Diện kiến “người giời” trị bệnh ung thư



(VTC News) - "Thần y" phân trần do thuốc có hiệu nghiệm với bệnh ung thư, các loại u, đặc biệt là u vú, nên tiếng lành đồn xa, bệnh nhân cứ kéo đến ùn ùn(?!).




Tôi ngồi xếp hàng cùng với các bệnh nhân ở dưới sân cả tiếng đồng hồ mà không thấy “thần y” xuất hiện.



“Thần y” Phùng Đắc Chung ngồi trong phòng khám bệnh, là căn phòng đầu tiên của dãy nhà khám chữa bệnh “nội trú”. Không thấy ai dám lại gần ngó nghiêng phòng khám bệnh của "thầy". Chỉ những người được gọi mới hồi hộp đi vào.



Có hai người phục vụ “thầy”, một là em rể, làm nhiệm vụ lấy đơn thuốc từ “thầy”, rồi bốc thuốc, đóng gói, thu tiền. Một người là phụ nữ, làm nhiệm vụ gọi bệnh nhân theo số thứ tự.






Bệnh nhân ung thư mê muội tin vào "thần y" Chung.


Ngôi biệt thự của “thầy” có một cửa sau, người em rể của “thầy” nhận đơn thuốc, rồi đi lối cửa sau, lấy thuốc trong một kho lớn được xây dựng ngay phía sau biệt thự của “thầy”.



Cứ khám bệnh, bốc thuốc xong cho 10 bệnh nhân, người phụ nữ lại gọi 10 người tiếp theo. Những bệnh nhân được gọi liền lên hiên nhà “thầy” ngồi. Họ đều mang khuôn mặt rất thành kính.



Theo quan sát của tôi, những người được gọi lên hiên ngồi đều tự động đi vào ban thờ nhà “thầy” ở phòng khách, rồi bỏ vào chiếc khay, ít nhất là 20 ngàn đồng, rồi rón rén đi ra thật nhanh.



Ai chưa bỏ tiền lên bàn thờ, sẽ bị em rể của “thầy” nhắc khéo: “Ông này, bà này vào tạ lễ thánh thần đi nào!”. Khi nào tiền đầy khay, anh ta lại đem khay vào buồng xả.



Mang tiếng là khám bệnh miễn phí, chỉ tính tiền thuốc, nhưng thực tế các bệnh nhân lại mất tiền lễ, tốn kém cũng chả khác gì.



Tôi lôi máy ảnh ra chụp tí toách, tức thì hàng chục con mắt đổ dồn lại soi xét. Người phụ nữ làm nhiệm vụ gọi bệnh nhân liền đi vào phòng “thần y” báo cáo sự việc.



Đoán biết có nhà báo, một lát sau, “thần y” đi ra khỏi phòng. Tôi khá bất ngờ vì “thần y” còn rất trẻ. Anh ta đứng trước hiên nói dõng dạc: “Tôi đã bảo các người rồi, bệnh ung thư làm sao chữa khỏi được. Các người không đi bệnh viện, gặp các bác sĩ giỏi mà điều trị, lại cứ tìm đến tôi, rồi làm khổ tôi.






"Thần y" Phùng Đắc Chung.



Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa. Các người không quản ngại xa xôi vất vả đến đây, thì tôi buộc phải chữa trị, chứ tôi cũng chả muốn. Tôi là người theo Phật, tôi có cần tiền đâu.



Sau một đợt điều trị không thấy bệnh tình thuyên giảm thì mời các vị đến bệnh viện mà chữa, đừng tìm đến đây nữa. Còn uống thuốc của tôi mà đỡ thì hãy uống tiếp, kẻo tốn tiền.



Những cụ già trên 70 tuổi, trẻ em dưới 10 tuổi, những người có hoàn cảnh đói nghèo, nhiễm chất độc da cam, thương bệnh binh thì tôi điều trị miễn phí…”.



Nghe “thần y” nói thế, ai cũng xúc động. Một bà ghé tai tôi bảo: “Đúng là người nhà giời. Vừa tốt bụng, vừa khiêm tốn. Thần y không như những ông lang vườn khác, cứ tâng bốc tài nghệ của mình”.



Sau khi phát biểu xong, “thầy” tiếp tục vào phòng khám bệnh, bốc thuốc. Người phụ nữ tiến về phía tôi hỏi han. Tôi nói thẳng là nhà báo, đến tìm hiểu chuyện chữa bệnh của “thần y”, tức thì chị ta mời vào phòng khách ngồi uống nước cho mát mẻ.



Ngồi chờ một lát thì “thần y” vào tiếp tôi. Một số bệnh nhân ngồi chờ dài cổ giữa trưa nắng tỏ ra bực dọc vì tôi “cướp” mất thời gian quý báu của “thầy”.







“Thần y” Phùng Đắc Trung sinh năm 1974, khá đẹp trai, phong độ, lại ăn nói dễ nghe. Anh kể rằng, nghề bốc thuốc của gia đình anh có từ thời ông nội. Ông nội truyền nghề cho bố Đắc. Bố Đắc truyền lại nghề cho Đắc và người anh cả.





Ông nội anh học được nghề từ đâu thì anh cũng không rõ, nhưng có một cuốn sách thuốc truyền lại, thế là đời sau cứ vận dụng theo sách mà làm.



Phùng Đắc Chung cũng nói rằng, ngày trước, gia đình quá nghèo, anh chỉ được học hết lớp 4, nên những chuyện lớn lao như giải phẫu học anh ta không biết gì.



Anh ta bảo rằng, do thuốc có hiệu nghiệm với bệnh ung thư, các loại u, đặc biệt là u vú, nên tiếng lành đồn xa, bệnh nhân cứ kéo đến ùn ùn, trong khi anh ta không quảng cáo rùm beng gì cả.



Tôi hỏi về thành phần hóa học của những bài thuốc mà anh ta dùng để điều trị ung thư, vị “thần y” này nói : “Quả thực em không được học hành gì nên em cũng không biết thành phần của nó ra sao nữa.



Những loại cây thuốc đều được người trong gia đình em lấy ở tận trong rừng về chế biến, nên không độc hại gì. Em cũng không khẳng định chắc chắn có chữa khỏi được ung thư không, nhưng thấy mọi người đều bảo bệnh tình có biến chuyển rất tốt”.



Sau khi kể lể những chuyện như đoàn người toàn ung thư thuê ôtô từ mãi Tây Nguyên ra chữa bệnh, rồi cho tiền người bệnh nghèo đi về, miễn phí thuốc cho các nhà sư, người chính sách… “thần y” quay sang nói chuyện Phật giáo. Khi bàn đến những giáo lý Phật pháp, “thần y” này nói cứ như một vị chân tu thực sự.



Có lẽ, chính cái “khẩu Phật” của “thầy”, đã khiến những người bệnh mê muội. Còn cái tâm của “thầy” thế nào, có giời mới biết, bởi hàng ngàn bệnh nhân ung thư đã lãng phí tiền bạc, công sức để làm giàu cho “thầy”


TS Nguyễn Bá Đức, Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội đã rất bực mình trước cách chữa bệnh ung thư quái dị của ông lang Phùng Đắc Chung. Khoa Giải phẫu bệnh – tế bào của Bệnh viện K đã phải đón tiếp cả trăm bệnh nhân với những vết lở loét trên cổ, phần lớn là trên ngực chị em phụ nữ. Nhiều bệnh nhân, sau khi được ông lang Chung điều trị, Bệnh viện K phải rất vất vả phẫu thuật lại, song vẫn để lại sẹo to đùng ở bầu vú. Có trường hợp chỉ là viêm tuyến vú, uống thuốc là khỏi, nhưng ông lang Chung cũng kết luận bị ung thư vú, rồi dùng kim chọc vào chỗ viêm, đắp thuốc, gây nhiễm trùng, lở loét nghiêm trọng.



Còn tiếp…



Phạm Ngọc Dương