mét tính từ mặt đất trở lên. Rất nguy hiểm nếu giường ngủ đặt ở vị trí có tia đất xấu.

“Bán cầu não phải của con người rất nhạy cảm với từ trường, nó có thể điều chỉnh và đối phó với các biến đổi ngoại lực. Nhưng vượt quá mức cảm thụ, nó sẽ phát tín hiệu về tuyến thượng thận tiết ra adrenalin làm cho nồng độ hocmon này tăng đột ngột trong máu, khiến các mao mạch co cụm thành các quần tụ ngưng kết làm máu lưu thông chậm, không đủ oxy cung cấp lên não. Não không đủ tỉnh táo, thiếu hành vi làm chủ” – TS V. Khaxnulin cho hay.

PV: Đất ở có thể xấu với gia đình này tốt với gia đình kia không, thưa ông?

TSVB: Không. Tôi đã đo đạc, khảo sát và xử lý tia đất xấu cho hàng nghìn gia đình, cơ quan, trường học… trên khắp cả nước ta. Theo tôi chính tia đất là một dạng môi trường sống. Nếu gặp khoảnh đất có tia đất tích cực, thì người ở đó khỏe mạnh. Gọi là ‘đất lành’, thậm chí là nơi ‘địa linh nhân kiệt’. Trường hợp khoảnh đất có tia đất không lành mạnh, người ở đó sức khỏe giảm sút, ốm đau, bệnh tật, gọi là đất dữ, đất xấu. Cả hai điều không do thánh thần, ma, quỷ, không do động mồ động mả,… không có gì huyền bí. Nó là dạng môi trường ẩn (cảm giác của con người không nắm bắt được).



Máy dò địa bức xạ (tia đất). Ảnh: Nguyễn Dược


PV: Vậy làm thế nào để nhận biết các loại tia đất?

TSVB: Nhận biết tia đất tiêu cực đâu có khó. Cách đơn giản nhất là theo dõi giấc ngủ của chính mình. Nếu ngủ không sâu, chập chờn, trằn trọc, khó thở, ác mộng,… Trong nhà luôn có người mệt mỏi, khó chịu, tính tình không ổn định, sức khỏe suy giảm mà không tìm ra nguyên cớ. Cách khác là hãy quan sát vật nuôi trong nhà: Mèo thích nằm nơi có tia đất xấu; chó thì ngược lại. Tia đất xấu khiến các loại virút, vi khuẩn phát triển; kiến, mối, ong đến làm tổ. Gà, vịt, chim, nhất là cò tránh xa nơi có tia đất xấu (đất lành chim đậu).

Nơi có nhiều sấm sét không nên dựng nhà và hạn chế đến đó. Nơi có nhiều quặng sắt, bauxit, nên tránh làm nhà ở. Dấu hiệu khác: Cây ăn quả chỉ ra hoa, không kết trái, nơi đó có tia đất xấu. Ở đâu cây khô cằn, cỏ lác mọc nhiều mà vàng úa ở đó có lượng phóng xạ cao. Ngoài ra người ta còn bảo nếu dưới mặt đất có hài cốt, là nguồn sinh ra tia đất có độc hại không thua kém tia đất có nguồn gốc từ phóng xạ, hóa chất.

PV: Có thể hóa giải được tia đất xấu không, thưa ông?

TSVB: Tại Ba Lan người ta đã xóa bỏ sân vận động quốc gia Warszawa vì có tia đất xấu mạnh. Tại Đức, Ba Lan giải trừ tia đất xấu trong nhà bằng thạch anh, ametist, germa, thạch cao hoặc chất dẻo đặc biệt, vòng kim loại thu và dẫn tia đất ra ngoài. Thậm chí người ta còn đề xuất người bán nhà đất phải có giấy chứng nhận không có tia đất độc hại. Tại Việt Nam, chúng tôi dùng than hoạt tính, thay cho các chất kể trên.

Phát hiện tia đất xấu trong nhà đang ở, xử lý bằng cách đặt những giỏ than hoạt tính vào vị trí ấy. Nhiều người có kinh nghiệm nếu nghi dưới nền nhà có hài cốt, không cần thiết phải di dời, dùng chất có ái lực hóa học cao, đặt dưới gạch lát nền, trên vị trí có hài cốt đã phát hiện và định vị.

PV: Trong quá trình nghiên cứu và thực hành, ông thấy việc làm nào của mình để lại những ấn tượng khó quên?

TSVB: Có nhiều, song ấn tượng nhất là những công trình sử dụng nguyên lý địa bức xạ, dò tìm, phát hiện nước ngầm cho nhiều vùng khan hiếm nước suốt từ Bắc vào Nam, nhất là vùng sâu, vùng xa, hải đảo, như Côn Đảo, Bạch Long Vĩ, Quảng Bình,…

Từ những kiến thức về tia đất có thể giải thích rất khoa học về một số nội dung chính của phong thủy cổ truyền Trung Hoa. Dựa trên hiện tượng vật lý có thể giải thích được nguyên nhân của các khái niệm mê tín dị đoan về “quỷ trạch”, “đất dữ”, “nhà có ma”, người bị quỷ ám… Nếu hiểu được những điều đó, nhân dân không còn bị các “thầy cúng”, “thầy bói”, “thầy phong thủy”, “thầy tướng số”, “thầy địa lý” lừa bịp, hù dọa, khiến không ít người hoang mang, rơi vào mê tín, dị đoan và vì không có cơ sở khoa học, các thầy đâu có “chữa” được triệt để.

PV: Cảm ơn ông!


Nguyễn Dược